Bùi Quang Vơm
Ngày 25/10/2018, chỉ hai ngày sau khi tuyên thệ kiêm luôn chức Chủ tịch nước và chỉ 10 ngày trước chuyến thăm chính thức của Édouard Philippe, Thủ tướng Pháp, ngày từ 02- 04/11, Ban kiểm tra Trung ương ra thông báo kỷ luật Giáo sư Chu Hảo.
Nếu để ý rằng, GS Chu Hảo, tác giả của sáng kiến «Đã đến lúc cần phải đối thoại» từ giữa năm 2016, và ông đương là chủ tịch Hội hữu nghị Việt Pháp, thì thấy cú đánh này là «một đòn chết hai».
Tháng 8 năm 2016, Ông Chu Hảo viết: «Đã đến lúc cần phải đối thoại» sau cái vụ Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái và Trưởng ban tổ chức cán bộ tỉnh Yên Bái cùng bị bắn chết một ngày, bởi ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh.
Ông Chu Hảo viết: «Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính trị - xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm»...«Nguyên nhân gốc rễ của mọi ý kiến bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những điều bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh Đảng CSVN và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam».
Giáo sư Chu Hảo cùng Tiến sĩ Nguyễn Quang A là hai trong những sáng lập viên của Viện IDS (Viện nghiên cứu phát triển), Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Pháp, tác giả của sáng kiến «đối thoại ôn hoà».
Chỉ sau hai ngày nắm toàn quyền sinh sát, ông Trọng chỉ thị Ban Kiểm tra TƯ kỷ luật ông Hảo. Việc làm vội vã này cho thấy ông Trọng có ý định từ lâu. Nỗi hận trí tuệ bị giới trí thức Hà Nội đặt tên Trọng Lú, vốn hành hạ ông Trọng từ hàng chục năm, bây giờ, không còn ai cản đường.
Khi đã nắm toàn bộ quyền trong tay, «Một tay Đảng cương, một tay Pháp quốc», như lời «nịnh thối» của ông Nhị Lê, Phó tổng biên tập báo Nhân dân, ông Trọng có lẽ bắt đầu chiến dịch trả hận?
Người ta nói ông Nhị Lê vô duyên «nịnh thối» vì ông này làm người ta hình dung ông Trọng «tay dao tay thớt» tiêu diệt dân chủ, chém giết tự do như một tên đao phủ.
Đây là sự trả thù thường thấy của kẻ vừa leo lên tột đỉnh quyền lực.
Tần Thuỷ Hoàng ngày trước đốt sách, giết nhà nho chỉ vì «bọn hủ nho mượn những điều trong sách để bàn luận việc vua. Luật Vua ban xuống thì lấy cái học riêng của mình để bàn tán, dè bỉu, phỉ báng, làm khác người để tỏ cái trí của mình hơn vua».
Trước ngày tuyên thệ, luật nằm trong tay nhà nước. Đảng lãnh đạo, nhưng Nhà nước quản lý. Đảng không nhúng trực tiếp được, bây giờ ông Trọng làm cả hai, vừa lãnh đạo vừa quản lý, muốn làm gì thì làm liền cái ấy, nghĩ ra cái gì ở trong đầu là làm, chẳng ai làm gì được, mà lại không trái luật.
Cho nên, dù chính ông Trọng nói với cử tri Hà Nội: «không phải nhất thể mà cũng không phải kiêm nhiệm», chỉ là việc tình huống, nhưng từ nay, khi trong nội bộ đảng không còn đối thủ, thì ngoài xã hội làm sao có thể để hình thành «đối trọng đủ mạnh» để đối thoại ôn hoà như sáng kiến của ông Chu Hảo. Ông Chu Hảo phải bị loại, bị diệt như một kẻ đầu têu trong những kẻ «diễn biến, suy thoái».
Cùng với ông Chu Hảo, đối thoại với đảng cộng sản phải chết. Đó là một cú đánh.
Có thể thấy rằng ông Trọng lú lẫn rất trầm trọng về lý thuyết tiến hoá, về biện chứng các hình thái thể chế, lú lẫn về thị trường định hướng, nhưng lại có một trí nhớ tuyệt vời các mối hận thù. Nhiều người đã bị lừa bởi cái bề ngoài có phần nhà quê, rất «giáo làng» của ông Trọng, mà không biết rằng ông Trọng là người nhớ dai và thù lâu.
Không còn ai nghi ngờ gì về chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải trả giá như thế nào khi «chơi» ông tới mức phải bật khóc trong hội nghị trung ương 6 khoá XI, năm 2012. Đó là mối hận phải trả. Ông Dũng bật khỏi Bộ chính trị, mất chức Thủ tướng.
Cuối tháng 3 vừa rồi, nước Pháp đã làm nhục ông khi làm thủ tục đón ông tại Trung tâm chữa trị và phục hồi chức năng cho binh lính chiến tranh từ thời Napoléon. Chính phủ không một người đón, báo chí lớn không lời bình luận, khiến ông phải bỏ tiền ca ngợi «tình hữu nghị Pháp Việt» trên một trang quảng cáo.
Hãy chờ xem ông Trọng trả món nợ này như thế nào với Thủ tướng Pháp. Hãy cứ tin rằng, với bản tính tiểu nông, với ông Trọng, sẽ không có gì lớn hơn mối hận và tự ái cá nhân.
Bây giờ, ông không chỉ đơn thuần là Đảng trưởng Đảng Cộng sản, ông đã là nguyên thủ quốc gia.
Trước hết, ông Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp Việt Chu Hảo phải bị bãi miễn, vì rất có thể ông Chủ tịch này được gặp và hội kiến trực tiếp Thủ tướng Pháp, hình ảnh độc đảng chuyên chế của ông sẽ được ông Chủ tịch Chu Hảo vẽ ra như thế nào trước mắt một quốc gia thuộc nền dân chủ đa đảng đặc trưng nhất thế giới hiện nay.
Đó là một lý do, nhưng còn một lý do khác, là một kẻ thù của ông Trọng thì không thể được phép hưởng vinh hạnh đó.
Ông Trọng đã từng lập ra một Chính phủ tại phiên họp cuối cùng của Quốc hội XIII chỉ để tước quyền tiếp Tổng thống Mỹ Obama trong tư cách nguyên thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 2/2016. Quốc hội khi đó chỉ còn hai tháng để kết thúc nhiệm kỳ. Cái Nhà nước ấy, gồm từ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ chỉ tồn tại ba tháng. Tiền của dân là rác. Hiến pháp là giấy.
Còn gì nữa, ông Thủ tướng Pháp sẽ được đón như thế nào? Liệu có thể có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra không?
Người ta không quên chuyện Tàu cộng không đưa cầu thang xuống máy bay cho Tổng thống Obama, quên rải thảm lối đi, bà cố vấn Suzan Rice can thiệp thì bị nhân viên bảo vệ gạt cho suýt ngã.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo vừa đến Bắc Kinh, Chủ tịch Tập không tiếp, Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì tránh mặt, Vương Nghị làm việc xuyên trưa nhưng không mời ăn trưa.
Đó là những tiểu xảo thấp hèn của thứ văn hoá ngoại giao trung cổ.
Nhưng nếu báo tử đối thoại, thì đích đến của kỷ luật không chỉ dừng lại ở ông Chu Hảo. Ông Chu Hảo viết bài «đã đến lúc cần đối thoại» vào tháng 8/2016, thì tháng10/2016 , thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh có một chuyến đi Mỹ suốt 8 ngày, từ 22 tới 30/10/2016, một chuyến đi Mỹ dài ngày chưa từng có trước đó, trong tư cách nhân vật số hai có triển vọng thay chân ông Trọng vào giữa nhiệm kỳ. Ông Huynh không gặp Tổng thống, vì Obama mới có chuyến thăm Việt Nam vài tháng trước đó, nhưng ông làm việc với John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao, ông làm việc với cả Quốc hội lẫn Thượng viện, gặp lãnh đạo cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, gặp riêng Bộ trưởng Quốc phòng, gặp riêng Cố vấn an ninh, nhưng không một nội dung nào được báo chí chính thống cả của Việt Nam và Mỹ tiết lộ. Không rõ để làm gì.
Sau đó, vào 18/05/2017, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tuyên bố: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận”.
Quốc hội suốt hai năm không hề có nội dung miễn nhiệm chức vụ đại biểu của ông Huynh. ngành tuyên giáo đang chờ Ban bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc trao đổi và đối thoại với những người có quan điểm khác với Đảng Cộng sản”.
Nhưng sau đó vài tuần, Ông Đinh Thế Huynh biến mất. Hội nghị trung ương 5 khoá XII được đánh dấu là trung ương cuối cùng có mặt của ông Đinh Thế Huynh. Ông không dự hội nghị trung ương 6 vào tháng 10 và biệt tăm từ đấy, cho đến tận tháng 8 năm sau, thì Bộ chính trị mới chính thức thông báo ông nghỉ chữa bệnh dài hạn và vị trí Thường trực Ban bí thư của ông được giao lại cho ông Trần Quốc Vượng.
Cho đến bây giờ, khi cả chức Chủ tịch nước cũng đã lọt vào tay ông Trọng, ông Đinh Thế Huynh vẫn chưa được công bố bệnh gì, tình trạng ra sao, có triển vọng khoẻ lên không, trong khi đó, dù đã hai năm không làm nhiệm vụ gì, hai năm không dự họp Quốc hội, vẫn không một ai nói tới chuyện ông có còn là Uỷ viên Bộ chính trị không, còn là đại biểu Quốc hội không. Báo chí chính thống vẫn chỉ nói Bộ chính trị khuyết hai chỗ, một của ông Đinh La Thăng, một của ông Trần Đại Quang.
Người ta bàn tán rằng, ông Đinh Thế Huynh là phương án thứ hai, phương án đối thoại, và ông Huynh cùng phe với ông Trần đại Quang, người được cho là đã có những thoả thuận tối mật với Tổng thống Mỹ vào tháng 5 năm 2015. Phương án ông Huynh sẽ biến kiến nghị của ông Chu Hảo thành thực tiễn. Đảng cộng sản kêu gọi đối thoại vơí các ý kiến đối lập, mở đường cho việc thay đổi Hiến pháp thừa nhận đa đảng chính trị. Bởi vì, như lời ông Thưởng thì chính ông Huynh là tác giả của bản «hướng dẫn đối thoại giữa đảng và các ý kiến khác đảng», cũng chính là lý do ông khiến ông «bị» vắng mặt từ trung ương 6, rồi đi chữa bệnh đến bây giờ chưa về.
Việc ông chưa «đi», nhưng chưa khỏi bệnh cho thấy thế giằng co giữa Trọng và Huynh, giữa độc đảng và đa nguyên, giữa Tàu và Mỹ. Vì vậy, suốt trong thời gian dài, người ta vẫn chờ đợi tín hiệu «đối thoại», và sự khoẻ lại của ông Huynh.
Từ việc kỷ luật ông Chu Hảo, có thể thấy rằng ông Trọng đã chính thức ra tay với phái «ủng hộ cải tổ triệt để».Trong tình huống căng thẳng Trung - Mỹ đe doạ sự sụp đổ khó tránh của Trung Cộng sắp tới, nếu không đề phòng tới mức cần phải có, tình hình sức khoẻ của ông Huynh sẽ có đột biến xấu đi rất nhanh.
Cả hai nhân vật ký tên trong bản Hiệp định hữu nghị Trung - Việt năm 1990, cái Hiệp định sinh ra 16 chữ vàng, một thứ Hiệp ước Liên minh chính trị, vòng kim cô trói Đảng Cộng sản Việt Nam vào với Đảng Cộng sản Trung Quốc là ông Đỗ Mười và ông Phạm Văn Đồng thì cả hai ông cùng đã chết.
Ông Đỗ Mười đáng lẽ không được chết, nhưng vì ông cũng đã già, hơn trăm tuổi rồi, thuốc tiên cũng không cải lão hoàn đồng được.
Hai cái tên ký trong bản Hiệp định đã chết, lẽ đương nhiên, nhiều người mừng thầm sẽ có cớ để bãi bỏ Hiệp định, hoặc ít nhất thì khi những gì đảm bảo cho Hiệp định đã không còn, cái «thần» của Hiệp định cũng sẽ mờ nhạt đi, không còn là vàng nữa.
Thế mà không phải vậy. Vẫn còn một người không được phép chết nữa là ông Lê Đức Anh. Chính ông này mới là tác giả đích thực của bản Hiệp định 1990. Bệnh đầy người, mắt trái hỏng hẳn, hai lần tai biến máu não, nhưng cũng gần trăm tuổi mà vẫn «thọ» như thường!
Có lẽ thiên triều đúng là con giời, bắt ai chết lập tức chết, nhưng cần ai sống thì cũng không được chết. Ông Mười và ông Anh «thọ» khác thường, trong khi ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang chỉ trên dưới một năm. Ông Lê Đức Anh có «đi» thì vận nước mới đổi?!
Cùng với quyết định kỷ luật chắc chắn khai trừ đảng và cách mọi chức vụ từng có và đang có của ông Chu Hảo, ông Trọng tuyên chiến với toàn bộ giới trí thức tinh hoa của người Việt hiện nay cả trong và ngoài nước. Ông ta đang một lần nữa lặp lại triết lý của Mao Trạch Đông: «trí thức là cục phân». Có thể không sai, những trí thức «bút nô» như kiểu Nhị Lê, Vũ Mão chẳng hạn, có khác gì phân?
Nhưng không còn đối thoại ôn hoà, không có nghĩa là chuyên chế độc tài sẽ thắng.
Trung Quốc cùng với chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa đã trở thành kẻ thù số một của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến tổng lực và toàn diện đang được tổng thống Trump tiến hành, Trung Quốc nói riêng và chế độ XHCN nói chung, thứ chế độ mà trong bài diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25/9/2018, ông Trump đã dõng dạc tuyên bố: «nơi nào nó được thực nghiệm, nơi đó chỉ có chuyên chế và tham nhũng, chỉ có đói khổ và khốn nạn», nó phải bị loại bỏ và sự sụp đổ của nó là không thể tránh khỏi. Chế độ chuyên chế của cộng sản Việt Nam nếu không tìm đường thoát, sẽ cùng chết với Bắc Kinh.
Tiêu diệt đối thoại, ông Trọng tự bộc lộ khát vọng độc tài, trung thành mù quáng với Bắc Kinh, chống lại dòng chảy ngầm trong nội bộ đảng cộng sản, sớm hay muộn tất yếu bị đào thải bởi chính những đồng chí của ông ta.
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
.