Nghị quyết 72/2018/QH14 về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, có câu cuối cùng được đánh chú thích số 5 dành cho Phụ lục 3, ghi: Trong trường hợp có tranh chấp, Việt Nam sẽ không bị trừng phạt thương mại trong vòng 3 năm đối với tất cả các nghĩa vụ và 5 năm liên quan đến 2 nghĩa vụ về “Quyền tự do liên kết” và “Quyền thương lượng tập thể”.
Những món nợ cần phải trảCụm từ “Quyền tự do liên kết” trong CPTPP là thuộc Công ước số 87 [tải về tại: http://bit.ly/2AnkeMy], có tên đầy đủ là “Công ước về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, 1948” (C087 - Freedom of Association and Protection of the Right to Organise Convention, 1948 (No. 87) -http://bit.ly/2BuJ1zI).
Nói một cách khác, quyền thành lập công đoàn/ nghiệp đoàn được hiểu là quyền tự do thành lập hội theo Điều 25, Hiến pháp 2013 [Điều 25. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định]. Giờ đây, khi Quốc hội phê chuẩn CPTPP, có nghĩa Quốc hội phải có trách nhiệm thực hiện một nội dung còn nợ ở vế thứ hai của Điều 25, Hiến pháp: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Pano tuyên truyền của Công đoàn TP. HCM
Như vậy, cho thấy trong Phụ lục 3 “Các bộ luật, luật được sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong hiệp định CPTPP”, ban hành kèm theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội, hiện mới chỉ có 7 Bộ Luật, Luật cần sửa đổi, bổ sung là không thỏa mãn yêu cầu về tính đồng bộ quy phạm pháp luật: (1) Bộ luật Lao động 2012. (2) Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). (3) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). (4) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). (5) Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010). (6) Luật An toàn thực phẩm năm 2010. (7) Luật Phòng, chống tham nhũng (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV).
Phụ lục 3, trong phần yêu cầu về Bộ luật Lao động 2012, có nêu “Rà soát, xem xét sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 sau khi Bộ luật Lao động được sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”.
Người viết cho rằng “để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”, thì cần phải sửa đổi, hoặc bổ sung một số nội dung ở Hiến pháp, và ban hành Luật về Quyền lập Hội, cũng như Luật về Quyền Biểu tình; cũng như xem xét lại một số nội dung của Luật An ninh mạng (hiệu lực từ 1-1-2019) vì không chỉ đe dọa quyền riêng tư của các hội, đoàn dân sự, mà còn có những điều khoản không tương thích với Luật Sở hữu trí tuệ khi thực thi các FTA thế hệ mới.
Sửa đổi điều gì ở Hiến pháp?Điều 9.2, Hiến pháp ghi: “Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Điều 5, Công ước số 87, ghi: “Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động”.
Nếu thực sự tôn trọng thỏa thuận liên quan về quyền của người lao động trong CPTPP và các FTA khác như EVFTA, thì các tổ chức công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập không thể là đơn vị trực thuộc và buộc phải “thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Nói một cách khác, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đều yêu cầu những nước tham gia phải thông qua, và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ.
Đơn cử, Chương 19 về lao động của CPTPP [tham khảo tại http://bit.ly/2KxCFCB] dựa trên Tuyên bố năm 1998 của ILO [*]. Chương này đã đưa ra mối liên hệ giữa việc thực hiện Tuyên bố năm 1998 của ILO với các điều kiện thương mại trong một khuôn khổ thời gian nhất định, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng.
Do đó, từ việc rà soát các nội dung liên quan ở Hiến pháp 2013, sẽ giúp việc xây dựng, sửa đổi các Bộ Luật, Luật tương ứng có tính thực thi đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong các FTA thế hệ mới.
Quyền tự do thành lập hội bao giờ tái khởi động?Sở dĩ gọi là tái khởi động vì dự thảo Luật Về Hội đã được soạn thảo, và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, tháng 11-2016. Tuy nhiên suốt từ đó đến nay dự luật này vẫn ‘chìm’ trong im lặng.
Nhiều luật sư cho biết cho biết từ thời điểm chuẩn bị soạn thảo khởi đầu những năm 90, đến nay là hơn 1/4 thế kỷ dự thảo Luật Về Hội “nâng lên đặt xuống”. Và đây là dự luật dừng ở tầm Hiến định dài nhất về thời gian. Suốt hơn 60 năm quyền lập hội của dân chỉ ở tầm dưới luật.
Theo dự thảo thì Luật Về Hội không áp dụng đối với các tổ chức: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Trong khi đó thì nếu tuân thủ các thỏa thuận liên quan về điều ước quốc tế trong CPTPP, EVTPP cho thấy phải thực thi Công ước số 87; có nghĩa là Việt Nam phải có Luật về Quyền lập Hội để cụ thể hóa thực thi Điều 25 của Hiến pháp 2013, chứ không phải mang tên “Luật Về Hội”.
Bởi luật để thể chế hóa quyền lập hội của công dân; dân có quyền còn nhà nước có trách nhiệm thực thi quyền đó để xây dựng luật. Đặc biệt tổ chức công đoàn không thể nằm ngoài phạm vi của Luật về Quyền lập Hội.
Có lẽ vướng mắc lớn nhất ở đây là các định kiến về tư tưởng. Vẫn có những suy nghĩ thành lập hội một cách tự do và tự nguyện không khác nào việc các cá nhân muốn liên kết và tập hợp lực lượng để tạo sức mạnh chính trị riêng, nhằm đi chệch hướng lãnh đạo của đảng và nhà nước, hay gây sức ép, thách thức quyền lực với chính quyền nhân dân.
Chú thích:[*] ILO (tiếng Anh: International Labour Organization, https://www.ilo.org) là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, tập hợp các đại diện của các Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động đó để thiết lập ra các tiêu chuẩn lao động, các chính sách và đưa ra các chương trình thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả phụ nữ và nam giới. Mục tiêu của ILO là thúc đẩy các quyền trong lao động, khuyến khích các cơ hội việc làm bền vững, tăng cường bảo trợ xã hội và thúc đẩy đối thoại về các vấn đề liên quan đến công việc.
Hội nghị lao động quốc tế lần thứ 86 họp tại Geneve tháng 6 năm 1998 đã thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, xác định bốn nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động, bao gồm: quyền tự do liên kết và thỏa ước lao động tập thể; quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động; xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em; quyền được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
Bốn quyền và nguyên tắc cơ bản trên được thể hiện trong bốn cặp công ước của ILO, gồm: Công ước 87 và 98 về tự do liên kết và thỏa ước lao động tập thể; Công ước 29 và 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc; Công ước 138 và 182 về xóa bỏ lao động trẻ em; Công ước 100 và 111 về xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
Bốn cặp công ước này được gọi với các tên khác nhau như: các tiêu chuẩn lao động cốt lõi (core labour standards), các nguyên tắc và quyền lao động nền tảng (fundamental rights and principles), các tiêu chuẩn lao động được quốc tế thừa nhận (internationally recognized labour standards), các công ước nhân quyền trong lao động (human rights labour conventions).
N.H.P.
VNTB gửi BVN