Nhà báo Roger Cohen coi Thượng nghị sĩ John McCain ở tư cách là một người mà sau khi chết vẫn là tấm gương chói lọi đối nghịch với Donald Trump.
Thần Chết cũng không vượt qua nổi nỗi khinh miệt mà hai con người này dành cho nhau. John McCain Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa, Bang Arizona, mất ngày thứ bảy vừa qua sau cuộc đấu tranh của ông chống lại căn bệnh u não, đã hết mình vì tất cả những gì mà Tổng thống Donald Trump muốn phá: Khối liên minh Vượt Đại Tây Dương. Cứng rắn với nước Nga của Vladimir Putin. Một trật tự quốc tế dựa trên những quy tắc chung. Tiếng nói của nước Mỹ ở tư cách là lời thú nhận thật sự vì Tự do. Danh dự, lịch thiệp và trách nhiệm là những lý tưởng mà John McCain dựa lên đó để xây dựng cuộc đời mình mà ông cũng hiểu là nghiệp. Nhưng đó lại là những khái niệm chẳng có nghĩa gì với Donald Trump.
John McCain là tù binh hơn năm năm sau khi vào năm 1967 trong chuyến bay ném bom thứ 23 của ông ở Bắc Việt Nam, ông bị bắn rơi. Ông biết những điểm tột cùng của trải nghiệm đời người. Bởi vậy ông tràn trề nhân tính và quyết tâm mà nó vượt ra ngoài tất cả những toan tính chính trị - điều này cùng chẳng làm giảm đi niềm đam mê đấu tranh có thể dẫn đến chứng thích tranh luận. Ông là người có niềm tin. Ông thích sai hơn là thua cuộc. Trái lại Trump là con nhà giàu thuộc khu phố Queens thành phố New York trốn lính trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thuê bác sĩ chứng nhận mình bị cựa ở gót chân. Chưa bao giờ Trump, con người không nguyên tắc, chịu dừng bước trước lương tâm của mình.
Trump đã từng gọi McCain là “thằng ngu”, một kẻ “bại trận”. Năm 2015 trong chiến dịch tranh cứ của mình ông ta từng bảo rằng John McCain chẳng phải là “người hùng”. “Lý do của ông ta là: “Tôi thích những kẻ không chịu làm tù binh”.
McCain cố gắng, không phải luôn luôn thành công, phản ứng lịch thiệp trước những sự xúc phạm. Nhưng sự khinh bỉ của ông dành cho Trump là rõ ràng, không phải là cuối cùng ở những lời sau của Thượng nghị sĩ vào năm trước: “Khi người ta từ chối trách nhiệm của Mỹ chỉ đạo thế giới, cũng như nhiệm vụ của chúng ta, ở lại là ‘niềm hy vọng lớn cuối cùng cho thế giới’ để ngả theo một thứ dân tộc chủ nghĩa sống sượng, đáng ngờ mà nó qui về những người thích đi tìm những kẻ giơ đầu chịu báng hơn là giải quyết các vấn đề, thì đấy là không yêu nước. Cũng không yêu nước hệt như tuân theo những bài học của quá khứ mà người Mỹ đã thấy trên đống tro tàn của lịch sử. Chúng ta sống ở một nước mà nó được xây nên từ những lý tưởng chứ không phải từ máu và đất đai”.
Ở những thời gian khắc đẹp nhất của ông thì McCain rất, rất tốt. Ông đã thành công với những thứ mà với khả năng hạn hẹp phi lịch sử và và sự thiếu hụt tính hiếu kỳ của mình, thậm chí Trump chẳng hề biết rằng có chúng. Thế nên không tránh khỏi rằng mối thù giữa họ còn kéo dài cả sau khi McCain đã mất và Trump lại đánh mất một cơ hội để cho thấy mức độ tối thiểu về phẩm giá. Tổng thống viết trên mạng xã hội những dòng đồng cảm cho gia đình McCain nhưng từ chối những lời đề nghị được nhắc lại nhiều lần của các trợ lý có vị trí lãnh đạo của ông ta, trong số đó có Phó Tổng thống Mike Pence và Tổng Tham mưu trưởng John Kelly, ông hãy tôn vinh McCain sau khi chết bằng một bài phát biểu long trọng, niềm nở.
Rồi đến vụ thất bại lớn với lá cờ. Trump lo ngay sao cho lá cờ kéo nửa độ cao cột trước Nhà Trắng lại nhanh chóng được kéo lên cao. Một quyết định mà nguyên Tổng thống Jimmy Carter gọi là “một sai lầm rất nghiêm trọng”. Trump, người mà thói to mồm chỉ nhằm che dấu sự hèn kém của chính mình, lui bước và để cho lá cờ kéo nửa độ cao trở lại. Nhà Trắng công bố một bản tuyên bố lễ độ, dẫu cho cũng ít long trọng. Tổng thống Trump sẽ không tham gia Lễ Thánh để tưởng niệm McCain tại Nhà thờ lớn Quốc gia Washington. McCain đã tỏ ý không muốn có vị Tổng thống này tại lễ truy điệu mình.
Những khác biệt cơ bản trong quan điểm về vai trò của Mỹ trên thế giới là nguyên nhân cho cuộc tranh cãi. Đây chính là điều đã làm nó quan trọng đến thế. Trong khi Đảng Cộng hòa bị co lại thành một đảng của Trump, vả lại một trong số những minh chứng đáng chú ý nhất về tính nhu nhược chính trị trong lịch sử nước Mỹ, McCain cuối cùng đứng hầu như cô độc ở đó ở tư cách là một chính trị gia có nguyên tắc. Cái đảng của ông chạy sang phía bên kia, ông thì không.
Đã có thời có nhiều đảng viên Cộng hòa như ông, những người như Thượng nghị sĩ Richard Lugar, người từng lấy lời thừa nhận rằng Hợp Chủng Quốc vì một thế giới tự do, cởi mở, dân chủ hơn làm trọng, Họ đã biến mất hết rồi. Tiếng trống vì “America first” to hơn, nó nhấn mạnh một chính sách đối ngoại ở tư cách là trò chơi có tổng bằng không (t A. zéro-sum game, là một phép biểu diễn toán học trong lý thuyết kinh tế, NHT) ở đó điệp khúc Mỹ đối với các đồng minh càng ngày nghe càng rõ hơn: “Hãy trả tiền đi!”
Thủ tướng Angela Merkel đã tìm thấy những lời thích hợp: “John McCain được dẫn dắt bởi niềm tin chắc chắn rằng ý nghĩa của bất kỳ nhiệm vụ chính trị nào cũng phải phục vụ Tự do, Dân chủ và Pháp quyền. Cái chết của ông là một tổn thất cho tất cả những ai chia sẻ niềm tin ấy”. Đối với Trump thì đấy chẳng phải là một tổn thất. Những niềm tin này không phải là của ông ta. Từ Ả Rập Xê Út tới Philippin, từ Triều Tiên tới Nga thì Trump phải tìm cho ra con người cơ bắp - và tất cả đấy đều là những người đàn ông - mà ông ta không thích. Merkel còn gây nhiều khó chịu cho ông ta hơn nữa.
Trong nhiều vấn đề, tôi không cùng một quan điểm với McCain. Ông có một khát vọng không thể sửa chữa được muốn ném bom Iran, và không chỉ Iran. Ông là một con diều hâu phản ứng theo phản xạ. Ý kiến của ông về cải cách y tế của Obama dao động theo cách lạ kỳ. Ông tiến hành một cuộc tranh cử thảm hại theo cái cách gần như khôi hài ở tư cách là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa cho chức Tổng thống năm 2008. Việc ông chọn Sarah Palin làm ứng viên cho cuộc bầu Phó Tổng thống lại kích thích chính cái loại bán dưa lê ngớ ngẩn mà ở thời đại Trump đã trở thành một nhãn hiệu của Đảng Cộng hòa. Một sai lầm khủng khiếp!
Thế nhưng ở chính ngay cuộc khủng hoảng chính trị này thì bản lĩnh của McCain lại khẳng định được năng lực của nó để đặt đất nước lên trên đảng. Tôi mong muốn tôi có thể vững tin rằng những sự bày tỏ thiện cảm với McCain sẽ đánh dấu cho một bước chuyển đổi trong nền chính trị của nước Mỹ, một thời điểm mà ở đấy các nguyên tắc sẽ vượt lên trên những lời dối trá; lòng sẵn sàng hy sinh sẽ vượt lên trên lòng ham muốn làm giàu; trách nhiệm trước quyền con người sẽ vượt lên trên cuộc thoái vị của các giá trị của Hoa Kỳ. Thế nhưng tôi lại không tin điều đó, dẫu sao cũng không phải trong thời gian sắp tới.
Làn sóng dân tộc chủ nghĩa, mang tính bản sắc, bài ngoại còn chưa lắng xuống. Những lời làm lay động lòng người của McCain trong bản tuyên bố từ biệt gửi người Mỹ của ông - rằng sự vĩ đại của Hoa Kỳ sẽ yếu đi “nếu chúng ta giấu mình vào sau những bức tường thay vì dỡ bỏ nó” - những lời này là thật lòng, thế nhưng nhiều triệu người Mỹ hoảng loạn vẫn chưa sẵn sàng nghe nó. Theo nhiều cách nhìn thì McCain vẫn đang còn là một con khủng long. Thế giới đang chao đảo để tiến lên - nhưng lại theo hướng thụt lùi.
Sau cái chết của McCain thì lẽ ra với Trump mọi thứ sẽ còn có thể đơn giản hơn nữa để ứng xử trật hướng. McCain đã sử dụng vị thế của ông ở hàng đầu của Hội đồng Quốc phòng trong Thượng viện để chống lại Tổng thống Trump khi vấn đề xoay quanh sự tra tấn, việc nhập cư, nước Nga của Putin hay NATO. Khi vào tháng bảy ở Helsinki Trump có cuộc trình diễn hết sức khó xử và đã quỳ gối trước Putin, khi cuộc thảo luận đi đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 thì McCain hết sức tức giận mà bảo: “Chưa bao giờ có một Tổng thống phải phải quỳ gối trước một tên bạo chúa hèn hạ hơn thế”. Sẽ còn thiếu những câu rành mạch như thế.
Bob Corker, đảng viên Cộng hòa ở bang Tennessee và Chú tịch Hội đồng Ngoại giao trong Thượng viện, cũng là một đồng minh của McCain. Ông cũng đã cố gắng kiềm chế phép ngoại giao của McCain và nhấn mạnh việc Hợp Chủng Quốc công nhận NATO. Bây giờ thì McCain đã đi xa rồi và năm tới Corker sẽ bị thay, điều ấy có nghĩa rằng những người phê bình Tổng thống dữ nhất thuộc Đảng Cộng hòa - đấy hầu như là một mâu thuẫn nội tại - có lẽ sẽ được thay bằng những người trung thành với Trump. Tôi đã nói rồi đấy, McCain đã có thể rất, rất tốt. Rất đặc biệt là ở đề tài tra tấn - chút gì đó mà Trump công khai nuôi dưỡng mối thiện cảm, cũng có thể đọc được từ điểm rằng ông ta đã chọn Gina Haspel làm sếp cho CIA, một người phụ nữ mà vào những năm 2003-2005 đã lún sâu vào phép thực tiễn của “lối tra hỏi mở rộng”.
Vào năm 2014 McCain đã trả lời trước bản báo cáo của Thượng viện mà trong đó đã tìm hiểu về những phương pháp khủng khiếp của CIA sau đánh bom 9/11 bằng những câu như sau: “Từ trải nghiệm cá nhân tôi biết rằng việc hành hạ tù nhân sẽ lấy ra được nhiều thông tin xấu hơn tốt. Tôi biết rằng, những nạn nhân của sự tra tấn sẽ chủ tâm cung cấp những thông tin đánh lạc hướng khi họ tin rằng những người canh giữ họ sẽ tin họ. Tôi biết rằng, họ sẽ nói hết tất cả những gì mà những kẻ tra tấn nhầm tưởng muốn nghe được khi họ tin rằng qua đó có thể kết thúc những sự đau đớn của họ. Và tôi càng đặc biệt biết rằng, việc sử dụng tra tấn sẽ hủy hoại cái làm chúng ta, nhiều hơn tất cả mọi thứ khác, khác biệt với những kẻ thù của chúng ta: niềm tin của chúng ta rằng tất cả mọi người, thậm chí cả những kẻ thù đang bị giam giữ, đều sở hữu các quyền cơ bản của con người - vốn được bảo vệ bởi những công ước quốc tế mà Hoa Kỳ không chỉ tham gia mà chính bản thân chúng ta cũng đã soạn thảo phần lớn”.
Một tiếng nói quan trọng cho các “quyền cơ bản của con người” đã từ biệt nước Mỹ và thế giới. Tiếng nói này có thể là bướng bỉnh, hay hiếu chiến, hay dữ dội, thế nhưng chưa bao giờ nó là không đáng kể, mà luôn tràn trề một lý tưởng cao quí của quốc gia mà McCain yêu quí, luôn mang tính thách thức theo nghĩa tốt đẹp nhất. Năm này qua năm khác tôi đã thấy ông ở Hội nghị An ninh Munich và lần nào cũng vậy, hết sức kích thích. Bên cạnh ông thì những kẻ khác tỏ ra là nhút nhát hay xu nịnh. Ông đã sống hết mình. Tiếng nói của ông có sự phong phú như thế.
Trong lá thư từ biệt của mình McCain viết: “Việc gắn kết với lòng mong muốn của nước Mỹ - Tự do, Công bằng, Tôn trọng Danh dự của tất cả mọi người - mang theo mình nó một niềm hạnh phúc cao đẹp hơn là những niềm vui thoảng qua của cuộc đời”. Một ngày kia thì Trump cùng với tất cả những gì là hèn hạ và độc ác nơi ông ta cũng sẽ ra đi, và người ta sẽ lại nhận thức được sự thật này. Có lẽ còn khá lâu đấy, thế nhưng McCain cũng đã từng bảo: “Nước Mỹ không đầu hàng”.
Theo Spiegel số 36, 1., tháng Chín, 2018
N.H.T.
Tác giả gửi BVN.