Giữa lúc Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vùi đầu vào canh bạc chọn người cho Đại hội Đảng khóa XIII diễn ra vào tháng 01/2021 thì Trung Hoa đã xiết gọng kìm để chuẩn bị bóp cổ Việt Nam ở Biển Đông.
Hiện tượng này diễn ra ở Việt Nam và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ trong vòng 6 tháng nửa sau của năm 2018.
Tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 16/9 (2018) tại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), Trưởng đoàn Trung Cộng, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nói với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Pham Bình Minh rằng: “Cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển (giữa Việt Nam và Trung Quốc) là hợp tác khai thác trên biển”.
Lập trường của Vương Nghị không mới mà đã thường xuyên được phía Trung Hoa lập lại với Việt Nam mỗi khi có cuộc họp chính thức song phương, hay bên lề các cuộc gặp gỡ Quốc tế. Sở dĩ Bắc Kinh muốn nhắc lại là muốn cho phía Việt Nam hiểu rằng Hà Nội không có lựa chọn nào khác, khi xét về tương quan lực lượng quân sự và sức mạnh kinh tế-chính trị của Trung Hoa đối với Việt Nam.
NỢ TRUNG HOA BAO NHIÊU?
Nếu đem yêu cầu Việt Nam “cùng hợp tác để khai thác trên biển” của Vương Nghị áp dụng vào món nợ khổng lồ của Việt Nam đối với Bắc Kinh thì “quả đấm” của họ Vương dành cho ông Phạm Bình Minh không nhẹ chút nào.
Món nợ tài chính này đã được chuyên gia Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc, tiết lộ trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 03/09/2018. Bài này sau đó được đăng lại trên nhiều báo ở Việt Nam.
Ông Việt viết: “Theo một nghiên cứu chi tiết về các khoản nợ của các nước trong đó có Việt Nam với Trung Quốc, thì tổng số nợ của Việt Nam với Trung Quốc (bao gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư) có thể đã lên tới 4 tỉ đô la Mỹ, chỉ có thể tính đến hết năm 2013. Số liệu trên cũng chưa thể tính trừ đi khoản nợ gốc đã trả”.
“Tuy thế”, ông Việt viết tiếp, “nếu dựa vào số liệu nợ Trung Quốc là 4,1 tỉ đô la năm 2013, tính ra bằng 6,3% tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam (kể cả nợ của doanh nghiệp) là 63,5 tỉ đô la vào năm 2013. Dựa vào cùng tỷ lệ trên, và với số nợ nước ngoài hiện nay ước là 100 tỉ đô la Mỹ, có thể ước nợ Trung Quốc vào năm 2018 đã trên 6 tỉ đô la. Ngân hàng Thế giới tính số nợ nước ngoài của Việt Nam là 86,9 tỉ đô la vào cuối năm 2016”.
Vẫn theo tính toán của ông Việt thì: “Số nợ Trung Quốc thật sự có thể lớn hơn số trên, vì từ sau năm 2010, Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ công tức là nợ của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh, theo định nghĩa của Việt Nam. Từ 2011, bộ đã chấm dứt công bố nợ nước ngoài bao gồm cả nợ của doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bản hướng dẫn về nội dung quản lý nhà nước đối với vay và trả nợ của doanh nghiệp (03/VBHN-NHNN, 12-7-2017). Như thế về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước nắm được thông tin nhưng không công bố”.
Với đống nợ to bằng cái đình làng như thế thì liệu Việt Nam có khả năng tránh được áp lực đòi cùng khai thác ở Biển Đông của chủ nợ không?
TRẢ LỜI HAY KHÔNG?
Đó là lý do tại sao phía Việt Nam, qua lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao, đã trả lời nửa vời khi được báo chí chất vấn về yêu cầu của Vương Nghị.
Bà Hằng nói chiều ngày 20/09/2018: “Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có hợp tác trên biển. Trên thực tế, Việt Nam đã có hợp tác song phương và đa phương về biển với các quốc gia, trong đó có Trung Quốc với nhiều hình thức khác nhau như nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển, hoạt động kinh tế…
Chủ trương của Việt Nam là hợp tác trên biển phải theo đúng các quy định và chế định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với quyền, lợi ích của Việt Nam và tôn trọng lợi ích của các bên liên quan khác”. (Bản tin chính thức của Bộ Ngoại giao).
Câu trả lời của Bà Hằng không bác thẳng tay yêu cầu của Vương Nghị mà ngụ ý sự hợp tác, nếu có phải được thảo luận dựa trên Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, đòi hỏi các bên quan hệ phải tôn trọng quyền lợi và lập trường về biển đảo của đôi bên.
Nói cách khác, phía Việt Nam đã ỡm ờ giữa “có” và “không” để mua thời gian với cáo già Trung Quốc.
Cũng nên biết lập trường “gác tranh chấp để cùng khai thác” của Trung Hoa đã phát ra lần đầu tiên từ cửa miệng Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình năm 1979. Từ đó đến nay, các thế hệ lãnh đạo Trung Hoa kế tiếp vẫn giữ nguyên như thế.
Nhưng nếu mắc bẫy Trung Hoa là chẳng khác nào bán thóc giống đi mà ăn. Bởi vì trước hết, Trung Hoa không có chủ quyền thực tế ở Biển Đông mà chỉ tự nhận các bãi đá, đảo và vùng nước chung quanh những vị trí này là của Trung Hoa từ ngàn xưa.
Câu nói ngang ngược của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình tại Tân Gia Ba (Singapore) ngày 07/11/2015 là bằng chứng tham vọng của Bắc Kinh.
Họ Tập nói tại Đại học Quốc gia Singapore: “Xin hãy để tôi nói rõ: những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa. Chính quyền Trung Quốc có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung Quốc”.
Ông Tập rêu rao rằng “những hòn đảo của Trung Quốc” trên Biển Đông đang bị các quốc gia láng giềng chiếm đóng. Ông nói: “Những hoạt động xây dựng của Bắc Kinh trên Biển Đông là nhằm mục đích hòa bình”.
SUY NHƯỢC-PHỤC TÙNG
Lập trường chủ quyền ở Biển Đông của Trung Hoa đã bước vào thời kỳ căng thẳng và nguy hiểm nhất từ 30 năm qua, sau khi quân Trung Hoa tấn công chiếm 7 bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa từ năm 1988. Sau đó bồi đắp thành đảo lớn kiên cố và quân sự hóa gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.
Trung Hoa đã đồn trú binh lính, xây bến cảng, sân bay và lập tuyến phòng thủ Radar và xây một số Đài khí tượng trên 7 vị trí. Vì vậy, Việt Nam sẽ là nạn nhân đầu tiên, nếu xẩy ra chiến tranh, vì sức mạnh quân sự không cân bằng mặc dù Việt Nam đang kiểm soát tới 21 vị trí ở Trường Sa gồm:
Cụm Song Tử: Đảo Song Tử Tây, Đá Nam
Cụm Nam Yết: Đảo Nam Yết, Đảo Sơn Ca, Đá Lớn, Đá Núi Thị
Cụm Sinh Tồn: Đảo Sinh Tồn, Đảo Sinh Tồn Đông, Đá Cô Lin, Đá Len Đao
Cụm Trường Sa: Đảo Trường Sa, Đá Đông,Đá Lát, Đá Núi Le, Đảo Phan Vinh, Đá Tây, Đá Tiên Nữ, Đá Tốc Tan, Đảo Trường Sa Đông
Cụm Thám Hiểm: Đảo An Bang, Đá/Bãi Thuyền Chài
Một bằng chứng suy nhược của phía Việt Nam Cộng sản là quân đội đã không dám nghênh chiến với lính và tầu Trung Cộng mỗi khi chúng tấn công, bắn phá vá cướp tài sản của ngư dân Việt Nam hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa (bị Trung Cộng chiếm từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974) và ở Trường Sa.
Ô nhục hơn, phần lớn báo đài Nhà nước CSVN không dám chỉ đích danh lính và tầu Trung Cộng đã hành động sát nhân vô nhân đạo chống ngư phủ Việt Nam mà chỉ dám gọi chúng là “tầu lạ” hay “tàu nước ngoài”.
Tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, mỗi khi Trung Cộng có động tác xác nhận chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa thì người phát ngôn chỉ biết nói đi nói lại đến nhàm tai rằng: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.
DƯƠNG KHIẾT TRÌ-BIỂN ĐÔNG
Khẳng định của Việt Nam, một lần nữa đã bị Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Chánh văn phòng Uỷ ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gạt đi trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 09/11/2018.
Họ Dương và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa, Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã đến Hoa Thịnh Đốn để họp thường niên với Ngoại trưởng Michael Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis.
Trả lời câu hỏi về hoạt động của Trung Hoa tại Biển Dông, Dương Khiết Trì nói: “China reaffirmed its principled position on this issue and pointed out that China has indisputable sovereignty over islands in Nansha and its adjacent waters. On its own territory, China is undertaking some constructions to build civilian facilities and necessary defense facilities. That is the right of preservations and self-defense that international law has provided for sovereign state that has nothing to do with militarization”. (Tài liệu Bộ Ngoại giao Mỹ)
Tạm dịch: “Trung Quốc đã khẳng định lập trường chính thức về vấn đề này, và muốn nói rõ rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Trường Sa và vùng nước chung quanh. Trên phần lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã thực hiện công tác xây dựng một số cơ sở dân sự và quân sự quốc phòng. Đây hoàn toàn phù hợp với quyền bảo vệ và tự vệ theo đúng luật pháp quốc tế chứ không dính dáng gì đền điều gọi là quân sự hóa”.
Lời tuyên bố mới nhất về Biển Đông của Dương Khiết Trì như gáo nước lạnh tạt vào mặt lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, vậy mà Đảng và Nhà nước, kể cả báo đài sống nhờ tiền dân và Ban Tuyên giáo chuyên nghề tuyên truyền đã không dám mở mồm bình phẩm hay phản ứng lấy nửa lời.
Là người lãnh đạo cao nhất nước, Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có còn là người Việt Nam hay ông chưa biết Việt Nam đang chết đuối ở Biển Đông?
P.T.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2018/11/15/viet-nam-dang-chet-duoi-o-bien-dong/