Việt Nam cần nhanh chóng phê chuẩn 3 công ước cơ bản của ILO

Minh Châu

Dường như Quốc hội Việt Nam đang lúng túng khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt bút ký Nghị quyết số 72/2018/QH14 “Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan” (tên tiếng Anh là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP), với chú thích đánh số 5 ghi “Trong trường hợp có tranh chấp, Việt Nam sẽ không bị trừng phạt thương mại trong vòng 3 năm đối với tất cả các nghĩa vụ và 5 năm liên quan đến 2 nghĩa vụ về “Quyền tự do liên kết” và “Quyền thương lượng tập thể”.

Hai nghĩa vụ này còn nằm trong nội hàm của Hiệp định Thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA, EU-Vietnam Free Trade Agreement).

ILO khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam?

Theo tài liệu của Dự án Thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các Công ước (NIRF/EU) tiến hành từ 27-9-2016 đến 31-12-2018 giữa các đối tác gồm có Liên minh Châu Âu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [http://bit.ly/2FEMRdV], thì bên cạnh những nỗ lực thực hiện tất cả các quyền và nguyên tắc cơ bản trong lao động, EVFTA kêu gọi những nỗ lực “được duy trì liên tục” nhằm phê chuẩn 3 Công ước cơ bản của ILO (International Labour Organization) mà Việt Nam chưa phê chuẩn: Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, năm 1949 (Công ước số 98) ; Công ước về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức, năm 1957 (Công ước số 105) và Công ước về Quyền tự do hiệp hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, năm 1948 (Công ước số 87) .

Ngoài ra xét đến sự gia tăng số lượng nạn nhân của lao động cưỡng bức, hình thức nô lệ hiện đại và nạn mua bán người trên toàn cầu, Nghị định thư năm 2014 kèm theo Công ước về Lao động Cưỡng bức, năm 1930 tức Công ước số 29 cũng cần được cân nhắc trong nội dụng này với Chính phủ Việt Nam.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiYowNTtSO3I_o_cruEPDzhaiBEXMflq-YFsgnvVSD3X_C-Y2vlnX9j98iWfH0IJOHRrIndFQWGPflkoBtpRW3utbqTNjybrJkLrSnJ5zv0KbOz_8kx5sbDgOrgch6j0TIdc0J9ljMHgJo/s320/rsz_attension_city_of_ct_employees_july.jpg

Ảnh minh họa

Các quyền được đề cập trong Tuyên bố năm 1998 của ILO được quy định trong 8 Công ước cơ bản của ILO, với nền tảng là: (1) tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể (Công ước 87 và 98), (2) loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Công ước 29 và 105), (3) xóa bỏ lao động trẻ em (Công ước 138 và 182), và (4) xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước 100 và 111).

Tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm Việt Nam, đều phải tôn trọng các quyền phổ quát này. Tuy nhiên cho đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn 3 Công ước cơ bản là Công ước 87 [http://bit.ly/2BuJ1zI], 98 [http://bit.ly/2Dkuodc] và 105 [http://bit.ly/2SbOwZO] liên quan đến quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức.

Hiện tại Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP và đang tích cực theo đuổi ký kết các hiệp định thương mại tự do cũng như các hiệp định đầu tư như EVFTA, nên thay vì vịn cớ chuyện Việt Nam sẽ không bị trừng phạt thương mại trong vòng 3 năm đối với tất cả các nghĩa vụ và 5 năm liên quan đến 2 nghĩa vụ về “Quyền tự do liên kết” và “Quyền thương lượng tập thể”, Quốc hội Việt Nam nên thấy rằng CPTPP đã tiếp thêm ngoại lực, cùng với các yếu tố nội lực để Việt Nam tôn trọng và thúc đẩy Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, một phần nội dung của Chương Thương mại và phát triển bền vững trong EVFTA.

Công đoàn độc lập là tiền đề của đảng phái chính trị?

Tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn hiện lưu giữ nhiều tài liệu được cho là tiền thân của tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay.

Có thể tóm tắt tài liệu này như sau: Sau khi tham gia ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga bằng hành động kéo cờ phản chiến ở Hắc Hải, lính thủy công nhân Tôn Đức Thắng bị trục xuất ra khỏi nước Pháp tại cảng Marseille trên bờ biển miền Nam nước Pháp. Lúc đó, ông Tôn Đức Thắng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp như ông Hồ Chí Minh, sinh hoạt trong Công hội đỏ Pháp, với số đông công nhân cảng và lính thủy trên các chiến hạm.

Năm 1920 ông Tôn Đức Thắng về đến Sài Gòn liền bắt tay vào việc thành lập Công hội bí mật khi làm việc cho hãng Kroff. Trụ sở của Công hội bí mật đặt ở đình Bình Đông, trên một cù lao hoang vu giữa sông Bà Tàng (nay thuộc quận 8), nằm ở cuối kinh Tàu Hủ từ quận 4 chảy xuống miền Tây.

Ở nhà truyền thống bên cạnh đình Bình Đông và nhà tưởng niệm ông Tôn Đức Thắng có treo tấm bảng ghi tên các ủy viên của Ban chấp hành Công hội bí mật lúc đó, như sau: Hội trưởng: Tôn Đức Thắng (Thợ máy hãng Kroff). Hội phó: Nguyễn Văn Cân (Thợ nguội hãng Faci). Thư ký: Mạnh (Thợ vẽ nhà đèn Chợ Quán).

Mục đích của Hội lúc đó là “tương trợ nhau, đấu tranh bênh vực quyền lợi cho công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản”. Kinh phí của Hội do anh em hội viên đóng góp, tùy theo khả năng, thường mỗi tháng góp một ngày lương trở xuống.

Hội hoạt động chủ yếu ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Đến năm 1925 Hội có trên 300 hội viên. Trong những năm đầu mới thành lập, đến năm 1924-1925, Công hội trở thành linh hồn của các phong trào đình công, bãi công.

Như vậy phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại đang lo rằng nếu cho tự do thành lập những tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn độc lập với đầy đủ “Quyền tự do liên kết” và “Quyền thương lượng tập thể” như khuyến nghị của ILO, thì sẽ là bước đầu nhen nhúm hình thành các đảng phái chính trị?

Cũng cần lưu ý rằng Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam luôn ghi ở phần mở đầu trân trọng như sau: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Chính điều đó cho thấy nếu đảng thực sự trung thành vì lợi ích của cả dân tộc, thì chắc chắn sẽ không đảng phái chính trị nào đủ sức mạnh đối nghịch lại với đảng cộng sản Việt Nam.

Tạm gác qua sự phân biệt giai cấp là các yếu tố không phù hợp với các FTA thế hệ mới, người viết cho rằng sẽ không có bất kỳ đảng phái chính trị đối lập nào với Đảng Cộng sản Việt Nam trong yêu cầu “đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc”.

Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là một ví dụ.

M.C.

VNTB gửi BVN