(Trích từ tập 1, cuốn tự truyện “Tôi và ông nội” viết năm 2014 của Nguyễn Lân Bình)
Với cá nhân tôi, sự chà đạp của quá khứ lịch sử lên danh dự của Nguyễn Văn Vĩnh còn cay đắng hơn bất kỳ một mất nào mà tôi đã từng hứng chịu trong quá khứ… Nguyễn Lân Bình |
Năm 2005
…. Tôi suy nghĩ rất nhiều về nội dung tấm bia đá gắn trên khu mộ của gia tộc ở nghĩa trang Bãi Sấu, xã Phượng Dực, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội). Tấm bia này do Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (sát nhập với Sơn Tây), dựng năm 1993 bằng một nghi lễ trang trọng, có sự tham gia nhiều đại biểu của các ban ngành ở địa phương và gia đình học giả Nguyễn văn Vĩnh. Tấm bia khắc nội dung:
“KHU MỘ DANH NHÂN VĂN HÓA
Nguyễn Văn Vĩnh - Nguyễn Giang - Nguyễn Nhược Pháp”.
Mỗi lần về thắp hương ông bà tổ tiên, tôi luôn áy náy… Tôi hiểu, thông lệ xã hội và tập quán hành chính, khi xác định các danh nhân, nhất thiết phải có quyết định được ban hành bằng văn bản của cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền thuộc chính quyền đương thời. Vậy trường hợp của gia đình mình, có quyết định bằng văn bản không? Cấp nào ban hành quyết định này? Sở TT.VH tỉnh Hà Tây có dựa trên cơ sở báo cáo khoa học hay không? Nếu có, vì sao không thấy các bác, các chú trong gia đình mình nhắc đến?
Tóm lại, vấn đề đặt ra với tôi là, cần phải tìm hiểu rõ việc dựng bia như vậy có phù hợp với nhận thức của xã hội hay không? Hay đó chỉ là sự cảm nhận bản năng của chính quyền địa phương, với tư duy cục bộ, muốn thông qua một số nhân vật điển hình, làm cơ sở khích lệ lòng dân về truyền thống văn hóa của một địa phương có nhiều bằng chứng của một vùng đất địa linh nhân kiệt?!
Nhìn ở phạm vi hẹp, việc làm của cơ quan văn hóa tỉnh Hà Tây thật đáng trân trọng và cảm động, gia đình Nguyễn Văn Vĩnh thấy được bù đắp, được an ủi về tinh thần. Nhưng ở góc nhìn khác, không loại trừ những kẻ tiểu nhân, sẽ lợi dụng sự việc thuần túy này, coi đây là lý do để mỉa mai, đặt điều, rằng con cháu của gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh hay tưởng tượng, háo danh, tự sướng…. Một điều trái hoàn toàn với bản chất của sự nghiệp và con người Nguyễn Văn Vĩnh.
Khu mộ gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh chụp năm 2005. Tấm bia phía trên do gia đình làm cuối những năm 80. Tấm bia phía dưới do UBND tỉnh Hà Tây dâng tặng năm 1993.
Tôi tìm đến hỏi cố nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc (1926-2012), mặc dù biết rõ ông chưa từng nắm giữ vị trí chức quyền nào trong hệ thống chính trị, nhưng ông nổi tiếng là người hiểu nhiều khía cạnh về lịch sử Thủ đô. Mặt khác, ông Vinh Phúc thường xuyên có mặt trong các Hội đồng Khoa học trước những đề tài lớn về Hà Nội, do UBND Thành phố chủ trì.
Hơn nữa, ông là bạn thân với cha tôi. Đặc biệt, ông vô cùng thương xót người bác ruột của tôi là Nguyễn Phổ, vì đã phải chịu án tù 17 năm oan uổng, theo ông Vinh Phúc, đó là sự ẩn chứa ý đồ đen tối của một vài cá nhân cùng thời.
Ông Vinh Phúc là người rất kính trọng cụ Vĩnh, cho dù thời ông còn là giáo viên phổ thông, ông cũng đã từng giảng cho học sinh trong giờ dạy văn, sử, rằng Nguyễn Văn Vĩnh là ‘bồi bút’ của thực dân….
Nhưng chính vì thực tế này, đã giúp ông có cơ sở để so sánh khi nghiên cứu những di sản của cụ Vĩnh để lại, và ông nhận ra sự khác biệt với những tài liệu mà ông từng được yêu cầu, hướng dẫn dạy học sinh trong quá khứ….
Sau này, khi có bộ phim tài liệu “Mạn Đàm về Người Man di hiện đại”, tôi mới được biết rõ những chuyện mỉa mai như vậy, thông qua chính những người là học trò cũ của ông. Và tôi, là một trong số người ít ỏi, đã được chứng kiến cảnh nghẹn ngào, ân hận của ông về cái quá khứ bất công đến mức… thật khó chọn lời lẽ để tả lại.
Bức thư viết ngày 16.4.1993 của cụ Đinh Xuân Mậu (người có ba nhiệm kỳ là Bí thứ Đảng ủy xã Phượng Dực) gửi tới ông Nguyễn Hồ, con trai út của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mời dự hội thảo do giáo sư Trần Quốc Vượng chủ trì tại Phượng Dực.
Tôi điện thoại cho ông Vinh Phúc để xin gặp, đặt vấn đề về điều tôi ngờ vực. Tôi được ông mời đến nhà riêng.
Ngồi trước ông, tôi trình bày ngắn gọn những suy nghĩ của mình, tôi thấy ông tỏ ra lưỡng lự khi trả lời thắc mắc của tôi. Tôi áy náy, rằng vì sao điều tôi nói lại làm ông lúng túng? Vấn đề tôi nêu chắc chắn chẳng phải là điều gì tệ hại, gây ảnh hưởng không tốt trực tiếp đến ai đó. Tôi còn biết, ông được những người quý trọng gọi ông là Nhà Hà Nội học trong Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội.
Tôi đã vô tình trở nên gần gũi với ông Vinh Phúc sau cái chết của cha tôi (2000). Tôi không thể quên những cuộc trò chuyện với người giáo già hóm hỉnh này. Bình thường, ông nhẹ nhàng, tươi tắn với nụ cười đặc trưng của sự hiền hòa, đôn hậu. Nhưng khi ông tư lự, khuôn mặt ông lạ lùng lắm, không phải đờ đẫn, thẫn thờ, nhưng nó phẳng lặng, không mảy may có biểu cảm gì. Hai mắt ông nhìn người ở trước mặt mình như nhìn vào cõi xa xăm vậy. Sau vài phút, ông Vinh Phúc nói nhẹ, hai tay ông cấu vào nhau, và bảo với tôi thế này:
“Cậu thắc mắc là đúng. Việc này hệ trọng, nhưng tôi nghĩ có lẽ chưa có quyết định nào của Nhà nước đâu, vì nếu có, ít nhất là Bộ Văn hóa phải đứng ra làm… Mà như thế, bọn tôi phải biết chứ, vì cụ Vĩnh là của Hà Nội mà!”.
Tôi giãi bày với ông về ý định, rằng sẽ đề nghị với họ hàng mình, nên lập một tấm bia khác có nội dung giản dị, trang trọng và đúng với tinh thần Nguyễn Văn Vĩnh, bản chất Nguyễn Văn Vĩnh, không nhất thiết phải ghi là DANH NHÂN.
Ông Vinh Phúc khen tôi có suy nghĩ trung thực. Tôi cảm ơn ông Vinh Phúc và ra về, trong đầu tôi ngổn ngang các dấu hỏi.
Ông Nguyễn Vinh Phúc trả lời phỏng vấn trong phim “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”.
Để có thêm cơ sở trước khi trình bày với gia đình họ hàng về chuyện văn bia, một điều mà tôi biết sẽ rất khó để thuyết phục mọi người, vì tâm lý, cứ động đến mồ mả là ai cũng ngại…. Nhưng đây là vấn đề chính trị, là danh dự nhìn về lâu dài, là sự minh bạch, và tôi thấy cần sự cương quyết.
Tôi quyết định tìm và tham khảo ý kiến ông Dương Trung Quốc. Cho đến thời điểm đó, với tôi, ông Quốc thực sự là người thầy, người đã dắt tay tôi vào cái lớp vỡ lòng về lịch sử, và đương nhiên, những chuyện như thế này, vào ngày đó, tôi không thể không tham vấn ý kiến ông Quốc.
Tôi có một cảm giác, từ ngày ông Quốc là ĐBQH, ông không có nhiều thời gian dành cho tôi nữa, vì nhiều lần, khi tôi tìm ông qua điện thoại, tôi không còn được nghe cái chất giọng thân mật như một thời, và không phải lần nào cũng được nói những điều mình dự định. Tôi không cho rằng chuyện đó là sự khác thường theo chiều hướng tiêu cực, vì rõ ràng ông không thể ‘rảnh tay’ như hồi nào, nhất là thời gian Quốc hội họp, mỗi lần họp 1 tháng, một năm 2 lần.
Nhưng dù sao, nó cũng tạo ra cái tâm lý ngài ngại, đẩy tôi đến chỗ không còn cảm giác tự nhiên khi trò chuyện với ông. Nhưng tôi xác định, nhất thiết phải gặp, phải hỏi cho có đầu có đuôi chuyện danh vị trên tấm bia đá, vì nó làm tôi và những người có suy nghĩ giống tôi áy náy. Hơn nữa, danh chính, ông Dương Trung Quốc vào thời điểm đó là Tổng Thư ký Hội Sử học VN kia mà. Dù sao, một kẻ ít học như tôi, đi tìm sư phụ để xin chỉ bảo, thì có gì là không tốt?!
Một buổi chiều, sau đôi lần điện thoại mà chưa bắt máy được, lần này, ông Quốc trả lời tôi bằng một chất giọng mà càng nghe, tôi càng thấy nhụt chí. Tôi bắt đầu thấy sờ sợ, song vì việc lớn, vì danh dự của gia đình, tôi phải mạnh dạn vượt lên….
Ông Quốc trả lời điện thoại của tôi:
“Có việc gì đấy? Có gấp không….? Thôi được, cậu đến thẳng quán rượu… ở số…. phố H L. nhé. Đến ngay đi, vì tôi còn việc khác, tôi đợi đấy!”.
Tôi cảm thấy có gì đó xa xa trong giọng nói của ông Quốc… Tôi ngờ ngợ, không lẽ sự thân thiết, ân cần của ông Quốc với tôi ngày nào, nay đang nhạt dần, phai dần? Liệu ông ấy có giống như những trường hợp mà tôi đã từng gặp trong cuộc sống của mình, những người có lối hành xử ‘xanh chín’ khá phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện đại? Cho dù tôi rất thấm cái triết lý, rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh.
Tôi có những người bạn tâm giao thủa nào, khi còn ngập chìm, lặn lội trong cuộc sống là thường dân, vắng nhau một chút là sốt ruột. Hàng tuần, quá lắm một tháng, mấy gia đình của những người bạn thân lại gặp nhau xum họp. Lúc nào cũng đằm thắm, như nếu có sống thêm một kiếp nữa, bọn tôi vẫn thân nhau, quý nhau.
Nhưng năm tháng trôi đi, có nhiều người trong số họ lên những chức vụ to dần, thậm chí to tướng. Nhiều người giàu lên qua đôi lần chớp mắt. Khi nhậm chức, khi mua xe mới, họ nói với tôi, rằng mình cũng phải theo thời chứ, phải biết ‘nắm bắt’ cơ hội, phải biết ‘nhún’, biết ‘nghiến răng’ chứ…. Họ đua nhau treo chữ ‘Nhẫn’ ở nhà và coi đó là đạo lý!
Như những cơn gió cuốn, những thay đổi đó, nó càng làm mỏng đi cái quan hệ ngày nào vẫn ngỡ tưởng là chí cốt, là nối khố, là làm sao mà quên nhau được giữa chúng tôi. Để rồi, cái lối sống ấy trở thành thói quen, thậm chí thành quy luật trong cuộc sống nhân gian ở cái xã hội “tư bản hoang dã” hôm nay.
Thế mới thấm, việc cụ Vĩnh suốt đời không bao giờ nao núng trước bất kỳ sự o ép nào, không bao giờ hồ nghi cái lý tưởng mình theo đuổi, không bao giờ thấy có ai cùng thời phàn nàn vì là loại người bất nhất, bất trung. Cụ còn là người không bao giờ sống vị tình, trong suốt cuộc đời chìm nổi giữa cái xã hội hồng hoang về chính trị, về văn hóa tư tưởng ngày đó… mới càng thấy cụ ‘đáng ghét’ đến thế nào dưới con mắt của các thể chế chính trị!
Sự cư xử của ông Quốc, đã gieo vào đầu tôi nỗi ngờ vực nặng nề về đề tài Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi đã tự lý giải trong phạm vi hẹp, rằng ông Quốc cũng đúng, vì xét cho đến cùng, tôi có là ‘thằng’ nào đâu….? ‘Hợp tác’ với tôi liệu có đem lại điều gì đó thiết thực? Sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh lớn lao thật đấy, ý nghĩa lắm đấy, nhưng đầu tư sự quan tâm, sức lực, trí tuệ vào đề tài này để rồi sẽ… đạt được gì???
Chưa nói đến chuyện có khi còn bị thiệt thòi, mất mát, rồi đau đầu nhức óc vì liên đới, do đề tài phảng phất có màu sắc ‘chính trị’, mất công đối phó với nhóm người bảo hoàng có quyền lực, vì họ mới là kẻ có quyền ‘chấp nhận’, ‘cho phép’ được thế này, và không được thế kia….
‘Họ’ đã từng tìm mọi cách hạn chế, tránh né, tạo áp lực vô hình nhằm giảm bớt ảnh hưởng lịch sử của Nguyễn Văn Vĩnh, nhất là khi càng ngày, đề tài càng bộc lộ một cách rõ ràng những giá trị thật, không thể chối bỏ trong lịch sử tồn tại và phát triển tri thức của người Việt ở thế kỷ 20.
‘Họ’ biết, càng nói nhiều về Nguyễn Văn Vĩnh, càng lộ cái bất lợi của những kẻ sợ sự thật. Càng nói nhiều về Nguyễn Văn Vĩnh, càng chứng tỏ những ‘kết án’ trong quá khứ là sự xúc phạm, là sự võ biền của kẻ thiển cận, ghét bỏ tri thức và luôn sợ dân biết, dân khôn vì ‘được’ học hành.
Hiểu như thế, nên trong đầu tôi luôn thường trực câu hỏi tự vấn: ‘Mình là ai chứ?’. Vâng, rõ ràng tôi không là ‘thằng’ nào… nhưng tôi là thằng người!
Tôi tự thấy mình là kẻ biết phận khi tiếp xúc, ứng xử với những danh sỹ trong cuộc sống hàng ngày. Song, tôi rất tin vào nghĩa khí của những nhân sỹ chân chính, vào kiến thức cuộc sống họ có, vào sự am tường của người có hiểu biết khoa học, điều sẽ tạo ra nhân cách, đạo đức của một thằng người.
Tôi đã từng coi ông Dương Trung Quốc là niềm tin, niềm hi vọng trên con đường đi tìm sự công bằng và danh dự cho gia tộc của mình. Tôi tự tin, rằng đòi hỏi của tôi là chính đáng.
Các nhân sỹ, nhà báo nhà văn… lần đầu tiên về thắp hương tại khu mộ gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh năm 2005.
Tôi lao đi như bọn đua xe đến đúng địa chỉ ông Quốc hẹn, vì nghĩ đến câu nói: Đến ngay đi… của ông.
Tìm được đúng địa chỉ, bước vào bên trong nhà hàng có cảnh trí khá sang trọng. Ông Quốc ngồi một mình ngay bàn đầu tiên sát cửa ra vào. Tôi ngạc nhiên, suy diễn, chẳng lẽ chỉ vì đề nghị của mình xin gặp tham khảo vài ý kiến, mà ông lại phải hẹn tôi tại một nơi có phong cách tốn kém thế này?
Trong đầu tôi, thoáng hiện lên dự kiến, rằng sẽ uống gì với ông Quốc, rượu mạnh hay vang? Tôi nhớ xem trong túi có bao nhiêu tiền để chủ động trong những tình huống khác nhau. Còn sẽ uống bao nhiêu, đến lúc nào thì kinh nghiệm của tôi, là tùy vào diễn biến nội dung và không khí của buổi gặp gỡ….
Thấy tôi vào, ông Quốc bảo tôi ngồi xuống. Mặc dù trong lòng tôi hơi nghi ngại như đã kể ở trên, nhưng tôi vẫn cố tình ỉ vào cái quan hệ thân thiết vốn có từ lâu giữa ông với gia đình tôi, giữa ông với bản thân tôi, và vì thế, vừa ngồi tôi vừa hấp tấp khoe luôn chuyện trong những tháng qua, tổng cộng đã có gần chục bài báo dài viết về đề tài Nguyễn Văn Vĩnh và gia đình, trên các báo lớn ở VN.
Bằng chất giọng của kẻ bề trên, ông Quốc nói như té tát vào mặt tôi, nhưng đôi mắt ông nhìn đi tận đâu, hình như ông chẳng hề động lòng với nội dung tôi vừa bộc bạch một cách hớn hở như đứa trẻ con:
“Tôi có việc với mấy cậu doanh nghiệp, hẹn nhau ở đây. Mà này, sao mãi vẫn chưa thấy cậu in được sách nhỉ? Mấy cái bài của cụ Vĩnh có sẵn thế, cứ đưa cho người ta in, làm sao mà để mãi vẫn không đi đến đâu? Cậu cứ loanh quanh với mấy cái bài báo lá cải ấy để làm gì? Nó chẳng giải quyết được chuyện gì!”.
Nghe ông Quốc nói, tôi hụt hẫng. Hình như cả người tôi tím tái, vì thay bằng một sự chia sẻ, cao hơn nữa tôi còn trông đợi đôi lời động viên, thậm chí phân tích, phê bình một vài chi tiết có trong nội dung các bài báo (điều ông từng chỉ dẫn tôi trước đây), nếu không phải một lời khen của ông trước những cố gắng tưởng như vượt quá khả năng của tôi. Hoặc tối thiểu, ông bảo: Thế à…. thôi cũng được!
Thái độ của ông Quốc ngược hẳn với các vị sử gia danh tiếng ngày đó, đã hồ hởi ra sao khi thấy tôi đến biếu những số báo in bài viết về đề tài Nguyễn Văn Vĩnh.
Hình như, ông Quốc không quan tâm, rằng chưa bao giờ, trong suốt một thời gian dài, ở một xã hội đã từng có chủ trương bài bác gương mặt lịch sử Nguyễn Văn Vĩnh, mà nay lại có cả loạt bài dài, lần lượt, liên tục đăng trên các báo lớn như ANTG, QĐND, Thanh Niên, Đầu Tư, Tiền Phong, GĐXH… Thì đó không gọi là sự khích lệ thì là gì?
Trong đầu tôi tiêu tan những ý định muốn ‘khoe’ tiếp với ông Quốc, về những gì là diễn biến tích cực đang hướng tới của đề tài Nguyễn Văn Vĩnh.
Tôi hậm hực, coi đây là sự xúc phạm tệ hại đối với tôi đã đành, nhưng còn với các bạn làm báo của tôi, nhất là ngày đó, tôi mới mon men, chập chững bước vào thế giới của làng báo VN, cái thế giới đầy bất trắc và những điều rủi ro ghê sợ. Không biết có phải ông Quốc đã vô tình, không mảy may quan tâm đến danh dự của họ, hay ông cố tình phủ nhận sự giác ngộ và tấm lòng của các bạn làm báo đối với gia đình Nguyễn Văn Vĩnh, đối với sự thật lịch sử?
Nhưng nghiêm trọng hơn, là ông đã phản lại chính những giá trị của Nguyễn Văn Vĩnh về báo chí, điều mà ông Dương Trung Quốc đã từng nêu lên một cách nhấn mạnh, với một thái độ đề cao, hàm ơn trân trọng trước nhiều diễn đàn xã hội.
Thậm chí, ngày đó, để đối phó với tư tưởng cực đoan trong kiểm duyệt, nhà báo Lê Văn Ba (hậu bối của danh sĩ Dương Quảng Hàm 1898-1946), vì thành tâm kính trọng cụ Vĩnh, nên nhân 60 năm ngày giỗ (1996), ông đã viết bài để tưởng nhớ, chiêu tuyết cho vong linh Nguyễn Văn Vĩnh, nhằm thỏa lòng trắc ẩn trong ông. Nhưng khi viết, ông đã phải mượn một đề tài khác, dùng một đầu đề báo chẳng liên quan gì đến kỷ niệm 60 năm ngày mất, và bảo rằng, đây là tâm sự với một người hưu trí, rồi vòng lại để nói về Nguyễn Văn Vĩnh.
Bài báo chỉ có 10% nói về nhân vật hưu trí đó, còn 90% nói về con người và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, như một nén hương trong dịp 60 năm Nguyễn Văn Vĩnh qua đời, và như thế mới được đăng trên tờ Người Cao tuổi. Nhà báo đó hiểu khá rõ, việc ‘Họ’ đã từng muốn đổ bê tông lên sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh, để nó câm lặng mãi mãi, đừng ai nhắc đến làm gì.
Để phục dựng chân dung đích thực của Nguyễn Văn Vĩnh, tôi đã nhận được sự cảm thông của một nhóm các bạn làm báo, kề vai sát cánh, quyết tâm giúp tôi ra được 10 bài báo liên tiếp về ông nội và cái gia đình lớn bất hạnh của mình, là một cơ duyên mà hàng chục năm trôi qua chúng tôi mới đón bắt được. Đó là sự ‘cày vỡ’ mảnh ruộng mang tên Nguyễn Văn Vĩnh, từng bị cố tình bỏ hoang không biết từ hồi nào, với phân súc vật, rác, chất thải cùng với cây cỏ dại mọc ngút ngàn qua năm tháng.
Mười bài báo đó, là cả một khối thiện tình của ngành báo, là lương tâm của những người hâm mộ, kính trọng, và có cả sự ‘bất bình’ khi họ nhận thấy đề tài Nguyễn Văn Vĩnh có quá nhiều mâu thuẫn, quá nhiều bất công, khuất tất, nguyên nhân đã ‘đẩy’ các bạn làm báo đến với tôi, với gia đình lớn của tôi, làm rõ một chút quá khứ theo cách tế nhị, giản dị và trung thực nhất. Họ đã rất nhiệt tình, nhưng thận trọng một cách khoa học.
Bao nhiêu dư luận, bao nhiêu sự chú ý của xã hội VN vào đề tài Nguyễn Văn Vĩnh được bắt đầu từ đây. Vậy mà ông Dương Trung Quốc bảo tôi rằng, đó là “mấy bài báo lá cải”!
Tôi đành chịu nhịn trước ông Quốc, và không dám có phản ứng gì. Nhưng cái cay đắng hơn khi tôi suy ngẫm: vậy, điều gì đã làm ông Quốc thay đổi? Vì sao ‘hồi xưa’ ông ấy không như thế, mà bây giờ ông ấy lại như vậy…?
Ông Quốc tiếp tục chuyện trò với tôi một cách nhàn nhạt, ông hỏi:
“Sao, có chuyện gì?”.
Lúc này, tôi đã thật sự trở nên rón rén vì thái độ của ông Quốc trong mấy phút trước, nó như một thùng nước đá dội thẳng vào cái đầu nhỏ xíu của tôi. Tôi ấp úng trình bày lý do muốn dựng lại tấm bia hiện có trên khu mộ của gia đình. Tôi không dám nói to như thói quen nữa, tôi lí nhí:
“Theo anh, trên tấm bia mới dự định sẽ làm lại ở khu mộ của gia đình ở Phượng Dực, em nên đề cụ Vĩnh là gì? Nhà báo, dịch giả, hay học giả?”.
Tôi trình bày tiếp trường hợp ông Nguyễn Giang nên ghi là gì, nếu nhìn từ cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân? Đề là danh nhân như tấm bia hiện có do tỉnh Hà Tây làm, sợ nó không thực…. Còn chuyện nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mà ghi là DANH NHÂN có hợp lý không? Có cơ sở không?
Nghe xong, ông Quốc chậc lưỡi, nói ỡm ờ với tôi rằng:
“Thôi, quan trọng gì đâu. Mà hình như cũng chưa có quyết định nào của Nhà nước đâu… Thôi, cậu cứ lo in sách đi, mà chuyện của tôi với cụ Vĩnh thế là xong nhé!”.
Ôi, ôi…. cái gì chứ? Sao? Thế là xong… là tại sao? Tôi không tin vào tai mình. Tôi thất thần ngồi lặng trong vài phút. Tôi thấy mình tẽn tò và không thấy còn lý do gì để ở lại, mặc dù khách hẹn của ông Quốc chưa thấy ai đến.
Đó là năm 2005!
Hội đồng giám khảo buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ ‘Nguyễn Văn Vĩnh trong bối cảnh văn hóa VN đầu thế kỷ 20’ của nhà báo Mai Thành Chung tại Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2010.
Chia tay ông Quốc, tinh thần tôi hoàn toàn sụp đổ. Trong lòng tôi dâng lên nỗi thất vọng ê chề. Có lẽ không phải thằng người nào trong kiếp sống của mình, cũng có cơ hội để cảm nhận về thế nào là cái sự ê chề…. nếu không ở vào cái cảnh như của tôi ngày ấy.
Tôi lại tự hỏi, vậy cái đêm Giao thừa năm nao, ông đến thắp hương cho cha tôi, với những tâm sự rứt da rứt thịt của ông về cha tôi, về ông nội tôi, nó có phải là thật không? Hay đó chỉ là sự lạc quan tếu trong một cơn ngủ mơ của tôi?!
Cho đến ngày lìa khỏi cõi đời này, tôi sẽ không bao giờ quên câu nói đó của ông Quốc, không bao giờ quên cái chất giọng như cầm bát nước đầy đổ toẹt xuống nền nhà. Tôi coi đó là sự đi ngược lại những gì đã có giữa ông Quốc với vong hồn cụ Vĩnh, giữa ông Quốc với gia tộc chúng tôi, thứ nữa là với cha tôi.
Còn với tôi, không sao, vì rõ ràng tôi biết, tôi là ai? Ông Quốc không quan tâm đến tôi là chuyện dễ hiểu.
Tôi buồn nhiều ngày sau mà không nói được với ai, cho dù tôi rất sùng bái điều răn dạy của người xưa, rằng ‘nỗi buồn chia ra, vơi đi một nửa. Niềm vui chia sẻ, nó bằng nhân đôi’. Vâng, nói thế, hiểu thế, nhưng quả thật, tôi cảm thấy cay đắng cực độ.
Sẽ có người không tin những điều tôi thuật lại về ông Dương Trung Quốc, nhất là vào những năm tháng sau này, khi tôi viết những dòng này, ông Quốc đã trải qua đến ba nhiệm kỳ là nghị viên Quốc hội (trừ một người đáng kính đã khuất).
Đây là một mất mát, một thất bại của tôi trong tiến trình phục dựng lại chân dung thực của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, bởi lẽ: đã có đồng nghiệp nổi danh của ông Quốc, từng mỉa mai với bạn tôi khi người bạn đó chân thành kể với ông ta những việc tôi làm, và muốn ông ta chia sẻ. Người đồng nghiệp nổi danh đó đã nói: ‘Thôi, bàn về cụ Vĩnh thì phải để Dương Trung Quốc!’.
Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Nguyễn Văn Vĩnh do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh phối hợp tổ chức tại Hà Nội năm 2012.
Sự việc này trở nên nghiêm trọng với tôi, và đó là lý do mà khi tôi làm bộ phim tài liệu về Nguyễn Văn Vĩnh, tôi đã nhiều lần cân nhắc nghĩ đến vai trò của ông Quốc, vai trò của Tổng Thư ký Hội sử học VN, vai trò của một vị Đại biểu Quốc hội…. Nhưng tôi đã quyết định không mời ông Quốc tham gia, vì lúc nào trong óc tôi, cứ nghĩ đến ông Dương Trung Quốc, là thấy văng vẳng câu nói: “Chuyện của tôi với cụ Vĩnh thế là xong nhé”.
Ngược lại, quyết tâm của tôi càng tăng lên, khích lệ tôi phải làm được điều gì đó thật ý nghĩa, phải chứng minh được tất cả những giá trị bất diệt có thật của ông nội mình. Tôi nuôi suy nghĩ, sẽ làm cho những ai từng phủ nhận, bôi nhọ, bóp méo những giá trị do Nguyễn Văn Vĩnh để lại, sẽ phải áy náy đến lúc ‘ra đi’.
Câu chuyện này đã minh chứng, rằng vì sao, cho đến hôm nay, khi tôi viết những dòng này là cuối năm 2014, bộ phim “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” đã chiếu đến gần bốn chục buổi, nhưng ông Dương Trung Quốc, và cả Viện Sử học Việt Nam vẫn chưa hề có ai (ngoài vị Chủ tịch Phan Huy Lê) xem bất kỳ một buổi chiếu nào. Trong khi nhiều cơ quan các Viện khoa học xã hội đã mời tôi chiếu cho các cán bộ và nhân viên của họ được xem.
Khi tổ chức buổi chiếu dành cho ông bà Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS.VN cùng gần một chục các nhà nghiên cứu khác, tôi đã đến tận nhà riêng mời ông Quốc.
Buổi chiếu đầy ý nghĩa quan trọng ở Trung tâm VH Pháp L’Espace Hà Nội, tháng Tư năm 2009, ông Quốc cũng không đến dự, cho dù Đại sứ quán CH Pháp đứng tên mời. Khi kết thúc buổi chiếu đó, phía Pháp đã hỏi tôi: ‘Ông Bình có nhận được tin gì của ông Dương Trung Quốc không?’….
(Hết trích đoạn)
N.L.B.
Tác giả gửi BVN.