Nguyễn Vũ Bình
Câu hỏi: Hoạt động đấu tranh dân chủ có phải là (có đồng nghĩa với) hoạt động chính trị không?
Trả lời: Không phải, hoạt động đấu tranh dân chủ không đồng nghĩa với hoạt động chính trị, thậm chí hai vấn đề không hề liên quan tới nhau.
Câu hỏi: Xin phân biệt ngắn gọn, khác biệt cơ bản của hai loại hoạt động này?
Trả lời: Hoạt động đấu tranh dân chủ, theo nghĩa rộng nhất của từ này, bao gồm toàn bộ những hoạt động nhằm mục đích cuối cùng là dân chủ hóa đất nước, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất là thay đổi chế độ xã hội. Cụ thể là chế độ độc tài toàn trị cộng sản sang chế độ dân chủ. Đặc trưng quan trọng nhất trong hoạt động đấu tranh dân chủ là tính đối kháng trong các hoạt động của những người tham gia.
Nhưng hoạt động chính trị, theo khái niệm chính trị học hiện đại, đó là những hoạt động của các đảng phái, các tổ chức chính trị cạnh tranh nhau để lãnh đạo và quản lý đất nước, theo một khuôn khổ pháp luật đã được tất cả người dân đồng thuận. Đặc trưng của các hoạt động chính trị là đối trọng, đối lập giữa các lực lượng, đảng phái. Đó là sự đối trọng về quyền lực, đối lập về quan điểm, tức là giữa những tổ chức đảng phái bình đẳng, cạnh tranh nhau, tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng về đường lối chính sách của tổ chức, đảng phái của mình.
Hoạt động đấu tranh dân chủ diễn ra trong bối cảnh người dân chưa có các quyền con người (hoặc có nhưng hạn chế, khiếm khuyết lớn) cơ bản và dân sự. Hoạt động chính trị diễn ra trong bối cảnh người dân đã có các quyền con người đầy đủ.
Câu hỏi: Tại sao nhiều người đánh đồng hai phạm trù hoạt động dân chủ với hoạt động chính trị?
Trả lời: Ngoại trừ một số ít người chưa hiểu vấn đề, thì việc đánh đồng hai phạm trù là việc làm có chủ ý của nhà cầm quyền, đó là việc đánh tráo khái niệm. Mục đích của nhà cầm quyền là làm tầm thường hóa hoạt động đấu tranh dân chủ, làm người dân ghê tởm hoạt động đấu tranh dân chủ như hoạt động chính trị.
Câu hỏi: Xin phân tích rõ hơn?
Trả lời: Đối với mỗi đối tượng, nhà cầm quyền sẽ sử dụng việc đánh tráo khái niệm một cách khác nhau. Ví dụ, đối với những người có chức sắc tôn giáo, lực lượng tuyên giáo và dư luận viên thường khuyên, không nên tham gia vào các hoạt động chính trị, chỉ nên lo phần đạo, đừng can thiệp vào phần đời. Khi đã hiểu đúng vấn đề, chúng ta dễ dàng phản bác lại luận điệu xuyên tạc đó. Những vị chức sắc tôn giáo, lên tiếng để nói sự thật, lên án những cái xấu, cái bất công và cái ác chứ hoàn toàn không phải hoạt động chính trị bởi vì các vị đó đâu có thành lập tổ chức, đảng phái để tranh cử, bầu bán hưởng lợi từ việc đó. Đồng thời, không có một giáo lý tôn giáo nào cấm hoặc lên án những người lên tiếng đấu tranh chống lại cái xấu, cái bất công và cái ác.
Đối với những người dân thường không bằng cấp, ít học hành, nhà cầm quyền sẽ nói rằng, đấu tranh dân chủ là hoạt động chính trị, cần phải có bằng cấp, có trình độ, hiểu biết, phải được đào tạo, chuyên nghiệp mới làm được.
Đối với những người đạo đức, mô phạm, dư luận viên sẽ nói, hoạt động dân chủ là hoạt động chính trị, là những việc làm thủ đoạn, bẩn thỉu và đê hèn không nên tham gia...
Thâm hiểm nhất, là việc đánh đồng hoạt động dân chủ với hoạt động chính trị nhằm xóa nhòa ranh giới, chiến tuyến giữa những người đấu tranh dân chủ với những người thuộc hệ thống cai trị hiện nay. Bất kể ai sai cái gì, sai như thế nào cũng cần lên án, phê phán; đấu tranh chống độc tài nói chung chứ không chỉ là độc tài toàn trị cộng sản; cần bạch hóa tất cả để mọi người thấy chúng ta trong sạch... Đây chính là quan điểm về hoạt động chính trị, trong môi trường bình đẳng giữa các cá nhân, đảng phái và lực lượng xã hội. Những quan điểm như trên mới nghe không phải không đúng, không có lý nhưng chỉ có một vấn đề, môi trường của chúng ta chưa phải môi trường hoạt động, làm chính trị như vậy.
Hà Nội, ngày 11/12/2018
N.V.B. Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4885