Điện mặt trời từ pin Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam: Lợi bất cập hại?

Nguyễn Hồng Phúc

Sáng ngày 3-12-2018, nghi ngờ nhóm người lạ mặt về địa phương làm dự án điện mặt trời, nhiều người dân xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã 'bắt giữ' để phản đối dự án này.

Theo nhiều người dân xã Mỹ Thắng, lý do họ phản đối là vì lo rằng dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ sẽ gây ô nhiễm môi trường, đổ thải ra biển, làm cho tôm, cá của họ đang nuôi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, người dân cũng lo dự án lấy trên 380 ha sẽ choán hết diện tích đất sinh sống của họ. Không chỉ vậy, nhiều người còn băn khoăn chủ đầu tư vào làm dự án điện mặt trời để lợi dụng khai thác titan, gây ô nhiễm môi trường.

Lo lắng của người dân là có căn cứ. Rộng đường dư luận, tiếp theo đây là những ghi nhận liên quan về việc đang có quá nhiều dự án đăng ký về điện mặt trời.

Nhằm để tiêu thụ pin quang điện do Trung Quốc sản xuất?

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo, là dường như đang có rất nhiều dự án xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời chỉ nhằm mục đích chính ‘xí chỗ’ để làm ăn về đất đai. Thực tế, đầu tư điện mặt trời và cả điện gió đều không dễ kiếm lời. Cái nguy hại ít ai đề cập, là những tấm pin năng lượng do Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam gây ô nhiễm môi trường. Lâu dài còn là rác công nghiệp từ loại trừ pin này do hư hao trong quá trình khai thác.

Đầu năm 2017 tại tỉnh Bắc Giang, nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời (pin quang điện) của Công ty TNHH Trina Solar (VietNam) Science & Technology, doanh nghiệp 100% vốn của tập đoàn Trinasolar (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên đã chính thức hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay đã hoạt động với tổng vốn đầu tư được thông báo là 100 triệu USD, sản lượng thiết kế là 1GW/năm, sản xuất nhiều loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể.

Một nguồn tin từ Công ty Năng lượng mặt trời Boviet, một công ty chuyên sản xuất tấm pin và module chuyển hóa năng lượng mặt trời ở Bắc Giang, thuộc tập đoàn Boway (Trung Quốc), thì hiện có tới bảy công ty chuyên sản xuất pin và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc và hai của Đài Loan đã có mặt ở Việt Nam. Các công ty này đều đặt nhà máy ở những khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang.

Một tấm pin năng lượng mặt trời thông thường chứa các kim loại như chì, đồng và có khung nhôm. Các tế bào năng lượng mặt trời được tạo thành từ tinh thể silic tinh khiết kết tinh, dưới một lớp màng nhựa dày có chức năng bảo vệ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, khi sản xuất pin năng lượng mặt trời từ nguyên liệu ban đầu là thạch anh (silica SiO2). Thạch anh được nhiệt luyện để tinh chế thành silic nguyên chất, bước này phát thải ra một lượng khí CO2 và SO2. Kế tiếp silic được tinh luyện tiếp cùng với các hóa chất (axit clohydric HCl) để tạo ra những khối silic đa tinh thể và chất thải SiCl4. Nếu SiCl4 không được tái sử dụng mà thải ra môi trường thì sẽ gây nguy cơ axit hóa đất đai, nguồn nước.

Còn để làm tan chảy và tinh chế silic (các tấm pin cần silic để hấp thụ năng lượng từ ánh sáng mặt trời) phải cần nhiệt độ lên tới 1.414 độ C. Như vậy, để tạo một tấm pin mới buộc nó phải thải ra môi trường một khối lượng carbon rất lớn.

Bên cạnh việc tiêu thụ nguồn năng lượng đáng kể, các chuyên gia cho rằng quá trình sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời còn xuất ra lượng nước thải và các chất phụ gia vào khí quyển. Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng cung ứng, nên một tấm pin mà Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam tạo ra lượng khí thải gần gấp đôi so với một tấm pin sản xuất của các quốc gia châu Âu.

“Chúng ta có rất nhiều những bài học liên quan đến Trung Quốc như Formosa, Boxit, nhà máy gang thép Thái Nguyên, các nhà máy giấy như Lee & Man Hậu Giang, nhiệt điện than ở tỉnh Bình Thuận, ở tỉnh Trà Vinh...  Nếu không kiểm soát tốt sẽ biến đất nước thành một ổ ô nhiễm của thế giới”. PGS. TS Nguyễn Bội Khuê, Trưởng khoa điện, điện tử của Đại học Bình Dương, khuyến cáo.

Sao không chọn công nghệ khác?

Châu Âu và Mỹ hiện sử dụng “Module Series 6” làm công nghệ sản xuất pin mặt trời màng mỏng. Nôm na, công nghệ màng mỏng là thông qua các cảm biến, biến ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện.

Đối lập với công nghệ màng mỏng là công nghệ truyền thống silic tinh thể mà các công ty Trung Quốc đang sử dụng tại Việt Nam. “Module Series 6”, công nghệ màng mỏng có tính kinh tế theo quy mô gấp 3 lần truyền thống. Tất cả là nhờ giảm chi phí sản xuất; so với “Module Series 4”, chi phí sản xuất “Module Series 6” rẻ hơn 40%.

Hiện tại thì chỉ có một công ty quốc tịch Mỹ, chuẩn bị sản xuất pin theo công nghệ sạch này với nhà máy đặt tại huyện Củ Chi, Sài Gòn.

“Tin rằng không nhiều nhà đầu tư sẽ chọn pin quang điện theo công nghệ màng mỏng, đơn giản vốn vay hầu hết là đến từ các ngân hàng bảo lãnh của Trung Quốc”. Một chuyên gia tài chính nhận xét.

Thống kê của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết tính đến tháng 9-2018, tỉnh Khánh Hòa công bố chín dự án điện mặt trời, được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng diện tích 795 ha, tổng mức đầu tư 13.020 tỷ đồng; đồng thời đưa ra 29 địa điểm để nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời.

Tại tỉnh Ninh Thuận, tính đến tháng 9 năm nay, có khoảng 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 14 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 716,5 MW, tổng vốn đăng ký 20.079 tỷ đồng và năm dự án đang lập thủ tục cấp quyết định chủ trương.

Với điều kiện tự nhiên gần tương tự Ninh Thuận, tỉnh Phú Yên cũng công bố 14 địa điểm có tiềm năng phát triển dự án điện năng lượng mặt trời.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay trong lãnh vực năng lượng tái tạo, hiện chỉ mới có hai dự án rất nhỏ được hoàn thành và đi vào vận hành; trong đó, có dự án điện gió Bạc Liêu công suất 92 MW, mới đưa vào vận hành thô 50 MW, hiệu suất phát điện cung cấp cho hệ thống nhỏ nên hiệu quả không cao. Điện gió bán ra thu về không đủ trả lương cho công nhân. Điện mặt trời gần như chưa có.

“Điện mặt trời thường không ổn định do phụ thuộc vào thời tiết và rất khó kết nối vào lưới điện quốc gia, trong khi những dự án có công suất hàng chục, hàng trăm MW bắt buộc phải nối. Cụ thể, muốn nối được với với điện lưới quốc gia phải có một hệ thống đồng bộ gọi là hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS). Tuy nhiên, đầu tư vào hệ thống này rất tốn kém, 1 MW tốn khoảng 1 triệu USD”. Ông Trần Viết Ngãi nhận xét, và nói rằng gần như các nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời ở các địa phương ‘quên’ mất chi tiết đó.

Vì sao thiên hạ đua nhau đầu tư vào điện năng lượng mặt trời?

Mọi việc dường như mới chỉ bùng phát từ tháng 4-2017, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. [văn bản tại http://bit.ly/2Pj6Oq2]

Theo Quyết định này thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá tương đương 9,35 cent/kWh (trên 2.000 đồng/kWh) trong vòng 20 năm.

Ưu đãi về đất đai như sau: Các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tạo điều kiện thu xếp quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời.

Đây chính là duyên cớ giải thích vì sao người dân xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định phản đối dự án kiểu “mượn gió bẻ măng” này của nhà đầu tư điện mặt trời ở vùng đất giàu có titan Phù Mỹ.

N.H.P.

VNTB gửi BVN