Bài viết xuất phát từ câu chuyện hội thảo Xã hội dân sự thường niên của nhóm tổ chức phi chính phủ bị chính quyền Hà Nội sách nhiễu vào ngày 19.12. Câu hỏi đặt ra: vậy không gian nào có thể hỗ trợ cho những cuộc thảo luận như vậy mà hạn chế những rủi ro bị ngắt đứt bởi nhà nước?
Trang Newyorker đăng tải bài của Adam Gopnik, đặt vấn đề, có phải không gian quán cafe nảy sinh ra chủ nghĩa tự do (hay phóng khoáng). Theo tác giả này, các quán cà phê ở châu Âu là không gian thứ ba, nơi không hoàn toàn công khai hay hoàn toàn riêng tư, nơi diễn ngôn cách mạng phát triển mạnh mẽ.
Lý thuyết này xuất phát từ các nhà xã hội học, và triết gia nổi tiếng người Đức Jürgen Habermas, gắn với bối cảnh là những quán cà phê trong thế kỷ thứ XVII - XVIII - nơi đã đặt nền móng cho Thời kỳ Khai Sáng.
Đây là cách mà xã hội dân sự được hình thành, nơi mà không chịu sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước, những cuộc trao đổi - trò chuyện tự do đã tạo thành những thói quen thể hiện xã hội.
Cafe Nhân quyền của Nhóm blogger Việt Nam.
Câu chuyện của Adam Gopnik nếu đặt vào trong xã hội Việt Nam sẽ gợi mở ra nhiều vấn đề khi không gian xã hội đang bị siết chặt, và những cuộc hội thảo liên quan đến chủ đề này đều bị kiềm tỏa với những lý lẽ chống chế phi lý đến đáng kinh ngạc. Và do đó, quán cafe hay trà đá đã trở thành một không gian dân sự dân dã để bàn luận nhiều vấn đề, từ câu chuyện thuế phí, BOT, hay số phận của những đảng viên cao cấp qua cuộc chiến ‘đốt lò’ của ông Tổng Bí thư. Sở dĩ như vậy vì không gian cafe tại Việt Nam không chỉ là sự thưởng thức đồ uống mang tính kích thích này, mà còn nơi tụ họp bạn bè, đồng hương và những người thân quen.
Bản thân quán cafe, bằng cách nào đó trở thành nên trao đổi, đàm luận. Và bằng cách nào đó, nó trở thành một diễn đàn sống động nhất cho việc ghi nhận các hệ thức, cảm xúc xã hội. Nơi mà như đã đề cập nêu trên là không thể bị kiểm soát và rất khó để trấn áp bằng bạo lực hay tuyên truyền.
Không đâu lấy tin nhanh như quán cafe, nơi sự mật thám của chính quyền trong xã hội dù dày đặc nhưng nó cũng chưa xâm phạm vào địa vực vừa riêng tư, nhưng lại không phải công cộng này. Chủ nghĩa tự do hình thành theo một cách rất riêng, và bằng cách nào đó, nó lây lan và truyền một cảm hứng cho sự đối mặt với độc tài và quyền lực.
Những người đấu tranh nhân quyền hay những nhân vật đang tìm kiếm dân quyền thường trao đổi với nhau rất nhiều về các vấn đề chính trị - xã hội cũng như góc nhìn của họ, một cách trật tự và thoải mái trong quán cafe. Thậm chí, có lúc trong câu chuyện đó nó hình thành những mô-típ mang tính thâm cung bí sự. Quán cafe lúc này chuyển từ một điểm sinh tồn của chủ quán, trở thành một nơi nuôi dưỡng những ý chí khao khát tự do và nhân bản.
Quán cafe tại Paris, nơi thảo luận về các vấn đề chính trị, nơi mà nhà tư tưởng và giới triết học Voltaire, Rousseau và Denis Diderot thường lui tới.
Cách đây không lâu, tại Thủ Đức xuất hiện quán cafe mang tên DLV với slogan ‘giải khát, giải trí và giải độc’, nếu gạt bỏ những định kiến thì đây là mô hình để bày tỏ quan điểm và thể hiện quan điểm xã hội, tất nhiên, nó phải là một sự bày tỏ tự do như cơ sở mà quyền tự do ngôn luận được hình thành. Còn ngược lại thì đó chỉ thuần túy là một trại tuyên truyền, và chủ nghĩa áp đặt sẽ nảy sinh.
Đối với bà con hải ngoại, kênh truyền hình trên youtube PhoBolsaTV thường hay tiến hành phỏng vấn ý kiến những cá nhân đang uống cafe về các vấn đề thuộc Việt Nam, ví như về chủ quyền Hoàng Sa, về cờ đỏ, cờ vàng,... Nếu không có ngôn từ mang tính kích động và cực đoan thì đây cũng được xem là một hệ quán cafe để trao đổi mọi vấn đề trên tinh thần tự do, phóng khoáng.
Có lẽ vì xác định tính chất đặc biệt của quán cafe trong trao đổi tự do, nên năm 2014 trở về trước, nhóm Mạng lưới blogger Việt Nam đã tiến hành nhiều buổi Cafe nhân quyền, mỗi buổi là một chủ đề. Và vào lần thứ 3 là chủ đề rất nóng ‘Công ước chống tra tấn và vấn nạn công dân chết trong đồn công an’, tuy nhiên, buổi cafe đã không diễn ra như dự định vì bị đàn áp. Trước đó, cũng tổ chức này, đã tổ chức thành công buổi cafe với sự tham gia của GS Chu Hảo và đại diện sứ quán Úc, Thụy Điển, EU,... để thảo luận về quyền tự do đi lại của công dân. Nếu nhóm này duy trì được chương trình cafe nhân quyền này, thì chắc chắn, nó sẽ tốt hơn rất nhiều lần so với hội thảo, và về phương diện tự do biểu đạt sẽ nâng cao lên rất nhiều. Tuy nhiên, rất tiếc là từ đó đến nay, cafe nhân quyền đã không còn dấu tích.
Mong muốn tìm một không gian biểu đạt, và quán cafe trở thành một lựa chọn không tồi. Có lẽ, các nhà hoạt động nhân quyền, dân quyền; thậm chí là cả những nhóm mà đã tổ chức xã hội dân sự thường niên có thể nghĩ đến cafe thay vì một hội thảo tại khách sạn, nơi sự tương tác không bị khép kín, mà ngược lại nó mở rộng và tác động đến cả những người vô tình ngồi trong quán vào buổi thảo luận đó.
Cafe tại Việt Nam nếu thiết lập thành những cuộc thảo luận, thì nó sẽ trở thành những ‘Qahveh Khanen’ (những quán cafe vào thế kỷ XVI) tại Trung Đông, nơi ‘mọi người tham gia vào cuộc trò chuyện, vì ở đó có tin tức được truyền đạt và nơi những người quan tâm đến chính trị tự do chỉ trích chính phủ mà không sợ hãi’.
Cafe khai sáng là một gợi ý không tồi, trong tình trạng nhà cầm quyền sách nhiễu liên tục các hội thảo, hội nghị XHDS tổ chức ở quy mô lớn.
A.L.
VNTB gửi BVN