Kiều Phong
Ngày 25/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo với những quy định siết chặt việc sử dụng trong việc đưa các thông tin lên mạng xã hội, xử lý nghiêm những tác giả viết những bài bị cho là trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Luật này đưa ra đúng 7 ngày, tức là tròn 1 tuần trước năm mới dương lịch 2019. Có thể nói rằng Bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội là “sứ giả dọn đường” cho luật An ninh mạng sẽ đến vào ngày 01/01/2019. Cả hai bộ luật đều hết sức mơ hồ, đều là chơi chữ. Cách đây không lâu, kỹ sư tin học nổi tiếng Dương Ngọc Thái đã viết thư gửi các nhà ban hành Luật an ninh mạng ở Việt Nam, gọi họ là những người bảo vệ an toàn kỹ thuật số bằng ngôn từ, thay vì bằng những thuận toán, bằng những dòng lệnh như ở các nước phương Tây tiên tiến về kỹ thuật.
Quy định này được nhiều người dân cho rằng được đưa ra chỉ để che đậy những cái xấu, đừng đưa những bê bối của vua quan Việt Nam lên mạng xã hội, làm mất hình ảnh của họ.
Ảnh minh họa
.Chi Dương Thị Quyên, một công dân nhận xét: “Một con người biết phục thiện và nhìn nhận sai lầm thì mới tiến bộ. Một chế độ không biết nhận sai thì đó là một chế độ không trong sạch, không minh bạch, và như thế sự thụt lùi của một quốc gia dưới chế độ đó sẽ là điều tất yếu !”
Khi bản quy định này đi vào thực hiện, dối trá khoe ra, sự thật thì đậy lại, các nhà báo làm cho khối quốc doanh sẽ bị hạn chế quyền phát ngôn, mà gọi một cách cứng rắn thì là “bị khóa mõm”. Báo chí là một trong năm cột trụ thiết yếu của một quốc gia. Nhiều người nói đùa rằng, bản quy định kìm hãm tự do báo chí này có thể đưa Việt Nam trở về thời kì đồ đá mông muội.
Bộ Quy tắc gồm 3 chương, 7 điều, nhấn mạnh đến việc cấm tiết lộ bí mật thông tin riêng và cấm kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Trước mắt, bài báo nào không kêu gọi xuống đường nhưng chỉ nhận được nhiều bình luận (comment) trái ý ông Nguyễn Phú Trọng thôi thì sẽ được coi là “biểu tình online”, một điều mà ông không hề thích. Bộ quy tắc này khiến cho các nhà báo quốc doanh đã thuần thành phải thuần thành hơn nữa đối với lệnh từ trung ương.
Quy định sử dụng mạng xã hội đối với nhà báo. Riêng đối với mục bảo vệ bí mật thông tin riêng thì như thế nào là bí mật thông tin riêng, khi mà một con người không thể nào tách biệt được khỏi mối liên hệ với những người xung quanh. Ví dụ, nhà báo đưa ảnh ăn chơi của ông quan lên mạng xã hội thì anh ta bị ông quan chức nọ kiện là xâm phạm đời tư của tôi, nói xấu tôi. Nhưng rõ ràng là ông quan chức đó chỉ có cách vơ tiền ngân sách thành phố để phục vụ cho ăn chơi cá nhân.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi cho biết, nhiều nhà báo (thuộc phe quốc doanh) đánh giá cao nội dung đưa ra trong văn bản 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Nhưng ông Lợi sẽ không thể lường trước được, chính 10 điều đó sẽ trói chân các nhà báo, thậm chí quật ngược lại các nhà báo. Những nạn nhân (xứng đáng hay không xứng đáng) của bài báo có thể dùng quy định 10 điều đó để bắt các tòa soạn báo bồi thường. Khi ấy, không ít những người ca ngợi các quy định (trước khi nó ra đời) sẽ đâm ra thù địch với các quy định ấy (khi nó đã được thực thi).
Những nhà báo loại quốc doanh, loại văn nô thì im lặng cúi đầu thần phục, nhằm giữ được đồng lương hầu mưu sinh và nuôi sống vợ con. Còn những ký giả có tâm hồn tự do thì khác. Còn nhớ, thời Việt Nam Cộng Hòa, khi các ký giả bị o ép, họ liền kéo nhau xuống đường biểu tình, căng biểu ngữ mỉa mai "Ký giả đi ăn mày" sáng sớm. Tổng thống của chính quyền Sài Gòn thấy sự chống đối đầy văn hóa như vậy thì cũng cho qua, không cho quân vào đàn áp. Ngày 10 tháng 10 năm 1974.
K.P.
VNTB gửi BVN