Ông Đinh Hồng Kỳ, phó chủ tịch Hội công nghệ cao TP HCM, kể rằng sau chuyến công vụ ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trở về Sài Gòn, ông đã thêm củng cố về ngờ vực chuyện ‘rác’ công nghệ mà Trung Quốc đã tuồn sang Việt Nam dưới lớp áo đầu tư FDI.
Công nghệ ấy, giờ ở… Việt Nam?
Đến thăm Phật Sơn, ông Đinh Hồng Kỳ đã bất ngờ khi thấy các doanh nghiệp sản xuất ngành vật liệu xây dựng gạch ốp lát ở đây áp dụng robot, trí tuệ nhân tạo AI. Câu hỏi bật ra, vậy thì các công nghệ cũ, lạc hậu hay những sản phẩm kém chất lượng mà mới 2, 3 năm trước họ còn dùng nhan nhản nay chuyển đi đâu?
“Tôi liên tưởng đến một hiện tượng. Trong khoảng hai năm gần đây, giá thuê đất trong các khu công nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng lên chóng mặt. Một lượng cầu không nhỏ đến từ các doanh nghiệp Trung Hoa đại lục. Họ sẵn sàng trả giá rất cao cho các vị trí sản xuất công nghiệp thuận lợi. Tất nhiên máy móc, thiết bị và thậm chí con người được đưa từ nước họ sang”.
Ông Đinh Hồng Kỳ nhận xét trên cương vị là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vật liệu xây dựng Secoin. [http://bit.ly/2QCVTfH]
Ảnh minh họa.
Đại diện Tân Cảng – Sài Gòn cho biết chuyện các container thiết bị máy móc công nghệ lạc hậu được các hãng tàu biển Trung Quốc chuyển đến cảng Cát Lái phục vụ cho những dự án FDI ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa là điều quen thuộc. Ô nhiễm và là bãi rác công nghệ không còn là cảnh báo nguy cơ nữa mà đã hiện diện, song vẫn chưa có tỉnh, thành nào mạnh dạn từ chối đồng vốn FDI ‘bẩn’ đó đến từ Trung Hoa lục địa.
“Ông chủ một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn của Quảng Đông mới đây còn nói với tôi rằng, Việt Nam đang là thị trường vật liệu xây dựng lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Mỹ. Tôi rất ngạc nhiên khi một thị trường nhỏ bé như Việt Nam lại chiếm tỷ trọng lớn như vậy trong kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng của người hàng xóm. Trong tôi xuất hiện một câu hỏi là liệu câu chuyện xe máy Tàu và dây chuyền sản xuất xe máy rẻ tiền của Trung Quốc tràn sang chiếm lĩnh thị trường Việt cách đây gần 20 năm, khi Trung Quốc bắt đầu cấm xe máy nội địa, có đang tái diễn?”. Ông Đinh Hồng Kỳ bày tỏ lo ngại.
Những Formosa rải khắp Việt NamBài học về các vụ ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Điển hình là Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 2, 3 tự ý thay đổi công nghệ ướt sang công nghệ khô, không xử lý xỉ than… và đặc biệt nhà máy này giống Formosa lại đặt hệ thống xả thải ngầm ra biển Trà Vinh gây ô nhiễm toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long và đến thời điểm này vẫn chưa khắc phục được. Đáng nói, tất cả các nhà máy trên do Trung Quốc xây dựng.
Giờ đây, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại qua lại giữa Mỹ - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn quyết liệt, khi hai nước trả đũa lẫn nhau về các mặt hàng công nghệ, máy móc liên quan đến sở hữu trí tuệ, thì tại Việt Nam giá trị nhập khẩu máy móc, công nghệ và thiết bị Trung Quốc gia tăng đều đều.
Đáng ngại là trong cách nghĩ của nhiều quan chức Việt Nam lại cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang dần “tốt nghiệp” ODA, thì việc chuyển hướng tận dụng dòng vốn mới từ những nơi Việt Nam chưa thu hút được nhiều, như Trung Quốc, là một chọn lựa tốt.
Từ đầu năm đến nay, thống kê của ngành hải quan Việt Nam cho biết Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp các loại máy móc, thiết bị cho Việt Nam, chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Trung Quốc tiếp tục nổi lên là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, với 59,7 tỷ USD sau 11 tháng năm 2018.
Việt Nam trong tốp ưu tiên nhận… ‘rác’ công nghệ?
Ghi nhận tại Diễn đàn “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc 2018” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT China) tổ chức tại TP.HCM hôm 5-12, cho biết ở lĩnh vực đầu tư, tính luỹ kế đến cuối tháng 9-2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 2.041 dự án, với số vốn đăng ký 12,78 tỷ USD, đứng thứ 7 trên tổng 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Riêng 10 tháng của năm 2018, Trung Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 5 trong tổng số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Bên lề Diễn đàn “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc 2018”, nhiều doanh nghiệp ở Sài Gòn nhận định về sức ép của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sẽ khiến đẩy nhanh lộ trình của Trung Quốc, là thay thế công nghiệp giá rẻ tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Đến năm 2025, Trung Quốc dự kiến hàm lượng công nghệ cao chiếm trong 1 sản phẩm sản xuất được phải là 70%. Do đó những công nghệ thải loại của Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển sang các nước khác, Việt Nam nằm trong tốp quốc gia ưu tiên. Thỏa thuận về các FTA, đồng ý dù không phân biệt các nhà đầu tư, nhưng cảnh báo chuyện Việt Nam luôn cẩn trọng không nên loại trừ bất cứ nguy cơ nào, mà cần phải cân nhắc kỹ đối với những dự án của Trung Quốc đầu tư vào; đồng thời, giám sát cẩn thận việc chuyển giao công nghệ đối với những dự án đã ký với nhà đầu tư Trung Quốc.
N.H.P.
VNTB gửi BVN