Thường Sơn
Kỷ niệm ngày ‘Nhân quyền quốc tế’ 10 tháng 12 năm 2018, giới ngoại giao nước ngoài đã có một hành động chưa từng có: 21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đồng loạt việc đọc tuyên ngôn nhân quyền Liên hiệp quốc ở Hà Nội.
Theo BBC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink kêu gọi trên trang Facebook của mình việc cùng chia sẻ video được đưa lên cùng ngày "để cùng chúng tôi tôn vinh các quyền phổ quát, vĩnh cửu và không thể tách rời".
Trong 'Lời nói đầu' của Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, được Đại hội đồng LHQ thông qua vào năm 1948, Đại sứ Kritenbrink đọc đoạn sau:
"Bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền này là thước đo chung cho tất cả các nước và tất cả các dân tộc đánh giá việc thực hiện mục tiêu mà mọi cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội, trên cơ sở luôn ghi nhớ Bản tuyên ngôn này..."
'Lời nói đầu' của tuyên ngôn cũng được Đại sứ Anh, New Zealand và Canada cùng đọc.
"Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo xâm phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận và tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực được coi là nguyện vọng cao cả nhất của loài người,
"Nhân quyền phải được pháp luật bảo vệ để mỗi người không buộc phải nổi loạn như là biện pháp cuối cùng để chống lại chế độ cường quyền và áp bức,...". Đại sứ Vương Quốc Anh Gareth Ward đọc trong video dài hơn 12 phút và có 30 Điều trong tuyên ngôn.
Ông Wojciech Gerwel, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan, nước từng thuộc khối XHCN Đông Âu, thì đọc phần nói về quyền của công nhân viên, nghiệp đoàn…
Hành động 21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đồng loạt việc đọc tuyên ngôn nhân quyền Liên hiệp quốc ở Hà Nội vào ngày ‘Nhân quyền quốc tế’ 10 tháng 12 năm 2018 diễn ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ‘tự sướng’ rằng bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam “được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”… Tại UPR chu kỳ 2 vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ 1 năm 2009… Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự... Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook...
Nhưng ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi…
Đến lúc này, ngay cả khối Liên minh châu Âu - những nhà chính trị mang thói quen vận động ôn hòa cho cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và thường bị giới lãnh đạo láu cá hứa trước quên sau ở Hà Nội ăn hiếp qua các cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai bên, từ giữa năm 2016 đến nay đã buộc phải thể hiện thái độ phẫn nộ, nhưng phản ứng sắc nét hơn cả là bắt đầu thay đổi quan điểm từ thuyết phục sang sẵn sàng chế tài thương mại.
Việc giới ngoại giao nước ngoài đồng loạt việc đọc tuyên ngôn nhân quyền Liên hiệp quốc ở Hà Nội chính là một lời cảnh báo như thế, nếu chính thể độc đảng ở Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm và có thể chứng minh được.
T.S.
VNTB gửi BVN
* * *
Giới ngoại giao nước ngoài đọc tuyên ngôn nhân quyền LHQ ở Hà Nội
21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đọc bản tuyên ngôn nhân quyền vào ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12/2018.
'Chúng tôi tôn vinh các quyền phổ quát'
Trên trang Facebook của mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink kêu gọi việc cùng chia sẻ video được đưa lên cùng ngày "để cùng chúng tôi tôn vinh các quyền phổ quát, vĩnh cửu và không thể tách rời".
Trong 'Lời nói đầu' của Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, được Đại hội đồng LHQ thông qua vào năm 1948, Đại sứ Kritenbrink đọc đoạn sau:
"Bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền này là thước đo chung cho tất cả các nước và tất cả các dân tộc đánh giá việc thực hiện mục tiêu mà mọi cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội, trên cơ sở luôn ghi nhớ Bản tuyên ngôn này..."
'Lời nói đầu' của tuyên ngôn cũng được Đại sứ Anh, New Zealand và Canada cùng đọc.
Đại sứ Vương Quốc Anh Gareth Ward dùng mạng xã hội khá thường xuyên để kết nối với bạn đọc tiếng Việt.
"Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo xâm phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận và tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực được coi là nguyện vọng cao cả nhất của loài người.
"Nhân quyền phải được pháp luật bảo vệ để mỗi người không buộc phải nổi loạn như là biện pháp cuối cùng để chống lại chế độ cường quyền và áp bức,...". Đại sứ Vương Quốc Anh Gareth Ward đọc trong video dài hơn 12 phút và có 30 Điều trong tuyên ngôn.
Hôm 10/12/2018 là ngày Nhân quyền Quốc tế và cũng là 70 năm ngày thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.
Điều 5 nói "Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm" được bà Caít Morgan, Đại sứ Cộng hòa Ireland, đọc.
Điều 10 và 11 về quyền được một toà án độc lập và vô tư phân xử công bằng và công khai để xác định quyền, nghĩa vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội và nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai được Đại sứ Đan Mạch Kim Hojlund Christensen đọc trong video này.
Ông Wojciech Gerwel, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan, nước từng thuộc khối XHCN Đông Âu, thì đọc phần nói về quyền của công nhân viên, nghiệp đoàn.
Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng nói về quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia và mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.
Đại sứ New Zealand nói về nhân quyền trong video
Điểm đáng chú ý là tuyên ngôn trong khi nói mọi người đều có quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở những nước khác khi bị ngược đãi thì quyền này không được áp dụng trong trường hợp đương sự bị truy tố vì những tội không mang tính chất chính trị hay vì những hành vi đi ngược lại mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, theo những gì các nhà ngoại giao nước ngoài đọc và phát hành trên video có phụ đề tiếng Việt.
Người xem video có thể thấy các nhà ngoại giao đọc trong phòng làm việc, có nơi nhìn ra cửa sổ là đường phố Hà Nội.
Riêng đại sứ Pháp, Bertrand Lortholary, ghi hình phần ông đọc bằng tiếng Pháp trong khuôn viên tòa đại sứ, với cây xanh đằng sau.
Khác biệt về diễn giải
Tại Việt Nam, bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền có thể đọc được công khai trên trang Thuvienphapluat.
Các trang báo chính thống như tờ Nhân Dân cũng thường có bài kỷ niệm ngày nhân quyền quốc tế.
Điều khác biệt với thế giới chỉ là ở chỗ các tờ báo này nhấn mạnh đến phần "tự do, độc lập dân tộc", và lồng nội dung này vào việc "phát huy dân chủ, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người vốn được coi là bản chất của chế độ chính trị xã hội và sự nghiệp cách mạng của Ðảng Cộng sản và Nhà nước XHCN" ở Việt Nam.
Trong khi đó, các nước theo chế độ đa đảng, dân chủ đại nghị và giới vận động thì nhấn mạnh vào quyền con người cụ thể như tự do cá nhân và các định chế của xã hội dân sự.