Nguyễn Hồng Phúc
Việt Nam với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ ra sao khi là thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế?.
‘Case law’ của Việt Nam: thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?
“Việc chúng ta trúng cử cho thấy các nước đánh giá cao vị thế quốc tế của Việt Nam, không chỉ về chính trị mà còn về kinh tế. Họ cũng nhìn nhận những thành tựu trong quá trình đổi mới về thương mại, đầu tư, thu hút FDI, nhìn nhận mức độ cam kết và hoàn thiện các văn kiện pháp lý liên quan, vai trò của Việt Nam trong UNCITRAL. Nhiều nước thu thập được phản ánh của các doanh nghiệp hoạt động và làm ăn với doanh nghiệp của Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung hôm 18-12 đã nhận định như vậy trong một trao đổi với nhóm báo chí về việc Việt Nam lần đầu trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025.
Lý thuyết được giảng dạy khi học môn luật kinh tế cho biết thương mại đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, mức sống của người dân cao hơn, và nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Để mở rộng và tăng cường các cơ hội đó trên khắp thế giới, UNCITRAL đã đưa ra các quy tắc hiện đại, công bằng và hài hoà đối với các giao dịch thương mại, bao gồm: (1). Các quy ước, luật và quy tắc mẫu được chấp nhận trên toàn thế giới; (2). Các hướng dẫn về luật và pháp lý có ý nghĩa thực tế lớn; (3). Các thông tin cập nhật về các ‘case law’ (hồ sơ luật) và việc ban hành luật thương mại thống nhất; (4). Trợ giúp kỹ thuật cho các dự án cải cách, sửa đổi luật; (5). Hội nghị quốc gia và khu vực về vấn đề luật thương mại thống nhất.
Một phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AFP.
Như vậy, xét về mặt nguyên tắc thì các ‘case law’ đối với thương mại quốc tế tại Việt Nam là cần làm rõ mối tương tác giữa ‘các quy ước, luật và quy tắc mẫu được chấp nhận trên toàn thế giới’, với ‘thương mại trong khuôn khổ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Tuy nhiên, ghi nhận ban đầu từ một số luật sư chuyên trách tham vấn đầu tư, thì cho đến nay những cụm từ hay bắt gặp trong những diễn văn, những nghị quyết chính trị, như “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thật ra vẫn chưa nằm trong bất kỳ sự điều chỉnh nào của luật.
Có nghĩa luật pháp Việt Nam cũng như những công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia, đều không đề cập đến khái niệm thị trường này của Việt Nam. Nói một cách khác, sắp tới đây các văn kiện pháp lý liên quan vai trò của Việt Nam trong UNCITRAL, nếu được hoàn thiện, thì chắc chắn, hoặc phải làm rõ, hoặc sẽ không có thành tố nào liên quan đến cụm từ ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Nghị quyết Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải viết lại?Tập quán thương mại được định nghĩa là thói quen thương mại được hình thành lâu đời, có nội dung cụ thể, rõ ràng, được áp dụng liên tục và được thừa nhận trong quan hệ thương mại quốc tế. Với UNCITRAL [https://uncitral.un.org/], tập quán thương mại của họ lâu nay không có nội dung trừu tượng đến từ Việt Nam, là ‘thương mại trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Như vậy, đã là thành viên của UNCITRAL, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục tuân thủ theo Nghị quyết 11-NQ/TW “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, thì với một thể chế kinh tế vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, trước tiên sẽ buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung của UNCITRAL.
60 thành viên hiện tại của UNCITRAL có Trung Quốc, và ngay cả quốc gia này cũng không đưa ra thuật ngữ “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong lúc đó thì Nghị quyết 11-NQ/TW lại nhấn mạnh: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. (Trích mục III.1, http://bit.ly/2AVeZDY)
“Đề cao pháp quyền, tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ quốc tế. Đó là nguyên tắc cơ bản khi Việt Nam tham gia UNCITRAL. Tôi không rõ cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có được dàn tham mưu của ông tư vấn tử tế về chuyện đề cao pháp quyền hay chưa?”. Luật gia Lê Đức Du đặt câu hỏi.
Lâu nay ở Việt Nam, trong các vụ án liên quan làm ăn kinh tế dính dáng đến tham nhũng từ quan chức, thì chuyện xem xét giác độ ‘pháp quyền’ vẫn đứng thứ hai sau khi ‘đảng quyền’ quyết định. Ví von của chuyện đốt lò mà ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng là ví dụ rõ ràng nhứt về ‘Đảng quyền’.
Lẽ ra trong các sai phạm hợp đồng kinh tế như ở vụ án ngân hàng liên quan đến ông Đinh La Thăng, người ta đã có thể nhanh chóng đưa vào vòng tố tụng ngay từ đầu, chứ không phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tương tự còn là hợp đồng chuyển nhượng đất đai tại TP.HCM mà ông Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài vừa phải xộ khám; còn ông Tất Thành Cang thì vẫn chờ quyết định cuối cùng của Đảng. “Rất có thể khi Việt Nam đã trúng cử vị trí thành viên của UNCITRAL, thì Đảng Cộng sản của ông Nguyễn Phú Trọng phải viết lại Nghị quyết 11-NQ/TW”. Luật gia Lê Đức Du nhận định như vậy về một ‘case law’ mà Việt Nam sẽ phải xây dựng với UNCITRAL trong thời gian tới đây.
N.H.P. VNTB gửi BVN