RFA
Các nhà đàm phán của các nước thành viên TPP tại Chile hôm 8/3/2018. AFP
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 14/1/2019 với những hy vọng tươi sáng cho nền kinh tế khi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào thị trường 10 nước trong hiệp định sẽ được giảm hoặc miễn thuế ngay lập tức.
Tuy vậy, CPTPP được đánh giá cũng sẽ đặt ra không ít thách thức và cạnh tranh khắc nghiệt cho các doanh nghiệp trong nước.
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã thực sự sẵn sàng trước khi CPTPP có hiệu lực?
Khâu chuẩn bị
Hiệp định Đối tác Toàn diện & Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia ký kết hiện nay đã có hiệu lực với 6 quốc gia đầu tiên là Úc, Cananada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore kể từ ngày 30/12/2018.
Quốc hội Việt Nam biểu quyết phê chuẩn CPTPP hôm 12/11/2018 khiến Việt Nam trở thành nước thứ 7 thông qua hiệp định này. Bốn nước thành viên còn lại là Brunei, Chile, Malaysia và Peru.
Việt Nam được các chuyên gia đánh giá sẽ là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất trong thỏa thuận thương mại này đối với các mặt hàng xuất khẩu như gỗ, da giày, may mặc, nông sản, thủy hải sản, điện tử.
Trong một hội thảo gần đây tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam tham gia CPTPP, nhắc lại rằng bên cạnh những cơ hội rộng mở, thì thách thức mà hiệp định này đặt ra cho các doanh nghiệp Việt là rất lớn.
Thật ra nếu doanh nghiệp nào đã có tham gia xuất khẩu vào các thị trường cao ví dụ như Mỹ, Châu Âu, Nhật thì đối với hiệp định CPTPP, họ sẽ không tốn quá nhiều công sức để chuẩn bị đâu – Ông Diệp thành Kiệt
Trả lời câu hỏi về khâu chuẩn bị của các doanh nghiệp trong nước trước khi CPTPP có hiệu lực ở Việt Nam, Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định các doanh nghiệp ít nhiều đã chuẩn bị về mặt tinh thần, và ông nói tiếp:
Thật ra nếu doanh nghiệp nào đã có tham gia xuất khẩu vào các thị trường cao ví dụ như Mỹ, Châu Âu, Nhật thì đối với hiệp định CPTPP, họ sẽ không tốn quá nhiều công sức để chuẩn bị đâu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp chưa tham gia thì chắc chắn họ sẽ có khó khăn ở những thị trường thuộc hiệp định này.
Chúng tôi đặt câu hỏi tương tự với doanh nhân Phạm Phúc Toại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Hoàng Long, và được ông khẳng định về cam kết chất lượng sản phẩm của công ty mình.
Cái đó là tiêu chí số một của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, bao giờ cũng có định hướng chiến lược để làm sao làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp rất khắt khe chuyện này và phải làm cho được chuyện đó.
Ngoài ra, các thách thức lớn khác mà CPTPP đặt ra cho các doanh nghiệp nhỏ và chưa có kinh nghiệm được các chuyên gia nhiều lần phân tích là tiêu chuẩn về lao động và yêu cầu về môi trường. Đặt vấn đề này với một công ty sản xuất nội thất gỗ xuất khẩu ở Bình Dương, chủ doanh nghiệp trẻ giấu tên chia sẻ:
Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) Courtesy VASEP
Thứ nhất là nhà xưởng phải chuẩn bị để có những tiêu chuẩn về môi trường. Mình cũng đang chuẩn bị để áp dụng, tìm hiểu để có chứng nhận ISO. Còn lao động thì cũng ổn, vì thật ra nhân sự khoảng 50 người thì mình cũng lo về Luật Lao động ví dụ như ký hợp đồng lao động, bảo hiểm, công đoàn… Thật ra ở Việt Nam làm mấy cái đó chi phí khủng khiếp lắm.
Trái ngược với sự mong chờ từ CPTPP của nhiều phía, chủ doanh nghiệp Thủy sản Hoàng Long, doanh nhân Phạm Phúc Toại bày tỏ sự không quan tâm đến CPTPP như lời của ông:
Nói chung, nếu nói về kinh tế của đất nước, về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của Việt Nam thì những hiệp định đó là tốt cho Việt Nam. Nhưng tôi thì không quan tâm nhiều vì trong lĩnh vực của tôi thì tôi thấy cũng chẳng có gì gọi là giúp cho doanh nghiệp tốt.
Ông Phạm Phúc Toại nói mặt hàng xuất khẩu của công ty ông từ trước đến nay chỉ bị đánh thuế khi nhập vào thị trường Mỹ, còn ở các nước khác như Mexico thì vẫn được miễn thuế, nên CPTPP sẽ không có tác động gì tới doanh nghiệp của ông.
Những bất cập
Đánh giá về bất cập lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và chưa có kinh nghiệm hiện nay, ông Lê Thành Kiệt nói:
Vấn đề chính của các doanh nghiệp nhỏ này là sự tuân thủ, vì trước nay họ không làm ở những thị trường này hoặc ở những thị trường không đòi hỏi, mà chủ yếu là luật lệ trong nước. Mà luật lệ trong nước thì mặc dù tiêu chuẩn đưa ra không thấp hơn các nước khác nhiều lắm nhưng vấn đề tuân thủ, kiểm soát của chính phủ ta vì nhiều lý do nên không thể kiểm soát chặt chẽ được.
Muốn đúng tiêu chuẩn ISO thì Việt Nam có bao nhiêu xưởng đủ tiêu chuẩn đó? Phải lách hết, phải lo hết - Doanh nhân trẻ
Ngay sau khi thông qua CPTPP, chính phủ Việt Nam khẳng định trên truyền thông rằng hiệp định này đỏi hỏi những đột phá trong việc thực thi pháp luật, quản lý nhà nước và quản trị xã hội. Tuy vậy, chủ doanh nghiệp gỗ được chúng tôi phỏng vấn thổ lộ:
Muốn đúng tiêu chuẩn ISO thì Việt Nam có bao nhiêu xưởng đủ tiêu chuẩn đó? Phải lách hết, phải lo hết. Ví dụ như xử lý nước thải đi, giờ bỏ ra mấy triệu đô bỏ ra xử lý nước thải, trong khi doanh nghiệp khác thì không làm mà nó vẫn sản xuất ra được sản phẩm đó.
Ông Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh từng nhấn mạnh việc các thị trường cao cấp của CPTPP đòi hỏi tính bền vững, thân thiện của sản phẩm, vật liệu với môi trường và cộng đồng sẽ là những thách thức cho doanh nghiệp Việt. Để đáp ứng, người chủ doanh nghiệp gỗ cho biết hiện nay các doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ đã bắt đầu kế hoạch trồng rừng và thu hoạch gỗ đúng tiến độ, còn trước đây thì khác. Anh nói:
Xe chở gỗ tròn từ Campuchia sang Việt Nam. AFP
Hồi trước nay thì không hề có chuyện đó. Toàn là lấy gỗ khai thác rừng vô tội vạ rồi làm giấy tờ hợp thức hóa. Thật ra Châu Âu hay Mỹ biết hết nhưng thả dần dần để mình thay đổi mà mình không thay đổi thì nó mới cắt.
Mới hôm 15/11, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia, vì vấp phải các cáo buộc của quốc tế về trình trạng nhập các loại gỗ quý hiếm lậu với giấy phép giả. Chủ doanh nghiệp gỗ khẳng định với chúng tôi điều đó là thật và nói công ty của anh chỉ nhập gỗ từ Mỹ và Châu Âu để chế biến và xuất ngược lại vì có nguồn gốc và kiểm định rõ ràng.
Doanh nghiệp: Tự lực cánh sinh
Chủ trì Hội nghị chuyên ngành gỗ và lâm nghiệp tại TP. HCM hôm 8/8/2018, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành ngành mũi nhọn. Chủ doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu phân trần với chúng tôi.
Thật ra là như vầy: Hồi xưa chính quyền không có để ý đến ngành gỗ của mình gì hết. Nhưng ba năm gần đây thì đột nhiên xuất khẩu gỗ của mình lớn từ 3, 4 tỷ đô lên 9 tỷ nên nhà nước mới để ý và thấy là một nguồn thu ngon lành.
Thật ra là tự trong Hiệp hội Gỗ Miền Nam gây dựng lên hết đó, khá là OK rồi thì nhà nước mới để ý đó - Doanh nhân trẻ
Hôm 21/11/2018, báo trong nước loan tin Bộ Công thương dự đoán doanh thu gỗ xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 chắc chắn sẽ đạt mức kỷ lục 9 tỷ USD. CPTPP được đánh giá sẽ là cơ hội để sản phẩm gỗ Việt tiếp tục ‘vươn mình’ ra thế giới. Trả lời câu hỏi liệu đã có sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền, chủ doanh nghiệp gỗ khẳng định chưa hỗ trợ nhiều mà chỉ ‘góp tiếng nói thôi’, và anh cho biết:
Thật ra là tự trong Hiệp Hội Gỗ Miền Nam gây dựng lên hết đó, khá là OK rồi thì nhà nước mới để ý đó.
Chúng tôi đặt câu hỏi tương tự về vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thì được doanh nhân Phạm Phúc Toại thẳng thắn trình bày:
Nói thì nói thế thôi nhưng chính phủ thì quản lý vĩ mô, nói ra nhiều giải pháp vậy thôi chứ thực sự cái gì cũng vậy, chúng ta nên nỗ lực từ bản thân, từ doanh nghiệp ‘tự lực cánh sinh’ là chủ yếu. Về mặt lý thuyết, bề mặt của đất nước thì nhìn thấy vậy thôi chứ tôi không quan tâm.
Người chủ doanh nghiệp hải sản nhấn mạnh ông chưa bao giờ tham gia, sinh hoạt trong các hội đoàn của chính phủ để mong có sự trợ giúp cho doanh nghiệp của mình.