Nhân quyền Việt Nam 2018: Nhà tù trong nhà tù

Hòa Áiphóng viên RFA

Phần I - Chính phủ và Nhân quyền: Tiếp tục xu thế mạnh tay đàn áp

Hàng trăm người biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng bị bắt giữ trong năm 2018. AFP Vào ngày 22 tháng 1 năm 2019, Việt Nam sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đài RFA điểm lại tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2018 vừa qua. Các bản án tù nặng nề Chính quyền Việt Nam, trong năm 2018 bị các tổ chức nhân quyền thế giới lên án và chỉ trích gay gắt qua bản án tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế dành cho 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động cổ súy cho dân chủ ở Việt Nam. Không chỉ thế, Chính quyền Việt Nam còn tuyên những bản án lên đến 20 năm đối với các nhà hoạt động ôn hòa vì môi trường, vì dân quyền như trường hợp của ông Lê Đình Lượng, ở Nghệ An và vẫn y án tại phiên tòa phúc thẩm bất chấp những lời kêu gọi của quốc tế rằng Hà Nội nên “trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức” cho người dân trong nước vì họ không có tội khi thực hiện các quyền được quy định trong Hiến pháp Việt Nam.

Mạnh tay đàn áp

Tình hình nhân quyền của Việt Nam rõ ràng không riêng gì trong năm 2018, mà có thể nói cả 3 năm từ năm 2016, năm 2017 và năm 2018 càng ngày càng xuống dốc, một cú xuống dốc khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến trong 3 năm qua kể từ khi tôi ra tù

Blogger Nguyễn Ngọc Già

Xu thế đàn áp mạnh tay được Hà Nội gia tăng kể từ sau các cuộc biểu tình của đông đảo người dân nổ ra khắp các tỉnh, thành hồi trung tuần tháng 6 để phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Hàng trăm người bị bắt giữ và hằng chục người bị đem ra xét xử. Trong đó, có không ít cư dân mạng bị tuyên án tù do bày tỏ chính kiến của họ qua mạng xã hội. Ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm khẳng định với RFA rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2018 tồi tệ hơn năm trước đó:

Số lượng người bị bắt theo thống kê chính thức của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm là 51 người, so với 38 người hồi năm 2017. Con số này tăng và có đặc điểm khác nhau ở chỗ là số lượng cựu tù nhân lương tâm bị bắt lần thứ nhì thì ít đi, tuy nhiên số xuất nhiện những người mới là các nhà hoạt động trẻ và thậm chí giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam chưa hề biết cho đến khi họ bị bắt. Họ là những người hoạt động rất độc lập. Họ chia sẻ qua Facebook những tâm tư, tình cảm, chính kiến của họ về các vấn nạn xã hội và họ bị khép tội theo các điều luật như Điều 258 cũ hay Điều 88 ‘tuyên truyền chống phá’ hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ chống nhà nước’. Chúng ta thấy con số này nhiều hơn năm ngoái. Thành ra, tôi nghĩ tình hình nhân quyền năm 2018 so với năm 2017 thì ngày càng tệ hơn”.

Diễn tiến của tình hình nhân quyền tại Việt Nam gây phẫn nộ đối với dư luận trong và ngoài nước qua các thông tin liên tục xuyên suốt trong năm 2018, liên quan hành động của chính quyền bắt giữ người trái pháp luật, tra tấn ép cung cho đến các phiên tòa với những bản án phi lý được định sẵn, có tên gọi là “phiên tòa bỏ túi” được ghi nhận ngày càng nhiều và càng tùy tiện.

Tuyên bố của Chính phủ

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tuyên 20 năm tù giam, tại phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An hôm 16/8/2018. AFP

Trong khi đó tại Diễn đàn phiên họp thường niên thứ 73 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), vào ngày 27 tháng 9 năm 2018, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu rằng Việt Nam đang phấn đấu hơn nữa cho công bằng cũng như đảm bảo quyền cho mọi người dân.

Còn Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào đầu tháng 12 vừa qua, đăng đàn tuyên bố Việt Nam thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của LHQ và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.

Tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, diễn ra vào ngày 3 tháng 12 ở Hà Nội, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, ông Đặng Hoàng Giang cho biết Bản báo cáo UPR của Việt Nam phản ánh đầy đủ bằng chứng Việt Nam thực hiện khuyến nghị về nhân quyền của LHQ qua việc sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh về quyền con người như Hiếp pháp 2013, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…

Đài Á châu Tự do ghi nhận một số tổ chức nhân quyền như Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người, có trụ sở ở Pháp cũng như giới đấu tranh dân chủ ở trong nước phản bác rằng Bản báo cáo UPR của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2019 là bản báo cáo tuyên truyền, bởi vì các quyền tự do căn bản của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng qua các luật định mới được Quốc hội thông qua và ban hành, mà điển hình là Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Tù nhân nhân quyền - Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu lên nhận định của ông với RFA:

Theo ý kiến của tôi thì tình hình nhân quyền của Việt Nam rõ ràng không riêng gì trong năm 2018, mà có thể nói cả 3 năm từ năm 2016, năm 2017 và năm 2018 càng ngày càng xuống dốc, một cú xuống dốc khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến trong 3 năm qua kể từ khi tôi ra tù. Chúng ta thấy qua danh sách (những người bị bắt giữ và bị giam tù) do Hội Cựu Tù nhân Lương tâm thống kê, thì liệu nhà cầm quyền Việt Nam sẽ xoay sở ra sao ngay trước mắt trong cuộc điều trần UPR? Đó là điều rất khó xoay sở cho họ ở tầm vóc quốc tế”.

Với những gì chúng ta chứng kiến, và những gì chúng ta trao đổi với tổ chức thành viên thì tình hình nhân quyền Việt Nam không được cải thiện. Trái lại tình hình còn xấu đi, và chúng ta có những chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội
Sonia Tancic

Sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, vào ngày 16 tháng 12 công khai đệ trình báo cáo về Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền LHQ, khẳng định Hà Nội chỉ cải thiện một chút ít, tính từ thời điểm Kiểm điểm UPR năm 2014 cho đến hiện tại, tiếp tục hạn chế các quyền tự do của người dân Việt Nam như tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo…

Cùng trong thời gian trung tuần tháng 12, các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ đến trụ sở LHQ ở Geneve, Thụy Sĩ để tham gia vào các cuộc gặp gỡ, thảo luận và hội luận nhằm báo động với các quốc gia thành viên LHQ về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Bà Sonia Tancic, đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền LHQ chia sẻ với RFA khi bà tham dự tiền Hội nghị UPR:

Với những gì chúng ta chứng kiến, và những gì chúng ta trao đổi với tổ chức thành viên thì tình hình nhân quyền Việt Nam không được cải thiện. Trái lại tình hình còn xấu đi, và chúng ta có những chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội”.

Những “chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội” của Chính quyền Việt Nam mà đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền LHQ đề cập đến cụ thể như thế nào, mời quý khán thính giả cùng độc giả theo dõi trong Phần II của loạt bài ghi nhận của RFA về “Nhân quyền Việt Nam 2018: Nhà tù trong nhà tù”.

*

Phần II: Người dân và Nhân quyền: Phản kháng trong nghịch cảnh

Hình ảnh những người tù chính trị Việt Nam trên trang Facebook của Project88. Courtesy of Project88, 24/1/2018

Gia tăng bắt bớ và giam cầm

Theo số liệu ghi nhận của “The 88 Project” (Dự án 88), một website lưu trữ thông tin về tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm tại Việt Nam, hiện có 210 người bị cầm tù ở Việt Nam bởi do những hoạt động ôn hòa của họ vì dân chủ, nhân quyền của quốc gia.

Các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng chỉ trích Chính quyền Việt Nam đối xử tàn bạo với dân chúng trong năm 2018 qua động thái gia tăng bắt bớ hàng loạt nhà báo, blogger, tín đồ tôn giáo, người đi biểu tình và các nhà hoạt động vì môi trường, vì nhân quyền, vì quyền lợi của công nhân… cũng như tuyên các bản án quá nặng đối với họ.

Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2018 bị đánh giá là năm tồi tệ nhất trong những năm gần đây, qua những bằng chứng mà các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm tố cáo họ phải chịu đựng hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt ở trong tù như không được thăm gặp gia đình, không được điều trị bệnh thích hợp, không được nhận thư từ sách vở theo quy định của trại giam, bị chuyển trại xa nhà mà gia đình không được báo trước hay bị đầu độc trong thức ăn, bị phạm nhân giam cùng buồng sách nhiễu, dọa giết… đến mức họ phải tuyệt thực trong nhiều ngày để phản kháng như trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức và Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Trong luật quy định hình thức kỷ luật cao nhất đối với một người tù, nếu như họ có vi phạm gì thì tối đa chỉ có 10 ngày. Thế nhưng bằng thông tư đó, người ta bị giam đến 3 tháng. Trong thông tư đó, quy định tất cả những người không nhận tội là phải giam riêng, cho nên họ lấy cái cớ đó để biệt giam.

          Blogger Điếu cày

Cựu tù nhân lương tâm Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, người bị Chính phủ Hà Nội tống xuất sang Mỹ tỵ nạn, nhấn mạnh về tình trạng tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm Việt Nam bị biệt giam 3 tháng trong tù theo Thông tư 37 của Bộ Công An, là một thông tư mật mà dư luận trong và ngoài nước ít biết đến.

Trong luật quy định hình thức kỷ luật cao nhất đối với một người tù, nếu như họ có vi phạm gì thì tối đa chỉ có 10 ngày. Thế nhưng bằng thông tư đó, người ta bị giam đến 3 tháng. Trong thông tư đó, quy định tất cả những người không nhận tội là phải giam riêng, cho nên họ lấy cái cớ đó để biệt giam.

Về nguyên tắc theo luật pháp, khi trại giam ban hành một quyết định kỷ luật phạm nhân thì phạm nhân phải được 1 bản và gia đình phạm nhân phải được 1 bản quyết định kỷ luật đó. Và, trại phải thông báo cho gia đình biết về quyết định kỷ luật đó để gia đình không đi thăm vì không được thăm gặp trong thời gian bị kỷ luật. Tuy nhiên, trại giam không bao giờ thông báo cũng như không bao giờ trao bản quyết định kỷ luật cho người tù.

Bằng Thông tư 37 của Bộ Công An, họ xây dựng một khu cách ly riêng và khu đó thì không bao giờ nhìn thấy tù hình sự, cũng như không một tù hình sự nào được bước vào ngoài những người được cắt cử vào để đưa cơm, nước hoặc làm vệ sinh trong đó… Tức là bằng thông tư đó, họ mới xây dựng an ninh theo kiểu ‘nhà tù trong nhà tù’ như thế”.

Phản kháng

15 người biểu tình ở Biên Hòa tại phiên tòa phúc thẩm hôm 9/11/2018 Courtesy Báo Đồng Nai

Vượt ra khỏi phạm vi các chấn song sắt của nhà tù, gia đình của những tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm gặp không ít những sách nhiễu từ phía chính quyền và trại giam.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, phụ trách Quỹ 50K nói với RFA rằng gia đình của những người biểu tình phản đối hai dự Luật Đặc khu và An ninh mạng ở Bình Thuận bị tuyên án tù rất sợ hãi mỗi khi có tổ chức hay cá nhân nào liên lạc để hỗ trợ cho họ trong hoàn cảnh khó khăn, vì họ bị chính quyền địa phương răn đe, hăm dọa.

Đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi tắt là Lao động Việt), bà Ca Dao cũng cho RFA biết về trường hợp của 15 công nhân ở Đồng Nai bị trở thành tù nhân lương tâm vì đi biểu tình chống dự Luật Đặc khu hồi tháng 6. Gia đình của các công nhân tù nhân lương tâm này thuật lại rằng họ phải đưa cho trại giam 800 ngàn đồng để được vào thăm thân nhân, nhưng không được gửi lại bất cứ thứ gì cho người thân ở trong tù. Bà Ca Dao chia sẻ thêm:

Khi mà tiếp xúc với gia đình thì qua gia đình chúng tôi được biết tinh thần của các công nhân này rất kiên cường. Họ vẫn khẳng định rằng họ biểu tình vì lòng yêu nước. Và ngay cả những gia đình của họ cũng vậy, họ nói rằng nếu con em họ ra tù thì chúng tôi cũng sẵn sàng cùng đi biểu tình một lần nữa nếu mà có các cuộc biểu tình bảo vệ đất nước, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc”.

Bên cạnh rất nhiều trường hợp bị bắt giam và cầm tù, trong năm 2018, một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền buộc phải trốn chạy ra khỏi nước để lánh nạn đàn áp mạnh tay từ phía Chính quyền Việt Nam. Cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương, thành viên của Phong trào Lao động Việt là một trường hợp điển hình. Anh Đoàn Huy Chương chia sẻ với RFA:

Đối với những người đang hoạt động hiện nay, có một số phải vượt biên. Vì nếu ở lại thì theo tôi nghĩ sẽ có thể phải lãnh những bản án không dưới 20 năm tù. Đó là một sự đàn áp rất thê thảm và đó cũng là điều bất hạnh cho những người đấu tranh ở đất nước Việt Nam”.

Cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương cho biết thêm mặc dù bị nhiều giới hạn trong hoàn cảnh sống của một người vô tổ quốc, anh vẫn tiếp tục công việc đấu tranh của mình:

Đối với bản thân tôi thì tôi làm bên lãnh vực về công nhân. Khi ở trong nước, thì tôi đi đến từng khu công nghiệp, gặp từng người công nhân, nói chuyện với họ để cho họ biết công đoàn là gì, quyền lợi của người công nhân như thế nào. Còn khi vượt biên qua nước thứ hai rồi thì tôi bị hạn chế. Tuy nhiên, từ sự hạn chế đó mình nảy ra những ý tưởng vẫn tiếp tục đấu tranh. Tôi làm về truyền thông livestream vào mỗi buổi tối để nói về thực trạng của xã hội Việt Nam, nói về quyền lợi của người lao động, nói về Luật Lao động cho người công nhân biết để bảo vệ họ”.

Đối với những người đang hoạt động hiện nay, có một số phải vượt biên. Vì nếu ở lại thì theo tôi nghĩ sẽ có thể phải lãnh những bản án không dưới 20 năm tù. Đó là một sự đàn áp rất thê thảm và đó cũng là điều bất hạnh cho những người đấu tranh ở đất nước Việt Nam.

          Anh Đoàn Huy Chương

Kể từ năm 2017, sau sự kiện Chính quyền Việt Nam bắt giữ tất cả thành viên chủ chốt của Hội Anh Em Dân Chủ và tuyên các bản án tù nặng nề đối với họ trong năm 2018, giới quan sát tình hình Việt Nam nhận định động thái này cho thấy Hà Nội không chỉ nhằm mục đích “xóa sổ” Hội Anh Em Dân Chủ, mà còn nhắm vào đàn áp các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam. Thế nhưng trái lại, các tổ chức xã hội dân sự mới lần lượt hình thành, góp phần đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động dân chủ hóa tại Việt Nam, mặc cho sự bắt bớ vẫn gia tăng như Nhóm Hiến pháp, có đến 9 thành viên bị bắt hồi tháng 9 vừa qua.

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam cho rằng phong trào dân chủ ở trong nước dù bị lắng xuống bởi Hà Nội thẳng tay đàn áp, nhưng giới đấu tranh vẫn có những phương thức hoạt động song hành cùng chủ trương đàn áp đó của chính phủ. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nói về cách thức hoạt động mới của Hội Anh Em Dân Chủ:

Có một điều may mắn là sau khi tôi được trả tự do và bị trục xuất sang Cộng hòa Liên bang Đức thì tôi ngay lập tức liên lạc với tất cả các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ còn lại ở trong nước. Chúng tôi đưa ra quan điểm là tất cả hoạt động ở trong nước sẽ chuyển sang hoạt động bí mật, còn các hoạt động công khai thì sẽ do các thành viên ở hải ngoại đảm nhận. Mặc dù hoạt động ở trong nước hiện nay không công khai được, nhưng mục đích chính của Hội Anh Em Dân Chủ là xây dựng và phát triển lực lượng của mình ở trong các giới như học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân”.

Những cá nhân và tổ chức hoạt động nhân quyền, dân chủ ở trong nước mà Đài RFA tiếp xúc, cho biết năm 2018 dù là năm mà nhân quyền Việt Nam bị tuột dốc khủng khiếp, nhưng càng khiến cho tinh thần đấu tranh của họ càng lên cao vì cuộc đấu tranh này không phải là cuộc đấu tranh đơn độc của chỉ dân chúng tại Việt Nam mà thôi.

Nguồn:

Phần 1: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-in-vietnam-2018-prisons-within-prisons-01032019113359.html

Phần 2: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-in-vn-2018-prisons-within-prisons-ha-01042019145644.html