PHẦN I: THIÊN ĐƯỜNG… MÙ MỊT

Nguyễn Thượng Long

BUỔI SÁNG ĐỊNH MỆNH…

Tôi được đưa lên tầng 2 của trụ sở Công an phường, đó là một hội trường nhỏ, trên tường là những khẩu hiệu hết sức đại ngôn nhắc nhở đến phẩm hạnh và nhiệm vụ của người Công an nhân dân khi thực thi công vụ. Trong giây phút còn tự do hiếm hoi trước khi bị tịch thu điện thoại, tôi đã kịp gửi tới nhà giáo Vi Đức Hồi ở Lạng Sơn mẩu tin: “Tôi đã bị bắt ở Thị Xã Hà Đông khi đang photo BNS Tổ Quốc…”. Ngồi chưa kịp ấm chỗ thì một tốp các nhân viên thuộc phòng điều tra xét hỏi công an thành phố Hà Nội bất ngờ ào ào xuất hiện. Đi đầu là viên Thượng tá an ninh chính trị đã từng làm việc với tôi nhiều lần tại số 6 đường Quang Trung Hà Đông. Gặp lại tôi trong cảnh ngộ này, Viên Thượng tá phủ đầu luôn: “Ông biết ông sẽ phải làm gì bây giờ rồi chứ? Ông hãy bỏ điện thoại, bỏ hết những gì có trong ba lô của ông ra”. Thấy tôi như có vẻ còn lưỡng lự, để gia tăng áp lực cho mệnh lệnh mà ông vừa đưa ra, ông mở ca táp lấy ra một tờ giấy nhỏ rồi trịnh trọng đọc cho tôi nghe Thông tư 232 của Bộ Thông tin - Tuyên truyền ký ngày 26/3/2010 có đóng dấu MẬT. Trong lúc viên Thượng tá mải đọc… chiếc điện thoại của tôi đỏ chuông liên hồi trên bàn làm việc. Tôi thở phào… vậy là tin tôi bị bắt đã loang khắp các trang mạng xã hội và họ đang ào ạt gọi về máy của tôi. Tôi loáng thoáng nghe được những gì mà viên Thượng tá đang đọc: “Trang web toquoc.net không được Nhà nước CHXHCNVN công nhận, nghiêm cấm các hành vi photo, lưu hành, phát tán BNS Tổ Quốc dưới mọi hình thức…”. Vậy là, với Thông tư 232, Cơ quan an ninh đã tạo thế bắt giữ tôi là bắt giữ một kẻ phạm tội quả tang! Tất cả những gì đã diễn ra chính xác, hoàn hảo so với kịch bản tới từng milimet, nhưng thực ra kịch bản đó cũng hết sức lỏng lẻo. Thử hỏi? với một thông tư cấp bộ mới ký từ ngày 26/3/2010 lại đóng dấu MẬT (!?) không công khai cho toàn dân biết thì làm sao mà tôi và mọi người biết để mà điều chỉnh hành vi?

Có thể nói rằng, nếu chỉ đọc Hiến pháp của CHXHCN Việt Nam (Luật Mẹ) thì ai ai cũng phải công nhận chỉ riêng Điều 69, điều khoản quy định các loại quyền mà người Việt Nam được hưởng…thì người Việt Nam đâu có thua kém gì người dân các nước phương tây về những gì mà họ đang được hưởng! Vậy mà những gì tốt đẹp mà Hiến pháp đã hứa hẹn cho người Việt Nam đã trở thành số không khi xuất hiện những Nghị định kiểu NĐ 97 tung ra để bịt mồm viện IDS của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nay là Thông tư 232 để trói chân tay những người làm báo Tổ Quốc,… cùng với những Điều 4 Hiến pháp, Điều 88 Bộ luật Hình sự… người dân Việt Nam đã hoàn toàn trắng tay về những gì gọi là quyền con người.

Cuộc thu giữ tài liệu trong người tôi diễn ra nhanh gọn rồi tất cả lại tiếp tục ra xe để trở về số 6 Đường Quang Trung, Hà Đông. Ngồi giữa những sĩ quan an ninh chính trị trong bộ đồ dân sự lần này, tôi hiện diện là một kẻ vi phạm điều cấm của chế độ mà những người đang ngồi xung quanh tôi có trách nhiệm phải ra tay. Chắc chắn với tôi lần làm việc này chẳng hứa hẹn một điều gì là tốt đẹp.

***

“ĐỂ GIÓ MANG ĐI…” (TCS)

Buổi sáng 15/6/2010 là ngày đầu tiên của đợt nắng nóng khủng khiếp nhất trong mùa hè 2010. Ngay từ sớm bầu không khí đã hầm hập, trời trong veo không một gợn mây, nắng ràn rạt trên Đường Quang Trung vừa bị vặt trụi hàng cây xanh tốt để lại trồng một hàng cây khác (!?). Nhiệt độ ngay từ 8 - 9 h đã rất cao với cực trị trong ngày tới 40 độ C trong lều khí tượng. Cái nóng hành hạ dòng người đang lầm lũi ngoài đường. Cái nóng nung nhừ con người trong các phòng làm việc bị mất điện triền miên.

Có một điều tôi thấy hơi là lạ, ngay trong buổi sáng ngoài việc thu giữ điện thoại và tài liệu trong balo… còn lại chỉ là những câu hỏi thăm dò, vô thưởng vô phạt. Nhiều lúc tôi như kẻ vật vờ trong phòng thẩm vấn. Tôi mệt mỏi rã rời trong bối cảnh không được nghỉ trưa lại có những lúc hàng giờ ngồi nhìn người ra người vào tấp nập, họ dửng dưng nhìn tôi như nhìn một thứ của nợ. Duy nhất có một lần, một ông nhìn tôi lom lom rồi nhún vai buông một câu không chủ ngữ: “Nom hao hao Trần Tiến. Không biết có quan hệ họ hàng gì không?”. Chẳng cần biết tôi sẽ đối lời như thế nào, người đó sau khi nhận được từ viên Thượng tá đội trưởng một tập dầy những tài liệu tôi viết mà công an thu giữ được, ông ta bỏ ra ngoài. Nghe câu hỏi đó tôi thấy thật buồn. Không phải chỉ công an, trong con mắt nhiều người Việt Nam giai đoạn này cứ ai bị nhà báo, nhà đài, nhà truyền hình “sờ gáy” là kẻ đó là người xấu rồi. Buổi trưa, một nhân viên an ninh cao lớn như một võ sĩ quyền Anh đặt trước mặt tôi một cốc mì dội nước sôi, phía trong có sẵn thìa nhựa để ăn xong là vứt luôn không phải rửa. Tôi vừa ăn vừa quan sát, bên cạnh tôi mấy nhân viên an ninh cũng mỗi người một cốc mì, bàn phía xa viên Thượng tá Đội trưởng cũng một cốc mì có đặc biệt hơn là một nữ an ninh mang tới cho ông ta một chai bia Hà Nội. Tôi cố gắng để nuốt hết cốc mì, bụng bảo dạ: mình không ăn là rất bất lợi. Tôi có linh cảm, công an chưa có ý định đánh gục tôi bằng những đòn knock out qua thẩm vấn, họ muốn quan sát tôi sẽ nói năng, suy nghĩ, hành xử thế nào khi phải đối diện với một lộ trình làm việc cực nhọc không được nghỉ ngơi.

Buổi chiều vẫn tiếp tục làm việc theo một cung cách rất khó chịu như vậy. Rất mệt mỏi, nhưng tôi vẫn ráng chịu đựng. Cơ quan an ninh quyết định thu giữ của tôi 7 số TQ 89 mà tôi đã photo, thu giữ của tôi chiếc USB mà ngày nào Đỗ Việt Khoa tặng tôi những ngày tôi và Khoa cùng nhau tranh đấu cho những kỳ thi trung thực. Tiếc vô cùng họ thu của tôi loạt bài tôi viết về “Lãnh đạo Đảng và Chính quyền Hà Đông - Hà Nội sẽ nói gì trước các Đại hội?”. Tiếc làm sao khi họ thu giữ của tôi bài “Trò chuyện với Cựu Đại tá Lê Hồng Hà - Nguyên Bí thư Đảng Đoàn Bộ Công an, Nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an”, bài viết còn ở dạng bản thảo viết tay chưa được cụ Hà duyệt.

Sau khi ký vào biên bản thu giữ tang vật, tôi thu xếp vào ba lô những gì còn lại, tôi tưởng mình sắp được ra về, nhưng tôi đã nhầm to, tất cả mới là màn dạo đầu thôi. Đúng 5 giờ chiều, tôi thấy các nhân viên an ninh Thành phố Hà Nội và cả một số nam nữ nhân viên an ninh rất trẻ tôi đoán họ là người của PA42 (An ninh Bộ) lục tục đứng dậy, Viên Thượng tá nghiêm nghị: “Mời ông ra xe!”. Tôi bước theo đoàn cán bộ an ninh mà vẫn không biết là sẽ đi đâu vào thời điểm cuối một ngày làm việc rồi. Thôi đành người ta bảo mình đi đâu thì mình đi đấy. Tôi lên xe ngồi lọt thỏm giữa tốp an ninh lực lưỡng lạnh lùng với những gương mặt hết sức hình sự. Chiếc xe nhanh chóng trườn ra lòng Đường Quang Trung đang quằn quại vì nắng quái lúc chiều hôm rồi lao nhanh về trung tâm Quận Hà Đông, qua Nhà Thi Đấu xe rẽ phải vào Đồn Kim Chi để đón nhiều xe khác đang chờ sẵn. Đoàn xe hỗn hợp gồm An ninh Bộ, PA38, PA 25 Sở Công an Hà Nội, Công an Quận Hà Đông với chiếc xe dẫn đầu chở tôi hú còi bật đèn chớp từ từ lăn bánh rồi băng băng lao về hướng Ba La Bông Đỏ quặt trái rẽ vào Văn La nơi cư trú của tôi và gia đình. Suốt dọc đường từ Đường số 6 vào tới nhà tôi tràn ngập công an mặc sắc phục và thường phục. Đến lúc này tôi mới giật mình: “Khám nhà!” thì cũng là lúc đoàn xe lục tục dừng lại ở khoảng trống trước cửa đình.

Tiếng phanh xe rít lên đồng loạt, tiếng sập mở đóng cửa xe ầm ầm cùng với đèn chớp trên nóc các xe làm cho cái ngõ nhỏ, xóm nhỏ nhà tôi ở đó bỗng sôi lên như cảnh các nhân viên FBI (Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ) bắt giữ trấn áp tội phạm ở Chicago, như cảnh Cơ quan An ninh Italia truy quét các băng đảng Mafia ở Palecmo, ở Xi xin trong các phim hành động của phương Tây. Bốn năm về trước (2006) người dân nơi tôi ở ngạc nhiên khi thấy đoàn xe chở phóng viên Đài Truyền hình TW với lỉnh kỉnh camera, máy ảnh đến phỏng vấn làm chương trình truyền hình tại nhà tôi, nay họ lại thấy tôi đi giữa một tốp đông nhân viên an ninh, công an các loại cũng lỉnh kỉnh những camera, máy ảnh, an ninh mạng khệ nệ vác máy in Laser…Tôi đọc được những ánh mắt lo lắng ngạc nhiên của người dân nơi tôi ở khi thấy tôi trở về trong khung cảnh ấn tượng đến như thế này.

Con đường từ nơi đoàn xe bắt giữ tôi đỗ đến nhà tôi mọi khi có đáng mấy bước chân mà sao hôm nay lại dài đến thế? Tôi hỏi nhỏ viên an ninh trẻ măng có tên là C… Người này cứ luôn mồm gọi tôi là ông giáo… đang kè sát bên tôi: “Sao không còng tay cho thêm phần hoành tráng!”. Anh ta nói đủ để mình tôi nghe được: “Đến lúc này mà ông giáo vẫn còn văn nghệ được?”. Lách qua đám đông những người dân kéo đến trước cửa nhà tôi không biết từ bao giờ, tôi đột ngột xuất hiện trước các thành viên trong gia đình đang tề tựu đầy căng thẳng. Chưa kịp nói lời động viên với bất cứ ai thì vị đại diện cho Công an Quận Hà Đông đã trịnh trọng giới thiệu ông Trưởng thôn, ông công an khu vực và một người dân địa phương đến làm chứng, đoạn ông nghiêm trang đọc lệnh khám xét tư gia của tôi. Sau khi lấy được chữ ký của tôi, của vợ tôi, cuộc lục soát bắt đầu.

Tôi phải dẫn tốp nhân viên lục soát & ghi hình lên căn gác xép nóng như lò lửa của tôi. Từ giây phút đó, tủ sách, giá sách, máy tính, thư từ, băng đĩa… bị hất tung để họ tìm những gì mà họ cần tìm. Có thể nói trong nháy mắt căn gác xép nơi thực sự là góc riêng tư bé nhỏ của tôi đã trở thành một bãi chiến trường tanh bành. Ruột gan tôi như rối bời, không phải là tôi sợ mất tiền mất bạc trong cái gác xép nóng như lò bánh mì đó. Thôi thì, đến nước này thì họ muốn lấy gì của tôi ở đây thì họ cứ lấy. Tôi lo thắt ruột khi biết chắc là huyết áp của bà vợ tôi đang ở giới hạn sẽ bục vỡ bất tử lúc nào. Tôi lách ngưòi ra phía cầu thang nói lớn với các con tôi ở phía dưới rằng: “Hãy cho mẹ uống thuốc đi!”. Thú thực ngồi chứng kiến cuộc lục soát, tôi không giận gì những người đang làm đảo lộn cuộc sống gia đình tôi. Trong con mắt tôi, họ chỉ là những người thừa hành mệnh lệnh mà thôi. Nhưng không thể hiểu nổi, làm sao mà trên cõi đời này lại có những con người có thể mẫn cán, vô cảm và nhẫn tâm đến như vậy? Phải hàng tháng sau, tôi cứ để cái bãi chiến trường đó ở trạng thái nguyên trạng và vào những lúc cô đơn, tôi lại lặng lẽ ngồi nhìn những tanh bành còn xót lại và lạ thay! Tôi cũng nghe trong gió thấy “Tiếng Sông Hồng thở than!”.

Cuộc lục soát nào rồi cũng phải đến lúc chấm dứt. Trong biên bản thu giữ tài liệu gọi là phạm pháp tại nơi ở của tôi, thấy ghi: Cơ quan an ninh đã làm thủ tục thu giữ một CPU máy tính đã niêm phong, một hòm các tông nhét chặt cỡ 50kg tài liệu. Đây là những bài viết của tôi về giáo dục, nhiều số BNS Tổ Quốc, nhiều hồi ký của các tướng lĩnh, lão thành cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ có tên tuổi trong ngoài nước như:

- Tổ quốc ăn năn (Nguyễn Gia Kiểng)

- Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh

- Hồi ký Tô Hải

- Hồi ký Đoàn Duy Thành

- Hồi ký Trần Quang Cơ

- Hồi ký Lê Quang Đạo

- Mao Trạch Đông ngàn năm công tội (Đại tá Tân Tử Lăng)

- Đi tìm cái tôi đã mất (Nguyễn Khải)

- Tôi chỉ có một Đảng Việt Nam (Nhiều tác giả)

- Sứ mạng công dân (Nguyễn Thanh Giang)…

Tài liệu tôi khai thác được từ mạng, từ bạn bè biếu tặng, đặc biệt tôi tiếc đến ngẩn ngơ khi ngót 1000 trang đơn thư, kêu cứu của dân oan xa gần trong ngoài tỉnh, người mất đất, người mất nhà, người là mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, con liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ, có người là cựu sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, có người là giáo viên, có người là chủ doanh nghiệp… Họ gửi tôi nhờ tôi tư vấn, lên tiếng hộ, chí ít thì cũng là để chia sẻ giữa những người đồng bào, tất cả đã bị thu giữ như thu giữ những tài liệu không được phép lưu giữ!

Tôi biết, khi tôi viết: Tôi tiếc đến ngẩn ngơ ngót cả ngàn trang đơn thư kêu cứu của dân oan gửi tôi đã bị công an thu giữ là tôi đã vô tình kích hoạt những nghi vấn rất bất lợi cho tôi. Những não trạng thực dụng, suy bụng ta ra bụng người sẽ hoài nghi tôi là một thứ “cò” lấy những khổ đau của người dân làm can cớ để kiếm ăn. Nhân đây xin thưa, cuộc lục soát xẩm chiều 15/6/2010 vừa qua, cơ quan an ninh mới lấy đi được một phần 2 lượng đơn thư, kêu cứu của người dân đã gửi tôi thôi ạ. Tôi đố ai tìm ra được một bằng cớ chứng tỏ tôi đã thu tiền, bớt xén, ăn chặn một xu tiền tài trợ của Hải Nội, Hải Ngoại đã dành cho các thân chủ đứng đơn gửi cho tôi.

Nhân đây tôi xin kể một “quả đậm” mà tôi đã gặt hái được. Dịp 2008, khi Người đương thời được cả nước yêu thích nhất 2006, Đỗ Việt Khoa bị xã hội đen đến nhà săn sóc, cướp máy ảnh, tôi đã đến gặp Đỗ Việt Khoa để thăm hỏi, chia sẻ và tặng Khoa bài viết “Đỗ Việt Khoa Anh hùng hay Tội đồ?”. Chưa kịp về đến nhà, tôi đã nhận được điện thoại của Khoa rền rĩ: “Thầy giết em rồi?”. Tôi không hiểu khi tôi ra về, những ai đã ập vào nhà Khoa, đe dọa Khoa mà Khoa lại đặt tôi vào vị trí của một sát thủ? Hoá ra khi tôi ra về, Khoa đã phải chịu một sức ép quá lớn từ lực lượng an ninh làm biến dạng hình ảnh tôi trong con mắt Khoa và Khoa cũng đã tự bộc lộ cái yếu nhất của Khoa là dễ nhầm lẫn trong những tình huống đòi hỏi phải quyết đoán. Lần đó có một tác giả viết: “Trong cuộc chiến với tiêu cực của GD ĐT, Người đương thời Đỗ Việt Khoa bị mất phương hướng đành rút súng bắn lung tung!”. Tôi thấy viết thế là không ổn. Khoa nã đạn vào những vấn nạn của GD ĐT… là hoàn toàn chính xác. Riêng lần Khoa bị áp lực của ai mà rút điện thoại “bắn” thẳng vào tôi (2008) là một sai lầm đáng tiếc. Vì đại cuộc, tôi nén đau chịu đựng và vẫn tiếp tục đứng bên Khoa như ngày nào tôi đã đến với Khoa. Truyện đã xưa rồi, giờ tôi mới kể để chứng minh rằng, tôi không phải là một thứ “CÒ” như những người thực dụng ở mọi phía trong cuộc sống này đã từng nghi ngờ về tôi.

Ký xong biên bản khám nhà, tôi quay ra phía đám đông quần chúng đang tụ tập rất đông bên các cameraman đang cố ghi những hình ảnh của tôi bên những tang vật bị thu giữ, tôi nói lớn:

“ Tôi là người viết báo và làm báo, tôi chỉ có một khát vọng là được nói với mọi người rằng, chúng ta đang sống trong một giai đoạn như thế nào? Những gì vừa xẩy ra trước mắt các quý vị, là cái giá mà tôi phải trả. Tôi nghĩ rằng việc làm đó là không thuyết phục”.

Ra đến cổng tôi quay lại nói với vợ con tôi, các cháu nội, cháu ngoại tôi mới về nghỉ hè:

“ Gia đình chúng ta đang có biến cố, đang có những thử thách. Mình cùng con cháu hãy yên tâm và vững tin ở tôi. Người ta muốn làm gì thì làm, tôi vô tội. Hãy để nguyên những gì còn lại trên căn gác xép. Tôi sẽ trở về”.

Trên đường trở lại bãi đỗ xe, tôi đi trước, bám sát sau tôi là một tốp nhân viên an ninh chính trị của PA 38 Sở Công an thành phố Hà Nội, PA42 An ninh Bộ Công an, Nhân viên an ninh mạng khệ nệ vác CPU của tôi… những người này sẽ trực tiếp thẩm vấn tôi, kế đến là số công an tăng cường của đồn Kim Chi, họ là những chuyên gia lục soát có nghề. Người thì lỉnh kỉnh với Camera, người thì è vai vác thùng sách báo tài liệu mà họ vừa thu giữ được.

Đoàn xe bắt giữ tôi chẳng mấy chốc đã lại chớp đèn, hú còi hoà vào dòng xe cộ băng băng lao trên Đường Quang Trung lúc này đã lên đèn và hướng về toà nhà số 6. Tôi được tốp các chuyên viên an ninh mạng dẫn giải vào một căn phòng nhỏ được nối mạng Internet. Đến thời điểm này, sau 12 tiếng đồng hồ không một phút nghỉ ngơi trong thời tiết nắng nóng ở mức địa ngục, tôi rũ ra như một tầu lá héo. Tôi gục xuống mặt bàn, cho đám cameraman, đám phó nháy… mặc sức ghi hình đặc tả tôi. Nếu mục tiêu của những người bắt giữ tôi là phải có bằng được những tấm hình, những videoclip đặc tả Nguyễn Thượng Long - Phó Tổng biên tập BNS Tổ Quốc đã suy sụp, hết hơi đến như thế nào? Họ đã thành công mĩ mãn, vượt chỉ tiêu đề ra mà họ không hề bị mang tiếng.

Bước qua tất cả những quy định, tôi lặng lẽ xếp lại gần nhau 4 chiếc ghế tựa rồi đổ vật xuống chiếc giường tự tạo đó bỏ mặc bên cạnh tôi, các nhân viên an ninh mạng mặc sức mổ xẻ, moi móc ruột, gan, phèo, phổi… chiếc CPU tài sản có giá nhất trong gia đình tôi. Bất ngờ một an ninh mạng dựng tôi dậy với mệnh lệnh: “Ông hãy mở email (hộp thư điện tử) của ông ra!”. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi vẫn thấy buồn thay khi quyền tự do thư tín của cá nhân bị xâm hại một cách thô bạo đến như vậy! Tôi linh cảm biết rằng, tôi sắp rơi vào tình trạng vô thức rồi, không cưỡng lại được, tôi cố gượng dậy gõ password để mở hộp thư rồi lại ngã vào cái giường tự tạo và nhanh chóng chìm vào trong những ảo giác, chênh vênh…

…Tôi như đang đi giữa lằn ranh của những gì hư, hư - thực, thực… Tôi như lạc vào một thứ chợ âm hồn. Xung quanh tôi toàn là những thực thể bất thành nhân dạng. Nhác thấy ông Nguyễn Đức Thuận nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam đang ngồi bên những ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… Ở góc khác lại thấy cả ông Diệm, ông Nhu… thấy cả những người lính Cộng hoà ngồi bên những người lính Bắc Việt… gương mặt họ quá u buồn mình mẩy họ đầy máu me thương tích và họ im lặng nhìn tôi chẳng nói một điều gì.

Ông Thuận (1916 - 1956), trước 1954 là Trung ương uỷ viên Đảng Lao động Việt Nam (Tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau Hiệp nghị Giơ ne vơ ông được Đảng cài lại Miền Nam làm đối trọng với ông Diệm. Cuối 1956 ông bị rơi vào tay các nhân viên an ninh của Tổng nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn. Sau một ngày thẩm vấn liên hồi ở Pecarande trong tư thế đứng nghiêng 2 tay chống vào tường, sau gáy là 2 đèn pha hàng ngàn Wat… ông Thuận cũng đã đổ kềnh xuống nền nhà với 2 ống quyển xuống máu chật căng trong ống quần âu. (Xin đọc Bất khuất - Tác phẩm bắt buộc học trong chương trình văn học phổ thông từ những năm giữa 1960). Không biết chuyện này có giống chuyện đuốc sống Lê Văn Tám, chuyện Võ Thị Sáu, chuyện Tô Vính Diện hay không? Chỉ biết các thầy tôi đã khai tâm, khai trí cho chúng tôi như thế. Đó là những gì mà thế hệ chúng tôi được cài đặt như là những hành trang bắt buộc trên đường ra trận.

Ông Thuận bị bắt cuối năm 1956, ngày đó ông vừa 40 tuổi. Còn tôi ngày hôm nay (15/6/2010) tôi phải vào Pecarande số 6 Đường Quang Trung Hà Đông Hà Nội, tôi là một ông già xuýt xoát 63 rồi. Nếu ông Thuận bị đoạ đầy đến đổ vật xuống nền nhà vì thẩm vấn liên hồi trong thế đứng quái đản lại bị 2 cái đèn pha ngàn wat khoan vào óc thì suốt 12 tiếng liền, thì tôi chưa bị thẩm vấn nhưng hoàn toàn bị mất tự do trong cái nắng nóng kinh hồn hành hạ, lại phải chứng kiến cảnh tư gia bị lục soát tanh bành, vợ, con, cháu nội, cháu ngoại, giọt ngắn giọt dài… Một đòn cân não, dằn mặt nặng ký, một thử thách cay đắng không thể gọi là bình thường với bất cứ ai.

Gần đây có một ông học sinh cũ của tôi cũng ngấp nghé lục thập làm Thư ký toà soạn một tạp chí “lề phải” đang phất, không biết ông này có biết gì về hậu vận của ông Thuận không mà lại khụng khiệng, mỉa mai hỏi tôi: “Thầy đã ở tuổi nghỉ ngơi rồi, Thầy còn muốn giữ chức gì nữa? Thầy chuốc lấy khổ hạnh như thế làm gì?”. Tôi thất vọng đến ê chề, nhưng vẫn bình thản trả lời: Cái chức mà tôi ao ước, đơn giản lắm, tôi muốn giữ chức là “NGƯỜI KHÔNG ĂN GIAN NÓI DỐI”… Còn hỏi tôi …để làm gì? Cũng đơn giản lắm, các ông “lề phải” không hiểu được đâu: “ĐỂ GIÓ MANG ĐI” (TCS) & từ hôm nay xin ông đừng bao giờ gọi tôi là thầy nữa. Sau 40 năm, tôi không dám nhận là thầy của những học trò như ông”.

Một mình trong căn phòng trống trải, tôi miên man chìm trong những vọng niệm hỗn độn từ trong quá vãng ào về. Tôi giật mình trước tiếng kẹt cửa, một nữ an ninh đứng tuổi mặt lạnh như tiền tiến vào nhắc tôi bằng một thứ ngôn ngữ hình sự cũng lạnh băng:“Ông có thể về, đúng 7 h sáng mai ông đến làm việc tiếp”. Tôi vụt hiểu: “Thế là người ta không dùng biện pháp tạm giữ tôi 9 ngày”. Bước ra đường Quang Trung, đường phố đã lên đèn từ bao giờ. Kim đồng hồ trên nóc tòa nhà Bưu điện Tỉnh chỉ 11 h đêm mà bầu không khí vẫn nóng hầm hập. Tôi bước những bước chân mỏi mệt sau một ngày dài không một phút ngơi nghỉ cùng biết bao sự kiện phũ phàng ập đến gia đình tôi. Ngang qua những đám đông trên hè phố đang vô tư bên những màn hình lớn. Họ hò reo theo dõi trận chung kết World Cup 2010 tại Nam Phi. Họ đâu có biết giữa tôi và những người đang bắt giữ tôi cũng đang có một trận “CHUNG KẾT” cho chuyên án “Nguyễn Thượng Long và đồng bọn can tội làm báo trái phép có nội dung chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Trong cuộc đấu không cân sức này, tôi là kẻ cô thế hoàn toàn, trong tay không có một cái gì hết, ngoài niềm tin tôi là người vô tội. Tôi biết: “Qua 9 ngày thẩm vấn… nếu tôi không chứng minh được điều nói trên… sẽ là lệnh tạm giam 4 tháng & sau đó sẽ thấy bóng “Thiên đường…” và bèo nhất cũng phải lận lưng 5 cuốn lịch”.

(Còn nữa)

Hà Đông 6 - 2010

Nguyễn Thượng Long - Nguyên Giáo viên dậy Địa Lý Giáo Dục Hoà Bình và Hà Tây. - ĐT: 0433521066 & 0953298198 - Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

Đón đọc: Phần II: “PECARANDE”