Thư ngỏ gửi cô giáo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk nơi thầy giáo Đặng Đăng Phương đang dạy học

Thưa cô hiệu trưởng,

Xin tự giới thiệu với cô tôi là công dân Ngô Thị Hồng Lâm. Năm nay tôi đã ngoài ngoài 60 rồi, tôi cư ngụ tại Vũng Tàu và là một bloger tự do.

Chuyên ngành của tôi: nghiên cứu lịch sử Đảng.

Vừa qua tôi có theo dõi đọc những STT của thầy giáo Đặng Đăng Phước đăng trên trang FB của thầy.

Từ ý kiến của thầy giáo Đặng Đăng Phước tại link bài: https://www.facebook.com/dangphuocMN/posts/1180684788764751 về việc nhà trường thu tiền thuê áo đồng phục của học sinh khi nhận bằng tốt nghiệp. Vấn đề thầy Đặng Đăng Phước đưa ra: “tôi hỏi BGH Trường TCSPMN Đăk Lăk thực hiện cho học sinh thuê đồng phục và thu tiền dựa trên văn bản quy định nào của Bộ Giáo dục?”.

Từ việc thầy Đặng Đăng Phước nêu những ý kiến của mình đã khiến Ban giám hiệu Nhà trường nổi giận với thầy giáo Đặng Đăng Phước và đã chỉ đạo khoa giáo viên tổ chức một buổi họp dưới danh nghĩa “Xét thi đua”. Nhà trường còn dùng những cmt trong STT của thầy Phước để “quan trọng hoá” vấn đề, cáo buộc thầy Phước làm tổn hại uy tín của Nhà trường! Theo chúng tôi đánh giá đây chính là một buổi mang tính “đấu tố” ấu trĩ với thầy Phước.

Xin hỏi các quý thầy cô: hoạt động của Facebook ở Việt Nam là một hoạt động công khai được cấp phép của Bộ Văn hoá, Thông tin và Truyền thông Việt Nam chứ không phải là một trang mạng bất hợp pháp, các cụ ta xưa gọi là “bán bạc giả”. Mọi công dân đều có quyền sử dụng fb mà luật không cấm. Vậy dựa trên cơ sở nào để các quý thầy cô kết luận “thầy Phước làm tổn hại uy tín của nhà trường”?

Ai vào cmt cứ việc, nhưng người đó phải chịu trách nhiệm phát ngôn của họ trước cộng đồng.

Thưa quý thầy cô,

Là một người có nhiều năm trong chuyên ngành nghiên cứu lịch sử Đảng, là một phụ huynh có con em đã thành đạt, chúng tôi thấy rằng: nếu sự việc xảy ra đúng như thầy giáo Đặng Đăng Phước đã lên tiếng thì chúng tôi hoan nghênh và rất mừng. Trong khi ngành giáo dục đã và đang có rất nhiều tai tiếng xấu đến mức vi phạm luật hình sự (điển hình là thầy Sầm Đức Sương Hà Giang đã bị xử lý) và gần đây là thầy hiệu trưởng Đinh Bằng My ấu dâm học sinh nam ở Phú Thọ (đã bị bắt giam), thì vẫn có những người thầy tâm huyết với nghề trồng người, bằng đạo đức và lương tâm chăm sóc học trò như thầy Đặng Đăng Phước, để chúng tôi yên tâm khi con em mình nhận được ở người thầy tấm gương, trong quá trình hình thành nhân cách ở trẻ.

Xét về pháp luật thì câu hỏi của thầy Phước không vi phạm luật hình sự?

Xét về thuần phong mỹ tục thì thầy Phước cũng không mắc phải!

Việc điều hành hoạt động của nhà trường dưới sự quản lý của Ban giám hiệu, đứng đầu là cô giáo hiệu trưởng, phải được dựa trên LUẬT PHÁP chứ không thể theo cảm tính. Khi Ban giám hiệu nhà trường có dấu hiệu “lạm thu” bị phản ánh thì lại dùng quyền lực của mình để áp đặt, lôi kéo các thầy cô khác bè phái tiêu diệt tiếng nói phản biện, và thầy Đặng Phước có nguy cơ đang bị đẩy vào một cuộc “đấu tố” ấu trĩ.

Cũng chính vì “bịt miệng” những tiếng nói phản biện tích cực của quần chúng bấy lâu nay đã là mảnh đất mầu mỡ cho tội phạm hình thành và phát triển, mà vừa qua những “thanh củi gộc” như 18 vị tướng của ngành công an, vài vị của Bộ TTTT&VH, và mới đây là 4 vị nguyên lãnh đạo Đảng Thành phố Hồ Chí Minh, đã được đưa “vào lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người quyết tâm thực hiện nghiêm minh kỉ cương phép nước!

Điều mà chúng tôi cần những thầy cô dành cho trẻ là bảo vệ trẻ khỏi các vấn nạn:

  • Bạo lực trong học đường như bắt trẻ uống nước giẻ lau bảng, hay cô giáo bắt học trò tát học trò.

  • Bạo lực học đường từ các em học sinh rủ nhau đánh hội đồng bạn học v.v...

Tại sao nhà trường không tổ chức hội thảo chuyên ngành để các thầy cô hiến kế đẩy lùi vấn nạn lưu manh này trong học đường mà lại là cuộc nhằm đấu tố tiếng nói trung thực?

Nhớ lại câu nói để đời của Tổng thống Obama khi ông sang thăm Việt Nam nói rằng: “tôi bị chỉ trích hàng ngày và nhờ đó nước Mỹ lớn mạnh”.

“Gà người gáy gà ta sáng”, thiết nghĩ việc triệu tập cuộc “đấu tố” với thầy Phước của Ban giám hiệu nhà trường, đứng đầu là cô giáo hiệu trưởng, đã đi ngược lại điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,hội họp, lập hội…”, nhằm đè bẹp tiếng nói kêu gọi sự công bằng và chăm lo cho học sinh từ thầy Đặng Đăng Phước.

GIÁO DỤC PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC, đó là mệnh lệnh và lương tri của thời đại. Hơn bao giờ hết nhà trường XHCN của chúng ta cần phải đề cao tính thượng tôn pháp luật trong các thầy cô và học trò. Cần gương mẫu trung thực, để truyền thụ lại cho lớp trẻ sống biết trung thực: Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai cầm dao doạ giết / Cũng không nói ghét thành yêu.

Trung thực là một đức tính quý báu nhất cần có trong tố chất người thầy dậy trẻ làm người.

Tôi xin dừng tại đây. Kính chúc các thầy cô một năm mới sức khoẻ và dậy tốt học tốt, xứng đáng là những thầy cô kiểu mẫu đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức và đạo làm người cho các thế hệ học sinh. Xã hội luôn vinh danh những người thầy như thế. Cám ơn các quý vị đã lắng nghe!

Vũng Tàu ngày 1/1/2019

Hồng Lâm

Tác giả gửi BVN