VietTimes – Những ngày đầu đông cuối năm 2018 rét như cắt da cắt thịt, nhiều người dân Thủ Thiêm lại kéo nhau ra Hà Nội để tìm kiếm hy vọng. Đất phương Nam vẫn đang ngập tràn ánh nắng...
Thủ Thiêm, một góc nhìn từ 3 năm trước, năm 2015. Ảnh: Mai Kỳ
Từ một quyết định đầy nhân văn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn phát triển bờ Đông sông Sài Gòn thành một phố Đông Thượng Hải thứ 2, Thủ Thiêm vì sao nên nỗi đoạn trường?
Cưỡng chế
Chiều muộn ngày 18/12/2018, khi ánh ráng chiều quay quắt hắt màu đỏ ối xuống vùng đất trống đầy cỏ dại, nằm ngay ven đường cụt dẫn tới chân cầu Thủ Thiêm, phía Q.2, một bóng người xiêu vẹo mặc chiếc áo quân phục bạc màu chậm bước giữa vùng đất tưởng như hoang hóa này, hướng về phía bãi đất nay lau lách đã mọc bạt ngàn đang trổ hoa trong gió.
Đường Lương Định Của, Q.2, TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước, bắt đầu giáp từ đường Mai Chí Thọ, kéo dài chạy mãi tới sát bờ sông Sài Gòn. Khu đất mà người phụ nữ mái tóc nay đã bạc trắng đang dẫm bước đi vốn dĩ là một căn nhà ấm cúng, nằm tại số A37/7F khu phố 5, phường An Khánh, Q.2, giáp mặt tiền đường, nay chỉ còn cỏ dại mọc đầy và rác rưởi phủ kín.
Mảnh đất đầy lau và cỏ dại um tùm, ngập rác này thuộc một phần thửa 55, tờ bản đồ số 20, bản đồ địa chính năm 2002, thuộc phường An Khánh, Q.2, vốn là nền căn nhà của bà Lê Thị Nga. Ảnh: GVT
Bà Lê Thị Nga, năm nay hơn 70 tuổi, kể rằng bà chính là chủ nhân căn nhà này. Đã lâu lắm rồi bà mới bước chân trở về đây, bởi mỗi lần về là một lần đau như bị rứt đi một phần cơ thể. Chỉ tay vào một hố đất ngập nước, nay bèo tây đã mọc kín, bà đỏ hoe mắt nói rằng đó vốn là cái nền nhà của bà, đã bị múc đi.
Trước khi bị giải tỏa, nhà bà kinh doanh hàng gốm sứ cao cấp nhập khẩu, “bán đắt lắm”, chất giọng phương Nam thật thà miêu tả. Bà và chồng, ông Nguyễn Thế Vinh (SN 1936) vốn là thương binh, đều cùng công tác trong ngành y thuộc tỉnh đội Bình Định.
Chiến trường trong ký ức của trung sỹ Lê Thị Nga mờ đục, chỉ nhớ thuộc K206, làm công việc y tá chăm sóc thương bệnh binh thuộc trạm xá huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, đóng sâu trong rừng. Chồng bà, thiếu úy Nguyễn Thế Vinh thuộc đội hậu phẫu tiền phương, cũng của K206.
Hết chiến tranh, năm 2000, hai vợ chồng thương binh dắt díu 3 đứa con vào TP. HCM, gom góp mua được căn nhà diện tích chỉ 18,72 m2 ở địa chỉ trên làm nơi buôn bán nuôi con ăn học. Căn nhà này thuộc một phần thửa 55, tờ bản đồ số 20, bản đồ địa chính năm 2002, thuộc phường An Khánh, Q.2.
Bà Lê Thị Nga uất ức: “Tại sao không có quyết định mà lại đập phá nhà tôi? Tại sao lại phải phun thuốc vào nhà khiến chồng tôi nhập viện liên tục mấy năm nay? Tài sản của gia đình tôi bị mang đi hiện nay đang ở đâu?”. Ảnh: GVT
Cả gia đình đang ăn ở, buôn bán ổn định trên căn nhà, không tranh chấp với ai thì sáng sớm ngày 7/4/2016, một lực lượng lớn xe cứu hỏa, cứu thương vây kín.
“Tôi vừa mở cửa ra thì thấy xe tải, xe cứu thương, cứu hỏa vây kín. Sau đó, họ đánh hóa chất vào nhà tôi, rồi san phẳng”, bà Nga nhớ lại.
Báo Bảo vệ Pháp luật, cơ quan ngôn luận của VKSNDTC số 61 (1365) ra thứ Sáu (29.7.2016) tường thuật: “vào lúc 8h30 ngày 7/4/2016, xuất hiện một nhóm người rất đông đến bao vây căn nhà của ông bà với đầy đủ xe cứu hỏa, xe tải, xe cảnh sát. Nhóm người này xông vào đập phá nhà cửa, đánh con trai bà là Nguyễn Đức Thắng và bắt con dâu của ông, bà là Lưu Thị Hoài An đi mất…
Ngoài ra, những người này còn xịt hóa chất vào người vợ chồng ông bà, chồng bà 80 tuổi trượt té ngay trong căn nhà ngập đầy hóa chất. Sau đó, họ phá hủy căn nhà và mang toàn bộ tài sản, cũng như hàng hóa trong căn nhà lên xe chở đi, cho đến nay vẫn không rõ tung tích”.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tọa lạc tại Q.2, TP. HCM từng được mong sẽ thành "một khu đô thị mới hiện đại, là trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ”, như phố Đông Thượng Hải. Ảnh: Mai Kỳ, chụp 2015
Kể từ cái ngày 7/4/2016 định mệnh đó, chồng bà, ông Nguyễn Thế Vinh liên tục nhập viện, điều trị từ bệnh viện 175, rồi chuyển lên bệnh viện Thống Nhất, chẩn đoán K gan. Lần gần đây nhất ông được ra viện ngày 14/12, nhưng lại phải nhập viện trở lại vài ngày sau đó.
Bà Nga một tay chăm chồng trong bệnh viện, một tay cầm đơn khiếu nại đi kêu cứu khắp các cấp chính quyền, từ bấy đến nay.
Một tương lai bị bỏ lỡ
Ngày 4/6/1996, tại Quyết định số 367 do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ghi rõ: “Khu đô thị mới Thủ Thiêm là khu vực xây dựng và phát triển trong quy hoạch tổng thể thành phố Hồ Chí Minh đã được duyệt tại Quyết định số 20/TTg ngày 16/1/1993 của Thủ tướng Chính phủ là một khu đô thị mới hiện đại, là trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ”.
Theo đó, diện tích của khu đô thị này là 930 ha, trong đó khu đô thị mới là 770 ha, khu tái định cư 160 ha; dân số ước tính 245.000 người ở cả 2 khu vực.
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh chụp năm 2015. Còn hiện nay vẫn hoang phế như vậy. Theo quyết định 367 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký năm 1996, vùng đất này sẽ là "một khu đô thị mới hiện đại, là trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ” Ảnh: Mai Kỳ
Trong tờ trình số 1861 do ông Võ Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh lúc bây giờ, ký gửi Thủ tướng trước đó (ngày 27/5/1996) về việc sớm phê duyệt quy hoạch (1/5000), cũng nhấn mạnh: “Xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển về phía Đông thành phố là một nhu cầu bức xúc và cấp bách có tác dụng làm giảm áp lực đầu tư vào trung tâm thành phố cũ, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào khu vực ngoại vi thành phố cũ theo quy hoạch.
Do vậy, chương trình đầu tư này có tính chất đặc biệt quan trọng về quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế, xã hội không riêng đối với thành phố mà còn tạo điều kiện thúc đẩy cho việc phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Thực tế, gần 22 năm sau, một ngày đầu tháng 12/2018, nắng đổ chát chúa trên đầu, chúng tôi bắt gặp một ông già râu tóc bạc phơ đang cặm cụi trải bạt phơi ít lá thuốc trong một khu vực ẩm thấp ở phường An Phú, Q.2, vẫn thường được gọi là khu tạm cư của cư dân khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Gia đình ông Bùi Ngọc Cát hiện đang ở khu tạm cư từ năm 2012. Công việc của ông mỗi ngày là đi hái lá thuốc nam về phơi rồi đem bán để kiếm thêm thu nhập
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu tái định cư thuộc địa bàn các phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM. Khu đô thị mới được chia làm 5 khu vực chính, còn khu tái định cư 160 ha được định hướng về phía Đông, giáp ranh phạm vi lập quy hoạch.
Năm 1970, rời huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội sau khi mở rộng), ông Bùi Ngọc Cát lên đường nhập ngũ, sau giải phóng thì quyết định ở lại với mảnh đất phương Nam này. Sinh năm 1952, năm nay đã 67 tuổi, ông Cát cùng vợ là bà Nguyễn Thị Chính sinh sống tại tổ 38, khu phố 3, phường An Khánh, Q.2.
Nhà đất của gia đình ông ở ổn định trước ngày 15/10/1993, đến ngày giải tỏa, thu hồi đất theo chủ trương của Nhà nước, với diện tích 126 m2, cả gia đình ông được bồi thường vẻn vẹn 52 triệu đồng rồi dời về khu tạm cư từ năm 2012 đến nay, thời gian ở tạm là… 6 năm ròng rã.
Một góc khu tạm cư của người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, Q.2, TP. HCM cuối tháng 12/2018. Ảnh: GVT
Khu tạm cư ở phường An Phú là nhiều khối nhà tập thể thấp tè, đánh số theo từng lô, mỗi lô gồm 2 tầng, các gian phòng ở tầng trên lợp mái tôn. Giữa trưa nắng, căn phòng ông Cát ở dưới mặt đất nóng hầm hập.
Suốt 6 năm nay, cả gia đình ông gồm 6 con người phải chen chúc trên diện tích 20 m2 như vậy, tại địa chỉ số 020, lô A2, khu tạm cư phường An Phú, chịu trận như vậy. Nắng thì nóng như ran, mưa thì nước tràn khắp chốn, mùi rác lưu cữu xông lên nồng nặc.
Ngán ngẩm lắc đầu, ông kể ông từng là tổ trưởng tổ dân phố, là cựu chiến binh, nay thì bỏ hết, hằng ngày lội khắp các vùng hái cây thuốc Nam về sao chế, phơi khô đem bán kiếm thêm thu nhập đắp đổi qua ngày, chờ hết ngày ở tạm.
Những cư dân ở khu tạm cư này vẫn mỏi mòn chờ ngày hết cảnh đi ở tạm. Ảnh: GVT
“Tôi đi bộ đội, từ rừng ra, khổ cực cũng quen rồi. Không nghĩ tới đời con, đời cháu mình lại phải chui rúc như thế này. Cũng chưa biết tình cảnh này đến bao giờ mới kết thúc”, ông Bùi Ngọc Cát chiêu ngụm nước chè, rồi lại đội nón sân lúi húi phơi thuốc giữa trời nắng chang chang.
Còn bà Lê Thị Nga thì đầy uất ức: “Nếu tôi tố cáo sai, cứ đem tôi bắn bỏ. Tại sao không có quyết định mà lại đập phá nhà tôi? Tại sao lại phải phun thuốc vào nhà khiến chồng tôi nhập viện liên tục mấy năm nay? Tài sản của gia đình tôi bị mang đi hiện nay đang ở đâu?”, khi màn đêm xuống, cả vùng đất lau lách thê thiết tiếng dế kêu.
(Còn tiếp)
T.M.Nguồn: https://viettimes.vn/thu-thiem-mot-tuong-lai-cua-hai-the-he-bi-bo-lo-312403.html