Hoa Nghi dịch
Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và giới lãnh đạo ĐCSVN không tìm thấy sự hỗ trợ trong giới tinh hoa để thu hẹp khoảng cách mà thay vào đó là chèn ép (sách nhiễu) họ, thì có khả năng những nỗ lực nhằm khôi phục quyền lực của Đảng ở một quốc gia bị tham nhũng phá hoại có thể giống là xây lâu đài… trên cát.
|
Hà Nội siết chặt tự do học thuật
Với bộ sậu chính trị mới, Hà Nội đang đánh vào uy tín của những người chỉ trích chính quyền, và giới học giả cũng như sinh viên đang chống lại chiến dịch này, Alexandre Sisophon cho biết từ Việt Nam.
Vào chiều muộn tháng Mười, 2018, trên đường Nguyễn Xí (Hà Nội), nằm ở góc Quảng trường Tràng Tiền, cách hồ Hoàn Kiếm biểu tượng vài trăm mét, một người đàn ông ngoài 40 tuổi đang dọn dẹp gian hàng sách của mình. Trong số nhiều cuốn sách ông đã trưng bày có bản dịch tiếng Việt về “Dân chủ và Giáo dục” của John Dewey và “Nhận diện quyền lực” của Noam Chomsky. Vài ngày sau, những cuốn sách đã được bán giảm giá, và cất giữ bên trong tủ.
Giáo sư Chu Hảo.
Giáo sư Chu Hảo, một học giả đã nghỉ hưu và là người đứng đầu nhà xuất bản sách được thông báo rằng ông sẽ phải đối mặt với một thủ tục kỷ luật, theo quyết định của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chu Hảo sinh năm 1940. Ông là cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (1996 - 2005) và là một trí thức nổi tiếng, ông gắn với vai trò là người đứng đầu Trung tâm Công nghệ Quốc gia cũng như cam kết của ông về sự tăng cường giáo dục trong nước. Ông làm việc tại Nhà xuất bản Tri Thức kể từ khi rời chính trường vào năm 2005. Khi được cảnh báo rằng ông có thể bị loại khỏi tổ chức ĐCSVN, ông đã quyết định trả lại thẻ đảng.
Trong một thông cáo báo chí đề cập đến trường hợp của Chu Hảo được xuất bản vào ngày 25 tháng Mười, Ủy ban Trung ương ĐCSVN đã bày tỏ mối quan ngại về ‘suy thoái tư duy chính trị’ ở nước này.
Một bức thư ngỏ đã được ký bởi hơn 200 thành viên ĐCSVN và 81 học giả quốc tế về nghiên cứu Việt Nam, bao gồm tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt - người đạt giải Pulitzer năm 2016 Việt Thanh Nguyễn, bày tỏ ‘sự bất đồng sâu sắc của họ với những lời buộc tội nhắm vào Chu Hảo’.
Vào tháng 11, việc loại ông Chu Hảo ra khỏi hàng ngũ tổ chức Đảng đã được hoàn tất. Ông Tổng Bí thư ĐCSVN - Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố vào ngày 24 tháng Mười một rằng, đó là phương cách ‘kỷ luật một vài người để cứu muôn người’. Chu Hảo là một vật tế thần: ĐCSVN muốn gửi một dấu hiệu cảnh báo cho giới tinh hoa (trí thức).
Quyền lực ở Hà Nội
Các cuộc thanh trừng nội bộ trong ĐCSVN từ lâu đã trở thành một chiến lược tại Quảng trường Ba Đình, nơi Dinh Chủ tịch và trụ sở của Đảng đều nằm bên cạnh Lăng mộ Hồ Chí Minh.
Đó chắc chắn là một trong những lý do khiến ĐCSVN liên tục nắm quyền lực kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với việc đàn áp có hệ thống đối với các đối thủ chính trị. Thực tế, đã có hơn 100 tù nhân lương tâm ở nước này, theo báo cáo gần nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Nguyễn Phú Trọng, cựu biên tập viên của Tạp chí Cộng sản, tạp chí tư tưởng của Đảng, được bầu làm Tổng Bí thư năm 2011. Ông đã liên minh với Trần Đại Quang, sau đó là Bộ trưởng Bộ Công an, để lật đổ cựu Thủ tướng Bộ trưởng Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội Đảng năm 2016. Ông Trần Đại Quang sau đó trở thành Chủ tịch nước, nhưng ông đã qua đời vào tháng Chín năm 2018. Ông Trọng sau đó đã nắm lấy cơ hội này để hợp nhất hai ghế quyền lực của Việt Nam (Chủ tịch nước và Tổng Bí thư), giống như Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc.
Ông Trọng hiện được cho là người có quyền lực nhất kể từ nhà lãnh đạo thời chiến Lê Duẩn hay thậm chí là Hồ Chí Minh. Bây giờ ông có thể tự do thực hiện tầm nhìn chính trị của mình: khôi phục lại Đảng và chính quyền của nhà nước ở một đất nước bị hủy hoại bởi nạn tham nhũnfg tràn lan.
Kể từ khi Trọng nhậm chức, kiểm soát đời sống học thuật đã thắt chặt. Một người theo chủ nghĩa Mác chính thống và là người đọc nhiều tác phẩm của Lenin, tác phẩm đầu tiên của ông trên tạp chí Đảng chắc chắn đã tác động đến phong cách quản trị hiện tại của ông. Các ấn phẩm tạo ra quan điểm phi chính thống về lịch sử quốc gia, văn học hay thậm chí triết học chắc chắn đã bị ‘bỏ vào lò’. Các khái niệm như ‘đa đảng’, ‘diễn biến hòa bình’ hay ‘dân chủ bầu cử’ đã bị xóa khỏi diễn ngôn quốc gia. Và đó là lý do vì sao các hoạt động xuất bản của ông Chu Hảo tạo nên sự nhạy cảm với quyền lực Hà Nội.
Kháng cự khó khăn
Đối mặt với chương trình nghị sự đàn áp khắc nghiệt này và mối đe dọa bị cầm tù, trí thức Việt Nam tìm chiến lược kháng cự. Họ thử nghiệm hệ thống, đôi khi từ bên trong. Tuy nhiên, họ thường được nhắc nhở rằng, không nên vượt qua ranh giới đỏ.
Năm 2010, nhà văn Nhã Thuyên đã bảo vệ luận văn thạc sĩ văn học tại Đại học Sư phạm Hà Nội về một tập thể thơ miền Nam hoạt động vào đầu những năm 2000, người tự gọi mình là nhóm Mở Miệng. Nhóm này, do Lý Đợi và Bùi Chát dẫn đầu, chịu nhiều ảnh hưởng khác nhau, trong đó Alexander Soljenitsyne và phong trào văn học Pháp ‘Oulipo’ [Georges Pérec, Raymond Queneau, v.v.]. Nhã Thuyên coi dòng thơ này nằm ở một vị trí trong học viện. Nhưng vấn đề là một số tác phẩm của Mở Miệng đã công khai ‘chống cộng’.
Vào tháng Tư năm 2013, các điều tra viên [Bộ Công an] đã tỏ ra quan tâm đến luận án của Nhã Thuyên. Vào thời điểm đó, trên báo chí chính thức mô tả công trình của cô là ‘phản động’, ‘phản văn hóa’ hoặc thậm chí là ‘rác rưởi được ngụy trang thành tác phẩm hàn lâm’.
Đại học Sư phạm Hà Nội sau đó đã quyết định rút bằng vào tháng Ba năm 2014. Bà Bình người hướng dẫn cô thậm chí còn bị buộc nghỉ hưu sớm. Sau phản ứng vào mùa Xuân năm 2014, với sự hỗ trợ từ hơn 100 nhân vật trong giới học thuật ở Việt Nam, Nhã Thuyên đã được cấp bằng thạc sĩ vào tháng Năm.
Trường hợp này đã để lại một vết sẹo trong cộng đồng học thuật tại Hà Nội. Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất và là thủ đô kinh tế của quốc gia cộng sản, chính cuộc đấu tranh của bà Bùi Trân Phượng với chính quyền địa phương đã trở thành một điểm nhấn.
Bà Bùi Trân Phượng là nhà sử học, sinh năm 1950, chuyên ngành bà là Lịch sử Phụ nữ Việt Nam. Năm 1991, bà thành lập trường Hoa Sen. Ban đầu được là trường trung cấp kỹ thuật, sau đó nâng cấp thành trường đại học đa ngành vào năm 2006.
Quan điểm ‘tư duy phê phán’ mà bà gieo cho các sinh viên không được chính quyền địa phương ưa thích. Và bà đã vướng vào cuộc chiến kiện tụng hành chính kéo dài nhiều năm, với Bộ Giáo dục và Ủy ban Nhân dân Tp. HCM, cuối cùng bà đã mất chức vào tháng Một, năm 2017. Tuy nhiên, tổ chức của bà đứng vững ở Thành phố Hồ Chí Minh và bà đã trở thành một hình mẫu cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam.
Nguy cơ chống chủ nghĩa trí thức
Nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng dường như sợ rằng tự do học thuật sẽ đe dọa đến quyền lực của ĐCSVN. Và ông đang cố gắng ngăn chặn mọi nghi vấn về tính hợp pháp của Đảng và sẽ không còn dung thứ cho các quan điểm thay thế. Bằng cách nào đó, ông đang tái tạo các phản xạ toàn trị thời chiến ngay trong thời bình.
Một làn sóng chống chủ nghĩa trí thức mới đang được xác lập tại Việt Nam, nơi mà giới trí thức đối mặt với kiểm duyệt và đàn áp. Vấn đề là Việt Nam không còn chiến tranh nữa, mà trải qua một sự thay đổi lớn về văn hóa thông qua sự phát triển nhanh chóng. Sự thay đổi này tạo ra một cảm giác bất thường. Khoảng cách giữa giới thượng lưu và dân thường ngày càng lớn và sự hiện đại của đất nước dường như chưa được xác định.
Nếu ĐCSVN và giới lãnh đạo ĐCSVN không tìm thấy sự hỗ trợ trong giới tinh hoa để thu hẹp khoảng cách mà thay vào đó là chèn ép (sách nhiễu) họ, thì có khả năng những nỗ lực nhằm khôi phục quyền lực của Đảng ở một quốc gia bị tham nhũng phá hoại có thể giống là xây lâu đài… trên cát.
VNTB gửi BVN.