Phạm Chí Dũng
Quốc Hội bỏ phiếu xây sân bay Long Thành, 2015
Đã hơn ba năm kể từ khoảng thời gian cuối năm 2015 là lúc các nhóm lợi ích Bộ Giao thông Vận tải và đại gia rầm rộ PR chính sách để xây dựng sân bay Long Thành, nhưng cho đến nay vùng đất này vẫn chỉ là… dự án.
Cũng đã gần một thập kỷ kể từ năm 2009 là lúc các nhóm đầu cơ ‘đánh lên’ một cơn sốt đất tại khu vực Long Thành và nhiều quan chức từ cấp trung ương đến địa phương đã bị mắc kẹt một lượng tiền đầu tư khổng lồ tại khu vực này, cho đến nay vẫn chẳng có dấu hiệu gì cho thấy giới này đã ‘thoát hàng’ được, hay nói cách khác là đã bán được đất thu gom giá rẻ trước đó cho những người ‘trâu chậm uống nước đục’ với giá cắt cổ.
Hết thời ‘ăn miễn phí’ ODA
Vào năm 2015, dự án sân bay Long Thành đã được ‘vẽ’ với một con số đầu tư khổng lồ: 18 tỷ USD!
Trong thâm ý lẫn tham ý của các nhóm lợi ích, dự án sân bay Long Thành không chỉ nhằm “nuốt gọn” 18 tỷ USD đầu tư với phần lớn trong số đó dự kiến là vốn vay ODA, mà còn được khuếch trương tính tầm cỡ “khu vực châu Á” của nó để giúp giới quan chức đang “kẹt hàng” có điều kiện bán đất giá cao.
Long Thành - thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai - đã từng có những đợt sốt đất vào những năm 2008-2009. Đây chính là giai đoạn tích tụ đất đai của nhiều “ông lớn” địa ốc. Cũng là giai đoạn mà nhiều đại gia và quan chức từ trung ương xuống địa phương vung tiền quá trán mà khi cơn sốt bất động sản trôi qua, toàn bộ khu vực Long Thành đều chìm trong băng giá, toàn bộ đất đai đều trở thành “hàng tồn”, chỉ thấy rao mà chẳng ai mua.
Trong 3 năm qua, từ khi có quy hoạch của dự án sân bay quốc tế Long Thành, khu vực này bất thần được không ít tờ báo nhà nước PR như một thỏi nam châm có sức hút lớn đối với các dự án bất động sản vây quanh.
Vây quanh sân bay Long Thành là hàng trăm dự án bất động sản lớn nhỏ, được sở hữu bởi nhiều đại gia địa ốc. Nổi bật trong số đó là Sonadezi, Tổng Công ty Tín Nghĩa, Dic Corp, Khang Điền, Công ty Đình Thuận, DonaCorp…
Vào cuối năm 2015 trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức “trở về làm người tử tế’, đất khu vực sân bay Long Thành đã được “đánh lên” một đợt. Tình trạng sốt đất bùng lên nhộn nhịp ở khu vực các xã nằm sát dự án sân bay quốc tế Long Thành. Đi đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện mua bán đất và hoa hồng cho người môi giới bao nhiêu phần trăm…
Hiển nhiên dự án sân bay Long Thành, với nguồn vốn vay chồng chất ODA, là một cơ hội để các nhóm lợi ích tìm đường thoái vốn, trút hàng tồn cho những người ngờ nghệch “trâu chậm uống nước đục”.
Tuy nhiên sau đại hội 12 với sự thất bại của Nguyễn Tấn Dũng, dự án sân bay Long Thành chợt lâm vào tình thế không biết kiếm đâu ra tiền để thực hiện.
Trước đây, trong mọi tính toán khôn lanh và khá trót lọt của mình, nhóm lợi ích “ODA Long Thành” đã “lobby” được các bộ ngành, lãnh đạo chính phủ và gần hết trong số 500 mái đầu gục gặc nghị sĩ. Nhưng có lẽ vẫn có một li sai lệch mà đã tới thảm cảnh sai lầm chiến lược về tài chính như ngày hôm nay.
Đó chính là sai lệch trong tính toán về bối cảnh và thời điểm đi vay.
Theo “truyền thống”, các dự án “khủng” như Sân bay Long Thành, Cao tốc đường bộ Bắc - Nam, Điện hạt nhân Ninh Thuận… đều phải đi vay quốc tế tới 80% tổng dự toán. Trong dĩ vãng, đã có nhiều dự án vay ODA đầu xuôi đuôi lọt, “vẽ” được và vay được, làm giàu khủng khiếp cho các nhóm lợi ích, để từ đó những nhân vật này cứ tưởng sẽ mãi “nhân điển hình tiên tiến”.
Thời điểm chốt con số cuối cùng cho dự án sân bay Long Thành là vào cuối năm 2015, tức cuối đời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào lúc đó, những nguồn vốn ODA “gối đầu” từ năm trước và cả năm trước nữa vẫn còn, do vậy nhóm lợi ích ODA không thể tránh khỏi ảo tưởng tình hình vẫn tiếp tục triển vọng vào những năm sau đó.
Nhưng đến tháng 12/2015, Trưởng đại diện Ngân hàng thế giới ở Việt Nam là bà Victoria Kwa Kwa bất ngờ thông báo với Chính phủ Việt Nam là kể từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ưu đãi nữa. Quả thật, sau đó Việt Nam phải vay vốn ODA của quốc tế với mặt bằng lãi suất tăng gấp ba lần trong lúc thời gian ân hạn giảm đi một nửa.
Cánh cửa ODA dành cho các dự án “khủng” bỗng dưng sập lại. Đã quen ‘ăn ODA miễn phí’, đám quan chức Việt bắt đầu cảm thấy ‘ăn phải trả tiền’ có cái gì đó ‘kỳ kỳ’. Hơn nữa, trong bối cảnh nợ công ngập đầu mà đã vọt đến tỷ lệ 210% GDP chứ chẳng hề ‘dưới 65% GDP’ như báo cáo của chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc, bây giờ mà đâm đầu vay ODA với lãi suất cao là tự sát.
Rốt cuộc, không chỉ không dám vay, mà ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ - Thủ tướng Phúc - còn không dám ký bảo lãnh vay vốn ODA cho các doanh nghiệp quen ‘ăn bẫm’.
Một trong những “nạn nhân” đầu tiên của chế độ thắt lưng buộc bụng ODA là dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận - với số “vẽ” lên đến 20 tỷ USD, rốt cuộc đã bị Chính phủ của tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “dũng cảm” tuyên bố ngừng thực hiện.
Dự án sân bay Long Thành dĩ nhiên cũng không thoát khỏi số kiếp hẩm hiu…
Bi kịch ‘thoát hàng’
“Dự án Cảng hàng không sân bay Long Thành phải thực hiện đúng lộ trình đặt ra, tuyệt đối không lùi tiến độ. Tháng 3-2019, phải phê duyệt xong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tháng 6 phải phê duyệt xong báo cáo khả thi...” - Bộ trưởng Giao thông Vận tải - quan chức kế thừa cái ghế của người tiền nhiệm và cũng là tác giả của vụ ‘sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất’, Trương Quang Nghĩa - chỉ đạo như vậy tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, diễn ra ngày 7/1/2019.
Cứ cho là tiến độ phê duyệt sẽ đúng như ông Thể chỉ đạo, nhưng dấu hỏi cực lớn là bộ này và các nhóm lợi ích đào đâu ra tiền để làm sân bay?
Giờ đây, ngân sách vô vọng đã khiến ngay cả 18 ngàn tỷ dùng cho giải phóng mặt bằng ở dự án sân bay Long Thành mà còn phải ‘vận động’ mãi mới tìm ra, sau khi cả một ủy viên bộ chính trị là Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đã phải lộ hình để PR cho số 18 ngàn tỷ đồng này. Mà 18 ngàn tỷ đồng còn khó tìm thì đào đâu ra 18 tỷ USD - nhiều gấp hơn hai chục lần - để xây dựng “một trong những sân bay hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á”?
Cho tới nay và cả trong trung hạn vài ba năm tới, vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy dự án sân bay Long Thành có thể chạm vào một cái mỏ vay ODA ưu đãi nào.
Hẳn cơn bĩ cực trên đã khiến các nhóm kim tiền - chính sách phải tính đến việc cứ vài tháng một lần lại tung ra tin “sân bay Long Thành sắp hoàn thành dự án khả thi”, “sân bay Long Thành sắp khởi công”, hay đại gia Vũ Văn Tiền còn tung tin mời một nhà đầu tư lớn của Trung Quốc vào dự án sân bay Long Thành… Theo đó, đất đai ở khu vực này lại có được một đợt lao xao.
Nhưng rốt cuộc, lao xao vẫn chỉ là lao xao. Thậm chí trong cơn sốt đất nền khá dữ dội ở Sài Gòn kéo dài từ đầu năm 2017 đến nay, khu vực Long Thành cũng không thể ‘ăn theo’, bất chấp rất nhiều bài báo nhà nước đã quảng cáo cho nó.
Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007-2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2016 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019 và năm 2020.
Vận cảnh quá sức bi đát đang hiện ra như một bóng ma dưới bóng mặt trời buổi xế tà: trong lúc dự án sân bay Long Thành vẫn gần như giậm chân tại chỗ, ODA vẫn tuyệt vọng, thì vô số đất đai của giới đại gia và quan chức vẫn không cách nào hóa phép thành tiền hay ngoại tệ để tẩu tán ra nước ngoài…
P.C.D.
Tác giả gửi BVN