Lê Phú Khải
Trong cuộc đời hơn 40 năm làm báo “lề phải”, “lề trái”, tôi có may mắn một lần được bay ra giàn khoan, và đấy là một chuyến đi nhiều thu hoạch không thể nào quên. Đó là những ngày vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Tôi năn nỉ mãi trung tá phi công HS mới đồng ý cho tôi lên chiếc trực thăng đã cũ kỹ để bay ra một giàn khoan dầu khí ở ngoài khơi xa tỉnh Vũng Tàu.
Khi lên máy bay rồi, tôi giật mình, vì chiếc trực thăng đã quá cũ. Sàn của nó có những lỗ thủng có thể nhìn qua được. Trung tá HS cho tôi ngồi ghế phụ ngay cạnh anh. Đi được một lúc, anh nói: Bọn phi công là con ông cháu cha ngồi chật cả ngoài Vũng Tàu kia, khi vào bữa ăn, chúng nó đều ngồi mâm đặc sản, tiêu chuẩn cao cấp cho phi công, nhưng lái máy bay ra giàn khoan thì tìm mọi cách để lẩn trốn! Tôi hỏi: Sao kỳ lạ vậy trung tá? Anh giải thích: Bay ra giàn khoan và đỗ xuống được giàn khoan là điều rất nguy hiểm, vì thế chúng nó tìm cách né tránh. Chỉ còn vài phi công như tôi bay mà thôi, vất vả lắm. Lát nữa nhà báo sẽ thấy.
Máy bay càng ra khơi xa, gió càng mạnh, gió như đang có bão. Khi tới được giàn khoan, trung tá HS cho máy bay lên cao rồi “căn” đúng cái sân bay trên giàn khoan, có diện tích chỉ bằng ba, bốn cái chiếu trải ăn cơm, chỉ vừa đủ cho càng máy bay đỗ xuống.
Trung tá HS chỉ vào các đồng hồ trên máy bay bảo tôi: Nhà báo thấy không, tất cả các đồng hồ đều cho biết, nhiệt độ [động cơ] bây giờ là trên 1000 độ [độ F? tức xấp xỉ 530 độ C], vì máy bay phải cho cánh quạt quay hết tốc lực, để giữ cho máy bay không bị gió thổi đi, sau đó máy bay phải hạ thật chậm... Tôi thấy toàn thân chiếc trực thăng run lên bần bật! Trung tá HS nói tiếp: Bây giờ chỉ một con chim nhỏ bay va vào cánh quạt, hay một vật thể nào đó va vào... là máy bay sẽ nổ tung ngay lập tức! Chiếc trực thăng từ từ, từ từ... “đặt chân” xuống giàn khoan.
Lúc trên đường về, trung tá HS còn cho tôi biết, lúc ban đầu các chuyên gia dầu khí Liên Xô thường từ chối sang Việt Nam làm việc. Vì, họ không tin tưởng các phi công Việt Nam có thể đưa rước họ đi về an toàn ra vào giàn khoan, nhất là các ca cấp cứu xảy ra trong đêm tối phải đưa về đất liền. Nhưng từ khi tôi bay ra và đưa được một chuyên gia Liên Xô bị đau ruột thừa về đất liền cấp cứu trong đêm thì chuyên gia Liên Xô mới tin tưởng.
Xuống trực thăng rồi, tôi mới thấy mình đang ở trong một cơn bão. Gió mạnh đến nghẹt thở, phải vịn chắc vào các thành cầu thang mới xuống được giàn khoan. Trông trên ảnh, trên phim thì giàn khoan có vẻ bé nhỏ! Nhưng khi tham quan hết giàn khoan thì tôi thấy nó là một nhà máy toàn bằng sắt thép trên biển cả. Giữa mênh mông chỉ có gió, gió không khoan nhượng con người, gió làm đảo lộn mọi chi tiết của đời sống con người, làm con người nhớ quay quắt cái bình yên trong đất liền. Sau này, tôi có đọc được một chi tiết thú vị trong một bài báo của Huỳnh Dũng Nhân, một cây bút phóng sự nổi tiếng của làng báo Việt Nam, anh cũng một lần được ra giàn khoan và kể lại rằng, anh phải đi tiểu tiện trên giàn khoan... để tìm cái cảm giác khác lạ so với mọi sinh hoạt của con người trên đất liền.
... Tôi không ngờ bureau của giám đốc giàn khoan lại sang đến thế. Nó đầy đủ tiện nghi và đặc biệt là hệ thống điện thoại, vì giám đốc phải chỉ huy đến từng ngóc ngách trên giàn khoan. Vị giám đốc này được đào tạo ở Liên Xô về, ông cho nhà báo biết tất cả những khó khăn mà kỹ sư và công nhân trên giàn khoan phải làm việc giữa trùng khơi dài ngày. Kể cả khi phải bỏ phiếu bầu bán gì trong đất liền, anh em cũng phải tham gia. Ông cho biết, không có phụ nữ nào đủ sức khỏe để làm việc trên giàn khoan của ông cả!
... Một lần có mặt trên giàn khoan dầu khí của nước ta trên biển khơi, tôi có đủ kiến thức và thực tế để cảm nhận được những hy sinh gian khổ to lớn mà cán bộ, kỹ sư ngành dầu khí Việt Nam, cũng như cán bộ khoa học và chiến sĩ ta đang trụ trên các nhà giàn giữa trùng dương bão tố.
Giàn khoan PV Drilling I
Từ hơn 30 năm trước, Việt Nam đã nhìn thấy dã tâm của Trung Quốc, sáng suốt cho cắm các nhà giàn có tên là cụm kinh tế - khoa học – dịch vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gọi tắt là DK1 trên vùng kinh tế chủ quyền biển của Việt Nam, trong đó có nhà giàn Tư Chính 3, và cả những boong nổi trên vùng này để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Lúc đó Tàu cộng còn mê ngủ! Vậy mà bây giờ mới giàu lên, chúng đã ra Tư Chính để ăn cướp tài nguyên của ta. Việt Nam cũng vừa mới kéo một chân đế giàn khoan khủng ra bãi Tư Chính để chuẩn bị khoan dầu, có cả tàu hải quân Quang Trung đi bảo vệ. Đó là việc làm rất kịp thời. Tài nguyên trên biển, trong lòng biển, dưới đáy biển là thiêng liêng và sống còn của dân tộc ta lúc này và mai sau với con cháu.
Nhà giàn DK1. Ảnh: CAND
Nhân dân trong đất mẹ, trong đó có tôi, hàng ngày dõi trông ra bãi Tư Chính, khâm phục và đặt niềm tin ở các chiến sỹ mọi lực lượng, đang canh giữ biển đảo của Tổ Quốc. Chúc các anh chân cứng đá mềm, vững tay súng. Các thế hệ mai sau mãi mãi biết ơn các anh.
Sài Gòn, 21-8-2019
L. P. K.
Tác giả gửi BVN