Tàu Hải Dương 8 vào gần bờ biển VN, 'cách Phan Thiết 185km'

BBC

Lần đầu tiên một trong tứ trụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng về tình hình Biển Đông liên quan đến tàu Hải dương Địa chất 8: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất trí cùng hợp tác, bảo đảm duy trì hoà bình, ổn định an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình".

Chỉ vài tiếng sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đòi được "tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc". Phát ngôn viên Cảnh Sảng, nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng "các nước có liên quan... hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hòa hợp và yên bình tại các vùng biển có liên quan".

Nói trắng phớ ra, kẻ cướp ngang ngược đe dọa chủ nhà muốn sống yên hàn thì phải "hợp tác", mở toang cửa rước vào nhà.

Đến mức này, mà cứ phải tụng "Bốn tốt mười sáu chữ vàng" thì dân chúng có khinh bỉ gọi là Lê Chiêu Thống vẫn còn là nhẹ!

Hoàng Dũng


Chuyên gia Ryan Martinson đăng bản đồ vị trí tàu Hải Dương Địa Chất 8 trong buổi sáng ngày 24/8 (giờ Việt Nam). Bản quyền hình ảnh RYAN MARTINSON / TWITTER

Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hôm thứ Bảy mở rộng hoạt động tới khu vực sát với bờ biển của Việt Nam hơn, ngay sau khi Úc và Mỹ lên tiếng tỏ ý quan ngại về các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Trong ngày 24/8 giờ Việt Nam, ông Ryan Martinson, thành viên chủ chốt của Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân, Hoa Kỳ, đăng tweet rằng tàu Hải Dương 8 đang khảo sát ở vị trí rất gần với bờ biển Việt Nam.

Tàu khảo sát, với sự hộ tống của ít nhất bốn tàu khác, đang tiếp tục tiến hành khảo sát Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở vị trí cách đảo Phú Quý 102 km về phía đông nam và cách bờ biển Phan Thiết 185 km, Reuters dẫn nguồn dữ liệu từ Marine Traffic, trang chuyên theo dõi sự di chuyển của các tàu bè.

Theo luật quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia được tính với bề rộng 200 hải lý (370 km) kể từ đường bờ biển, và là vùng quốc gia đó có quyền chủ quyền khai thác tài nguyên.

Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các tàu 'nghiên cứu' Hải Dương Địa Chất, đưa vào các khu vực 'tạo tranh chấp' và có tranh chấp ở Biển Đông và khu vực. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Các dữ liệu cũng cho thấy có ít nhất hai tàu hải quân Việt Nam theo sát nhóm tàu Trung Quốc.

Việt Nam 'vô cùng quan ngại'

Việt Nam "vô cùng quan ngại" về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hôm thứ Sáu, trước khi có tin tàu Hải Dương Địa Chính 8 tiến vào sát hơn.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất trí cùng hợp tác, bảo đảm duy trì hoà bình, ổn định an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình," nhà lãnh đạo Việt Nam phát biểu.

Đây cũng là lần đầu tiên một lãnh đạo thuộc giới cao cấp nhất Việt Nam chính thức lên tiếng kể từ khi Trung Quốc cho nhóm tàu Hải Dương Địa Chính 8 vào khu vực Bãi Tư Chính ở ngoài khơi Vũng Tàu.

Thủ tướng Phúc phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc trong chuyến thăm ba ngày của ông Scott Morrison tới Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng về tình hình Biển Đông

Vị khách đến từ Australia cũng thúc giục các nước láng giềng của Trung Quốc không nên chịu đựng, không nên để chủ quyền của mình bị đe dọa.

Ông Morrison nói rằng luật quốc tế cần phải được tôn trọng, trong đó gồm các nguyên tắc căn bản liên quan tới việc tự do hàng hải, tự do hàng không, đảm bảo cho các quốc gia được theo đuổi các cơ hội khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và trong vùng biển của mình.

Chỉ vài tiếng sau phát biểu của Thủ tướng Phúc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả với việc đòi được "tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán".

Phát ngôn viên Cảnh Sảng, tại cuộc họp báo thường lệ, nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng "các nước có liên quan... hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hòa hợp và yên bình tại các vùng biển có liên quan".

Kể từ đầu tháng Bảy tới nay, các tàu của Việt Nam và Trung Quốc đã liên tục trong tình trạng đối đầu tại Bãi Tư Chính.

Mỹ cam kết đảm bảo an toàn năng lượng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ cũng nói quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trong thông cáo báo chí, Washington cũng thẳng thừng lên án việc đưa tàu khảo sát và nhóm tàu hộ tống có vũ trang của Trung Quốc hôm 13/8 vào lại vùng biển ngoài khơi Việt Nam, gần khu vực Bãi Tư Chính, và nói việc đưa tàu tới là "việc Bắc Kinh leo thang nhằm hăm dọa các bên khác có tuyên bố quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông".

Phát ngôn viên Morgan Ortagus nói việc đưa tàu tới là "việc Bắc Kinh leo thang nhằm hăm dọa các bên khác có tuyên bố quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông". Bản quyền hình ảnh  GETTY IMAGES

"Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc tìm cách đe dọa hoặc ép buộc các nước đối tác không được hợp tác với các hãng không phải là của Trung Quốc, hoặc bằng các cách khác quấy rối các hoạt động hợp tác đó", phát ngôn viên Morgan Ortagus nói.

Mỹ cũng cam kết sẽ "thúc đẩy an toàn năng lượng cho các đối tác và đồng minh ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và đảm bảo việc khai thác dầu khí trong khu vực sẽ không bị gián đoạn", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Ngay lập tức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu cáo buộc Washington "gieo rắc chia rẽ và có những động cơ không nói ra", nhằm "gây hỗn loạn tình hình ở Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) và làm tổn hại hòa bình, ổn định trong khu vực".

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49453331