Thư giãn hậu Chủ nhật - Một nhà văn tầm cỡ Lev Tolstoy người Do Thái của Hội nhà văn Liên Xô bị kiểm duyệt trong lúc còn sống, nay được tái sinh

William Taubman
New York Times, 25-8-2019

Mai Hưng dịch

Ngày 14 tháng 2 năm 1961, cuốn tiểu thuyết Cuộc đời và số phận của Vasily Grossman bị bắt giữ. Các đặc vụ K.G.B. đã tịch thu một số bản sao của bản thảo của cuốn tiểu thuyết này trong căn hộ của Grossman ở thủ đô Moskva, cũng như những bản sao khác trong các căn hộ của bạn bè ông và các tòa soạn của hai tạp chí. Bản thân Grossman, một phóng viên chiến trường nổi tiếng và là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác, không bị bắt. Nhưng cuốn tiểu thuyết Cuộc đời và số phận đã không được xuất bản ở Liên-xô cho đến tận năm 1988, tức là 24 năm sau khi Grossman đã qua đời ở tuổi 58, và thậm chí lúc đó cuốn tiểu thuyết được xuất bản mới chỉ trong một phiên bản rút gọn.

Vasily Grossman’s major work did not appear in the Soviet Union until decades after his death in 1964.

Vasily Grossman

Việc trình bày một bức tranh toàn cảnh rộng lớn về Thế chiến II được tập trung vào câu chuyện của một số nhân vật đơn lẻ, Cuộc đời và số phận được so sánh với Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoy. Đó không phải là một kiệt tác văn học; Boris Pasternak chỉ đánh giá “60 trang” của cuốn tiểu thuyết dài 600 trang của Grossman trước đó, cuốn Vì sự nghiệp chính nghĩa (60 trang này báo trước phần đầu của cuốn Cuộc đời và số phận), là “đích thực văn học”. Polina Barskova - nữ nhà thơ Nga, người đã viết về Grossman, cho biết rằng Anna Akhmatova dường như không mấy lưu tâm đến việc đọc cuốn Cuộc đời và số phận.

Nhưng cuốn tiểu thuyết Cuộc đời và số phận lại là một trái bom tấn chính trị. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Liên-xô đánh đồng Đức Quốc xã với Liên-xô, hai chế độ toàn trị đối đầu nhau như hai kẻ tử thù trong chiến tranh. Việc liên kết, đánh đồng chủ nghĩa bài Do Thái của giai đoạn hậu Stalin với việc tàn sát người Do Thái của Hitler thực sự là gây sốc. Mikhail Suslov (1), vị hồng y tóc muối tiêu của điện Kremlin phụ trách về ý thức hệ, nói với Grossman rằng “Cuốn sách của bạn chứa đựng những sự so sánh tương đồng trực tiếp giữa chúng tôi và chủ nghĩa phát xít Hitler. Cuốn sách của bạn phát biểu tích cực về tôn giáo, về Thiên Chúa, về Ki-tô giáo. Cuốn sách của bạn biện hộ cho Trotsky. Cuốn sách của bạn đầy dẫy những nghi ngờ về tính hợp pháp của hệ thống Xô-viết của chúng tôi… Đối với chúng tôi, cuốn sách của bạn nguy hiểm hơn nhiều so với cuốn Bác sĩ Zhivago (2)”.

Câu chuyện về cuốn tiểu thuyết Cuộc đời và số phận, như được kể như trong cuốn sách Vasily Grossman và Thế kỷ Xô-viết của Alexandra Popoff, một cựu nhà báo Liên-xô, là một cuốn sách lý thú, hấp dẫn. Phần tiết lộ về tiểu sử Grossman cũng là một phần không kém lý thú, hấp dẫn: Vasily Grossman là một nhà văn Liên-xô nổi tiếng, người đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa” sang hàng ngũ những người chống lại chế độ Xô-viết nhưng cố gắng bày tỏ những nghi ngờ của mình trong giới hạn mà nó cho phép. Ông không phải là người ăn năn hối lỗi cũng như không phải là người bất đồng chính kiến; giống như nhiều những trí thức Liên-xô, ông đã trải qua một cuộc sống “hai mặt” đầy dằn vặt, khổ sở.

Grossman được đào tạo để trở thành một Kỹ sư hóa học, nhưng vào những năm 1930, ông đã nhận ra thiên chức của mình như một nhà văn, khi ông viết về đời sống của những người công nhân trong hai Kế hoạch năm năm đầu tiên như thế nào. Gần như ngay lập tức ông phải đối phó với các lực lượng kiểm duyệt khi lực lượng này cấm đoán một số truyện ngắn của ông. Nhưng Maxim Gorky, một nhà văn nổi tiếng, người đã nhanh chóng trở thành trọng tài chính trong khẩu vị, đường hướng văn chương những năm đầu của thập niên 30, rất thích Grossman và tác phẩm của ông. Grossman đã xoay xở để tránh bị bắt trong cuộc thanh đảng của Stalin, thậm chí ngay cả sau khi vợ ông, bà Olga, bị bắt vào năm 1938, nhưng sau đó được thả ra. Vào cuối thập niên 30, ông có ít ảo tưởng hơn về chủ nghĩa Stalin, và, kết quả là, ông đã viết một cuốn sách để rồi “lại để vào ngăn kéo bàn”. Tuy nhiên, trong khi đó, cuốn tiểu thuyết Stepan Kolchugin của ông được xuất bản từng phần vào những năm 1939-40 và rất nổi tiếng. Vào cuối một thập kỷ bị hủy hoại bởi công cuộc tập thể hóa và khủng bố, Grossman, trong lúc nhớ lại một người bạn thân, có vẻ là một người đàn ông hạnh phúc “Ông thành công trong văn học, có những người bạn thú vị và thông minh, và một người vợ xinh đẹp”.

Chiến tranh (tức Thế chiến II) càng nâng cao danh tiếng của Grossman. Trong ba năm viết từ mặt trận, bao gồm cả trận chiến đẫm máu ở Stalingrad, ông đã chuyển tải được sự khủng khiếp của chiến tranh cũng như khả năng kháng cự đáng kinh ngạc của những người lính và thường dân Nga. Cuốn tiểu thuyết viết năm 1942 của ông, cuốn Nhân dân bất tử, miêu tả một cuộc chiến tranh nhân dân hơn là miêu tả một cuộc chiến tranh mà nhân vật chính là Stalin. Cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho các chiến sỹ và được tái bản nhiều lần. Nhưng những cuốn sổ ghi chép thời chiến của ông chứa đựng những tài liệu mà sau này ông sẽ sử dụng trong các tiểu thuyết như Cuộc đời và số phận đã khắc họa một sự hoảng loạn, bất tài và những thảm bại tàn khốc mà sự lãnh đạo tàn bạo, liều lĩnh của Stalin phải gánh chịu phần lớn trách nhiệm.

Mùa thu năm 1941, Grossman đã viết cho Olga rằng “tôi đã trở thành một người khác”. Một năm sau, ông viết từ Stalingrad rằng “tôi không bao giờ cảm nhận được một cách sâu sắc như bây giờ”. Trong khói lửa chiến tranh, ông xung đột với các biên tập viên của tờ báo quân đội – tờ Sao đỏ, những người muốn biên tập lại, định hướng lại những bài viết của ông từ mặt trận. Tuy nhiên, danh tiếng và số phận tiếp tục cám dỗ ông. Khi giải thưởng Stalin năm 1942 đáng lẽ ra phải được trao cho cuốn Nhân dân bất tử, thì lại được trao cho Ilya Ehrenburg, tác giả của cuốn tiểu thuyết Paris sụp đổ, lúc này Grossman thú nhận rằng ông rất buồn và bị xúc phạm, nhất là vì chính Stalin đã phủ quyết việc đề cử cuốn Nhân dân bất tử của Grossman. Sau đó, Smanon Lipkin, một người bạn thân thiết của Grossman, đã cảnh báo ông rằng “không có hy vọng nào” về việc cuốn Cuộc đời và số phận sẽ được in ấn, Grossman vẫn khăng khăng gửi nó cho một biên tập viên cộng sản theo đường lối cứng rắn, không hơn không kém.

Như Popoff đã kể, những câu chuyện đằng sau những câu chuyện của Grossman, đặc biệt là về những nỗ lực của những người kiểm duyệt nhằm thay đổi và hạn chế những câu chuyện ấy, là rất hấp dẫn. Các nhà kiểm duyệt muốn xóa cảnh một chỉ huy Tiểu đoàn Xô-viết chết trong vũng máu đen, họ nói rằng cảnh tượng này quá khủng khiếp, hơn nữa người chỉ huy lại là một người Do Thái, ra khỏi một bài báo "Trận chiến vòng cung lửa ở Kursk", trận đấu tăng lớn nhất của cuộc chiến 39 - 45. Biên tập viên bài báo này của Grossman, người xoay xở để bảo toàn những miêu tả này đã sớm bị sa thải. Bài báo "Ukraine không có người Do Thái" của Grossman miêu tả những gì còn lại sau khi bị Đức quốc xã hủy diệt, bị loại bỏ hoàn toàn. Bài báo "Địa ngục Treblinka", viết về một nhà máy tử thần mà Grossman bước vào ngay sau khi nó vừa được giải phóng, được in nguyên vẹn. Nhưng cuốn Toàn tập sách đen về người Do Thái Nga lại bị cấm. Cuốn này được Grossman và Ehrenburg cùng với các thành viên của Ủy ban Do Thái chống phát xít biên soạn. Năm 1942, những thành viên của Ủy ban Do Thái chống phát xít này được huy động hỗ trợ cho những nỗ lực chiến tranh của Liên-xô nhưng sau chiến tranh đã bị buộc tội và bị xử tử vì tội làm “gián điệp”.

Khi cuốn Vì sự nghiệp chính nghĩa chuẩn bị đưa in, Grossman đã bảo toàn được nhiều trang viết, nhưng không phải là tất cả. Ông đã phải sửa đi sửa lại tới 10 lần cuốn này và phải tuân theo các chỉ dẫn (của kiểm duyệt), chẳng hạn như: “Loại bỏ Malenkov”; “Loại bỏ Stalindorf (một địa điểm dân cư Do Thái nông nghiệp bị Stalin ra lệnh thảm sát); nhấn mạnh “Đảng, chứ không nhấn mạnh nhân dân”. Phần cuối của cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào tháng 10 năm 1952, chỉ 5 tháng trước khi Stalin chết. Nhưng vào tháng 1 năm 1953, Grossman đã ký một bức thư ngỏ yêu cầu hình phạt tối cao đối với các bác sĩ Do Thái – những người bị buộc tội là đã âm mưu sát hại các nhà lãnh đạo Kremlin trong cái gọi là “Âm mưu của các bác sĩ” của ông.

Popoff mô tả Grossman trong những năm cuối đời của ông là “một người nghèo khổ, chán nản, cô đơn”. Nhưng nhà văn đang chờ chết đã kịp hoàn thành thêm một cuốn tiểu thuyết mới, cuốn Dòng đời vẫn chảy mà ông đã khởi thảo từ 1955. Cuốn tiểu thuyết này miêu tả bức tranh tàn phá khủng khiếp của công cuộc tập thể hóa nông nghiệp của Stalin, công cuộc mà đã dẫn tới cái chết của hàng triệu, hàng triệu nông dân trong những năm 1930, theo lời kể của một số người sống sót trở về từ các trại lao cải Liên-xô sau cái chết của Stalin. Thông điệp chính yếu của cuốn sách là “trong thế giới không tồn tại cái mục đích mà vì nó (vì cái mục đích ấy) con người ta được phép hiến tế tự do của con người”.

Nước Nga của Putin ngày nay cũng vậy, nó cũng đã tìm ra lý do để hiến tế tự do của con người. Các cuốn sách của Grossman giờ đây vẫn có bán (tại nước Nga), nhưng không được rộng rãi, trong một chế độ mà nó đã được hợp thức hóa chính nó bằng cách tôn vinh quá khứ của Nga và đặc biệt là chiến thắng của Liên-xô trong Thế chiến II. Cuốn sách của Alexandra Popoff cũng có những khiếm khuyết của nó: Cuốn sách có thể được viết công phu, nhưng nữ tác giả của nó thường cho rằng các nhân vật trong các tác phẩm của Grossman có thể bị nhìn nhận là cái loa phát ngôn cho chính Grossman. Nhưng sự nhấn mạnh của nữ tác giả Alexandra Popoff về những gì mà bà gọi là “mối liên hệ giữa các chế độ toàn trị và sự thờ ơ chính trị” không chỉ áp dụng cho nước Nga Xô-viết mà còn tạo ra một cảnh báo đối với Hoa Kỳ. Popoff trích dẫn Hannah Arendt: “Nếu mọi người luôn dối trá đối với bạn, hậu quả không phải là bạn tin vào những lời dối trá, mà chính là không còn ai tin vào bất kỳ một điều gì nữa… Và khi con người không còn có thể tin bất cứ điều gì nữa thì họ không thể quyết định được điều gì. Họ không chỉ bị mất khả năng hành động mà còn mất luôn khả năng suy nghĩ và phán đoán. Và với những con người như vậy thì bạn có thể làm tất cả những gì bạn muốn”.

W.T. - M.H.

***Tác giả William Taubman là Giáo sư khoa học chính trị của Trường Đại học Bertrand Snell tại Amherst College, cũng là tác giả của các cuốn sách về tiểu sử của Nikita Khrushchev và Mikhail Gorbachev.

(1) (1902–1982), Ủy viên BCT, Trưởng ban tổ chức TW ĐCS Liên-xô – người dịch.

(2) Tiểu thuyết của Boris Pasternak – người dịch.

Nguồn: VNTB gửi BVN