Một số khía cạnh đáng chú ý về cuộc thương chiến Mỹ - Trung

Nguyễn Thái Nguyên tổng hợp

“Cuộc chiến thương mại” (Thương chiến) là tên gọi ban đầu, cách nay đã 13-14 tháng. Đến thời điểm này, cuộc chiến đã đi ra ngoài Thương mại, ngoài cả phạm vi kinh tế dưới những hình thức khác nhau mà những ai quan tâm tới thời cuộc không thể không chú ý tới. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin tạm dùng tên gọi “thương chiến” như một thói quen và phần sau sẽ nói qua cái sự “ngoài” rất đáng lưu tâm ấy.

1/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến... nay

Chúng ta đều biết, trong truyền thống văn hóa Trung Quốc từ thời thái cổ, thượng cổ nào đó cho đến bây giờ, tham vọng bành trướng, tham vọng cai trị toàn thế giới là bản chất bất di bất dịch, hết sức nhất quán dù đó là các triều vua phong kiến, là lãnh tụ chế độ dân tộc dân chủ như Tôn Trung Sơn hay lãnh tụ cộng sản như Mao Trạch Đông Tử là người dày công nêu ra luận thuyết “bình thiên hạ” để đặt nền móng cho các bậc vua chúa, hiền nhân quân tử Trung Quốc đời này qua đời khác phấn đấu ngay từ thời đại Xuân Thu, khi lãnh thổ Trung Quốc còn rất nhỏ nhưng có tới 81 nước. Chỉ “trị quốc” là chưa đủ mà tất cả đất đai, sông núi... ở “dưới trời” (thiên hạ) đều phải bình định để hoặc là biến thành của mình hoặc chí ít cũng là chư hầu, thuộc quốc của mình. Vấn đề căng thẳng Mỹ Trung-Trung Mỹ không hề bắt đầu từ ông Trump mà ông Trump chỉ là “người được chọn” để đưa các xung đột lợi ích này thành cuộc chiến ngày càng lan rộng và nóng bỏng.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, khi Trung Quốc còn rất nghèo và yếu kém đủ bề, Tôn Trung Sơn đã từng tuyên bố: “Trung Quốc phải chiếm vị trí siêu cường quốc đứng đầu thế giới”. Và “đường lưỡi bò” (hay lưỡi Rồng) cũng được bày đặt ra từ năm 1947. Đến năm 1949, nước CHNDTH thành lập và Mao làm lãnh tụ thì vẫn tư tưởng ấy cho dù vừa đánh nhau chí tử với phe phái của đệ tử ngài Tôn Trung Sơn. Mao chủ trương: “Đại nhảy vọt, vượt Anh, đuổi kịp Mỹ” và “Trong vòng 75 năm nữa, Trung Quốc có thể bắt kịp và vượt qua Mỹ” (Giấc mộng Trung Hoa – Lưu Minh Phúc). Câu này được Mao đưa ra vào năm 1964, “75 năm nữa” tức vào năm 2049, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập CHNDTH!

Tập Cận Bình, thế hệ lãnh đạo thứ 5 kể từ Mao lại xào xáo món “Giấc mộng Trung Hoa” ấy thành “tư tưởng Tập Cận Bình” và ông ta dựa vào hai trụ cột chính: “Nhất đới, nhất lộ” và “Made in China 2025”. Một vành đai, một con đường thì người ta đã bàn nhiều và tai họa đối với nhiều nước cũng đã rõ, nhưng nếu ta nhìn qua cái “mâm cỗ mười món” Made in China 2025 thì quả là rất thịnh soạn, không cứ gì Mỹ mà nhiều quốc gia khác đều thấy “choáng” nếu nó trở thành sự thật. Với siêu chiến lược này, bất chấp đã là thành viên WTO với nhiều cam kết không được phép làm, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm tăng cường trợ cấp để trợ giúp các công ty tư nhân lẫn nhà nước của Trung Quốc đến năm 2025 sẽ vươn lên đứng đầu thế giới về các lĩnh vực: siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, in 3D, sinh trắc học, xe điện, xe ô tô tự động lái, mạng 5G và vi mạch hiện đại... Đây quả là những món hàng độc mà nhiều nước phát triển còn chưa thể vươn tới vào 2025. Bây giờ thì thế giới đã biết rõ Trung Quốc dựa vào đâu và bằng những cách nào để dựng nên “chiến lược” này và “trỗi dậy” một cách nhanh chóng bất thường đến như vậy?

Tại Đại hội đảng CSTQ lần thứ 19, ngày 18-10-2017, trong bài diễn văn dài 3 giờ 23 phút đọc tại Đại hội, từ “siêu cường” và “cường quốc” được Tập Cận Bình nhắc đi nhắc lại tới 26 lần (Michael Pillsbury-Chiến lược bí mật của Trung cộng thay thế Mỹ trong vai trò siêu cường lãnh đạo thế giới) cũng đủ lột tả cái chất “vĩ cuồng” của kẻ đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc thời đại mới. Đúng như nhận định của M.Pillsbury trong cuốn sách Cuộc chạy đua Marathon 100 năm 1949-2049, tham vọng và hành động của Tập đã “lớn hơn cả Mao; vượt qua Đặng; bỏ lại đằng sau Giang, Hồ; tàn bạo hơn cả Tần Thủy Hoàng...”. Để đạt mục tiêu trong cuộc “chạy đua 100 năm” này, Tập đã bất chấp tất cả, kể cả trộm cướp cũng được xây dựng thành quốc sách!

Cũng cần phải thấy rằng, với ý đồ bao vây và hạ bệ Liên bang Xô viết và hệ thống XHCN, một thời gian khá dài, Mỹ và các nước phương Tây đã góp công nuôi dưỡng để lôi kéo Trung Quốc bằng chiến lược “hợp tác và xây dựng” nhằm tạo ra một “liên minh” chống Liên Xô. Trung Quốc đã lợi dụng triệt để sai lầm này của các đời Tổng thống Mỹ từ Nixon cho đến Bill Clinton, Obama. Thậm chí có những Tổng thống lừng danh là diều hâu như Ronald Reagan đã cho phép Lầu Năm góc đem kỹ thuật tối tân về tên lửa, Hải quân, Không quân, Bộ binh để “chuyển hóa” quân đội nhân dân Trung Quốc thành lực lượng chiến đấu có “tầm vóc quốc tế”! (M.Pillsbury - Cuộc đua Maraton 100 năm).

Với tất cả những diễn biến này của lịch sử, chúng ta có thể hiểu “thương chiến” chỉ là một mồi lửa mà Trump châm vào bãi mìn các đời lãnh đạo Trung Quốc đã cài đặt để ngăn chặn Mỹ trên đường chạy Marathon trong gần 70 năm qua. Suốt chặng đường và thời gian ấy, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là bằng mọi giá hạ bệ Mỹ để Trung Quốc vươn lên thay thế Mỹ làm bá chủ thế giới. Mục tiêu của Trump thì ngược lại, cũng sẽ bằng mọi giá, ngăn chặn ngay Trung Quốc không cho Trung Quốc vượt Mỹ, thay thế Mỹ ở vị trí siêu cường số một trên thế giới, bất kể là lĩnh vực nào, từ thương mại, tài chính tiền tệ cho đến khoa học kỹ thuật hay quân sự hóa và lấn chiếm biển Đông, biển Hoa Đông... Thậm chí Trump và các nước đồng minh không loại trừ việc đánh vào những mục tiêu chiến lược “cành nhánh” của Tập.

Để đạt tới vai trò bá chủ thiên hạ, Tập không chỉ tập trung vào việc phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà ông ta đã đề ra 4 mục tiêu không kém phần gai góc được triển khai cùng một lúc: 1) Phải ổn định bằng được Tân Cương sau khi đã “Hán hóa” trên 70%; 2) Xúc tiến một chương trình đồng bộ để xóa càng nhanh càng tốt bản sắc văn hóa vốn rất riêng biệt của Tây Tạng. (Đối với Tây Tạng, việc Hán hóa bằng cách tăng nhanh số lượng người Hán bằng biện pháp cơ học như đối với Tân Cương là không thể do khả năng thích ứng của dân di cư lên vùng đặc thù này rất khó khăn nên phải bằng nhiều chính sách khác); 3) Thống nhất Đài Loan bằng mọi giá, kể cả biện pháp cuối cùng là quân sự; 4) Thôn tính biển Đông bằng mọi giá mà “đường chín đoạn” (lưỡi bò) được coi như đã là lãnh hải “lịch sử” chính thức của Trung Quốc. Trước đây thì đó là 4 nhánh chiến lược rất quan trọng được Trung Quốc âm thầm thực hiện, không kém phần quyết liệt nhưng được che đậy bởi “sự trỗi dậy kinh tế và biển đảo” nên dư luận quốc tế ít nói đến. Rất có lý khi người xưa nói rằng “người tính không bằng trời tính”, nay bỗng dưng Tập phải đối phó thêm mà đối phó một cách vô cùng khó với một vấn đề mới nảy sinh, “vấn đề Hong Kong”. Vấn đề Hong Kong càng phức tạp hơn khi không còn giới hạn trong phạm vi Mỹ Trung mà đã được “quốc tế hóa” bằng tuyên bố của G7 vừa qua... Với tính khí khó lường và không có khái niệm “tế nhị” với ai bao giờ thì biết đâu, lỡ ra ông Trump không chỉ nói chuyện thương mại không công bằng, không cân bằng... mà ông đột nhiên phá vỡ một cái gì đó về Đài Loan hay Hong Kong thì chưa chừng tai họa càng khôn lường đối với Tập. Đối với dải Gaza hay Jerusalem, Trump còn tuyên bố ngược cả những gì LHQ từng phán quyết và thế giới mặc nhiên thừa nhận như từ xưa tới nay thì Hong Kong hay Đài Loan có gì là không thể?

Chính vì những mục tiêu chiến lược này, Trung Quốc không thể lùi vì Tập thừa biết không chỉ lùi mà chỉ cần “dừng nghỉ” cũng sẽ nhanh chóng dẫn tới sụp đổ. Sự sụp đổ này không chỉ đối với ngai vàng của Tập mà còn là sự sụp đổ toàn diện của một siêu cường vốn được vá víu bằng rất nhiều miếng ghép và xây dựng vội vàng không trên một nền móng vững chắc gì. Từ bên kia Thái Bình Dương, để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà một trong những mục tiêu quan trọng là đập tan tành “giấc mộng Trung Hoa” mà Tập Cận Bình đang ôm ấp bấy nay, ông Trump không việc gì phải lùi. Xét cả về thế và lực thì nước Mỹ có lợi thế hơn nhiều dẫu rằng không tránh khỏi một sự trả giá nhất định “trong ngắn hạn” như ông Trump từng nói. Gần đây, tuy nội bộ Đảng Cộng sản TQ có sự chia rẽ nhất định bằng việc xuất hiện một số bài chỉ trích công khai chủ trương “quá nhiều, quá cứng, quá nặng và quá cũ”, không biết mình biết người của phe Tập trong cuộc thương chiến. Nhưng xem ra Tập và phái diều hâu đang cố sức “đẩy tới” những gì đã và đang làm mấy năm qua. Các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đang chĩa mũi giáo đả phá kịch liệt “phái thân Mỹ” hay “phe đầu hàng”. Tân hoa xã ngày 7/6/2019 đăng bình luận nêu rõ: “Cuộc va chạm thương mại Trung Mỹ đang leo thang, có một số ít kẻ rêu rao luận điệu đầu hàng rằng Trung Quốc đang ở thế bất lợi, kêu gọi mọi người thỏa hiệp”. Bài bình luận gọi những người có quan điểm này là “những kẻ theo thuyết đầu hàng”. Cũng dịp này, tờ Quang minh nhật báo của Ban Tuyên giáo Trung ương đăng bài của Phó giáo sư Thẩm Dật ở Học viện Quan hệ quốc tế với tựa đề làm ta liên tưởng tới thời điểm cận kề cuộc Cách mạng văn hóa của Mao: “Làm rõ những luận thuyết kỳ quái của những kẻ sùng bái Mỹ, nịnh bợ Mỹ và khiếp sợ Mỹ”. Ngày 16/6/ 2019, Tạp chí Qui shi, một tạp chí của đảng CSTQ khẳng định: “Trung Quốc không sợ hãi bất cứ đe dọa nào của Mỹ”... “Không ai, thế lực nào có thể đánh giá thấp và coi nhẹ ý chí sắt thép, sức mạnh và sự ngoan cường của nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại”. Sau khi Mỹ đáp trả đòn tăng thuế mới thì sự tác động đến đời sống kinh tế – xã hội của Trung Quốc là không hề nhỏ và tình hình nội bộ có vẻ có những diễn biến phức tạp hơn. Liệu có phải vì thế mà cả lãnh đạo cũng như bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ lên gân mạnh hơn. Ngày 26/8/2019, Hoàn cầu thời báo đăng bài viết với giọng điệu cao ngạo chưa từng thấy: “Chiến tranh thương mại là canh bạc khiến hai bên đều thua và Mỹ phạm sai lầm chiến lược khi đối đầu với Trung Quốc”... “Chúng ta cần dạy cho phía Mỹ hiểu về chiến tranh thương mại” (?!). Cũng ngày này, theo Reuters tại Hội nghị G7 thì ông Trump cho biết: “phía Trung Quốc gọi điện cho các quan chức thương mại hàng đầu của chúng tôi đêm qua và nói: Hãy quay trở lại bàn đàm phán và do đó, chúng tôi sẽ quay trở lại bàn đàm phán, tôi nghĩ họ muốn làm cái gì đó”. Trung Quốc bác bỏ ngay thông tin này thì phía Mỹ nói đó là điện thoại của ông Lưu Hạc, không chỉ gọi 1 cuộc mà gọi đến 2 cuộc! Chắc chắn ông Lưu Hạc không phải đề nghị quay lại bàn đàm phán để “dạy cho phía Mỹ hiểu về chiến tranh thương mại”, nhưng trong cái “thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu” của cuộc chiến một mất một còn này, không ai lùi được nữa thì chúng ta có thể dự đoán được con đường loạn đả phía trước còn dài, không biết chế độ Tập Cận Bình còn tồn tại để đi cho hết 100 năm hay không, nhưng chắc trong ngắn hạn chưa thể có “thỏa thuận” nào cả. Hoặc nếu có, thì như lời ông Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin được đăng trên trang Tài chính Quốc tế ngày 26/8/2019 khi trả lời câu hỏi về triển vọng đàm phán: “Đó là con đường một chiều. Trung Quốc được tự do bước vào thị trường của chúng tôi, nhận đầu tư của chúng tôi, làm việc với các công ty của chúng tôi, nhưng chúng tôi không có những thứ như vậy. Nếu Trung Quốc đồng ý về một mối quan hệ công bằng và cân bằng, chúng tôi sẽ ký vào thỏa thuận thương mại ngay lập tức”. Cái “ngay lập tức” này thật khó có thể xảy ra và con đường phía trước vẫn còn 29 năm nữa! Trước tình hình đã xấu đi nghiêm trọng trong quan hệ Trung Mỹ, Trung Quốc lại đang ở thế ngày càng bị cô lập tứ bề, thế mà tại cuộc gặp Shangri-La, Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc còn tuyên bố một cách công khai trước bàn dân thiên hạ rằng: “Trung Quốc sẽ chiến đấu bằng mọi giá để tái thống nhất Đài Loan”... “Trung Quốc cũng sẵn sàng chiến đấu với Mỹ đến cùng trên mặt trận thương mại”. Những quan điểm “hòa đàm” của phái ông Lưu Hạc chỉ là con số nhỏ trong tập đoàn “diều hâu” đang nắm quyền ở Trung Quốc nên triển vọng buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm hơn đối với luật pháp và thông lệ quốc tế, đối với chính những cam kết mà Trung Quốc đã đặt bút ký là rất khó khăn. Dù ông Trump có tái đắc cử hay không thì chắc chắn người Mỹ vẫn không buông xuôi cuộc chiến chống sự trỗi dậy vô đạo của Trung Quốc, bất kể đó là Tổng thống của đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ.

2/ Quan hệ D.Trump và Tập Cận Bình, “đắp mộ cuộc tình”

Ông Trump không chỉ nói đến các vấn đề Trung Quốc đối với nước Mỹ khi đã làm Tổng thống mà trong khi tranh cử, ông đã nêu khá đậm nét những việc Trung Quốc đã và đang làm ảnh hưởng đến nước Mỹ, kể cả an ninh quốc gia. Nhưng có điều lạ là ngay cả khi cuộc chiến thương mại nổ ra rất căng thẳng hoặc đàm phán thất bại, chưa bao giờ Trump chỉ trích thẳng vào Tập Cận Bình. Ngược lại, Trump luôn nói Tập Cận Bình là “một người bạn” dù chưa thấy ai nói rõ họ làm bạn với nhau từ bao giờ và như thế nào.

Thế nhưng bắt đầu từ tháng 8 năm 2019 thì “tình bạn” này đã khác. Ngày 15/8/2019, sau khi ông Trump quyết định tiếp tục đánh thuế vào hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, ông Trump đưa ra một tuyên bố lạ: Nếu Trung Quốc đáp trả đòn nâng thuế của Mỹ thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “sự trả đũa cuối cùng” (của Mỹ). Tuyên bố này của Trump phảng phất khẩu khí giang hồ của một Đại hiệp nào đó của Kim Dung. Kể cả tiếng Anh và tiếng Việt đều chỉ có thể hiểu sẽ có một đòn trả đũa tận diệt đối thủ, và sau đó không còn phải trả đũa thêm gì nữa. Vậy thì khó có thể gọi đòn áp thuế lên 550 tỷ đô la hay nâng thêm 5% thuế là “đòn trả đũa cuối cùng” được. Xưa nay, Trump đã nói là làm. Tập biết rõ như thế cho nên phải mất 3 tuần sau, Tập mới quyết định đưa ra đáp trả bằng tuyên bố áp thuế 5-10% lên 75 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1/9 và 15/12/2019. Tuy vậy, tuyên bố của Quốc vụ viện Trung Quốc vẫn mang một chút mềm dẻo, chừa lối để quay lại: “Trung Quốc buộc phải hành động để đáp lại các biện pháp của Mỹ. Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ tiếp tục tuân theo thỏa thuận tại cuộc họp ở Osaka, quay lại các cuộc thảo luận đúng hướng và cùng nhau hành động tích cực hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột thương mại”.

Ngày 20/8/2019, trong cuộc tiếp Tổng thống Rumania Klaus Lohannis, ông Trump lại nói với các phóng viên rằng ông “phải nhận lời thách đấu của Trung Quốc ngay cả khi điều đó gây hậu quả ngắn hạn cho nền kinh tế Mỹ”. “Trung Quốc đã xâu xé đất nước này trong 25 năm, có thể còn lâu hơn thế. Đã đến lúc hoặc điều này sẽ tốt cho đất nước chúng ta hoặc xấu cho đất nước chúng ta trong thời gian ngắn. Về lâu dài, bắt buộc phải có ai đó làm điều này”. Có những việc không chỉ là áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc mà còn sử dụng song song với các biện pháp phi quan thuế. Chẳng hạn như một mặt Mỹ gia hạn giấy phép tạm thời cho Huawei và các thực thể không phải công ty con của Huawei được mua các thiết bị từ doanh nghiệp Mỹ trong thời hạn 90 ngày. Nhưng mặt khác, Bộ thương mại Mỹ lại bổ sung thêm 46 công ty con của Huawei vào “danh sách đen kinh tế”! Không ai biết được Mỹ sẽ làm gì và làm như thế nào đối với những siêu tập đoàn của Trung Quốc như Huawei, mà chỉ biết Huawei đang sống dở chết dở, không có hy vọng gì để trở lại thời hoàng kim, làm mưa làm gió ngay trên nước Mỹ nữa. Có những việc tưởng như chỉ là phút ngẫu hứng của ông Trump mà không dính dáng chút nào đến thương chiến như việc ông “ngỏ ý” mua hòn đảo Greenland của Đan Mạch. Vì thế mà Trump bị la ó như một “người thích đùa”. Nhưng nếu ta xem xét kỹ, lại thấy nó vẫn nằm trong hệ thống tư duy nhất quán của ông Trump và nước Mỹ. Đây là hòn đảo tuy là đảo có diện tích lớn nhất thế giới, nhưng quanh năm lạnh giá đến mức hoang vu, vậy nhưng lại nằm ở một vị trí Địa-Phong thủy hết sức quan trọng. Theo một thỏa thuận được ký từ năm 1951, Đan Mạch đã cho phép Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự trên đảo mà không phải trả tiền. Mỹ đã xây dựng một căn cứ lớn ở phía Bắc đảo này từ năm 1952 và “nâng cấp” vào năm 1961. Vậy hà cớ gì ông Trump lại muốn mua luôn? Lý do vẫn là Trung Quốc! Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton dẫn các nguồn tin nói rằng năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục chính quyền địa phương ở đây nhận “tài trợ” và cho phép Trung Quốc xây 3 căn cứ quân sự trên đảo. Nhưng phía Mỹ đã thuyết phục Đan Mạch can thiệp vào phút chót và ngăn được thỏa thuận này (Talk Business & Politics được Soha.vn dẫn ngày 25/8/2019). Trong trường hợp này, mua là để chấm dứt sự dòm ngó của Trung Quốc.

Ngày 23/8/2019, ông Trump đã viết trên Twitter một cách rõ ràng và dứt khoát hơn: “Câu hỏi duy nhất của tôi, ai là kẻ thù lớn hơn của chúng ta, Chủ tịch FED hay Chủ tịch Tập?” Bỏ qua những lời chỉ trích gay gắt của Trump đối với ông Jerome Powell (Chủ tịch FED) lâu nay về tính “bảo thủ” đã để cho đồng đô la mạnh, không có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế và do vậy cũng không tốt cho thương chiến. Trong trường hợp này, ông Trump đã gộp chung cả ông Tập và ông Powell đều là kẻ thù của nước mỹ! Và, “chúng ta không cần Trung Quốc, và thẳng thắn mà nói, sẽ tốt hơn nhiều nếu không có họ...”

Đây là điềm chẳng lành cho thấy quan hệ giữa ông Trump và ông Tập đã chuyển từ bạn sang thù và do đó mà quan hệ Mỹ Trung nói chung và cuộc thương chiến nói riêng rất có thể còn có những cuộc leo thang mới cao hơn và rộng hơn trong tương lai.

3/ Ngắn hạn và dài hạn

Khi cuộc thương chiến xẩy ra, xem lại những tuyên bố của lãnh đạo cả hai phía trong suốt 13 tháng qua, nếu không kể những nhầm lẫn ban đầu từ phía Trung Quốc, thì thấy lãnh đạo cả Mỹ và Trung Quốc đều nghĩ vấn đề này sẽ được kết thúc trong một thời gian ngắn và những ảnh hưởng mà cuộc chiến mang lại chỉ trong “ngắn hạn”. Nhưng bây giờ, câu chuyện có lẽ đã đi xa hơn những hiểu biết và kỳ vọng của cả hai phía.

Với phương thức không khác mấy so với hình thức tích lũy nguyên thủy của tư bản, từ sau cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã tích lũy được một nguồn ngoại tệ khá lớn và Tập là người được thừa hưởng nguồn “của để dành” đó. Trung Quốc đã được Mỹ “mở cửa” cho vào WTO từ năm 2001; đã giàu có hơn và đáng lẽ có những đóng góp tích cực hơn cho thế giới đang đi vào thời đại toàn cầu hóa thì ngược lại, Trung quốc lại đầu tư cho quân sự nhiều hơn và nhanh hơn, lấn chiếm và biến nhiều biển đảo thành các căn cứ quân sự; hành xử như một kẻ giang hồ vô đạo, bất chấp pháp luật và đạo lý để chèn ép và lừa cướp đối với các nước, nhất là các nước yếu. Hành xử như thế, nhưng ngày 01/9/2019, Tân Hoa xã Trung Quốc lại đưa ra “lời khuyên ngược”: “Mỹ cần học cách cư xử như một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm và ngừng hành xử như một kẻ “bắt nạt học đường”!

Khác với những người tiền nhiệm, Tập là người chi tiêu bạt mạng nguồn vốn đó cho cuộc chạy đua vô tiền khoáng hậu gần chục năm qua. Bây giờ không mang lại cái gì cả thì không ai để cho Tập yên vị ở ngôi Hoàng đế suốt đời và biết bao nhiêu căn bệnh cũ trong cái cơ thể Trung Quốc khổng lồ vì đó mà phát sinh. Chính vì lẽ này mà Tập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lỡ “đâm lao, phải theo lao”.

Trung Quốc là nước phát triển dựa vào xuất khẩu, đòn thương chiến của ông Trump dĩ nhiên gây ra nhiều hậu quả cho toàn bộ nền kinh tế và Tập Cận Bình quyết định dùng “vũ khí cuối cùng” là tỷ giá để chống đỡ.

Sáng ngày 24/8/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã quyết định giảm giá đồng CNY ở ngưỡng trên 7 đồng nguyên (Yuan) đổi 1 đô la. Với biên độ cọng trừ 2% thì đồng nguyên có thể đạt đến ngưỡng xấp xỉ 7,2 nguyên đổi 1 đô la. Nhưng theo một số nhà phân tích, với phương thức này, có thể phải trên 8 nguyên đổi 1 đô la trong tương lai gần. Đây là thứ “vũ khí” lợi bất cập hại nhưng Tập phải đứng trước 2 lựa chọn trái ngược nhau, mà lựa chọn nào cũng chất đầy rủi ro cho nền kinh tế: Hoặc là “neo giá” đồng nguyên như cách làm hàng chục năm qua; hoặc là phải “buông” như đang phải thực thi. Đã đến lúc muốn neo giá đồng nguyên như cũ, tức là liên tục bán đô la ra để mua vào đồng nguyên. Cách này hiện nay là vô kế khả thi vì có vẻ như Trung Quốc đang cạn nguồn đô la mà muốn thực thi lại đòi hỏi một nguồn đô la cực lớn (Năm 2015, để tránh rơi vào nguy cơ khủng hoảng tiền tệ, Tập đã phải dùng gần 1.000 tỷ đô la dự trữ để neo giữ tỷ giá cho đồng nguyên). Nhưng giảm giá đồng nội tệ (giảm lãi suất, giảm tỷ giá) có thể hình dung như ta phải uống thuốc hạ sốt vậy. Hạ sốt chỉ là giải pháp tạm thời chứ không phải để chữa bệnh, càng không thể liên tục uống thuốc hạ sốt nếu không muốn dẫn tới trụy tim mạch. Uống thuốc hạ sốt là đối với những căn bệnh thông thường như cảm cúm và thể trạng cơ thể khá ổn mới an toàn. Còn như một cơ thể đầy bệnh tật, lại phạm phải căn bệnh nặng như sốt virus chẳng hạn mà uống thuốc hạ sốt liều cao thì đồng nghĩa với kết liễu sự sống. Phá giá đồng nội tệ, nghe ra như một liệu pháp sốc, có sức uy hiếp mạnh trong cuộc thương chiến này, nhưng thực tế nó rất dễ là một cú sốc ngược, “sốc phản vệ” đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Ngoài quyết định giảm giá đồng nội tệ như một thứ vũ khí chống đỡ có hiệu quả tạm thời đối với việc tăng thuế của Mỹ, nhằm hỗ trợ xuất khẩu vốn là một nhân tố quyết định tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới này còn dựa vào một thứ “bảo bối thứ hai” là NỢ. Nợ chính là yếu tố giúp Trung Quốc trụ vững qua khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng lượng tiền mà Bắc Kinh bơm một cách vô tội vạ vào nền kinh tế đã để lại nhiều hệ lụy cho ngày hôm nay, trong đó có núi nợ khổng lồ mà không ai biết thật chính xác là bao nhiêu. Nói như bà Jane Golley, chuyên gia kinh tế của Đại học quốc gia Úc thì “không ai biết chắc núi nợ của Trung Quốc thực tế là bao nhiêu và cách đồng tiền được sử dụng ra sao”. S & P Global Rating, một tổ chức chuyên về đánh giá tín dụng, cuối năm 2018 công bố một số liệu đáng kinh ngạc: Chính quyền các địa phương Trung Quốc vay nợ “ngoài sổ sách” lên đến 40.000 tỷ nguyên, tương đương khoảng gần 6.000 tỷ đô la vào thời điểm đó (số liệu công bố của Trung Quốc là 2.300 tỷ đô la), trong đó, một tỷ lệ khá lớn sẽ đáo hạn vào năm 2020. Theo đánh giá của Bloomberg vào tháng 6/2019 thì “hiện tại, quốc gia này đang phải đối mặt với rủi ro tương tự như khi buộc phải phá giá đồng nội tệ năm 2015”. Còn Ji Tianhe, chiến lược gia của BNP Paribas SA tại Bắc Kinh thì nhận định: “Rủi ro trong việc thanh toán nợ của Trung Quốc đang bị đánh giá thấp khi có một khoản nợ lớn nằm ngoài dữ liệu chính thức. Khoản dự trữ ngoại tệ nói là 3.100 tỷ đô la cũng vừa đủ để giải quyết rủi ro”! Riêng trong năm 2018, Tập đã phải 5 lần quyết định lấy quỹ dự trữ ra để “kích cầu” (lần cuối cùng vào 1/2019). Cần chú ý là nếu khoản dự trữ 3.100 tỷ đô la là có thực và chính xác thì trong đó có 1.300 tỷ là trái phiếu chính phủ Mỹ, không có khả năng thanh khoản nào, nếu không đem bán tháo ra thị trường. Nhưng nếu đem khối trái phiếu này ra bán, liệu còn thu được 60 hay 70% giá trị hay không? Cũng có người nói rằng Trung Quốc là “chủ nợ lớn nhất của Mỹ”, sao lại không dùng thứ “vũ khí” này? Có lẽ có sự nhầm lẫn như thế nào đó khi đưa chuyện đầu tư vốn vào thị trường Tài chính Mỹ (mua Trái phiếu Chính phủ Mỹ) vào quan hệ chủ nợ-con nợ, xin không bàn thêm ở đây.

Nhân đây, xin nhắc lại câu nói của John Maynard Keynes, nhà Kinh tế học Anh (1883-1946), người khai sinh ra nền Kinh tế học vĩ mô hiện đại của thế kỷ XX: “Nếu bạn nợ ngân hàng 100 bảng, bạn là người có vấn đề. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng 1 triệu bảng, thì chính ngân hàng mới là người có vấn đề”. Không biết khi họ nợ ngân hàng hàng nghìn tỷ bảng thì “vấn đề” thuộc về ai và sẽ ra sao? (Nền kinh tế Việt nam cũng không ở ngoài xu hướng tiêu cực này).

Như thế đủ thấy không chỉ trong “ngắn hạn” mà trong tương lai dài hơn, khi tứ bề thọ địch thì Trung Quốc không thể hung hăng trong việc chi tiêu cho cả kinh tế lẫn quốc phòng. Càng khó nói đến việc mang quân đàn áp Hong Kong hay đánh chiếm Đài Loan, đánh chiếm thêm các đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam như một số tướng lĩnh Trung Quốc hô hào, nếu không muốn tự sát nhanh hơn. Cái gọi là “rủi ro” của Trung Quốc hiện nay không chỉ đối với lĩnh vực kinh tế mà những rủi ro lớn hơn, nguy cấp hơn không ở xa gì các rủi ro về kinh tế. Một khi vận nước đã suy vi thì không còn cái gì thịnh vượng để các Hoàng đế có thể bấu víu vào đó mà tồn tại được. Dĩ nhiên, cuộc chiến nào thì cũng gây tổn thất cho cả hai bên tham chiến. Mỹ cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại được xây đắp trên những nền tảng vững chắc cả về kinh tế và khoa học kỹ thuật nên nhìn trên toàn cục thì mức độ bị tổn thương là có thể chịu đựng được. Khi được hỏi: Liệu nền kinh tế Mỹ có bị suy thoái hay không? Ông Trump nói: “Tôi cho rằng từ suy thoái là không phù hợp. Chúng tôi còn rất xa với suy thoái”.

Theo tính toán của Ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase thì thương chiến đã làm mỗi gia đình Mỹ phải chi thêm 600 đô la. Sau cuộc áp thuế bổ sung lên 550 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc thì con số này tăng lên khoảng 1.000 đô la (với GDP bình quân đầu người xấp xỉ 60.000 đô la thì con số này không phải là quá lớn). Mũi tấn công vào nông sản (Đậu Nành, Ngô, Lúa Mỳ) là bài đáp trả được Trung Quốc tính toán kỹ nhất và hy vọng nhất. Nhưng ngoài việc ông Trump tăng trợ cấp từ 12 tỷ đô la năm 2018 lên 16 tỷ đô la năm 2019, những “ủng hộ viên” khác của nước Mỹ vẫn đỡ đòn cho ông Trump khá hiệu quả. Năm 2018, nông sản Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 50% nhưng tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu của Mỹ vẫn tăng 1%, thu nhập ròng của các trang trại vẫn tăng lên gần 10%. Phản ứng của nông dân Mỹ tuy gặp khó, nhưng không diễn ra quá tiêu cực như trù liệu của phía Trung Quốc nhắm vào nhiệm kỳ thứ hai của D.Trump.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, VN) thì thương chiến tác động mạnh nhất đến các nền kinh tế mới nổi, còn đối với các nước phát triển thì ảnh hưởng không lớn, thậm chí đang phát triển ổn định và tốt lên. Tính trong 13 tháng thương chiến, khoảng 930 tỷ đô la đã chạy ra khỏi 19 nền kinh tế mới nổi, trong đó đương nhiên nước bị tổn thất lớn nhất là Trung Quốc.

Không cho biết các căn cứ tính toán nhưng các thành viên của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Washington) dự đoán nếu cuộc chiến thương mại diễn ra như mức như hiện nay sẽ làm cho GDP của Mỹ giảm gần 1% trong ngắn hạn, còn Trung Quốc sẽ giảm 5%. (Nghiên cứu Quốc tế ngày 31/8/2019).

Đức Phật khẳng định thế gian là Vô thường; các nhà Thiên văn học thì khẳng định Vũ trụ luôn có xu hướng vận động về phía Hỗn loạn. Không biết có nhà nào tìm thấy “trật tự mới” của thế giới hiện đại này chưa khi cả thiên hạ vẫn còn đang”đại loạn”?

Hà Nội, ngày 2/9/2019.

N.T.N.

Tác giả gửi BVN