Ngoại trưởng các nước trong khối Đông Nam Á ASEAN họp khẩn qua mạng vào hôm nay, 15/10/2021 để thảo luận về việc có nên cho phép lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên mở ra vào hạ tuần tháng 10. Lý do là chính quyền thành viên này đã cấm không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo Miến Điện bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Ngoại trưởng 10 nước ASEAN họp khẩn hôm 15/10/2021 để thảo luận về việc có cho lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện tham dự thượng đỉnh hay không, vì Naypyidaw không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi. © Sai Aung Main AFP/File
Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á gần đây đã bổ nhiệm Ngoại trưởng thứ hai của Brunei là ông Erywan Yusof làm đặc phái viên của ASEAN với nhiệm vụ làm trung gian hòa giải để chấm dứt cuộc khủng hoảng Miến Điện. Mới đây, nhân vật này đã đột ngột hủy bỏ chuyến thăm Naypyidaw sau khi được thông báo rằng ông sẽ không thể gặp bà Suu Kyi và một số người khác như mong muốn.
Theo Miến Điện, ông Erywan không thể gặp bà Suu Kyi vì các cáo buộc hình sự nhắm vào bà.
Theo AP, tuy nhiên, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah vào hôm nay cho biết ông đã được thông báo rằng ông Erywan có thể đi Miến Điện vào thứ Hai 18/10, hơn một tuần lễ trước Thượng Đỉnh ASEAN dự trù từ ngày 26 đến ngày 28/10.
Theo Ngoại trưởng Malaysia, nhân cuộc họp hôm nay, khối ASEAN sẽ “xem xét các chi tiết của chuyến thăm được đề xuất. Nếu không có tiến triển thực sự, thì lập trường của Malaysia vẫn là không cho lãnh đạo quân sự cầm quyền tại Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh. Không thể có thỏa hiệp về điều đó”.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã ủng hộ lập trường của đồng nhiệm Malaysia và cảnh báo: “Nếu chúng ta (tức là ASEAN) giảm nhẹ yêu cầu bằng bất kỳ cách nào, uy tín của chúng ta với tư cách là một tổ chức khu vực thực thụ sẽ biến mất”.
ASEAN đã phải chịu áp lực quốc tế dữ dội trong việc có những hành động dứt khoát để buộc thành viên Miến Điện trả tự do cho nhiều nhân vật chính trị, bao gồm cả cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh quân sự ngày 01/02/2021, và đưa quốc gia này trở lại con đường dân chủ.
Việc cho phép tướng Min Aung Hlaing - lên cầm quyền tại Miến Điện sau cuộc đảo chánh - tham dự thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra qua video, có thể bị coi là hành động công nhận cuộc đảo chánh vốn đã ngăn chặn một trong những cuộc chuyển đổi dân chủ ngoạn mục nhất của châu Á trong lịch sử gần đây sau nhiều thập kỷ cai trị của quân đội.
Trong số các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN có tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã lên án cuộc đảo chánh tại Miến Điện và đã bật đèn xanh cho các biện pháp trừng phạt giới tướng lĩnh Miến Điện cung với gia đình và cộng sự viên của họ.
Tổng thư ký LHQ hoãn một hội nghị với ASEAN vì có đại diện Miến Điện
Như để nhấn mạnh đến các áp lực đang đè nặng trên ASEAN, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua 14/10/2021 đã tiết lộ: Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã yêu cầu hoãn một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng Đông Nam Á vào giờ chót để tránh phát ra tín hiệu công nhận chính quyền quân sự Miến Điện.
Cuộc họp giữa Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các ngoại trưởng ASEAN - trong đó có cả Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin - lẽ ra đã được tổ chức hôm 08/10 vừa qua. Thế nhưng một ngày trước đó, ông Guterres đã yêu cầu ASEAN hoãn cuộc họp “cho đến khi cuộc gặp có thể được tổ chức theo thể thức được cả hai bên đồng ý”.
Theo Reuters, các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc - xin giấu tên - cho biết là ông Guterres muốn chờ quyết định của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về việc ai sẽ ngồi vào ghế của Miến Điện tại định chế thế giới này sau khi nổ ra vụ tranh quyền đại điện giữa đương kim Đại sứ Kyaw Moe Tun, do chính phủ dân cử Miến Điện bổ nhiệm, và người mới do chính quyền quân sự đề cử.
Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ họp vào tháng tới để xem xét vụ việc. Trong khi chờ đợi ông Kyaw Moe Tun vẫn giữ nguyên vị trí.
T.N.
Nguồn: RFI Tiếng Việt