RFA
2021-10-12
Nhà báo Phạm Đoan Trang và những cuốn sách do cô viết. Facebook Phạm Đoan Trang
Theo thông tin từ phía đại diện của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, phía cơ quan chức năng đã hoàn tất quá trình điều tra và truy tố, và chuyển hồ sơ vụ việc qua cho toà án để chuẩn bị tiến hành xét xử, tuy nhiên phía luật sư và gia đình vẫn chưa được tiếp cận với cáo trạng.
Cụ thể, theo thông tin từ người đại diện nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, phía gia đình đã nhận được phản hồi từ Viện Kiểm sát TP. Hà Nội về việc thăm gặp, trong đó phía Viện Kiểm sát thông tin rằng đã hoàn thành cáo trạng từ ngày 30 tháng 8.
Tuy đã hoàn thành cáo trạng từ cuối tháng 8 và chuyển vụ việc qua cho phía toà án để tiến hành xét xử hồi đầu tháng 10, nhưng đến bây giờ phía gia đình và luật sư của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vẫn chưa được tiếp cận hồ sơ vụ việc, cũng như gặp mặt bà Phạm Đoan Trang.
Trả lời RFA về vấn đề này, ông Trịnh Hữu Long, người đại diện của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho biết:
“Đây là chuyện vi phạm tố tụng cực kỳ nghiêm trọng, nó nghiêm trọng ở chỗ đó là các cơ quan tố tụng đã giữ bị can Pham Đoan Trang trong tình trạng bị hoàn toàn cô lập về mặt thông tin, và hoàn toàn bị từ chối quyền được tiếp cận pháp lý của mình.
Nó cũng tạo ra tình trạng là cơ quan tố tụng có ưu thế hoàn toàn tuyệt đối so với người bị cáo buộc ở đây là Phạm Đoan Trang. Ưu thế tuyệt đối ở đây là họ có mọi thứ trong tay, họ có hồ sơ giấy tờ, có văn bản, có truyền thông, có đầy đủ tất cả mọi phương tiện. Trong khi Phạm Đoan Trang không có luật sư, không có gia đình hỗ trợ, không được đưa thông tin của mình ra bên ngoài. Và tôi e rằng là chính Phạm Đoan Trang cũng không được tiếp cận hồ sơ vụ án.
Trong khi đó thì gia đình lẫn luật sư là những người có khả năng hỗ trợ Phạm Đoan Trang nhiều nhất thì hoàn toàn không hay biết những chứng cứ mà họ dùng để buộc tội Phạm Đoan Trang là gì, những lập luận mà họ đưa ra ra làm sao. Đó là những việc mà tôi cho rằng vi phạm quá căn bản, quá nghiêm trọng trong một vụ án hình sự”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong số luật sư bào chữa của bà Phạm Đoan Trang cho RFA biết tình hình hiện tại như sau:
“Hiện nay chúng tôi vẫn chưa hoàn thành được thủ tục đăng ký của luật sư. Ở giai đoạn đầu tiên, khi ở giai đoạn điều tra của cơ quan an ninh điều tra họ làm, thì chúng tôi đã nộp thủ tục để đăng ký làm luật sư. Thế nhưng mà trong các vụ án có liên quan đến chính trị thì họ sẽ căn cứ vào một điều khoản của luật tố tụng, theo đó thông báo rằng luật sư sẽ tham gia vụ án từ khi kết thúc giai đoạn điều tra.
Thế thì khi họ thông báo là đã kết thúc giai đoạn điều tra và chúng tôi có thể bắt đầu làm thủ tục để đăng ký bào chữa từ giai đoạn truy tố bên Viện Kiểm sát. Thế thì chúng tôi đã gửi thủ tục từ đầu tháng 9, nhưng mà mới gần đây nhất thì chúng tôi đã nhận được văn bản từ Viện Kiểm sát nói rằng là từ ngày 6 tháng 10 thì họ đã chuyển cái hồ sơ này qua bên toà án rồi, và họ đã kết thúc chuyện lập cáo trạng rồi. Và họ nói là hồ sơ họ không còn giữ nữa nên họ không phải là cơ quan cấp chứng nhận bào chữa.
Chúng tôi đành phải làm một bước thứ ba đó là chúng tôi làm đăng ký thủ tục tại toà án, và cho tới nay thì bên phía toà án vẫn chưa trả lời gì cho chúng tôi”.
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh thì chính việc chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa đã khiến các luật sư không thể tiếp cận hồ sơ vụ án, và cũng không thể gặp mặt với thân chủ là bà Phạm Đoan Trang.
Nói về ảnh hưởng của việc không được cung cấp giấy chứng nhận bào chữa trong bối cảnh phiên toà có thể diễn ra bất cứ lúc nào, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết:
“Một phiên toà mà sự chuẩn bị của luật sư bị giới hạn nhiều, thì giới hạn rất nhiều, từ việc tiếp cận hồ sơ vụ án, về việc tiếp cận thân chủ của mình, từ đó nó cũng làm cho chúng tôi bị giới hạn cả việc đề xuất những điều cần thiết trong vụ án; ví dụ đưa ra các yêu cầu điều tra bổ sung, hoặc làm rõ tình tiết này tình tiết kia, thì tất cả những cái điều mà chúng tôi với tư cách là người bào chữa yêu cầu thì đều bị hạn chế cả.
Và do bị hạn chế cho nên chúng tôi cho rằng cái quyền được có luật sư bào chữa (của Phạm Đoan Trang) đã bị giới hạn, hạn chế nhiều”.
Bà Phạm Đoan Trang (sinh năm 1978) là một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền nổi tiếng. Bà cũng được biết đến với tư cách là một nhà báo và là tác giả của nhiều cuốn sách về khoa học chính trị. Các sách của bà được xuất bản bởi Nhà xuất bản Tự Do bị chính quyền cấm lưu hành. Nhà xuất bản, người chuyển sách và những người đọc sách của bà bị chính quyền truy bức.
Bà Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10 năm 2020 và bị truy tố theo tội danh ở Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015 tương ứng với Điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999.
Nguồn: RFA Tiếng Việt