Xin viết thêm cho rõ

Nguyễn Đình Cống

Ngày 13 tháng 10, Bauxite Việt Nam đăng bài Gặp gỡ tại Nghi Tàm của Nguyễn Thế Hùng, trong đó có đoạn viết về tôi như sau:

GS Nguyễn Đình Cống muốn nói nhiều. Ông đã chuẩn bị kỹ từ nhiều ngày trước, nhưng hôm nay GS Vương đã giành hết thời gian nên GS Cống không còn có thể nói được gì. Ông xin 10 phút. Ông bảo ở tầm quốc gia có ba cái sai cơ bản:

- Đảng chưa bao giờ nghĩ về cách con người đang tiếp xúc với vũ trụ qua cái gì? Nhưng ông Quang, ông Thanh đều làm mả to.

- Hệ thống và bộ máy quá thối nát, Covid bộc lộ cho ta biết sự thối nát ấy.

- Lúc nào cũng muốn đi đầu, muốn sánh vai với cường quốc năm châu, từ xuất khẩu gạo, tôm cua, đến thi toán Quốc tế, đến bóng đá… Hãy chịu lùi lại, đi sau cũng được, miễn là đi một cách chắc chắn trên con đường văn minh. Muốn vậy, phải xem nhiệm vụ phát triển kinh tế là quan trọng thứ hai, nhiệm vụ “an cư” là thứ nhất.

Vì rằng nói về sai cơ bản mà quá ngắn gọn, e ngại có thể bị hiểu nhầm, nên tôi xin viết thêm vài điều cho rõ hơn.

Thứ nhất là “Tiếp xúc với Vũ Trụ”. Tiếp xúc chứ không phải nghiên cứu hoặc du hành. Đây là tiếp xúc về mặt tâm linh. ĐCS theo duy vật, bài bác tâm linh, nhưng Tâm linh là một phần cơ bản của Vũ trụ, là đối tượng của một số tôn giáo. Quá đề cao vai trò của vật chất mà phủ nhận tâm linh là một sai lầm rất lớn đối với đời sống tinh thần của dân tộc. Tâm linh không phải ở chỗ thờ cúng, cầu khẩn mà chủ yếu ở hiếu biết những điều ngoài khoa học thực nghiệm, cao hơn khoa học thực nghiệm.

Ông Quang là Trần Đại Quang, ông Thanh là Phùng Quang Thanh.

Thứ hai là về bộ máy. Viết rằng “Hệ thống và bộ máy quá thối nát” là “vơ đũa cả nắm, hồ đồ”. Trong đầu tôi không nghĩ như vậy. Có thể là vì vội mà tôi nói quá nhanh, không rõ hoặc thư ký đã bỏ sót vài từ chăng. Tôi định nói là: Hệ thống và bộ máy có phần thối nát. Đó là tôi muốn đề cập đến một số thủ tục hành chính mà người dân gặp phải trong chống dịch covid và bản thân tôi phải chịu đựng khi nộp hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội. Việc này tôi đã tường thuật trong bài ‘Thấy gì từ thế sự trong chăn”.

Thứ ba là với tình hình đất nước như bây giờ thì rất nên quan tâm đến “an cư”, đến sự ổn định của xã hội gồm các vấn đề môi trường, giáo dục, văn hóa và đạo đức. Phát triển kinh tế cũng cần, nhưng không cấp thiết như những năm trước đây. Nếu cứ đẩy mạnh phát triển kinh tế như nghị quyết của đại hội XIII thì sẽ thu được lợi ít hại nhiều.

Vì tôi không có dịp xem lại bài viết của anh Hùng nên phải xin đính chính cho rõ, Mong được thông cảm.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN