“Ý kiến người dân” nếu làm phật lòng ai đó, sẽ bị qui chụp tội hình sự, và cứ như vậy thì toà soạn báo chí nhà nước nào dám “liên kết” – như Điều 37 của Luật Báo chí.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông. Hơn 33.000 đầu sách được cấp phép xuất bản trong năm 2020. Trung bình mỗi ngày có gần 100 cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam.
“Chỉ cần bạn có bản thảo tốt, gửi một nhà xuất bản đề nghị liên kết xuất bản là xong vì hiện tại hầu như nhà xuất bản nào cũng có dịch vụ liên kết với tư nhân” – Một biên tập viên nhà xuất bản cho biết như vậy.
“Bản thảo tốt” còn giúp lên kệ sách phát hành cũng tốt hơn nếu như có các quảng bá thích hợp. Dĩ nhiên ở đây là những khoản chi phí mà cá nhân phải chịu, bao gồm cả phí giấy phép xuất bản, phí biên tập, số lượng sách nộp lưu chiểu phát hành. Ba khoản phí khác tuỳ vào cá nhân người có bản thảo, đó là: viết lời giới thiệu; thiết kế trang bìa, trình bày và dàn trang sách.
Hơn chục năm nay, rất nhiều tạp chí phát hành ra sạp với giấy phép của Luật xuất bản
Hiện tại thì chỉ có mỗi nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia thì nhà xuất bản không được liên kết với tư nhân. Điều này cho thấy có thể điều chỉnh tương tự trong chấp nhận tư nhân được quyền tự do xuất bản báo chí, miễn là các nội dung phải tuân thủ theo qui định của pháp luật Việt Nam, bao gồm cả việc không được cổ suý cho đa nguyên, đa đảng” – một nhà báo tự do hiện sống ở Hà Nội cho biết như vậy.
Hiện tại thì tư nhân muốn xuất bản báo chí, cũng tương tự như Luật Xuất bản, có thể liên kết theo qui định tại Điều 37 của Luật Báo chí. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa “tư nhân hoá” báo chí và tư nhân tham gia làm báo có lẽ nằm ở chỗ quyền sở hữu. Sở hữu măng-sét báo vẫn sẽ là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết.
Về mặt lập luận, cơ quan quản lý nhà nước lâu nay vẫn hay đưa ra lập luận như sau để nói rằng Việt Nam vẫn đang thực thi quyền tự do báo chí, kiểu như: “Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời minh bạch, thuận lợi cho công dân.
Điều 11- Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 qui định rõ công dân có quyền: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.
Rõ ràng, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tư do báo chí”.
Các lập luận ở trên lại không thể cho người dân biết là khi họ muốn “tham gia ý kiến”, thì những tờ báo nào luôn sẵn sàng “dành đất” để đăng cho họ? Từ vụ án “Báo Sạch” vửa xử phiên hình sự sơ thẩm, cho thấy “ý kiến người dân” nếu làm phật lòng ai đó, sẽ bị qui chụp tội hình sự. Và cứ như vậy thì toà soạn báo chí nhà nước nào dám “liên kết” như Điều 37 của Luật Báo chí.
Có ý kiến, trước kia, do lề trái của lĩnh vực kinh tế (kinh tế tư nhân) trong con đường đi tới xã hội tốt đẹp bị rào lại, nên đã xảy ra hiện tượng “phá rào”, tạo nên thành phần kinh tế tư nhân trước khi đổi mới (1986).
Hơn chục năm nay, việc phá rào của báo chí trong lĩnh vực văn hoá (báo chí tư nhân), hay việc lập ra các tổ chức chính trị, xã hội độc lập trong lĩnh vực chính trị, xã hội, là các hiện tượng tất yếu khách quan, không thể tránh khỏi. Báo chí tư nhân trong các lĩnh vực văn hoá như văn học, nghệ thuật, y tế, giáo dục …chính là các giác quan bên trái của con người, là văn hoá “đa dạng” của quốc gia.
Trong thể chế quốc gia mà thiếu báo chí tư nhân sẽ làm cho văn hoá trở nên “đơn dạng” (đơn điệu), ngày càng xuống cấp về mặt chuẩn mực. Điều đó cũng chẳng khác gì con người bị khiếm thính, khiếm thị ( khuyết về khiếu giác), cón quốc gia thì bị khiếm khuyết về giáo dục, y tế, văn học nghệ thuật …
Do vậy, những người lãnh đạo có chức trách của quốc gia cần phải nhận thấy rõ tính tất yếu của sự đa dạng khách quan của văn hoá, trong đó có báo chí, nhận thức rõ chức năng của các loại hình báo chí, xây dựng các đạo luật và phương pháp quản lý báo chí đúng đắn, phù hợp, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong xu thế toàn cầu hoá.
Quan điểm trên cũng từng được nhà báo Phạm Chí Dũng luận bàn lúc ông còn được quyền tự do viết lách.
T.B.
VNTB gửi BVN