Ai chịu trách nhiệm về nạn buôn bán phụ nữ?

Mạc Văn Trang

Tôi chờ đợi, nhưng không thấy ĐBQH nào chất vấn về vấn đề này, nên nêu ra đây để Quốc hội lưu tâm, xem trách nhiệm thuộc về những ai. Vụ 39 người Việt chết ngạt trong container khi trốn vào nước Anh tháng 10/2019 đã gây chấn động lương tri nhân loại. Nay tình trạng tương tự vẫn không ngừng xảy ra, nhất là nạn buôn bán phụ nữ dưới nhiều hình thức.

Liên Hiệp Quốc ngày 03/11/2021 báo động về “nạn phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam nghèo đói trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người sang Ả Rập Xê Út thông qua hình thức xuất khẩu lao động”.

Tuyên bố của nhóm chuyên gia đăng trên website của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 04/11/2021 báo động: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​những kẻ buôn người nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người trong số họ đã lâm cảnh dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề xã hội. Những kẻ buôn người hoạt động mà không bị trừng phạt”.

Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, sau khi ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, một số thiếu nữ và phụ nữ bị chủ lao động lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn và đối xử tàn nhẫn khi đến Ả Rập Xê Út. Thường thì họ không được cung cấp thực phẩm, không được điều trị y tế, không được trả lương, hoặc chỉ được hưởng lương thấp hơn mức lương ghi trong hợp đồng.

Liên Hiệp Quốc báo động có một số công ty khai khống tuổi của trẻ em gái để đưa các em sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình, che giấu sự thật là các em vẫn còn nhỏ tuổi. Các chuyên gia nêu trường hợp một thiếu nữ Việt Nam 15 tuổi bị ốm vì bị chủ đánh đập, không cho ăn uống và chữa bệnh. Nạn nhân được cho về nước, nhưng chưa kịp lên máy bay thì đã qua đời. Do giấy tờ của cô bị làm giả nên gia đình hiện vẫn chưa nhận được thi thể nạn nhân. (Đó là em H Xuân Siu, xem hình).

Liên Hiệp Quốc thúc giục chính quyền Việt Nam và Ả Rập Xê Út có thêm nhiều hành động để chống nạn buôn người và bảo vệ những người lao động Việt Nam, trên cơ sở các nguyên tắc về nhân quyền và bảo đảm thực thi trách nhiệm. Liên Hiệp Quốc khuyến nghị Ả Rập Xê Út có luật lao động bảo vệ người nước ngoài nhập cư làm lao động giúp việc gia đình, mở rộng cải cách luật lao động cho nhóm đối tượng này. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cũng thúc giục chính phủ hai nước tiến hành một cuộc điều tra công bằng và độc lập, thậm chí cả về những cáo buộc liên quan đến sự tiếp tay của các cơ quan công quyền.

Liên Hiệp Quốc cho biết thêm trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ ngày 03/09 đến 28/10/2021, có khoảng 205 phụ nữ Việt Nam, trong đó có nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người, đã được hồi hương. Các chuyên gia kêu gọi Việt Nam tăng cường hỗ trợ những người phụ nữ này, kể cả về pháp lý, chăm sóc y tế và tâm lý xã hội.

Liên Hiệp Quốc nhắc nhở Việt Nam và Ả Rập Xê Út về “các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong việc hợp tác chống nạn buôn người”, bao gồm cả trong điều tra tư pháp hình sự, có các biện pháp khắc phục hiệu quả tệ nạn này và hỗ trợ nạn nhân”.

(https://docs.google.com/.../1gyVRde23VPGklInxqdwLsgP.../edit)

Một tin khác cho biết: “Trên 3.000 người Việt là nạn nhân của buôn người, chủ yếu bị bán sang Trung Quốc”

Có trên 3.000 người Việt Nam hầu hết là phụ nữ và trẻ em đã trở thành món hàng của bọn buôn người từ năm 2012 đến 2017, chủ yếu bị bán sang Trung Quốc. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ bộ Công an Việt Nam hôm nay 24/08/2018 cho biết như trên.

Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng trên?

- BỘ LĐTBXH quản lý việc xuất khẩu lao động phải chịu trách nhiệm ra sao?

- Chính quyền các địa phương quản lý công dân của mình để xảy ra chuyện như vậy, chịu trách nhiệm gì?

- Ngành an ninh chịu trách nhiệm đến đâu?

- Hội Phụ nữ Việt Nam đã làm gì giúp phụ nữ và trẻ em có nhận thức, hành vi ứng phó với những cạm bẫy và đấu tranh cho những chị em bị ngược đãi?

- Và những cơ quan nào, những ai nữa?

Những thảm cảnh nêu trên (và biết bao vụ khuất lấp) không chỉ là nỗi đau của những người trong cuộc và người thân của họ mà còn là nỗi nhục của quốc gia, dân tộc..

Ngày 11/11/ 2021

M.V.T.

Nguồn: FB Mạc Văn Trang