Phạm Phú Khải
Hoạt cảnh đám tang tạo biểu tượng sự thất bại của hội nghị COP26, Glasgow, Scotland, Anh Quốc, 13 tháng 11.
Nhân loại vẫn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 đã giết hại hơn 5 triệu người cho đến nay. Nhưng Covid-19 rồi cũng sẽ qua trong vài năm nữa. Thế giới có sẵn sàng cho một đại dịch lây lan hơn, giết người hơn, thì chưa biết.
Tuy nhiên biến đổi khí hậu, và hệ quả của nó trong tương lai, nhất là khi nó đến với các thế hệ con em của chúng ta, sẽ vô cùng khốc liệt. Chúng ta chỉ mới cảm nhận phần nào ảnh hưởng của nó trong giai đoạn đầu nên không thể lường được sức tàn phá khủng khiếp của nó ra sao. Nhưng nếu không hiểu biết và tìm cách đối phó kịp thời, mạng sống và sinh kế của hàng trăm triệu đến hàng tỷ người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Vì thế mà gần hai tuần qua, tin tức khắp nơi tràn ngập về sự kiện COP26.
COP26 là tên gọi tắt cho Hội nghị Nhóm 26 (Conferences of the Parties, năm nay là lần thứ 26), được tổ chức tại thành phố Glasnow, Scotland, Anh quốc, từ ngày 31 tháng 10 đến 12 tháng 11 năm 2021.
Mục đích chính của COP là tạo ra diễn đàn và cơ hội để mọi thành viên quốc gia trên thế giới, từ những người đại diện cho chính quyền, cơ sở kinh doanh, chuyên gia khí hậu, cho đến các công dân trên toàn cầu, gặp mặt nhau để thảo luận, tìm sự đồng thuận và cam kết hành động chung trong mục tiêu đối phó với biến đổi khí hậu.
Khoa học cho biết lượng khí thải nhà kiếng, như khí CO2 và methane, đã lên mức cao nhất trong 2 triệu năm qua, và tiếp tục gia tăng. Vì thế trái đất đã bị hâm nóng 1.1 độ C so với thời 1800s. Thập niên trước được xem là ấm nhất theo kỷ lục. Khi trái đất bị hâm nóng, ảnh hưởng tại một nơi tạo lên những ảnh hưởng dây chuyền lên nơi khác, vì tất cả mọi thứ trên địa cầu này đều liên quan mật thiết có tính cách hệ thống với nhau. Những hậu quả của biến đổi khí hậu hiện nay bao gồm hạn hán trầm trọng, khan hiếm nước, hỏa hoạn nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, lũ lụt, băng ở hai cực tan chảy, các cơn bão thảm khốc và suy giảm đa dạng sinh học.
Nhiều nơi trên thế giới đã trải nghiệm điều này. 20 triệu người dân Việt Nam sống tại 13 tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã cảm nhận được phần nào tác hại của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, nhất là mưa lũ hay hạn hán, và nước mặn tràn sâu vào giòng sông, gây ảnh hưởng lên mùa màng và nền nông nghiệp, vựa lúa phì nhiêu của Việt Nam. Tại Bangladesh, biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt, bão tố và thiên tai khác đã đe dọa cuộc sống và tương lai của hơn 19 triệu trẻ em tại đây. Sự hâm nóng toàn cầu đã làm cho mực nước biển dâng lên, nhiều nơi trên thế giới đã, đang, và sẽ, bị chìm dưới nước, nhất là những quốc gia thuộc dạng đảo (Island nations). Ở nhiều nơi này, người dân không thể tiếp tục cuộc sống như trước đây, khi sức khỏe, thực thẩm, nhà cửa, an toàn và công việc không còn. Họ không còn cách nào khác là phải dời đi nơi khác để sinh sống.
Để đối phó với nạn biến đổi khí hậu như thế, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã đồng ý với nhau rằng sự gia tăng nồng độ hâm nóng trái đất sẽ tác động sâu xa lên cuộc sống khắp nơi, cho nên cần phải làm sao để kiểm soát được phần nào tình trạng hâm nóng này. Nếu giới hạn được mức độ hâm nóng không quá 1.5 độ C trên toàn cầu trong thế kỷ này, nó có thể giúp nhân loại tránh những tác động xấu nhất của khí hậu và duy trì một khí hậu có thể sống được. Thế nhưng, với cung cách sống của nhân loại hiện nay, nếu không thay đổi, thì sẽ phát thải CO2 mà có thể làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên tới 4,4 độ C vào cuối thế kỷ này. Như thế sẽ là đại thảm họa cho toàn nhân loại.
Do đó mọi chính sách và hành động của tất cả các thành viên thuộc cộng đồng nhân loại đều quan trọng trong nỗ lực chung này. Cùng nhau, nếu mỗi cá nhân, cộng đồng, tổ chức, tập đoàn/công ty và quốc gia cố gắng tối đa trong khả năng của mình, thì toàn nhân loại mới đạt được mục đích cao cả này. Mỗi một phần của một độ C gia tăng gây hâm nóng trái đất đều có thể gây thiệt hại về mạng sống và sinh kế của nhiều người trên thế giới, dù chúng ta không thể thấy bằng mắt hay nghe bằng tai.
Muốn thay đổi triệt để, toàn diện và ở tầm lớn thì quan trọng nhất là phải thay đổi sự vận hành nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Xây dựng một nền kinh tế không thải khí nhà kiếng như thế là một thách thức cực lớn, ngay cả cho các quốc gia phát triển, giàu có hiện nay, khoan nói đến các quốc gia đang phát triển, nghèo nàn. Nhưng những nước phát triển, có nền kinh tế với mức thu nhập cao, là nước đã thải khí nhiều nhất, theo dữ liệu có từ 1751 đến 2019, chiếm đến 59% lượng khí thải toàn cầu; trong khi các nước có thu nhập trung bình thì chỉ chiếm 31%, và thu nhập thấp chỉ 10%. Cho nên các quốc gia giàu có phát triển cần phải đóng góp nhiều hơn các nước khác.
Sau hai tuần hội nghị và với lắm tranh cãi, 197 quốc gia thành viên đã đạt được sự đồng thuận trong cam kết và hy vọng về mục tiêu giữ nồng độ hâm nóng trong 1.5 độ C để cùng nhau ngăn ngừa thảm họa đến với trái đất, với nhân loại.
Hội nghị là về những vấn đề rất lớn, như luật pháp và chính sách của mỗi quốc gia thành viên, trong ba thập niên tới, và xa hơn nữa, để cùng bảo vệ trái đất này. Nhưng tất cả đều không có ý nghĩa gì nếu không có phần tham gia và đóng góp tích cực của mỗi cá nhân thành viên trong cộng đồng nhân loại.
Trong những năm qua, tôi và gia đình nhỏ của mình cũng tập thay đổi thói quen từng có trước đây. Về điện lực, chẳng hạn, chúng tôi luôn tìm cách sử dụng ánh sáng tự nhiên khi có thể, thay vì dùng đèn điện. Tôi luôn phải nhắc nhở các con tập thói quen tắt mọi dụng cụ nào sử dụng điện lực khi không còn dùng đến nó, như Tivi, máy nhạc, máy quạt, computer, đèn v.v… Tuy nước không thiếu nơi chúng tôi ở, nhưng chúng tôi vẫn tiết kiệm nước, nhất là khi nghĩ đến hàng triệu người không có nước sạch để dùng, hay phải vất vả đi thật xa để có được nguồn nước để uống. Chúng tôi khi tắm thì tắm ít hơn trước, và thường hay sử dụng lại nước đã dùng, như nước rửa rau, trái cây v.v. để tưới cây. Chúng tôi dùng các bao giấy nhiều hơn, tránh dùng bao ni lông. Dùng lại tất cả các đồ nhựa, khi có thể. Tiết kiệm, thay vì phung phí, là bước căn bản đầu tiên. Tóm lại, chúng tôi phải luôn tự nhắc nhở nếu không giảm thiểu được thì cũng không góp phần tạo ra thêm khí thải nhà kiếng một cách không cần thiết qua mọi hoạt động con người.
Tôi cũng tin rằng ai trong chúng ta đều có thể làm được các điều căn bản này. Nhiều hay ít tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Bởi vì mọi hoạt động từ mỗi cá nhân chúng ta, đều ít hay nhiều, đều thải khí nhà kiếng, do đó tất cả chúng ta đều có thể góp phần vào mục đích tránh thảm họa tàn khốc của biến đổi khí hậu. Sự tiến bộ của khoa học đã giúp nhân loại phát họa được viễn ảnh tương lai ra sao. Khi các khoa học gia hàng đầu đã dầy công tìm ra được giải pháp hợp lý để đối phó, các chính quyền/chính trị gia đã góp phần làm ra các chính sách thích đáng, thì chúng ta cũng cần có bổn phận và trách nhiệm góp phần thực hiện. Muốn tránh đại thảm họa biến đổi khí hậu thì phải bắt đầu bây giờ, nếu không thì quá trễ, và phải đến từ tận gốc như thế, thay vì trông đợi vào người khác. Bởi vì, nói cho cùng, đó là tương lai của con em chúng ta, cháu chắt chúng ta, và bao thế hệ tiếp nối sau đó.
P.P.K.
Nguồn: VOA Tiếng Việt