Nguyên Sa
Bất kể có thừa nhận hay không, bằng chứng tội ác của các chính quyền này vẫn bị lưu lại.
Tôi rất hy vọng bài viết này đủ để khiến bạn ghé mắt vào xem bản báo cáo mới nhất của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc Mary Lawlor: “States in denial: the long-term detention of human rights defenders” [7].
Kể cả không quan tâm gì tới những người đang bị giam cầm hoặc bị giết vì bảo vệ quyền của người khác, hoặc không bao giờ nghĩ rằng bạn sẽ một ngày nào đó gặp rắc rối với chính quyền, bạn cũng sẽ thấy đây là tài liệu đọc chất lượng để học tiếng Anh.
Quan trọng nhất là tài liệu này an toàn. Cơ quan điều tra nào mà lại dám liệt báo cáo chính thức của Liên Hợp Quốc vào hàng tài liệu tuyên truyền chống nhà nước cơ chứ.
Ảnh minh họa: Một viên cảnh sát đang yêu cầu phóng viên rời khu vực Văn phòng Chủ tịch nước tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 27/2/2019, gần ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam. Ảnh gốc: AP. Thiết kế: LK.
Lodkha Thammavong đang bị giam ở một nhà tù cách xa gia đình 60 km. Cô thiếu nước sạch để uống, và vẫn không được tư vấn pháp lý sau bốn năm bị kết án.
Tháng 12/2015, trước Đại sứ quán Lào ở Bangkok, Thái Lan, Thammavong cùng khoảng 30 người khác biểu tình phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Lào.
Ba tháng sau đó, khi trở lại Lào, cô và hai nhà hoạt động khác bị cảnh sát Lào bắt giữ dù không có lệnh bắt. Họ bị ép cung, bị bêu riếu trên đài truyền hình quốc gia như những kẻ phản quốc. Họ không được phép có luật sư đại diện.
Một năm sau đó, vào tháng 3/2017, sau một phiên tòa bất công, Thammavong bị tuyên án 12 năm tù giam vì tội “phản bội tổ quốc, tuyên truyền chống nhà nước, và tụ tập gây rối trật tự xã hội”. Hai nhà hoạt động bị bắt cùng cô lần lượt nhận án 16 năm và 20 năm tù.
Câu chuyện về Thammavong được kể trong báo cáo mới nhất của Mary Lawlor, Báo cáo viên Đặc biệt (Special Rapporteur) của Liên Hợp Quốc về tình trạng của những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Báo cáo mang tên “States in denial: the long-term detention of human rights defenders” (Những chính quyền chống chế: tình trạng giam giữ lâu dài đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền) [1].
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người vẫn đang chịu án tù 16 năm về tội âm mưu lật đổ chính quyền cũng được nhắc đến trong báo cáo này [2].
Trần Huỳnh Duy Thức, doanh nhân, nhà hoạt động, tù nhân lương tâm. Ảnh: Trần Huỳnh Duy Tân/ BBC.
Chỉ tính riêng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2021, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã làm việc với 22 quốc gia về 148 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ dài hạn. Trong số đó, 40 người là luật sư liên quan đến các vụ án nhân quyền, 15 người làm việc về quyền phụ nữ, 9 người làm việc trong lĩnh vực môi trường và quyền của người bản địa và 7 người chuyên phân phối viện trợ nhân đạo. Trong số những người bị giam giữ còn có người hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhân quyền khác như quyền trẻ em, quyền của người LGBTQI+, quyền tự do tôn giáo, vận động để bãi bỏ án tử hình, v.v.
Phần lớn trong số những người này đều đã bị kết án hoặc có nguy cơ nhận án tù từ 10 năm trở lên.
Nhiều người trong số họ bị kết án trong các phiên tòa bất công, dựa trên các điều luật được định nghĩa một cách mơ hồ, thường liên quan đến tội phản quốc, lật đổ hoặc là khủng bố.
Một số người bị chính quyền bỏ tù để trừng phạt vì họ đã tham gia hoặc có ý định tham gia vào các cơ chế trao đổi liên lạc về nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Nhiều người đang bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt với sức khỏe yếu mà lại không được bác sĩ thăm khám. Nhiều người đã bị kết án tử, hoặc đã chết trong tù trong thời gian chịu án.
Không một quốc gia nào trong số những nước được nhắc đến thừa nhận hành vi của mình. Họ chống chế, chối bỏ và từ chối hợp tác. Trong số đó, nhiều quốc gia là thành viên hoặc đang mong muốn trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Mary Lawlor, tác giả bản báo cáo, kết luận:
“Nhiều nhà cầm quyền tuyên án tù nặng nề đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền là vì họ muốn thế, và vì họ có thể làm thế. Họ làm thế bởi vì họ không hài lòng khi các nhà hoạt động phơi bày những hành vi tham nhũng, chỉ ra các vi phạm nhân quyền hoặc làm đậm nét những khuyết điểm khác trong việc quản trị quốc gia”.
***
Tôi đã luôn nghĩ rằng các báo cáo nhân quyền với rất nhiều thuật ngữ khô khan và các chữ viết tắt dài ngoằng là thứ cuối cùng mà mình muốn đọc, cho đến khi tôi vô tình mở báo cáo này khi đang theo dõi vụ án của Phạm Đoan Trang. Mary Lawlor viết ngắn, sắc, với ngồn ngộn bằng chứng bao gồm cả con số và câu chuyện. Ở những chỗ cần khẳng định các giá trị/ niềm tin nền tảng, bà sẽ viết bằng một giọng văn vừa đanh thép lại vừa… đanh đá.
Mary Lawlor, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình trạng của những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Ảnh: University Times.
Đọc thử một ví dụ đanh đá:
“Một vài chính quyền phản hồi rằng những người bị bỏ tù ấy không phải là nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền mà là những kẻ muốn lật đổ chính quyền, phản bội hoặc khủng bố. Báo cáo viên Đặc biệt biết sự khác biệt giữa các nhóm này, và bà trang trọng nhắc nhở các chính quyền rằng bà được tin tưởng giao nhiệm vụ hiện tại một phần là nhờ vào kinh nghiệm hàng chục năm trong việc xác định ai là nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, còn ai thì không”.
Còn đây là một đoạn đanh thép:
“Tấn công những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bằng những án tù nặng nề là việc không bao giờ có thể chấp nhận được, và không một nhà nước nào nên đi quá giới hạn này. Đây là một việc làm phi đạo đức, phi pháp, không thể bào chữa, và đáng xấu hổ. Việc làm này cho thấy các chính quyền đó không hề có quyết tâm giữ gìn những tiêu chuẩn quốc tế mà họ đã cam kết thực hiện”.
Mary Lawlor nhận nhiệm vụ của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2020 [3]. Bà là một tên tuổi trong cộng đồng nhân quyền quốc tế, người luôn đưa ra được những phản hồi nhanh chóng và đáng tin cậy liên quan đến những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Bà đã tham gia bảo vệ các nhà hoạt động trong gần một nửa thế kỷ, đặc biệt là 20 năm trở lại đây, khi bà sáng lập Front Line Defenders để phản ứng nhanh trong trường hợp các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới gặp nguy hiểm.
Năm 2019, Front Line Defenders công bố một bản báo cáo về những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền đã bị giết trong năm. Họ thống kê được 304 trường hợp ở 31 quốc gia [4]. Tên của những người này được in trang trọng trên trang nhất của báo cáo, như một cách để tưởng nhớ họ.
Tháng 12/2020, bà Lawlor đã gửi đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc một báo cáo riêng về vấn đề này [5].
Mary Lawlor cũng là một trong tám chuyên gia đứng tên trong tuyên bố bác bỏ các chứng cứ buộc tội nhà báo Phạm Đoan Trang [6]
***
Các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế có đầy vấn đề. Cũng như nhiều người mà tôi quen, tôi không có quá nhiều niềm tin vào sự hiệu quả của các báo cáo như thế này với những nhà nước độc tài chuyên chế ra những điều luật mà họ cần để đàn áp.
Nhưng những người như bà Lawlor khiến tôi thực sự cảm động. Họ dành cả cuộc đời mình để gọi tên những hành vi vi phạm nhân quyền, trân trọng sự hy sinh của những nhà hoạt động, và nhắc cả thế giới về những điều đúng nên làm.
Tôi rất hy vọng bài viết này đủ để khiến bạn ghé mắt vào xem bản báo cáo mới nhất của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc Mary Lawlor: “States in denial: the long-term detention of human rights defenders” [7].
Kể cả không quan tâm gì tới những người đang bị giam cầm hoặc bị giết vì bảo vệ quyền của người khác, hoặc không bao giờ nghĩ rằng bạn sẽ một ngày nào đó gặp rắc rối với chính quyền, bạn cũng sẽ thấy đây là tài liệu đọc chất lượng để học tiếng Anh.
Quan trọng nhất là tài liệu này an toàn. Cơ quan điều tra nào mà lại dám liệt báo cáo chính thức của Liên Hợp Quốc vào hàng tài liệu tuyên truyền chống nhà nước cơ chứ.
Chú thích:
1. Lawlor, M. (2021, July 19). Report of the Special Rapporteur on the situation of human rights defenders, Mary Lawlor. United Nations. https://undocs.org/A/76/143
2. Trần Huỳnh Duy Thức: Từ doanh nhân đến tù nhân lương tâm. (2017, August 29). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.org/2017/08/tran-huynh-duy-thuc/
3. Mary Lawlor. (2021, July 29). Front Line Defenders. https://www.frontlinedefenders.org/en/profile/mary-lawlor-0
4. FRONT LINE DEFENDERS GLOBAL ANALYSIS 2019. (n.d.). Frontline Defenders. https://www.frontlinedefenders.org/sites/default/files/global_analysis_2019_web.pdf
5. Lawlor, M. (2020, December 24). Final warning: death threats and killings of human rights defenders. United Nations. https://undocs.org/en/A/HRC/46/35
6. Nguyên Sa. (2021, November 1). Nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc bác bỏ chứng cứ buộc tội Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/11/nhom-chuyen-gia-cua-lien-hiep-quoc-bac-bo-chung-cu-buoc-toi-pham-doan-trang/
7. Xem [1]
N.S.
Nguồn: luatkhoa.org