Phạm Thị Hoài
Tôi chưa được xem phim Vị của Lê Bảo, nhưng biết nó kể về một người đàn ông Nigeria bỏ lại đứa con trai nhỏ ở quê hương đến Việt Nam mưu sinh. Sự nghiệp cầu thủ xuất khẩu đứt ngang; anh sống cùng bốn người phụ nữ Việt trung niên và một con heo trong xóm nghèo Sài Gòn; sáu động vật hoang sơ cộng sinh, chung chạ và xa lạ trong một địa đàng ổ chuột trần truồng và trần trụi.
Một câu chuyện như thế chưa từng được kể. Người nước ngoài ở Việt Nam được kể khi làm doanh nhân, làm chồng người mẫu và hoa hậu; xoàng hơn cũng phải biết hát nhạc Trịnh, viết những bài dí dỏm hay ấm áp tình người bằng tiếng Việt chuẩn không cần chỉnh trên báo quốc doanh; Tây mang trái tim ta, Tây làm gương đi nhặt rác, Tây săn áo dài, Tây phải lòng Hà Nội, Tây nghiện nước mắm, Tây mê hầu đồng, mê phố cổ, mê cả tranh cổ động agitprop, và tất nhiên Tây sám hối Mỹ Lai, Tây hàn gắn vết thương, Tây phản tỉnh. Toàn Tây da trắng. Tây cơ nhỡ đi bán chuối chiên hay cầm bảng xin tiền cũng da trắng: Cộng đồng không dậy sóng rủ lòng với da đen. Da đen, với người Việt là nhọ, hôi, lười, lừa và ma túy, cả cái của quý huyền thoại cũng chỉ dành cho các mẹ hết đát khát tình. Và da đen ở Việt Nam là Nigeria.
Nhà văn Nigeria tôi đọc trước hết không phải là Wole Soyinka, người Châu Phi đầu tiên nhận Giải Nobel Văn chương mà chúng ta năm nào cũng hỏi đúng một câu bao giờ mình đến lượt. Mà là Ken Saro-Wiwa, tác giả cuốn tiểu thuyết phản chiến phi thường Sozaboy: A Novel in Rotten English, cương quyết viết bằng thứ tiếng Anh rởm, lởm khởm, tiếng Anh rác, một pha trộn giữa tiếng Anh pidgin thô sơ và tiếng Anh bồi gập ghềnh của dân bản xứ ít học hành, để thỉnh thoảng xen vào chút tiếng Anh chuẩn mực như một đối chiếu kín đáo[1]. Lựa chọn táo bạo đó mê hoặc tôi từ dòng đầu tiên. Với vốn liếng tiếng Anh cũng rotten của mình, tôi ròng rã đánh vật với bản gốc và bản dịch tiếng Đức để kinh ngạc về chưa đầy hai trăm trang, hạnh phúc vì tài năng, can đảm và sự nhất quán trọn vẹn của một đồng nghiệp. Một cuốn sách khó nuốt, sinh ra để trượt mọi giải thưởng và để là một kiệt tác. Một cách kể không thể chân xác hơn về một hiện thực lụn bại, đổ gãy, bạo liệt, nát bét, tha hóa, mông muội và khắc khoải hy vọng, là Nigeria những năm 80 và cả hiện nay. Hay Việt Nam. Hay cả Việt Nam và Nigeria cộng hưởng, như ở Vị. Ngôn ngữ không phải là công cụ tiếp cận, ngôn ngữ là bản thân hiện thực. Ngôn ngữ không phải là hình thức, ngôn ngữ chính là và thuần túy là nội dung.
Ngoài dầu mỏ và cầu thủ bóng đá, tài nguyên đáng kể nhất của Nigeria là các nhà văn. Ken Saro-Wiwa dễ dàng giành một chỗ đứng ở đẳng cấp quốc tế cùng những cây viết danh tiếng của đất nước ông: Chinua Achebe, Ben Okri, Chimamanda Ngozi Adichie, Teju Cole… Song hai mươi năm viết văn, làm báo, làm phim và xuất bản với ông chỉ là một chặng đường cần thiết trong một hành trình lớn: cuộc đấu tranh cho quyền sống của bộ tộc ông, cộng đồng Ogoni, trước một trong những thảm họa hủy diệt môi trường khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại. Trong vòng bốn thập niên, vùng đất màu mỡ của người Ogoni ở châu thổ sông Niger, diện tích trên dưới 1.000 km2, tức không bằng một phần ba thành phố Hà Nội ngày nay, bị khoan nát để cung cấp cho tập đoàn dầu khí đa quốc gia Shell 80% sản lượng dầu mỏ của cả lãnh thổ Nigeria và nhận về một môi trường ô nhiễm gấp ba lần ở Vịnh Mexico năm 2010 sau sự cố tràn dầu thế kỷ. Ngoài những giếng dầu, toàn bộ không gian sinh tồn còn lại bị phá hủy. Tham nhũng và bạo lực hoành hành. Nội chiến triền miên. Người Ogoni chỉ còn là những tồn tại mong manh, làm phiền cho lợi nhuận khổng lồ của liên minh giữa tài phiệt ngoại quốc và quân phiệt trong nước. Nhà văn Ken Saro-Wiwa trở thành nhà hoạt động, người sáng lập và lãnh đạo phong trào bảo vệ môi trường vì quyền sống của đồng bào ông. Lần cuối ông bị bắt là tháng Năm 1994 và hơn một năm sau bị khép án tử.
Trước đây tôi thường lấy câu mở đầu bất hủ của Anna Karenina vận vào các quốc gia: Hạnh phúc thì mọi đất nước đều giống nhau, bất hạnh thì mỗi nơi một kiểu. Song thực ra nhiều quốc gia hội đủ những yếu tố để rập cùng một khuôn bất hạnh. Màu da là thứ duy nhất phân biệt sự bất hạnh Việt với sự bất hạnh Nigeria. Trong hàng trăm nhà hoạt động bị bắt và kết án tù nhiều năm qua ở Việt Nam, những người từng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường chiếm tỉ lệ lớn. Trong những hành vi cấu thành tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” mà Phạm Đoan Trang bị quy kết theo cáo trạng ngày 30/8/2021 có việc “làm ra, tàng trữ, lưu hành “một tài liệu bằng tiếng Anh, “Báo cáo về thảm họa môi trường biển ở Việt Nam năm 2016“, thảm họa Formosa mà chúng ta đã dần quên, như đã quên Bauxite Tây Nguyên ồn ào một thuở. Trang cũng dễ dàng giành một chỗ đứng ở đẳng cấp cao nhất của các nhà báo ở Việt Nam. Song người phụ nữ tài năng ấy đã dành cây bút của mình cho một hành trình lớn hơn, như đồng nghiệp Ken Saro-Wiwa, cũng ở một quốc gia mà tài nguyên thiên nhiên là một lời nguyền thay vì là một ân huệ.
Nói lời sau cùng trước tòa, Ken Saro-Wiwa phát biểu:
Thưa quý tòa,
Tất cả chúng ta đều đứng trước lịch sử. Tôi là một con người của hòa bình và ý tưởng. Kinh hoàng trước sự đói nghèo nhục nhã của những người dân sống trên mảnh đất trù phú này, đau đớn vì họ bị chính trị gạt ra ngoài lề và bóp nghẹt về kinh tế, phẫn nộ vì đất đai của họ, tức di sản tối hậu của tổ tiên bị tàn phá, mong muốn bênh vực quyền sống và quyền được có cuộc sống tử tế của họ và quyết tâm mang lại cho toàn bộ đất nước này một hệ thống công bằng và dân chủ, bảo vệ mọi người dân và mọi nhóm sắc tộc, cho tất cả chúng ta cơ hội xứng đáng để đến với văn minh nhân loại, tôi đã cống hiến tài nguyên trí tuệ và vật chất, cống hiến chính cuộc đời mình cho một sự nghiệp mà tôi tuyệt đối tin tưởng và khiến tôi không chùn lòng trước mọi cưỡng bức và đe dọa. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ thành quả cuối cùng của sự nghiệp ấy, bất kể những thử thách và gian nan mà tôi và những người cùng chí hướng có thể gặp phải trên hành trình của chúng tôi. Cả nhà tù lẫn cái chết đều không thể ngăn cản chiến thắng cuối cùng của chúng tôi.
Mười ngày sau, ông và tám nhà hoạt động cùng chí hướng bị treo cổ.
Phong trào do Ken Saro-Wiwa khởi xướng dẫu sao đã đánh động được công luận quốc tế. Sau ông, thêm một nhà hoạt động môi trường và nhân quyền Nigeria, cũng một nhà văn, ông Nnimmo Bassey, được trao Giải Right Livelihood (Giải Nobel Hòa bình Thay thế). Đầu năm nay, một tòa án Hà Lan buộc chi nhánh Nigeria của tập đoàn Shell phải trả 95 triệu Euro bồi thường cho nông dân vùng châu thổ sông Niger sau 13 năm khiếu kiện. Vài tuần sau, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh ra một quyết định quan trọng khác: cho phép một tòa án tại London thụ lý đơn kiện Shell của 40.000 người Nigeria. Và quan trọng hơn cả: Nigeria đã chuyển sang thể chế dân chủ năm 1999. Tuy còn rất khiêm tốn nhưng về những phương diện căn bản như đa nguyên và tự do báo chí, đất nước của những người da đen nhọ, hôi, lười, lừa và ma túy như chúng ta quan niệm đã bỏ xa Việt Nam. Nếu ở Nigeria hiện nay, Trang chắc chắn không ngồi tù, Vị hiển nhiên không bị cấm.
Song chiến thắng cuối cùng còn xa lắm. Như người Việt, người Nigeria cũng chưa thôi vất vưởng lưu lạc, chết ngạt trong container đông lạnh nơi đất khách hay sống mòn trong một địa đàng ổ chuột trần truồng và trần trụi ở xứ người.
(Tuần báo Trẻ ngày 11.11.2021)
[1] Sau đây là một ví dụ, qua tường thuật của nhân vật kể chuyện, chàng thanh niên Mene: “The man with fine shirt stood up. And begin to talk in English. Fine fine English. Big big words. Grammar. Fantastic. Overwhelming. Generally. In particular and in general. Haba, God no go vex. But he did not stop there. The big grammar continued. ‘Odious. Destruction. Fighting’. I understand that one. “Henceforth. General mobilisation. All citizens. Ablebodied. Join the military. His Excellency. Powers conferred on us. Volunteers. Conscription”. Big big words. Long long grammar. ‘Ten heads. Vandals. Enemy’. Everybody was silent. Everywhere was silent like burial ground. Then they begin to interpret all that long grammar plus big big words in Kana. In short what the man is saying is that all those who can fight will join army. My heart begin to cut. Plenty. Join army? For what? So I am now a soza. No. No. I cannot be soza. Soza for what? Ehn? I begin to shout. No. No. The man with fine shirt was looking at me. The policeman was coming to me: Is he coming to take me to be soza? The policeman was coming. My heart was cutting, beating like drum. Tam tum. Tam tum tum. Then I see that it is not just one policeman but many sozas. Plenty of them with gun pointing at me. My heart was beating. Tam tum, tam tum tum. I don’t want to be soza. So as I see them coming with their gun, I jumped out of that church and started to run. Then I heard Chief Birabee and the others shouting “Hold am! hold am!” They were shouting from every side. Then the sozas started running after me. Pursuing me. I ran and ran like a dog. Still the sozas pursued me, pointing their gun.”
P.T.H.
Nguồn: Pro&Contra