Xốn xang nỗi nhớ Hà Nội (3) (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 120)

Tương Lai

Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi


Người cười nói xúc phạm người ngậm tăm

Siêng làm xúc phạm phàm ăn


Kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng


Ðàn kêu tưng tửng từng tưng


Con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu


Bông hoa xúc phạm con sâu


Con cá xúc phạm lưỡi câu ao nhà


Ông bụt xúc phạm con ma


Lão say khướt xúc phạm bà tỉnh queo

Cái sang xúc phạm cái nghèo


Cái ngay xúc phạm cái khoèo bẩm sinh

Ðàn kêu tinh tỉnh tình tinh


Cái tâm xúc phạm cái hình vô tâm

Cõi dương xúc phạm cõi âm


Cõi thiêng xúc phạm cõi trần tục gian

Ðàn kêu tang tảng tàng tang


Nàng chơi đẹp xúc phạm chàng xấu chơi

Ngứa nghề hát ngọng nghẹo thôi


Người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau…

(Xẩm Ngọng, Nguyễn Duy. Xuân Hoạch đàn & hát)

Cuộc đời có nhiều cung bậc rất khác nhau. Thế mới là “cuộc đời”! Hồn cốt dân tộc ẩn vào trong sự nghịch ngợm có chủ đích của hai nghệ sĩ, người quê Thái Bình, người quê Thanh Hoá đều trở thành người Hà Nội “chính gốc”, đã góp phần gầy dựng nên nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục và một vài nhóm “XẨM HÀ NỘI” khác.

Nghe tiếng đục, tiếng thanh đang luyến láy trong giọng đàn và giọng hát của nghệ sĩ Xuân Hoạch bỗng dồn dập vút lên âm thanh vừa trầm đục vừa thanh thoát, dồn hết xúc cảm và tâm tình của người nghệ sĩ bậc thầy vào tiếng đàn, khiến tôi lạnh buốt sống lưng mà để hồn mình cuốn theo sức âm vang của tiếng đàn. Quả đúng là

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa

Đôi tai thẩm âm tuyệt vời của đại thi hào Nguyễn Du được hiển thị trong tiếng đàn đáy của nghệ sĩ Xuân Hoạch. Thật sung sướng biết bao khi được nghe những âm vang tự tình dân tộc hiển hiện trong tiếng đàn giọng hát. Chúng đã xua tan được sự dung tục như một chất keo nhớp nhúa của loài sâu nhả ra hàng ngày đang đầu độc cả môi trường sống của xã hội ta, của dân tộc ta.

Những lời nói đều đều, lè nhè những điều “đạo cao đức trọng”chẳng dính dáng gì đến cuộc sống với bao gian nan vất vả trong cuộc mưu sinh của người lao động nghèo, không sao che đi được tính dung tục đáng sợ mà người nghe phải nhanh tay tắt tivi để khỏi bị ô nhiễm. Họ, những thân phận yếu thế đang bị “phong toả” trong ngõ hẹp được rào chắn bằng giây thép gai của chế độ “trương tuần trị” như cách nhận định của một nhà báo nọ. Xã hội hiểu ra rằng “khi có chuyện xảy ra thì bên cạnh Đảng và nhà nước, chỉ còn rõ nhất Quân đội và Công an”.

Phát ngôn khá muộn màng của ông Bộ trưởng về hưu từng là Bí thư tỉnh uỷ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng dù sao cũng nói lên một sự thật đắng cay về sự trống vắng của DÂN trong những “đường lối sáng suốt” của những Đại hội vừa thông qua, với tuyên bố xanh rờn của ông Tổng Bí thư: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Dù sao, cũng phải nói rằng ông Trọng nói được một câu đúng: “Dân người ta biết hết”. Quả thật vậy. Thưa ông!

Dân biết hết, biết quý bộ quần áo nâu của người nghệ sĩ kéo chiếc đàn bầu có cái chóp bằng rễ tre mà tôi đã đưa hình bên trên. Tôi ôm vai anh, nâng niu bàn tay sần sùi, dấu ấn của người từng cầm cuốc, cầm cày nay là người nghệ sĩ chăm chút từng chất liệu để phục chế và làm mới các loại đàn cổ của dân tộc. Ông giảng cho tôi vì sao mà phải tìm cách xe dây tơ để làm dây đàn bầu, đàn đáy chứ không thể dùng dây nilon, dây sắt như người ta đang làm cho “nhiều nhanh tốt rẻ”.

Cũng chính vì thế mà ông đã tạo ra sự cuốn hút lời “xẩm ngọng” của nhà thơ tài năng bạn tôi – Nguyễn Duy – đang “Ngứa nghề hát ngọng nghẹo thôi, người yêu nhau, xúc phạm người ghét nhau…”. Tiếng đàn và giọng hát xẩm của Xuân Hoạch đã nâng cái chất Nguyễn Duy lên những cung bậc mới “điệu giọng cảm thương và điệu giọng giễu nhại luôn chuyển hóa lẫn nhau. Cho nên, ở đó, ngay lúc điệu cảm thương trở nên sâu lắng nhất, nó cũng không át hẳn giọng hài hước”. Đấy cũng là lý do tôi chọn “Xẩm ngọng” của Nguyễn Duy với tiếng đàn và giọng hát Xuân Hoạch để dẫn dắt cảm hứng và mạch văn viết về “Xốn xang nỗi nhớ Hà Nội” tiếp theo trong ngổn ngang những hồi ức. Tôi muốn dừng lại ở “điệu hát nói là nhịp cầu nối kết để giọng hài hước và cảm thương cất lên thành điệu giọng trữ tình rất riêng của ngôn ngữ trữ tình trong thơ Nguyễn Duy”.

Sau buổi biểu diễn, nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh, người đang theo sát đoàn nghệ sĩ biểu diễn với niềm say mê đặc biệt, đã tìm đến tôi với nụ cười cởi mở rất dễ thương: “Bác thấy thế nào, được không?”. Tôi ôm lấy anh: “Tuyệt vời”.

Khi cùng gia đình sang Pháp, ngày ngày Minh vẫn nghe ca trù, chèo, hát văn... qua cassette và từng soạn lời một số bài hát nói như Nỗi nhớ niềm thương. Rồi dù đã học xong đại học và đi làm nhưng khi gặp mối duyên cổ nhạc… anh quyết trở về quê hương, thảnh thơi bước vào thế giới thanh âm của đất mẹ… Tốn kém, nhọc nhằn đủ cả, nhưng khó khăn đều bị xóa mờ khi lòng anh chỉ có niềm hoan hỉ, thấy mình may mắn khi vẫn còn kịp gặp những “báu vật nhân văn sống” của dân tộc. Và anh trân trọng gọi đó là những mối giao tình không dễ. Mới đây, tối 6-10, các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh cổ nhạc với sự đóng góp hiệu quả của Đàm Quang Minh đã lồng điệu cho thơ Đức với buổi diễn xướng thơ Heinrich Heine tại Viện Goethe, Hà Nội.

Và cuối tháng 10 này, theo báo Tuổi trẻ, Đàm Quang Minh cùng với Đông Kinh cổ nhạc, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, nhạc trưởng Jeff von der Schmidt sẽ bước vào một thử nghiệm mới: hòa điệu cổ nhạc Việt Nam cùng nhạc đương đại phương Tây, một cống hiến mới cho nhạc cổ truyền dân tộc. Tiếc rằng vì sức khoẻ không cho phép tôi phải lỡ hẹn với Jeff von der Schmidt, vị nhạc trưởng Đức đáng kính.

Được gặp gỡ với những người trong “mối giao tình không dễ”, như Minh đã nói với tôi, tôi ngộ ra một điều là chính họ, những người âm thầm cống hiến cho nguồn mạch dân tộc trong vắt vẫn lưu chảy tình tự và hồn cốt dân tộc khiến cho “từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe”, như Trịnh Công Sơn tinh tế cảm nhận.

Bởi thế, khi “Xốn xang nỗi nhớ Hà Nội” tôi xốn xang nhớ đến những kỷ niệm ấm lòng, mà những người bạn mới quý báu, để lại trong tôi. Thật may mắn là cuộc đời đã dành cho tôi những ân huệ chứ không chỉ những phũ phàng. Tôi nói cuộc đời có nhiều cung bực khác nhau bởi đời là thế ở ngay đầu trang là để biểu thị một tâm trạng, một cảm nhận của một thân phận được “nghe ra từ độ suối khe”.

Thì đó, “Ðàn kêu tưng tửng từng tưng, Con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu… Ðàn kêu tinh tỉnh tình tinh, Cái tâm xúc phạm cái hình vô tâm”. Những lời giễu nhại hài hước phơi ra những cái ngược đời, những nghịch lý của cuộc sống người ta cố che đi bằng những lời có cánh, lừa dối và bịp bợm. Làm nghề Nghiên cứu Xã hội học, có điều kiện tiếp xúc trực diện với cuộc sống, tôi gợi ra đây một ví dụ khá tiêu biểu về những nghịch lý của cuộc sống mà người ta cố che đi ấy.

Quãng tháng 6, tháng 7 năm 1997, ở Thái Bình nổ ra những vụ khiếu kiện đông người. Ðã có tới 5 huyện (Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Ðông Hưng, Thái Thụy) trên 7 huyện và thị của tỉnh có phản ứng và khiếu kiện của nông dân về những vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn. Các đoàn khiếu kiện đã rầm rập kéo lên tỉnh. Ba trung đoàn đã được huy động để đề phòng bạo loạn vì nhận định “có địch xui giục”. Đây là một nhận định nguy hiểm, che giấu nguy cơ hiện hữu.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt không nhất trí với nhận định trên, đã yêu cầu Viện trưởng Viện Xã hội học, là thành viên của “Tổ Nghiên cứu và Đổi mới” sau đổi thành “Ban Nghiên cứu của Thủ tướng”, tiến hành một nghiên cứu độc lập bằng một cuộc khảo sát Xã hội học tại Thái Bình theo quy mô tuỳ theo quyết định của Viện trưởng.

Cuộc khảo sát Xã hội học được tiến hành trong nhiều huyện ở Thái Bình và một số tỉnh lân cận để đo độ “nhiễm cảm” từ sự kiện Thái Bình nhằm khái quát vấn đề nông dân ở Đồng bằng Bắc bộ. Tâm điểm là xã An ninh, huyện Quỳnh Phụ. Người dân hoan nghênh và tích cực hợp tác. Họ vừa thấy chúng tôi mở cửa xe là đón ngay vào một nhà dân nằm kề sát đường và ngồi vòng quanh chúng tôi để chờ chúng tôi đưa ra yêu cầu. Thế là rào rào những câu hỏi, nhẹ nhàng có, bức xúc có nhưng đều trong vòng trật tự suốt ba tiếng đồng hồ. Có người còn đùa: “Cái cô ghi âm chịu khó ngồi sát vào thì mới rõ tiếng chúng tôi chứ, sao cứ e lệ ngồi xa thế kia”. Mọi người cười ồ. Có người kêu lên: “Phải để cho các bác ấy ăn cơm đã chứ, bà con ngồi lùi để tôi đặt mâm cơm đã nào. Xem bác trưởng đoàn tóc bạc phơ thế kia thì phải để bác xơi chén cơm cho đỡ đói mới có sức mà nghe bà con chứ. Lùi nữa ra”. Bà con đều vui vẻ ngồi dạt cả ra ngoài. Mâm cơm đặt giữa chiếu trên sàn nhà đất nện.

Nhưng khi thấy tôi buông đũa, chìa tay cầm chén nước và hộp tăm thì họ đã xích lại gần, ngồi thành vòng tròn như lúc nãy. Họ xem chúng tôi như những người “làm cầu nối” giữa dân với các cấp chính quyền để nói về sai trái của cấp uỷ và chính quyền địa phương khiến họ không chịu nổi phải kéo lên huyện, lên tỉnh khiếu kiện. Trái ngược với dân, lãnh đạo xã sau khi bỏ chạy lên huyện thì bây giờ trở về để vu vạ cho dân. Bí thư Ðảng ủy xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, điểm “nóng nhất của cả tỉnh Thái Bình” tiếp chúng tôi tại trụ sở mà kính vỡ, mảnh bát đĩa vỡ, chậu cảnh vỡ vẫn ngổn ngang, kể cả một tượng Bác Hồ bằng thạch cao trắng bị vỡ vẫn nằm ở góc bàn trong hội trường và theo lời của Bí thư Ðảng ủy xã thì “Hiện trường vẫn được giữ nguyên” như để nói lên tính phản loạn không thể dung tha được và cần phải trấn áp ngay của vụ bạo động 26-27/6/97. Sự thật được che giấu tệ hại cỡ ấy.

Thật ra thì họ đã dựng “hiện trường giả” để vu vạ dân đập tượng Bác Hồ, họ đưa một bức tượng thạch cao đã vỡ đang để trong kho ra đặt ở gậm bàn hình bầu dục giữa Hội trường. Còn bức tượng Bác Hồ thì vẫn còn ở nguyên trên bục sát tường. Kết quả của cuộc khảo sát được tôi gửi thẳng cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau này ông nhận xét: “Đây là một trong những báo cáo đúng và hay nhất mà tôi được biết, được nghe”.

Biết tin, Cố vấn Phạm Văn Đồng gọi tôi đến trình bày. “Thưa, đây không là mâu thuẫn địch-ta gì cả, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”, tôi nói.

Cụ Đồng nghe, chỉ đập tay khe khẽ xuống bàn, vì lúc đó cụ nhìn không rõ nữa. Rồi cụ nghiêm giọng, nói: “Không có mâu thuẫn nội bộ nhân dân nào ở đây cả. Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những nhà cầm quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất, đè nén áp bức khiến dân không chịu được; và bên kia là dân không chịu được nên đã nổi dậy đấu tranh.”… “Phải phân tích đúng như vậy mới tìm được giải pháp đúng”.

Quả vậy, nông dân và ruộng đất là cả đại vấn đề. Nó vẫn còn nguyên vẹn đó từ cuối những năm 40, Qua Ninh và Vân Đình đã đặt ra trong “Vấn đề dân cày”. Tôi nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp ông gọi tôi đến trao đổi về Bản báo cáo Thái Bình. Ông trầm ngâm, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp sớm nhất.

Sau đó, đúng là ông đã thu xếp được ba buổi, một tiếng ở Cửa Lò năm 1988 và một ở tại nhà riêng của ông năm 1990. Còn buổi thứ ba thì chỉ được năm phút:

“Tôi vẫn chưa quên cái đề tài mà anh trình bày với tôi ở bãi biển Cửa Lò dạo ấy”. Ông đứng dậy nắm tay tôi bước chậm rãi ra khỏi cửa phòng khách. Dừng lại ở bậc thềm ông nói đủ cho tôi nghe: “Anh vào nói Sáu Dân về nhà mà nằm!”. Tôi sững lại, thoáng rùng mình, một cảm giác buốt lạnh chạy suốt sống lưng. Xúc động, tôi nhìn vào mắt ông. Ánh mắt vừa trang nghiêm, vừa hiền hậu hình như đang dành cho tôi. Là tôi cảm thấy thế! “Vâng, thưa Anh, tôi hiểu, tối nay tôi bay vào ngay”.

Tôi không giấu được nhịp tim đập mạnh, nghẹn ngào một cảm xúc khó tả. Tôi những muốn ôm chặt lấy Đại tướng khi chia tay. Nhưng rồi kìm lại được, chỉ nắm thật chặt tay ông và quay đi. Bước mấy bước, tôi ngoái lại, ông vẫn đứng đó với nét cười trìu mến. Từ trong phòng bước ra, anh Huyên rảo bước đến để đưa tôi ra cổng. Im lặng bước bên tôi, anh chỉ nói: “Thôi anh về nhé, hẹn gặp nhau vào dịp khác anh ở lại được lâu hơn”. Chia tay anh, tôi hiểu rằng câu anh nói qua điện thoại tối qua: “Chính tôi cũng không thật rõ đâu, anh Văn muốn gặp anh có việc gì đó” là đúng như vậy…

Sáng sớm hôm sau đến bệnh viện, bước vào phòng, thấy ông Sáu Dân đang nằm nói chuyện với bác sĩ, tôi dừng lại ở cửa. Ông Sáu cười chào tôi khi bác sĩ rời giường bệnh bước ra. Nắm bàn tay hơi nóng và nhơm nhớp mồ hôi của ông, tôi hỏi thăm sức khỏe, ông cười: “Khá lên rồi”. Tôi cúi sát vào ông nói khẽ lời nhắn gửi của Đại tướng. Ông hỏi: “Anh ra Hà Nội lúc nào, vừa về à?”. “Vâng”, tôi đáp “và cũng chỉ để chuyển có một câu ấy thôi”. Ông lại cười, bình thản: “Thôi được, hôm nay tôi về. Bấy giờ anh về nghỉ đi, lúc nào thong thả sang tôi nói chuyện, mà chẳng cần vội đâu”. Chiều hôm ấy ông xuất viện. Hình như là quãng tháng 9 năm 2006, tôi không nhớ chính xác.

Trong buổi nói chuyện đó tôi kể khá tỉ mỉ thực trạng nông thôn với vấn đề đất đai và vấn đề dân chủ ở làng xã hiện nay. “Phép vua thua lệ làng” được, là vì “Làng là tế bào của xã hội Việt Nam. Xã hội Việt Nam là sản phẩm của tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người dân Việt trồng trọt. Hiểu được làng Việt là có trong tay cơ sở tối thiểu và cần thiết để tiến lên hiểu xã hội Việt nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung trong sự năng động lịch sử của nó, trong ứng xử cộng đồng và tâm lý tập thể của nó, trong các biểu hiện văn hóa của nó, cả trong những phản ứng của nó trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó”.

Chúng ta đang chứng kiến “những phản ứng của làng xã” trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó.

Mô hình văn hóa “làng họ” ăn sâu vào tâm thức và thế ứng xử của người nông dân, đặc biệt là nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Trong các thiết chế của làng xã cổ truyền, làng-họ là mối liên hệ đặc trưng. Hệ thống thân tộc, các phe giáp, mối quan hệ người cùng làng đã phần nào tạo ra đời sống ổn định, trung hòa bớt những đối kháng trong xã hội. Cái cơ cấu làng-họ với những thiết chế cổ truyền ấy tưởng đã bị xóa bỏ để thay vào đó thiết chế quyền lực mới: Đảng và Chính quyền ở xã. Trong thực tế, ảnh hưởng của thiết chế bền vững xưa kia không tan biến mà chỉ chìm sâu xuống mà thôi. Một khi uy lực và tín nhiệm của bộ máy quyền lực hiện thời bị lung lay thì sức mạnh của thiết chế cũ lại trỗi dậy. Không thấy điều này, sẽ không tìm ra được những giải pháp mang tính bền vững trong việc xây dựng nông thôn mới, lại là nông thôn đang hướng tới sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Thổi bùng lên ngọn lửa từ lâu âm ỉ là thiếu sót của một bộ phận khá lớn những cán bộ cấp cơ sở và những xử lý không đúng của các cấp trên của họ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý và kỷ luật một số cán bộ có sai lầm khuyết điểm mà thôi thì chưa đủ. Ðiều ấy là tuyệt đối cần thiết để yên lòng dân, song chưa giải quyết được tận gốc những nguyên nhân tích lũy, sự bùng nổ lại tiếp tục có thể diễn ra. Vì, tiếp theo sau sự sa thải hoặc kỷ luật những cán bộ có sai lầm, những người mới được bổ nhiệm sẽ lại tiếp tục hoạt động trong cái cơ chế vốn là nguyên nhân của sự tham nhũng, lộng quyền, thiếu dân chủ, không đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực thi chức năng nhà nước tại cơ sở, thì con đường dẫn đến sai lầm của lớp cán bộ mới này là không tránh khỏi. Tôi dẫn ra ví dụ về manh động và bạo lực: “Ngày 8 tháng 6 năm 1997, chừng 300 thanh niên tuổi từ 13 đến 17 đã trói Chủ tịch và Bí thư xã Quỳnh Hoa, dong lên huyện dưới trời mưa mà không cho đội mũ. Họ phá cổng Ủy ban huyện làm Chủ tịch huyện phải bỏ chạy. Họ hạ nhục bằng những câu hỏi khiêu khích: “Vì sao mà “giàu lên nhanh thế”, mà “chóng béo” đến thế?”

Khoảng 10 ngày sau, sự kiện bị đẩy lên đến cao trào bằng việc đốt phá đêm 26 rạng 27/6/97 tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ. Rồi sau Quỳnh Phụ, một loạt các huyện khác đã nổ ra đấu tranh dưới nhiều hình thức kể cả biểu tình, khiếu kiện như ở Ðông Hưng (xã Ðông Cường) lẫn tấn công bằng bạo lực vào các cán bộ xã bị coi là phần tử tham nhũng. Thái Thịnh, Thái Tân và Mỹ Lộc của huyện Thái Thụy là đỉnh cao của những cuộc tấn công bằng bạo lực. Phần đông các cán bộ xã bị tấn công đã phải trốn chạy. Đài phát thanh và truyền hình của tỉnh thì như lửa đổ thêm dầu khi chỉ lên án một chiều những hành động quá khích và những cuộc dân biểu tình kéo lên huyện là “do địch xúi giục”.

Sự xuất hiện của chó becgiê, vòi rồng phun nước và hành động bạo lực làm cho dân nổi giận thêm: “Trước 500 công an, với 3 xe vòi rồng, dùi cui lá chắn, dân bảo nhau chuẩn bị, nếu bị phun nước thì cả đàn ông, đàn bà sẽ cởi hết quần áo ra tắm. Công an ném 10 quả lựu đạn cay, dân phá hỏng một xe vòi rồng trong tiếng kêu “Thế này thì dân chết mất”, lại có tiếng “Thà chết còn hơn sống khổ”. Cuộc đối đầu bằng bạo lực đã nổ ra, máu đã đổ. Công an bị thương 9, 10 người, dân bị thương vài chục. Công an bị thương được đưa vào bệnh viện, nhưng dân bị thương thì không vào bệnh viện vì sợ bị phát hiện, nên khiêng về làng tất. Họ kêu gọi tinh thần cố kết cộng đồng làng xã vẫn tiềm ẩn sâu kín trong tâm thức của người của làng xã, buộc mọi người phải tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng theo cách nghĩ và cách làm của họ: ai không đi biểu tình, khiếu kiện thì tùy, nhưng nhà có người chết đừng có gọi dân khiêng, có cháy nhà đừng gọi người dập lửa. Phương thức đấu tranh ấy, chính là sự quay trở về với “lệ làng”, mà buộc “phép vua” xưa kia đã phải thua. Phải thấy cho ra mặt tích cực và cả mặt tiêu cực ở đây.

Sau này, khi đã từ chức Viện trưởng và về hưu sớm sống tại Sài Gòn, tôi vẫn không quên được những bà con Thái Bình, Bảo Lộc (trong cuộc Khảo sát Xã hội học ở Tây Nguyên những năm còn Fulro), Nam Định, Ninh Bình trong các cuộc Khảo sát Xã hội học với giáo sư François Houtart (người Bỉ) tại xã Hải Vân và giáo sư Charles Hirschman (người Mỹ) trong một công trình nghiên cứu theo kiểu “panel survey” trong ba năm, đáng tiếc là sau khi tôi từ chức thì phải bị bỏ dở.

Cầm trong tay cuốn sách của GS Houtart tặng, tôi nhớ như in nét mặt đôn hậu và cảm tình sâu lắng của vị học giả đáng kính dành cho Việt Nam. Những ngày tôi đến làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Ba Châu CETRI (Centre Tricontinental) để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm về cách tổ chức độc đáo trong sinh hoạt và làm việc của một tổ chức nghiên cứu độc lập văn minh, hiện đại thấm đẫm tính nhân văn của người sáng lập. Hình ảnh của Charles Hirschman, người bạn Mỹ thân thiết của tôi cũng có những nét dáng tương tự. Tôi đã đến thăm nhà của Hirschman, gặp ông cụ thân sinh của anh và khi đến Việt Nam, Hirschman đã đưa Cụ đến thăm nhà tôi, cụ thoải mái vui vẻ như gặp người thân, hỏi đủ chuyện, thoải mái ngả lưng ngủ trưa trên đivăng, rồi đòi tôi đưa đi ăn phở Hà Nội. Vì tôi đã kể chuyện tại nhà Hirschman là dự án dân số của UNDP tài trợ được thảo luận giữa tôi và Terence Hull tại sân chùa Tây Phương và cụ đã thích thú nghe từ dạo ấy nên Cụ hỏi có đưa Cụ lên thăm chùa Tây Phương được không? Ngạc nhiên vì câu hỏi đó, càng quý tấm lòng ông già người Mỹ. Tiếc là hôm ấy Hà Nội mưa nên không đi chùa được vì đường trơn.

Có dịp ra Hà Nội, tôi lại cùng vài bạn thân ở Viện xuống lại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình thăm hỏi bà con. Đó là những chuyến đi tình nghĩa rất thú vị. Ở Sài Gòn, tôi lên thăm lại Linh mục Giao ở nhà thờ Bảo Lộc, người xem tôi như một người bạn thân thiết, sau khi đã e ngại trong buổi đầu gặp mặt. Tôi đặc biệt nhớ đến bà con giáo dân di cư năm 1954 vẫn giữ nguyên giọng Bắc với những phong tục, “nếp nhà” truyền thống rất đậm đà như gia đình anh Nguyễn Văn Tự, nơi chúng tôi được mời về ở trong những ngày công tác, và rồi Tự vẫn gửi thư từ thăm hỏi. Đau đớn là Linh mục Giao đã qua đời vì tai nạn giao thông.

Từ Bảo Lộc tôi lên Đà Lạt, trở lại với ngôi trường tôi được mời lên thỉnh giảng năm 1976. Cảnh trí vẫn cổ kính, u tịch và đẹp như xưa, đáng tiếc là vắng bóng học sinh, cũng là vắng nguồn mạch của sự sống nơi đây như ngày tôi đến dạy học. Cô nữ sinh nêu ấn tượng về Anna Karenina của Lev Tolstoi trong buổi gặp học trò mà tôi đã kể ở phần trước chắc đã là bà nội, bà ngoại rồi. Có lẽ đây là dịp nghỉ hè thì phải. Ngôi trường càng đẹp trong sự tĩnh lặng và hoài niệm. Hoài niệm cái gì?

Hoài niệm một thời trai trẻ cách nay hơn nửa thế kỷ. Ấy vậy mà ngôi trường thì vẫn thế. Tôi thầm cám ơn những người đã giữ gìn vẻ đẹp của ngôi trường được kiến trúc sư người Pháp Paul Moncet thiết kế và xây dựng từ năm 1927 và hoàn thành vào năm 1941 từng được mang tên Lycée Yersin để tưởng nhớ tới bác sĩ Alexandre Yersin, một bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ có công khai sinh ra thành phố Đà Lạt. Những kỷ niệm lắng sâu ấy như một dòng chảy liên tục trong hồi ức về những chuyến đi.

Tôi nhớ những người chàng thanh niên hừng hực lửa sống đã từng cùng đi như Phạm Xuân Đại, Trịnh Hoà Bình, Hoàng Đốp, Bế Viết Hậu nay chỉ còn hai, Đốp và Hậu đã qua đời. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, trợ lý của Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng muốn cùng đi để có dịp tham quan các tỉnh biên giới trong lộ trình chúng tôi đi thực hiện một khả sát nhanh tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La. Anh Nam có xe riêng, mời hai trong chúng tôi sang ngồi cùng cho vui chuyện. Anh Bế Viết Đẳng, Viện trưởng Viện Dân tộc học, thân sinh của Hậu, đã mời chúng tôi ghé nhà làm một bữa rượu tuý luý theo phong tục người Tày. Tôi nhớ nhất Nguyễn Xích Việt, người lái xe tuyệt vời đã liên tục 13 năm cùng tôi rong ruổi trên các nẻo đường cát bụi, vượt đèo Mã Pì Lèng nhiều bận, chúng tôi được ngắm con sông Nho

Quế nhiều lần qua cửa xe Land Cruiser đang chênh vênh trên miệng vực.

Có lúc Việt phải dìu rồi kéo tôi lên dốc như chuyến khảo sát về “di vén dân” ở Sông Đà. Trong chuyến thăm và làm việc ở Hà Giang, tôi hụt hơi vì leo dốc lên đỉnh Lũng Cú. Khi thực hiện cuộc khảo sát ở Miền Trung, từ Đà Nẵng phải đi máy bay nên Việt cùng xe ở lại. Chúng tôi thực hiện một hành trình ngược lại: từ Cà Mau lùi dần lên Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh và Cần Thơ.

Để đến Cà Mau, lần đầu tiên đi “tắc ráng” xé sóng vùn vụt, tạo nên một cảm giác mới lạ thật thú vị. Cũng là lần được cảm nhận vẻ đẹp sông nước của miền Tây Nam bộ. Nhớ câu thơ Xuân Diệu, hay thì tôi không nghĩ là hay, đứng được là nhờ một hình tượng đẹp:

Tổ quốc tôi như một con tàu,

Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau

Tôi thú cái hình ảnh dân dã của người lội nước trồng đước giữ bùn thuở mở đất hơn

Đến đây lạ xứ, lạ làng

Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh…

Nhưng rồi mọi việc cũng được thu xếp ổn thoả theo đúng quy luật của cuộc đời

Rừng U Minh có nhiều củi lụt
Gái U Minh vừa hiền thục, vừa xinh
Đó với đây như bóng với hình
Nếu đó mà ưng thuận, đây xin trình song thân

Đương nhiên nét thô mộc dân dã không thay thế được sự tinh luyện của ngôn ngữ thơ. Càng phải phải trân trọng nhà thơ đã khuất núi. Bài thơ của ông làm tháng 10.1996, cách ngày thống nhất đã 20 năm, lời thơ của ông đã đồng hành cùng lịch sử để hôm nay chúng tôi, những người Hà Nội, lướt sóng đến Cà Mau trong niềm xúc cảm mà ông đã viết cách nay ba thập kỷ:

Nơi xa nhất là nơi gần nhất:
Mũi Cà Mau, mũi Cà Mau trước mắt!

Tôi đứng trước tấm panô ghi rõ MŨI CÀ MAU với một chú bé vừa lội bùn bắt cá, trồi lên nhìn chúng tôi. Tôi rủ chú cùng chụp ảnh. Chú vui vẻ đứng cạnh, vừa nhìn ống kính máy ảnh tự động, vừa nhắc: rồi bác nhớ gửi hình cho cháu đấy. Hỏi gửi về đâu thì cháu nhanh nhẩu trả lời: “Cứ gửi về trường cháu ấy, thầy giáo trực trường sẽ chuyển cho cháu. Đây, cháu vừa bắt được mấy con cá đem biếu thầy để trưa nay thầy nấu canh một nửa kho tiêu một nửa”. Chưa kịp hỏi thêm thì cháu đã vội chạy đi để tiếp tục lội bùn, bắt cá. Một “Chử Đồng Tử” của Miền Đất Mũi đây!

Tôi đã hỏi được tên trường và gửi ảnh cho cháu, cháu viết thư trả lời ngay. Cầm lá thư viết chữ nguệch ngoạc của cháu mà tôi xúc động chảy nước mắt.

Xuân Diệu nói đúng “nơi xa nhất là nơi gần nhất”. Cho nên khi tôi “Xốn xang nỗi nhớ Hà Nội” chính là xốn xang về những hồi ức mà tôi gửi vào trong “Nỗi nhớ Hà Nội”, nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những sự kiện, những hiện tượng để lại dấu ấn trong tôi, hơn nửa đời người sống với Hà Nội.

Có lần tôi hỏi Trịnh Công Sơn “Bài đầu tiên anh viết khi đến Hà Nội có câu “Nhớ đến một người. Để nhớ mọi người” thì “một người” đó là ai?”. Sơn không trả lời chỉ nâng ly rượu mời tôi uống và nói bâng quơ: “Trong bài đã nói rồi đó thôi”, mắt anh nhìn xa xăm. Tôn trọng sự tĩnh lặng trầm mặc của người nghệ sĩ mà tôi yêu mến, tôi không hỏi thêm. Mà hỏi làm gì cơ chứ! Để thoả mãn tính tò mò? Để khoe với ban bè và giới hâm mộ mình biết bí mật của nhà nghệ sĩ ư! Có người có vẻ thông thạo, khẳng định “một người” đó là Văn Cao.

Tác phẩm nghệ thuật có đời sống riêng của nó, câu đó thì đúng là của Văn Cao, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ đáng được gọi là thiên tài ấy, tinh hoa của Hà Nội. Và người cảm thụ nghệ thuật cũng có quyền năng riêng của nó tuỳ theo sự rung cảm và thăng hoa của cảm xúc.

Với tôi, cảm thức nhớ đến một người, để nhớ mọi người” trong “Xốn xang nỗi nhớ Hà Nội” vừa riêng tư trong sâu lắng và tĩnh lặng, vừa bàng bạc phủ kín cả những góc khuất của tâm hồn. Như cách giải thích của Nguyễn Tuân, một người Hà Nội đích thực khác: “Các anh bây giờ, đụng đến cái gì cũng vội vã chỉ ra nguyên nhân rồi dài dòng giải thích, cứ như chung quanh mình toàn một lũ thất học vậy. Tôi nói cái hiện hữu, nói cái cảm xúc mà cái hiện hữu ấy gây ra”. Mà đã nói đến cảm xúc tức là nói cái riêng tư. Đã là “riêng tư” thì sao người khác lại cứ thô bạo xông vào! Không có cái riêng tư thì chắc là cuộc sống chẳng nên gọi là sống. Nhưng cuộc sống thì lại đầy rẫy những nghịch lý. Muốn sống, phải vượt lên trên những nghịch lý ấy. Cho nên,

Đàn kêu tưng tửng từng tưng
 Con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu

Bông hoa xúc phạm con sâu
 Con cá xúc phạm lưỡi câu ao nhà…

Ngày 5. 11. 2021

T. L.

Tác giả gửi BVN

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người

Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và trong nhà

Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang ngồi

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

Có thể là hình ảnh về đang đứng, tượng đài và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về thiên nhiên

Có thể là hình ảnh về thủy vực

Có thể là hình ảnh về 1 người và đang chơi nhạc cụ