Xung đột lợi ích trong giáo dục

Thái Hạo

Rất nhiều người, kể cả các nhà quản lý hay đại biểu, vẫn cứ lặp đi lặp lại mãi cái lý lẽ rằng, tại sao các ngành khác được làm thêm mà giáo viên lại không được dạy thêm!

Trả lời: Vì nó xung đột lợi ích. 

Không ai làm quản lý mà lại được quyền không biết đến nguyên tắc tối thiểu này. Xung đột lợi ích là gì? Là khi học trò anh đi thi trong một cuộc tranh tài với học sinh các trường khác mà anh lại là thành viên ban giám khảo; là khi anh làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước nhưng lại mua vật tư từ một công ty do vợ anh làm chủ... Trong những tình huống như thế anh dễ ra một quyết định có lợi cho bản thân, thay vì đảm bảo tính công bằng hoặc đảm bảo lợi ích chung.

Không ai đề nghị cấm giáo viên làm thêm hay dạy thêm cả, vấn đề làm gì, làm với ai và ở đâu. Anh là một giáo viên Văn dạy giỏi, ngoài thời gian ở trường, anh đi dạy viết cho một đội ngũ làm marketing của một công ty, thì ai dở hơi mà đòi cấm anh! Còn khi anh dạy thêm chính học sinh mà anh đang dạy trên lớp, anh có muôn vàn cách lùa các em về nhà mình để dạy thêm mà không một bộ máy quản lý nào có thể giám sát nổi: bớt kiến thức, dạy qua loa trên lớp, trù dập, thiên vị, phân biệt đối xử, v.v.

Về định nghĩa, tôi đọc và lược lại cho mọi người vài nét chính, ai muốn đọc kỹ hơn thì tìm sách hoặc search Google. Xung đột lợi ích (Conflict of Interest) là sự đối lập, mâu thuẫn, thậm chí là loại trừ lẫn nhau trong các mối quan hệ có liên quan đến lợi ích. Xung đột lợi ích xảy ra khi một người hoặc tổ chức trở nên không đáng tin cậy do xung đột giữa lợi ích cá nhân và nhiệm vụ hoặc trách nhiệm nghề nghiệp, làm nảy sinh nghi vấn liệu hành động, phán đoán hoặc việc ra quyết định của họ có công bằng hay không. Xung đột lợi ích và hành vi tham nhũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể nói xung đột lợi ích là một trong những nguyên nhân khởi nguồn của hành vi tham nhũng. Nếu xung đột lợi ích không được kiểm soát thì dễ dẫn đến hành vi tham nhũng.

Trong các hoạt động công vụ (dạy học là một hoạt động như thế), để tránh xung đột lợi ích thì nguyên tắc về công bằng, vô tư, phải được đặt lên hàng đầu. Mà muốn thế, phải ngăn ngừa các tình huống xung đột lợi ích, không cho chúng tồn tại.

Giáo viên vừa dạy học sinh của mình trên lớp (chính khóa) nhưng lại vừa được phép dạy thêm chính những học sinh ấy ở nhà, thì đó là một dạng xung đột lợi ích điển hình. Vì lợi ích của mình (điểm số, thành tích, tiền bạc...), giáo viên ấy có thể ra những quyết định hoặc có những hành động thiếu công bằng, không vô tư và không trong sáng. Nhất là trong trường hợp này, nó sẽ là đặc biệt nghiêm trọng bởi vì học sinh là những người yếu thế và phụ thuộc hoàn toàn.

Xung đột lợi ích là một tình huống chứ không phải là hành vi, tuy nhiên đa số các tình huống xung đột lợi ích đều có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật, vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp tới việc ra quyết định của chủ thể, do lợi ích cá nhân của họ chi phối. Bởi thế, do tính chất của nó, việc “phòng bệnh” phải được đặt lên hàng đầu. Không một tổ chức hay phương pháp quản lý nào khi nhìn thấy những tình huống xung đột lợi ích mà lại để nó tồn tại và đợi sau này đi giải quyết hậu quả, trừ trường hợp là ngu ngốc hoặc có động cơ xấu.

Các ngành nghề và những mối quan hệ khác nhau sẽ có tính chất khác nhau, do đó việc được làm thêm hoặc thực hiện các hành động nào đó phải được xem xét cụ thể xem có xung đột lợi ích hay không, chứ không phải đưa ra cái lý lẽ hết sức vu vơ rằng tại sao ngành nọ được mà ngành kia lại không. Ví dụ, một kế toán của một doanh nghiệp điện lực nhà nước hoàn toàn có thể làm thêm cho một cửa hàng bán bánh kẹo nào đó mỗi tuần 1 giờ chẳng hạn, nhưng anh ta không được làm thêm cho một công ty đang cung cấp vật tư điện cho chính công ty của mình.

Giáo viên mà dạy thêm thu tiền học sinh của chính mình thì khác gì vừa làm huấn luyện viên, vừa làm cầu thủ, kiêm luôn trọng tài! Không ai quản lý được “đạo đức nghề nghiệp" của hàng triệu giáo viên khi để họ ở trong một tình huống xung đột lợi ích hiển nhiên như thế. Bởi, chỉ một ánh mắt, một giọng nói, một lời nhận xét “bất thường” thôi, cũng đủ khiến học sinh phải vác sách tới nhà cô để học thêm. Ai quản lý được ánh mắt giáo viên, thưa Bộ trưởng?

Giáo viên dạy thêm sẽ là không sao cả, nếu họ không dính dáng gì tới việc ra quyết định về điểm số (lợi ích - kết quả học tập ở trường) của học sinh mà họ dạy. Như thế, sẽ không có xung đột lợi ích nếu họ không có chân trong hệ thống giáo dục, mà thay vào đó, tự thành lập công ty/trung tâm để dạy theo hình thức tư nhân. Trong trường hợp ít tốt hơn, đó là khi họ không dạy học sinh lớp mình, trường mình (mà chỉ dạy học sinh ở trường khác). Tuy nhiên, dù điều này tạm ổn nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần bàn sâu, như về trách nhiệm đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình quốc gia của bộ chủ quản, về việc dạy trước chương trình, về việc tạo ra sự chồng chéo trong công tác giáo dục, v.v. Bảo đảm chất lượng của việc thực hiện chương trình giáo dục quốc gia là trách nhiệm đương nhiên của ngành giáo dục, còn nếu học sinh muốn học thêm cái gì khác thì ra ngoài – tìm đến những chỗ tư nhân không có liên quan gì đến nhà trường và giáo viên chính khóa cả.

Hậu quả của việc để xung đột lợi ích tồn tại, hay tệ hơn nữa là tạo ra các tình huống xung đột lợi ích (như việc cho phép nhà trường và giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình) là vô cùng to lớn và không thể lường hết được. Một quyết định như thế phải bị bãi bỏ ngay từ đầu, chứ không phải tìm mọi cách biện minh cho bằng được, như cái cách mà ông Bộ trưởng và Bộ Giáo dục đang cố nói lấy được.

Tóm lại, như đã nói, đối với xung đột lợi ích thì giải pháp đầu tiên và kiên quyết là phải loại trừ, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; thứ hai là cần có các chính sách phúc lợi minh bạch và đủ tốt; thứ ba, trong những trường hợp cụ thể, phải xem có sự chi phối của nhóm lợi ích hoặc các động cơ bất minh nào đó hay không mà cứ khăng khăng “bảo tồn” một tình huống xung đột lợi ích hiển nhiên, như trong việc dạy thêm này.

T.H.

Tác giả gửi BVN

Thưa Bộ trưởng, làm sao ông biết được trong cả triệu giáo viên đang dạy học mỗi ngày, ai vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ai không? Khi mà chỉ cần một ánh mắt, một giọng nói đổi khác, một lời nhận xét mát mẻ..., đã khiến học sinh sợ hãi và phải cắp sách đến nhà thầy cô để học thêm? Ông sẽ đến rình trước cửa nhà giáo viên mỗi đêm để chấm điểm đạo đức của họ ư? Thú thật, nhìn ông, và nghe ông nói, tôi chỉ thấy ngao ngán. Tôi đã nhiều lần đề nghị đối thoại, các vị có sẵn lòng không?

Có thể là hình ảnh về văn bản