Nguyễn Minh Hoàng - Nhà công tác xã hội và phát triển cộng đồng
Tôi vừa đi khảo sát một số trường học ở một huyện miền núi phía tây Nghệ An để làm dự án.
Đập vào mắt tôi là hình ảnh những căn bếp tạm bợ xập xệ, xuống cấp với mái lợp bằng tôn hoặc fibro-cement thủng lỗ chỗ do hết niên hạn sử dụng, còn vách gỗ hở tứ phía do co ngót, mối mọt và mục nát. Có cả căn bếp phải che chắn bằng vải bạt vì vách gỗ cũng không còn.
Những căn bếp tuềnh toàng như vậy hoàn toàn không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ dây chuyền một chiều cho đến tủ lưu trữ thực phẩm, bàn sơ chế, dụng cụ chế biến và nấu nướng, cấp thoát nước...
Vệ sinh, an toàn thực phẩm và những khó khăn về cơ sở vật chất là vấn đề của không ít địa phương, không chỉ ở nơi xa xôi hẻo lánh, mà diễn ra ngay tại các thành phố lớn. Rất nhiều sự việc tiêu cực liên quan đến bữa ăn của học sinh đã bị phát hiện. Thậm chí có cả vụ cho thuốc trừ sâu vào thức ăn của học sinh vì tranh chấp quyền nấu ăn tại một trường học ở Sơn La năm 2023. Ở cấp học lớn hơn, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng phải ăn "cơm thừa canh cặn".
Báo cáo gần đây của Bộ Y tế cho thấy, trong 5 năm qua, mỗi năm cả nước xảy ra trung bình 100 vụ ngộ độc thực phẩm với 23 trường hợp tử vong. Trong 5 tháng đầu năm 2024, có 36 vụ ngộ độc với 1.000 người bị ảnh hưởng được ghi nhận.
Nhưng đây chỉ là một phần của câu chuyện lớn hơn về bữa ăn trường học.
Tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XV vừa qua, một đại biểu Quốc hội đã nêu những bất cập của Nghị định số 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học sinh ở các địa bàn khó khăn. Ví dụ nêu ra là một học sinh tiểu học nhà cách trường 3,9 km thì không được nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa, trong khi em khác ở cách trường 4 km thì được hỗ trợ. Điều này dẫn đến thực trạng mà đại biểu mô tả là "em thì ngồi gốc cây, em thì vào lớp học để ăn, trông rất phản cảm" khi đến bữa. Bất cập đại biểu nêu liên quan đến quy định về khoảng cách từ nhà tới trường để được hưởng hỗ trợ (bao gồm ăn trưa) của nhà nước cho học sinh bán trú: từ 4 km trở lên với cấp tiểu học, từ 7 km trở lên với cấp trung học cơ sở, và từ 10 km trở lên với cấp trung học phổ thông.
Phản hồi, Bộ trưởng Giáo dục cho biết đã xây dựng dự thảo nghị định mới nhằm khắc phục những tồn tại của Nghị định 116, và đang xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện.
Ngoài ra, theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, nhà nước mới chỉ hỗ trợ bữa ăn cho nhóm trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (3 tuổi trở lên) thuộc 5 nhóm đối tượng (tiêu chí) trong đó có đối tượng nghèo/cận nghèo. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi cũng quy định 5 nhóm đối tượng tương tự. Như vậy nhóm trẻ dưới 3 tuổi hoặc không thuộc 5 nhóm đối tượng này sẽ không được hỗ trợ bữa ăn trưa. Trong khi đó, số lượng hộ nghèo/cận nghèo ở mỗi địa phương có tính biến động cao. Một gia đình có thể trở thành hoặc tái nghèo/cận nghèo sau một trận thiên tai hoặc có người bị ốm đau, tai nạn, trong khi việc cấp giấy chứng nhận thường có độ trễ vì mỗi năm chính quyền địa phương bình xét và cấp giấy một lần.
Bằng chứng cho những bất cập này là việc trường học mà tôi đến khảo sát đề nghị triển khai hỗ trợ bữa ăn cho nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Nhiều em ở trường này thuộc các gia đình nghèo/cận nghèo và là người dân tộc thiểu số. Cha mẹ các em không có khả năng đóng tiền ăn cho con nên phải tranh thủ đón về nhà ăn trưa rồi chiều lại gửi đến trường dù bận lên núi làm nương.
Khoảng trống chưa được lấp có thể dẫn đến cảm giác về sự vô cảm của chính sách từ góc nhìn của những đối tượng yếu thế và nằm ngoài phạm vi bao phủ. Trẻ em thơ ngây chưa hiểu chính sách là gì, tiêu chuẩn như thế nào. Nhưng các em có thể cảm thấy bị phân biệt đối xử và bị bỏ rơi khi so sánh với các bạn.
Việt Nam hiện phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng: vẫn còn 18,5% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, trong khi tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em lại gia tăng. Việc xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng để chung tay giải quyết các thách thức về dinh dưỡng là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là vai trò của nhà nước trong việc xây dựng các chính sách có tính chất bao trùm để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau như những câu chuyện trên.
N.M.H.
Nguồn: vnexpress.net