Hãy bắt đầu cách mạng từ một tỉnh

Lưu Trọng Văn

1.

“Là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.”

TBT Tô Lâm là lãnh đạo đầu tiên của VN đã dùng từ “cách mạng” chứ không chỉ cải cách, đổi mới, thay đổi, đột phá khi đề cập đến việc tinh gọn tổ chứ bộ máy của hệ thống chính trị tức là bao gồm bộ máy nhà nước, bộ máy đảng cùng các tổ chức hội đoàn quần chúng.

Tuy “cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” với “cách mạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” là cấp độ khác nhau, nhưng với hai chữ “cách mạng”dù chỉ là “tinh gọn”cũng đã là cách nhìn,tầm nhìn chưa từng có về lĩnh vực cơ cấu tổ chức nhà nước và hệ thống chính trị ở VN rồi.

Tuy vậy, cái tinh thần “cách mạng” ấy cũng không dễ gì lan toả thành làn sóng tới từng lãnh đạo các cấp để tạo được nguồn năng lượng mạnh mẽ đột phá cơ cấu tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị cũ, cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả.

Phải hiểu ý nghĩa của “Kỷ nguyên mới” là gì, tầm vóc ra sao, thì mới thấy thực chất cuộc “cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” có ý nghĩa dù chỉ mới là bước khởi đầu thế nào.

Rõ ràng nếu với một đầu máy cồng kềnh, đường ray xập xệ thì cái đích đến Kỷ nguyên mới sẽ còn xa lắc.

2.

Kinh nghiệm thực tiễn các cuộc đổi mới mang tính “cách mạng”về kinh tế ở nước ta thành công đều bắt nguồn từ cơ sở.

-Khoán nông nghiệp từ Vĩnh Phú, Hải Phòng.

-Phá bỏ quan liêu bao cấp rồi mở cửa tư nhân hoá từ Sài Gòn.

Những cuộc cách mạng kinh tế này từ địa phương gặp muôn khó khăn, nhưng rồi đã thành công nhờ những lãnh đạo đất nước lúc đó thừa nhận sai lầm của mình mà ủng hộ cái tích cực.

Cuộc “cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”hôm nay thuận lợi cho các cơ sở, địa phương rất nhiều vì nó là chủ trương của lãnh đạo cao nhất của đất nước. Nhưng có thể sẽ có nhiều cơ sở, địa phương lại e ngại, rụt rè thậm chí có nơi kiên trì bám theo đường mòn cũ cho hết nhiệm kỳ yên thân.

Vậy thì nên chăng TBT Tô Lâm trực tiếp chỉ đạo một bí thư tỉnh uỷ của một tỉnh nào đó để làm thí điểm cuộc “cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”này. Một nhà báo tên tuổi đề nghị làm thí điểm ở Hà Nội, hoặc TP Hồ Chí Minh, hoặc Đà Nẵng. Gã đề nghị làm thí điểm ở một tỉnh nhỏ, không tiềm năng, thế mạnh gì đặc biệt như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên hoặc Hải Dương.

3.

Tinh gọn thế nào ở một cấp tỉnh? Sau đây là một vài kiến nghị.

-Nhất thể hoá lãnh đạo cao nhất ở tỉnh, bí thư tỉnh uỷ đồng thời là tỉnh trưởng(chủ tịch tỉnh) theo mô hình tỉnh trưởng do tổng bí thư đảng đồng thời là chủ tịch nước chọn lựa và bổ nhiệm như thành viên của Nội các.

-Nhất thể hoá phó bí thư thường trực tỉnh uỷ là phó tỉnh trưởng thường trực do tỉnh trưởng bổ nhiệm.

-Toàn bộ nhân sự “thành viên nội các”tỉnh do tỉnh trưởng chọn và bổ nhiệm.

-Giải tán hoặc nhập các ban ngành nào của tỉnh uỷ chồng chéo chức năng vào các sở, ngành quản lý nhà nước để thực hiện chức năng quản lý duy nhất của nhà nước cấp tỉnh dưới sự lãnh đạo duy nhất của tỉnh trưởng.

-Sáp nhập các sở, ban ngành của tỉnh theo cùng ngành chức năng.

-Đặc biệt thành lập sở Nội vụ bao gồm ban nghĩa vụ quân sự làm nhiệm vụ tuyển quân, ban tổ chức của tỉnh uỷ, và các ban chức năng của sở nội vụ hiện hành.

-Giải thể hệ thống Ban chỉ huy quân sự địa phương. Thay vào đó là thành lập các trung đoàn, sư đoàn chuyên nghiệp, tinh nhuệ,không nhất thiết tỉnh nào cũng có, dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp quân đoàn hoặc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng.

(Việc tuyển quân do sở Nội vụ địa phương chọn tuyển.)

-Sở Công an theo mô hình các đồn cảnh sát quản lý an ninh vùng, không trực thuộc các địa phương mà trực thuộc lãnh đạo duy nhất ngành dọc. Đồn cảnh sát tuỳ từng cơ số dân cư, chất lượng dân cư và địa lý vùng mà thành lập đồn. Một đồn cảnh sát có thể quản lý an ninh nhiều xã, phường. Có thể quy hoạch một đồn cảnh sát quản lý bao nhiêu dân để từ đó cơ cấu số lượng cảnh sát tối thiểu bao nhiêu nhân sự và tối đa bao nhiêu nhân sự.

-Giải tán tất cả các hội đoàn quần chúng ăn lương nhà nước, giải tán các tổ chức mặt trận hình thức. Thay vào đó là Hội đồng Nhân dân các cấp thật sự đại diện của Dân đồng thời cũng là đại diện của các tổ chức hội đoàn quần chúng đúng nghĩa.

Với mô hình này Hội đồng ND có vai trò rất quan trọng bao gồm vai trò của Mặt trận TQ đúng nghĩa- đại diện cho Dân cùng vai trò giám sát bộ máy nhà nước và phần nào vai trò Hội đồng ND hiện nay đang thực hiện.

Thí điểm bầu HĐND theo mô hình bầu dân chủ. Tức là đảng cử đại diện của mình có cương lĩnh tranh cử cùng các công dân tự ứng cử, đề cử để Dân bầu đại biểu và các ĐB dân chủ chọn lựa, bỏ phiếu bầu các thành viên thường trực HĐND.

Với thực tế ở VN đảng cầm quyền lãnh đạo, HĐND sẽ không phải hình thức bỏ phiếu lãnh đạo tỉnh chỉ để hợp thức hoá sự chọn lựa của đảng, mà tập trung vai trò Mặt trận dân chủ đúng nghĩa, giám sát, phản biện và đề xuất thông qua các chính sách lớn.

Đây là mô hình thực tế tạm thời trong giai đoạn hiện nay vừa Dân chủ vừa Độc đảng cầm quyền, nhưng phân bổ rõ quyền hạn và trách nhiệm.

4.

Tạm kết luận:

Với kiến nghị trên, nếu thực hiện thí điểm ở một tỉnh, hiệu quả chắc chắn thấy rõ đó là quyền hạn, trách nhiệm các lãnh đạo tổ chức bộ máy minh bạch hơn, dễ quản lý hơn, dễ giám sát, dễ kiểm soát hơn và đặc biệt tinh gọn theo tinh thần cách mạng hơn.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN