Vợ của những người tù

Nguyễn Thúy Hạnh 

9 tháng 11. 2024

Họ là vợ của những người phải đi tù vì đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Tôi muốn viết về họ hàng ngày chứ không phải chỉ mồng 8/3, hay là 20/10. Tôi muốn viết về họ với tất cả tình thương, sự cảm thông và niềm trân trọng. Nếu như những người chồng của họ là những vị anh hùng thời bình, thì họ cũng chính là những người anh hùng đứng sau những người chồng của họ. Một phần nghị lực và bản lĩnh của chồng họ là từ họ.

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?”

“Trải vách quế gió vàng hiu hắt

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng

Oán chi những khách tiêu phòng

Mà xui phận bạc nằm trong má đào”.

“Đêm năm canh lần nương vách quế

Cái buồn này ai để giết nhau

Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu

Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa!

Nếu như Chinh phụ ngâm, và Cung oán ngâm khúc khi xưa nói về nỗi cô đơn, lẻ loi, đơn chiếc, sầu thương, nhung nhớ, khát khao đoàn tụ, oán trách hoàn cảnh..., của những người chinh phụ chốn cô phòng. Thì vợ của những người tù vì đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ngày nay không chỉ những nỗi niềm ấy mà còn là sự vật lộn với cuộc mưu sinh để nuôi cha mẹ già, con cái ăn học, và nuôi chồng tù, còn cả đấu tranh cho chồng, bền bỉ đội đơn đi kêu oan cho chồng, đối phó với áp lực từ phía công an, chính quyền. Họ thậm chí không còn thời gian và tâm trí để mà cô đơn, để mà sầu thảm nữa. Có những người cũng vác biểu ngữ xuống đường đấu tranh cùng với những đồng đội của chồng. Họ còn gắn kết lại với nhau thành từng nhóm vợ tù để động viên an ủi, chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn hay buồn tủi.

Tôi luôn muốn được là chỗ tâm tình của những người vợ tù, nên tôi được nghe rất nhiều chuyện về họ, càng thương họ hơn. Có những lúc nửa đêm tôi nhận được cuộc điện thoại của họ, giọng thảng thốt: “Chị ơi!”. Tôi biết đó là lúc họ bị stress bởi áp lực cuộc sống và sự cô đơn dằng dặc của án tù mười lăm, hai mươi năm của chồng. Có người nói chuyện với tôi cho tới sáng, khi cơn stress dịu xuống. Mỗi khi có cuộc gọi nhỡ tôi luôn dành gọi lại đầu tiên cho những người vợ tù. 

Họ xuôi ngược Bắc Nam thăm nuôi chồng không biết mệt mỏi. Họ say sưa nấu đồ ăn gửi cho chồng, gửi luôn tất cả niềm thương yêu trong đó. Họ dù vất vả, lam lũ, nhưng mỗi lần đi thăm chồng vẫn chú ý ăn mặc tươm tất và trang điểm chút ít cho chồng vui. Mỗi khi thăm chồng về họ thường hay gọi cho tôi tâm sự nỗi niềm, tôi cũng vui buồn theo họ.

Có chị vì quá thương chồng mà muốn vận động cho chồng đi định cư, còn mình thì ở lại với con cái: “Thôi, chị mong sang đó có ai thương anh mà chấp nhận lấy và chăm sóc cho anh thì tốt quá”. “Chị không ghen ư?”. “Có chứ, nhưng còn hơn là anh ở tù. Mười mấy năm thì anh chết trong tù mất”. Chị xót xa. (Nhưng rồi anh cũng chẳng được đi).

Lại có chị, chồng trót say nắng khi ở ngoài, nhưng vẫn một lòng tin yêu chồng, ngược Nam ra Bắc thăm nuôi chồng tháng tháng, sắt son chung thuỷ đợi chờ, không hé một lời trách móc, oán thán.

Đau đớn thay, có những người tù không bao giờ trở về, họ bỏ xác ở chốn lao tù bởi tù đày khổ ải, và bởi không được chữa bệnh. Những người vợ của họ khổ đau hơn ai hết.

Đấy là những người vợ. Còn những người yêu của những người tù thì còn thiệt thòi hơn nữa. Họ âm thầm chờ đợi trong lặng lẽ, không được thăm gặp, không được chia sẻ tâm tình, không được hỏi han quan tâm, không ai biết đến họ, họ thầm lặng hy sinh cả tuổi trẻ để chờ một người tù. Vậy mà họ vẫn chờ, mười lăm, mười sáu năm, như bạn gái của một TNLT vừa mới ra tù; bạn gái của một người tù trong vụ Đặng Hoàng Thiện; hay bạn gái của một người tù trong nhóm Vịnh Lưu, là mấy người mà tôi được nghe tâm sự. Và còn những người khác nữa mà tôi không biết.

Đã nhiều lần tôi muốn viết về họ, nhưng rồi cứ chần chừ mãi, vì tôi biết sự hy sinh và nỗi truân chuyên của họ không thể chỉ kể ra trong khuôn khổ mấy dòng chữ đơn điệu này. Nhưng hôm nay thôi thúc trong tôi những tình cảm về họ, tôi quyết định viết ra dù biết rằng chỉ có thể nói lên được một phần những hy sinh và tình cảm đáng quý của họ. Đối với tôi, họ chính là những người anh hùng!

Vợ anh Trần Đức Thạch và Lê Đình Lượng, hẹn đến nhà nhau để cùng gọi cho tôi từ Nghệ An, trong niềm vui vỡ oà khi tôi vừa được ra tù.

Vợ Lưu Văn Vịnh.

N.T.H.

Nguồn: FB Nguyễn Thúy Hạnh