Thái Bình
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, rất nhiều nội dung quan trọng được thảo luận và thông qua tại kỳ họp này, như thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi, vấn đề kinh tế xã hội của VN những năm qua và hai năm 2014, 2015.
Các đại biểu QH rất băn khoăn lo lắng về tình hình kinh tế xã hội, nền kinh tế VN gặp nạn trong mấy năm qua nhưng chưa có lối thoát vững chắc. Các nghị sỹ cũng đưa ra nhận xét Báo cáo của Chính phủ phần đánh giá nguyên nhân yếu kém tồn tại còn chung chung chưa cụ thể, chưa nhìn thấy nguyên nhân chủ quan mà nghiêng về khách quan; nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan thì không đồng tình với những nguyên nhân đó, vì cùng bối cảnh mà các nước quanh ta như Lào, Campuchia, Philippines và cả Myanmar đều có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn nhiều.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á của WB công bố 10/2013 tại Hội nghị APEC Indonesia:
Tên nước | Năm 2011(%) | Năm 2012 | Dự báo 2013 | Dự báo 2014 | Dự báo 2015 |
Việt Nam | 6,2 | 5,2 | 5,3 | 5,4 | 5,4 |
Lào | 8 | 8,2 | 8 | 7,7 | 8,1 |
Campuchia | 7,1 | 7,3 | 7 | 7 | 7 |
Philippin | 3,6 | 6,8 | 7 | 6,7 | 6,8 |
Myanmar | 5,9 | 6,5 | 6,8 | 6,9 | 6,9 |
... |
Đời sống xã hội có nhiều hiện tượng gây bức xúc nhưng không những không được khắc phục mà còn gia tăng cũng được các ĐBQH đề cập.
Quốc hội VN theo lý thuyết là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan duy nhất lập pháp và giám sát tối cao?
Thực tế tồn tại, những bất cập về kinh tế xã hội Việt Nam những năm qua có thể lý giải theo một trong các nội dung sau:
Một là luật pháp còn nhiều bất cập, nên không đi vào cuộc sống; hoặc là chưa có luật.
Hai là luật đảm bảo tính khả thi nhưng những người thực thi pháp luật hiểu không đúng và áp dụng sai luật, lách luật hoặc cố tình không thực hiện luật.
Cả hai trường hợp trên suy cho cùng đều cùng một chủ thể chính phải chịu đó là Quốc hội.
Việc chính phủ điều hành yếu kém nền kinh tế mấy năm qua, và theo dự báo của WB, năm nay và hai năm tiếp theo kém cả Lào, Campuchia, Myanmar là ba nước đổi mới mở cửa nền kinh tế sau ta và nhiều mặt ta có tiềm năng hơn họ, trách nhiệm đó cũng thuộc về Quốc hội, bởi vai trò giám sát tối cao của QH. Đổ bể của các Tập đoàn kinh tế trong đó có Vinashin, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, nợ xấu tăng vọt, kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát phi mã… trách nhiệm lớn nhất là cơ quan lập pháp và giám sát tối cao rồi sau đó đến Chính phủ là cơ quan điều hành.
Hàng năm Quốc hội đều thông qua Nghị quyết trong đó có các chỉ tiêu kinh tế xã hội, chỉ cần nêu một vài ví dụ ta sẽ thấy rõ vai trò trách nhiệm của Quốc hội.
Như khi thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh tế nhà nước, đành rằng việc thành lập các Tập đoàn có nghị quyết của đảng nhưng chắc chắn phải thông qua Quốc hội, và khi triển khai thì bên điều hành buông lỏng quản lý, bên giám sát lơ là nên mới có đổ bể của các Tập đoàn như vừa qua, bởi từ khi thành lập đến khi nhận vốn hoạt động và thất thoát vốn phải rất nhiều năm chứ không thể một vài tháng, nếu Quốc hội giám sát kịp thời, thấy mô hình Tập đoàn bất cập cho dừng ngay để đánh giá rút kinh nghiệm thì liệu Vinashin có thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng không?
Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, lạm phát có mối liên hệ hữu cơ với bội chi ngân sách và chính sách tài khóa tiền tệ, mà các chỉ tiêu này đều do Quốc hội thông qua. Bất ổn kinh tế vĩ mô mấy năm qua không có báo cáo nêu nguyên nhân do Chính phủ vượt quyền Quốc hội, vì vậy để đất nước có nhiều bất cập như hiện nay trách nhiệm chính là Quốc hội.
Những tồn tại, yếu kém kinh tế xã hội mấy năm vừa qua phần nhiều đổ lỗi bên điều hành là chưa công bằng mà trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan lập pháp và giám sát tối cao.
Mặc dù còn đang thảo luận, chưa bấm nút thông qua, nhưng có rất nhiều ý kiến của các ông nghị ủng hộ nâng mức bội chi ngân sách năm 2013 và 2014 lên 5,3% GDP, măc dù nghị quyết Quốc hội năm ngoái cho chỉ tiêu này năm 2013 là 4,8%. Như vậy Quốc hội quá dễ trong việc thu chi ngân sách, làm gì có nguyên tắc gần hết năm mới bổ sung nguồn thu mà báo cáo giải trình của bên điều hành rất sơ sài chỉ nêu do khó khăn trong sản xuất và một số dòng thuế nhập khẩu có thuế suất giảm? Hai nội dung giải trình này mâu thuẫn và thiếu thuyết phục, vì theo dự báo GDP năm nay tăng trưởng cao hơn năm 2012, thuế suất thuế nhập khẩu giảm thì các quan chức của các Bộ chức năng đã tính trước được, chỉ là các phép cộng trừ nhân chia (bao nhiêu mặt hàng giảm, mức độ giảm dự kiến lượng hàng nhập là tính được). Ta hãy quan sát Quốc hội Mỹ chỉ nâng trần nợ công (dân không thiệt hại bằng bội chi ngân sách) nhưng lưỡng Viện của họ cân nhắc rất kỹ đến mức để chính phủ Mỹ “treo” 16 ngày, Quốc hội ta ngược lại quá đơn giản, sẽ thông qua nâng trần nợ công và móc túi dân (bội chi NS) tại kỳ họp này rất dễ dàng.
Nguồn thu ngân sách giảm hay chi ngân sách bất thường tăng mà giải trình của bên điều hành trước Quốc hội còn chưa rõ ràng thì dư luận đã thấy tin VAMC đã mua được 6.500 tỷ nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt?! Đã dọn nợ xấu cho 14 ngân hàng và năm 2014 xử lý 100.000 - 150.000 tỷ nợ xấu. Có lẽ đây mới là bản chất của vấn đề bội chi ngân sách và nâng trần nợ công, phát hành thêm 170.000 ngàn tỷ đồng trái phiếu mà Quốc hội sắp ấn nút thông qua. Bởi khi thành lập VAMC chỉ có 500 tỷ với những thông tin trên nếu không phải “Tôn Ngộ Không” thì VAMC lấy đâu ra tiền để làm những công việc trên? Trái phiếu đặc biệt là trái phiếu gì vậy? Chỉ có thể giải thích nôn na là nếu người phát hành trái phiếu không có khả năng trả được gốc và lãi thì được trả bằng tiền của “chùa”.
Trước đó một số quan chức có trách nhiệm đã khẳng định không lấy ngân sách mua nợ xấu để trấn an dân. Nhưng những người am hiểu thì không thể không nghi ngờ chỉ có 500 tỷ làm sao mua được hàng triệu tỷ nợ xấu, mà không giải quyết được nợ xấu, hệ thống ngân hàng tiếp tục tê liệt, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Điều đáng nói do điều hành yếu kém dẫn đến nợ xấu khổng lồ, những người có trách nhiệm nên dũng cảm nhận trách nhiệm và mong người dân thông cảm chia sẻ, huy động sự đồng thuận của dân hơn là làm ảo thuật với dân, dân ngày nay không phải đàn cừu muốn lùa đi đâu cũng được.
Hy vọng Quốc hội VN hãy nâng cao vai trò trách nhiệm xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, mặc dù bị kìm kẹp nhưng các nghị sỹ hãy dũng cảm ấn nút đưa ra các quyết sách có lợi nhất cho dân cho nước.
Hà Nội 4/11/2013
T.B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN