Hồ Bạch Thảo
Nhân đọc bài Thêm một đoạn kết về bài viết về sách Việt kiệu thư, ngày 3/11/2013, của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, xin phép được trả lời như sau:
Khi dịch Minh Thực Lục tôi phải chọn, rồi copy tài liệu gốc trong 3053 quyển sách chữ Hán, lấy được 1329 văn bản liên quan đến Việt Nam, lúc in ra gồm cả nguyên văn đến gần 3.000 trang. Làm một công việc bề bộn như vậy, nên khi dịch đến từ ngữ “văn tịch đồ chí ” trong đoạn sắc văn “sư nhập An Nam hạ quận ấp phàm đắc văn tịch dồ chí giai vật huỷ 師入安南 下郡邑凡得文籍圖志皆勿毁 ”, tôi nhớ ngay đến lời dạy của giáo sư lúc còn học tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn về Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, nên không ngần ngại dịch ngay là “thư tịch bản đồ” mà không tra từ điển.
Nay qua bài viết nêu trên của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tôi tra kỹ thêm thì được xác nhận Văn tịch chí là một bộ phận trong bộ sách đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí, từ quyển 42 đến 45; chép về sách vở do người Việt viết, trải qua các triều đại. Văn tịch chí chia sách làm 4 loại: Hiến chương loại (28 bộ sách), Kinh sử (24 bộ sách), Thi văn (108 bộ sách), Truyện ký (54 bộ sách), tổng cộng gồm 214 bộ sách. Như vậy tôi dịch “văn tịch đồ chí ” là “thư tịch bản đồ” xét ra đúng với nội dung trong Văn tịch chí của Phan Huy Chú; còn cái mà Giáo sư Chi gọi là “sổ sách biên chép công văn, hộ khẩu, sổ sách biên chép của cải tiền bạc xuất nhập ở các kho” thì không nằm trong đó.
Tìm hiểu thêm từ điển Trung Quốc, đúng như lời Giáo sư Chi viết, trong Từ Hải không có từ ngữ “văn tịch”; bèn tra vào trang mạng Bách Độ Bách Khoa về từ ngữ “văn tịch”, có 2 nghĩa:
1. Văn tự thư tịch [Chữ viết và sách vở]; lại giải thích “Thời xưa Phục Hy làm vua thiên hạ, vẽ bát quái, tạo ra sách để thay cho lối kết giây thay chữ, do đó Văn tịch sinh ra”.
2. Văn chương điển tịch.
Theo nghĩa số 1 và số 2 nêu trên, thì nội dung cũng giống như Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí. Cũng tại trang mạng này, bấm thêm thì xuất hiện chi tiết, có thêm nghĩa thứ 3: “văn bạ trướng sách” như Giáo sư Chi nêu lên, nhưng rõ ràng nghĩa này ở hàng thứ yếu
文籍
1.文 字书籍。《<书>序》:“古者 伏牺氏 之王天下也,始画八卦,造书契,以代结绳之政,由是文籍生也。” 陆德明 释文:“文,文字也;籍,籍书。”
2.文 章典籍。泛指书籍。《后汉书·文苑传下·赵 壹》:“文籍虽满腹,不如一囊钱。” 唐 白行简 《李娃传》:“二岁而业大就,海内文籍,莫不该览。” 宋 俞文豹 《吹剑四录》:“ 王文正公 之父,见破旧文籍,必加整缉。” 清 陈维崧 《夜合花·为丁子硜催妆》词:“今宵夜冷,劝郎文籍休攻。” 鲁迅 《集外集·<奔流>编校后记》:“现在关于这类理论的文籍,译本已有五六种。”
3.文 簿帐册。 宋 王安石 《本朝百年无事札子》:“聚天下财物,虽有文籍,委之府史,非有能力以钩考,而断盗者辄发。” 宋 周密 《齐东野语·赵伯美》:“求 盱江 公库之文籍,则有目。”
Bản thân tôi rất quý trọng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, ông là tác giả nhiều công trình lớn, lại Chủ biên trang mạng Bauxite, chứng tỏ ông là người có nhiều tâm huyết, lo trước mối lo của thiên hạ (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu). Chẳng qua tôi và ông mỗi người đọc mỗi sách, rồi có ý kiến khác nhau; riêng tôi được độc giả chất vấn, nên vì học thuật phải viết bài Thử lý giải tại sao những sử liệu thời Minh do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trưng lên từ Việt Kiệu Thư khác với Minh Thực Lục, mong được ông thông cảm cho.
H.B.T.
Nguồn: diendan.org