Thông tin mới về xây nhà máy điện hạt nhân Việt Nam

Nguyên Thảo

(Doanh nghiệp) - Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư Quy định nội dung, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó các chuyên gia về điện hạt nhân cho rằng, Việt Nam chưa thể xây dựng nhà máy, phía Nhật cũng lùi tiến độ hỗ trợ công nghệ hạt nhân cho Việt Nam.

· GS.Trần Đại Phúc: Báo động đỏ nhân lực Điện hạt nhân VN

· Nhật Bản có thể từ bỏ điện hạt nhân

· Công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân Việt Nam

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/12/2013, quy định thiết kế cơ sở phải theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân.

Căn cứ lập thiết kế cơ sở, các phương án liên quan đến việc cung cấp nhiên liệu và quản lý, lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng; đấu nối với hệ thống điện quốc gia; cung cấp nước kỹ thuật và nước làm mát; khối lượng xây dựng và lắp đặt chủ yếu; phương án tổ chức xây dựng sơ bộ...

Thiết kế kỹ thuật phải phù hợp với thiết kế cơ sở và dự án đầu tư được duyệt, gồm các nội dung cơ bản như: Đặc tính kỹ thuật của hệ thống kỹ thuật và các thiết bị; giải pháp kiến trúc, kết cấu và vật liệu xây dựng, tổ chức và tổng tiến độ xây dựng, các bản vẽ, tổng dự toán.

Thiết kế bản vẽ thi công sẽ do nhà thầu thực hiện theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Chuyên gia Việt “chưa yên tâm”

Trước đó, các chuyên gia về điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn giữ quan điểm về việc Việt Nam chưa thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Họ cũng đặt nhiều giả thiết về các sự cố nếu nhà máy điện hạt nhân vận hành.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF), cho rằng Việt Nam có thể sẽ bị chia cắt ra làm đôi, trong khi xuất khẩu, kinh tế bị tê liệt ngay tức khắc và toàn bộ dải đất miền Trung sẽ bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm trong nhiều năm nếu xảy ra một thảm họa hạt nhân như vụ Tchernobyl hay Fukushima.

clip_image001

Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận

GS Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ và đào tạo Viện Năng lượng Nguyên tử Hạt nhân cho rằng ý kiến này cũng cần được quan tâm đúng mức. Vấn đề là Chính phủ phải chỉ đạo để không để xảy ra sự cố hạt nhân đáng tiếc tại Ninh Thuận. “Bản thân cá nhân tôi cũng chưa thực sự yên tâm với cách điều hành dự án ĐHN hiện nay”, GS Phát nói.

TS Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học & Kỹ thuật Hạt nhân, nay là cố vấn Chương trình Năng lượng hạt nhân thì lo ngại: “Chúng ta còn nhiều vấn đề khó khăn phải giải quyết trước khi có thể yên tâm là Việt Nam có đủ năng lực sử dụng ĐHN, trong đó có vấn đề thiếu nhân lực, thiếu kiến thức, kinh nghiệm.

Mặc dù Việt Nam và Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 từ tháng 9/2011 nhưng truyền thông Nhật mới đây đã công bố thông tin và đưa ra khả năng thực hiện tiến độ dự án trên sẽ bị chậm do nhiều yếu tố khách quan.

Lý do được Tokyo đưa ra là nước này đang thiếu một cơ quan hệ thống quản lý về vấn đề xuất khẩu công nghệ hạt nhân và xử lý các vấn đề thủ tục liên quan trong trường hợp xảy ra những cuộc khủng hoảng hạt nhân ngoài dự kiến.

Về tiến trình dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trả lời báo chí hồi cuối tháng 8/2013, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc BQL dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, dự kiến năm 2014 sẽ khởi công xây dựng hạ tầng phục vụ việc xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, 2.

N.T.

Nguồn: baodatviet.vn