“Đảng viên nhưng mà tốt”. Chúng ta cám ơn ai đó đã sáng tạo ra cách gọi thật là chuẩn xác. Chỉ với 5 con chữ mà đầy đủ tính xác thực, hài hước, mỉa mai dễ gợi nhớ như câu tục ngữ, để đặt tên gọi cho những người tốt hiện còn lại rất ít ỏi trong 4 triệu đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Có lẽ thực trạng của Đảng, sự tha hóa của hầu hết các đảng viên như : tham nhũng, ức hiếp dân chúng, cửa quyền, gian dối, bảo thủ... là nguồn chất liệu, cảm hứng cho những nhà ngôn ngữ học dân gian sáng tạo ra tên gọi này.
“Đảng viên nhưng mà tốt” đã khái quát tình trạng hiện nay trong Đảng mà cả xã hội đã thừa nhận : Hầu hết các đảng viên không tốt, không những họ không tốt mà họ là những người xấu. “Nhưng mà” là trường hợp cá biệt, là số ít (hoặc rất ít) không bình thường trong Đảng.
“Đảng viên nhưng mà tốt” thể hiện đặc tính của người Việt Nam, khoan dung, không “vơ đũa cả nắm” ngay cả đối với một tập đoàn đang cai trị, ức hiếp mình dưới một thể chế độc tài Đảng trị.
“Đảng viên nhưng mà tốt” là sự diễn tả chính xác, tài tình, phong phú, thâm thúy của tiếng Việt.
Với khái niệm trên đây, chúng ta mới chứng kiến giáo sư Chu Hảo, một “đảng viên nhưng mà tốt” rời bỏ Đảng.
Là một trí thức, ông đã vào Đảng “với một lý tưởng cao quý là đấu tranh vì độc lập dân tộc vì dân chủ và phát triển đất nước”. Ông viết trong tuyên bố rời bỏ Đảng: “Nhưng càng ngày tôi càng nhận thức rõ hơn rằng tổ chức chính trị mà mình tham gia không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, càng ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại.
Sau khi về hưu, lẽ ra ông có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và dành cho gia đình, nhưng ông đã tiếp tục công việc “khai dân trí”. Nhà xuất bản Trí Thức do ông làm giám đốc mong muốn thực hiện ước mơ xây dựng tủ sách tinh hoa của trí thức thế giới, đã biên dịch, xuất bản những tác phẩm có giá trị về khoa học, kinh tế, chính trị, triết học.
Ông đã tham gia viện nghiên cứu phát triển IDS, ký các kiến nghị yêu cầu Đảng thay đổi, sửa chữa những chính sách kìm hãm sự phát triển của đất nước. Ông tổ chức đi thăm hỏi, động viên những nông dân bị chính quyền cướp đất và những người tham gia đấu tranh cho tự do, dân chủ bị đàn áp.
Nhưng Đảng đã không để cho ông yên thân làm một “đảng viên nhưng mà tốt”. Cái gọi là UB Kiểm tra Trung ương đã kết tội ông “tự diễn biến, viết bài , phát ngôn, xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước”.
Tuyên bố rời bỏ Đảng của Giáo sư Chu Hảo đã gây một tiếng vang rộng rãi trong nước và quốc tế. Hàng chục “đảng viên nhưng mà tốt”, trong đó có những trí thức có uy tín như nhà văn Nguyên Ngọc, Phó giáo sư Mạc Văn Trang tuyên bố ra khỏi Đảng để phản đối cách hành xử độc đoán, thô bạo của Đảng và đồng hành cùng giáo sư Chu Hảo.
Sự kiện giáo sư Chu Hảo đã phản ảnh bộ mặt thật của Đảng đối với những “đảng viên nhưng mà tốt” còn lại trong Đảng. Đảng lo sợ những “đảng viên nhưng mà tốt” hoạt động mang lại lợi ích cho người dân, cho toàn xã hội nhưng đe dọa đến sự cai trị và tồn tại của Đảng. Lợi ích của Đảng là trên hết. Đảng chụp lên đầu họ tội “tự diễn biến, tự chuyển hóa, nguy hại đến an ninh chính trị của đất nước”. Ông Nguyễn Phú Trọng đã biện minh thật là hồ đồ, gian dối cho việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo: “kỷ luật một người để cứu muôn người”. Ông muốn cứu muôn người là những người nào? Ông muốn che đậy một sự thật, Đảng đang răn đe những đảng viên “nhạt Đảng” để cứu vãn sự tan rã của Đảng.
Ngày 23-11 vừa qua xã hội Việt Nam đã được chứng kiến một sự việc chưa từng có. 13 nhà báo của báo Thanh Niên đã bị cho thôi chức gồm các vị trí trưởng ban, phó ban vì không phải là đảng viên ĐCSVN. Hành động này chẳng khác nào Đảng nói một cách trắng trợn: này nhé! Nếu các anh vào Đảng, các anh sẽ có chức, có quyền và có tiền. Còn nếu các anh không vào Đảng hay ra khỏi Đảng, các anh sẽ bị trừng phạt dù các anh là những người tốt và có tài. Đây quả thật Đảng tự phơi bày là một tổ chức vụ lợi, độc đoán, phân biệt đối xử, giống như môt tổ chức của những kẻ ganster. Đúng là “mọi người dân đều bình đẳng, nhưng đảng viên được bình đẳng hơn”. Tôi tin rằng, trong 13 nhà báo này, có những người đã không muốn trở thành “đảng viên nhưng mà tốt”, họ là những nhà báo yêu nghề, thạo nghề nhưng không yêu Đảng.
Những sự việc kể trên xẩy ra trong thời gian gần đây chắc hẳn không khỏi làm cho những “đảng viên nhưng mà tốt” hiện còn đang sinh hoạt Đảng suy nghĩ.
Những người đã vào Đảng với lý tưởng phụng sự đất nước, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho lý tưởng mà mình đã chọn lựa. Nay đang ở tuổi xế chiều, trăn trở, giận dữ, bất lực, nhiều người đau khổ chứng kiến sự biến chất, tha hóa của Đảng. Những người đang ở lứa tuổi trung niên, vào đảng với lòng hăng hái, nhiệt tình mong muốn đóng góp cho việc xây dựng và phát triển đất nước, sau thời gian hoạt động trong Đảng, họ thất vọng và bị cô lập, lạc lõng trong Đảng.
Chúng ta tôn trọng sự lựa chọn của mỗi “đảng viên nhưng mà tốt”, nhưng tôi muốn trao đổi những trải nghiệm của một đảng viên ĐCSVN đã rời bỏ Đảng cách đây 28 năm.
Tôi vẫn nhớ buổi sáng mùa mưa của Sài Gòn cách đây 28 năm. Nắng trải trên khắp đường phố, những tia nắng xuyên qua các hàng me lấp lánh đầy màu sắc. Dưới nắng, đường phố Sài Gòn càng ồn ào náo nhiệt hơn. Tôi đạp xe tới cơ quan với một tâm trạng nặng nề. Bước vào văn phòng đảng ủy cơ quan, tôi đặt tấm thẻ Đảng và nói lý do trả lại thẻ để ra khỏi Đảng. Ông Bí thư đảng ủy, một thương binh chống Mỹ không phản bác những lý do mà tôi đưa ra, nhưng ông chân thành khuyên tôi nên tiếp tục sinh hoạt Đảng, Đảng sẽ chấn chỉnh, thay đổi để lấy lại lòng tin và uy tín với quần chúng. Tôi để lại tấm thẻ Đảng, cám ơn ông và ra về.
28 năm đã trôi qua, nhớ lại lời ông Bí thư đảng ủy, tôi thấy tội nghiệp cho ông, ông đã ngây thơ tin vào sự tự sửa chữa của Đảng. Đảng không những đã không sửa chữa mà còn trượt dài trên con đường tha hóa, độc tài và tham nhũng. Đảng đã mất hết lòng tin đối với nhân dân và trở thành vật cản cho sự xây dựng và phát triển đất nước.
Phần tôi, sau khi rời bỏ Đảng thấy mình như đã dứt bỏ được mặc cảm đồng lõa với tội lổi, tôi đã đứng hẳn về phía lẽ phải, có thái độ dứt khoát, rõ ràng trước những tội ác của Đảng.
Sau này sang sinh sống tại Ba Lan, tìm hiểu lịch sử, tôi được biết, trong cuộc đấu tranh để loại bỏ chế độ độc tài cộng sản, hàng vạn đảng viên Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (đảng cộng sản) đã từ bỏ đảng để gia nhập Công đoàn Đoàn Kết, góp phần vào cuộc đấu tranh không sử dụng bạo lực, chuyển đổi Ba Lan từ thể chế độc tài cộng sản sang thể chế tự do dân chủ, Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan với 2 triệu đảng viên đã tan rã. Ngày nay nhân dân Ba Lan được sống trong một xã hội tự do dân chủ, đất nước phát triển đem lại công bằng, hạnh phúc, no ấm cho mọi người dân.
Để kết luận cho bài viết, tôi xin mượn lời của cựu Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô Mikhail Gorbachov: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng, cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.
Những “đảng viên nhưng mà tốt” có nên tự giam giữ mình trong một tổ chức như vậy không?
Đ.M.Đ.
Tác giả gửi BVN