Ai đã trải qua những năm tháng dưới “mái trường XHCN” ở miền Bắc trước năm 1975, qua môn học chính trị hay lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đều phải học tiểu sử của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hoạt động cách mạng của “NGƯỜI” ở Pháp, sự kiện soạn thảo “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles vào tháng 06-1919 giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Nó chứng minh lòng yêu nước, thương dân, sự nhạy bén chính trị của một lãnh tụ vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất.
Yêu sách 8 điểm năm 1919
Trong nhà trường XHCN, đối với bộ môn chính trị, cả người dạy lẫn người học, ngoài sách giáo khoa, đã không có bất cứ một tài liệu nào khác để tham khảo, so sánh. Với kiến thức hạn hẹp, cộng với phương pháp giáo dục “định hướng”, hầu hết những học sinh đều tin tưởng tuyệt đối, rằng “NGƯỜI” là một lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, rằng ĐCSVN dưới sự lãnh đạo của “NGƯƠI” đã và đang mang đến cho người dân những quyền và lợi ích mà chế độ thực dân Pháp đã tước đoạt.
Sau này, nhờ có nguồn tài liệu và tin tức từ nước ngoài, những người dân miền Bắc biết rằng, tác giả của “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles năm 1919 là một nhóm trí thức Việt Nam yêu nước, sinh sống tại Pháp. Ngoài Nguyễn Aí Quốc có các trí thức nổi tiếng như chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường...
Nhưng lịch sử thật trớ trêu, sau 100 năm ra đời của bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” và sau nửa thế kỷ “độc lập, tự do”, dưới sự cầm quyền của ĐCSVN, ngày 20-12 vừa qua, “Yêu sách tám điểm năm 2019 của người dân Việt Nam” gửi Ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và các tổ chức quốc tế, do 100 cá nhân và các tổ chức dân sự khởi xướng ra đời. Có thể nói, bản yêu sách này cũng tương tự như bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919, cũng gồm 8 điểm đòi hỏi các quyền căn bản của người dân Việt Nam, nhưng nó không được gửi đến chính quyền Thực dân Pháp, mà gửi đến chính quyền cộng sản Việt Nam, chính quyền do chính những người dân Việt Nam đã chiến đấu hy sinh để khai sinh ra nó.
Đọc bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919, chúng ta thấy rõ ràng sự phản bội của ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN đối với ý nguyện về các quyền cơ bản của người dân Việt Nam. Hầu như tất cả các yêu sách đã được nêu ra trong “Yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919 cho đến nay vẫn chưa được ĐCSVN thực hiện. Từ tự do cư trú đến tự do lập hội và hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí... đều bị chính quyền tước đoạt. Trước các đòi hỏi của nhân dân Việt Nam và các tổ chức quốc tế đòi trả tự do các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, chính quyền cộng sản Việt Nam trả lời dối trá, rằng ở Việt Nam hiện nay không có tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm. Các cơ quan luật pháp chủ yếu để bảo vệ chế độ độc tài của Đảng, không bảo vệ các quyền cơ bản của người dân.
Thử điểm lại chặng đường mà ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN do ông sáng lập đã phản bội “Yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919.
Ông Hồ Chí Minh trước khi cùng các trí thức tham gia soạn thảo “Yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919 đã có nhiều năm sống ở châu Âu và Mỹ, có điều kiện quan sát đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục … tại các quốc gia theo thể chế dân chủ như Anh, Pháp, Mỹ. Yêu sách 8 điểm đã dựa trên các quyền cơ bản của mọi người dân của các nước kể trên được tôn trọng, đây cũng là ước mơ, là lý tưởng sống của những trí thức Việt Nam yêu nước tại Pháp. Họ ước mơ một ngày nào đó, trên quê hương Việt Nam thân yêu của họ, tất cả mọi người dân đều được hưởng các quyền cơ bản như những người dân của các nước kể trên.
“Bản yêu sách của nhân dân An Nam” được gửi đến chính phủ Pháp và Hội nghị hòa bình Versailler, nó đã gây được tiếng vang tại Pháp và quốc tế, ông Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động chính trị, nhưng ông đã xa dần lý tưởng và mục đích của bản yêu sách.
Năm 1923 ông đến Moskva để theo học tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông và tâm đắc với chế độ cộng sản Xô Viết, một chế độ đã tước bỏ các quyền cơ bản của người dân, bị các nước phương tây và các trí thức tiến bộ trên thế giới lên án là độc tài, toàn trị. Đây có thể coi như ông Hồ Chí Minh đã đoạn tuyệt với mô hình nhà nước theo thể chế dân chủ phương Tây và những ý tưởng về quyền cơ bản của người dân trong bản yêu sách mà ông đã tham gia soạn thảo.
Cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc năm 1954, Hồ Chí Minh và ĐCSVN do ông thành lập và lãnh đạo trở về Hà Nội. Chế độ cộng sản theo mô hình Liên Xô gần như ngay lập tức được thiết lập tại miền Bắc Việt Nam. Người dân không được tự do cư trú, báo chí tư nhân bị đóng cửa, các hội đoàn đều do ĐCSVN lập ra, nhà nước bỏ tù những người bất đồng chính kiến, nền pháp lý bảo vệ Đảng không bảo vệ người dân, nền giáo dục đào tạo những con người chỉ biết trung thành với Đảng, phục vụ lợi ích của Đảng. Điều đặc biệt đáng chú ý là trong hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền cơ bản của ngườì dân đều được công nhận, nhưng chính quyền cộng sản không thực hiện bất cứ điều khoản nào. Họ nêu ra đủ mọi lý do để không hoặc chưa thực thi. Hiến pháp chỉ là thứ để trang trí cho chế độ và đối phó với sự chỉ trích của thế giới. Một số cán bộ của Đảng không úp mở nói thẳng ra nghị quyết của Đảng còn quan trọng hơn hiến pháp.
100 năm kể từ khi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” ra đời, chủ nghĩa thực dân đã đi vào dĩ vãng. Đất nước đã thống nhất, độc lập 43 năm, thế mà ĐCSVN vẫn tiếp tục tước bỏ những quyền cơ bản của người dân. Vì vậy “Bản yêu sách 8 điểm của người dân Việt Nam” gửi chính quyền cộng sản Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, một đòi hỏi chính đáng, đáp ứng ý nguyện của mọi người dân.
Chặng đường phản bội đối với “Yêu sách của nhân dân An Nam” của ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN đã qua 100 năm. Hiện nay ĐCSVN vẫn tiếp tục tước đoạt các quyền cơ bản của người dân một cách tinh vi triệt để hơn, bạo lực hơn.
Đã đến lúc họ phải chấm dứt chặng đường phản bội nhân dân trước khi quá muộn.
Đ.M.Đ.Tác giả gửi BVN