Đặt niềm tin vào những quy luật khách quan thường được coi là xu hướng duy lý, tuy vậy hiểu quy luật một cách đơn giản, thô sơ lại sa vào ngụy biện nguy hiểm.
Trước tình hình xã hội Việt Nam, một số anh em trong giới dân chủ có suy nghĩ như sau:
- Chế độ này có là CS nữa đâu (họ làm kinh tế thị trường rồi, hạ tầng thay đổi tất nhiên thượng tầng chính trị sẽ thay đổi) nên không cần phê phán ý thức hệ, phê phán chủ nghĩa làm gì nữa cho mất công vô ích.
- Họ đang đi vào chủ nghĩa Tư bản hoang dã đấy, thế là tốt rồi, vì từ TB hoang dã sẽ phải tiến sang TB văn minh theo đúng quy luật của thế giới.
Muốn biết suy nghĩ đơn giản ấy là sai lầm trước hết phải hiểu thêm về ý nghĩa, về tính giới hạn của những cái gọi là QUY LUẬT.
1/ Không thể hiểu và tin quy luật một cách đơn giản, cứng nhắc
Mọi quy luật đều chỉ đúng với những điều kiện nhất định, và ngay trong điều kiện đã quy định ấy cũng còn vô số hiện tượng nằm ngoài quy luật, thực tế luôn luôn như vậy. Con người có thể bằng hoạt động của mình để hướng sự việc đi theo quy luật, hoặc ngược lại, có thể hướng cho nó đi ra ngoài quy luật.
Ta nói quy luật là để con người có niềm tin vào những định hướng tử tế chứ mở rộng ra và suy cho cùng thì dường như chẳng có quy luật gì hết (thoạt nghe tưởng vô lý). Tại sao vậy? Vì đi ra ngoài quy luật này thì cũng là đi vào một quy luật khác, bởi quy luật thì muôn vàn! Quá tin vào một quy luật cụ thể nào đó chỉ là bệnh nhận thức sơ khai. (Liên hệ ngay một “quy luật” trước mắt cho vui: Ta thường bảo trong thế kỷ văn minh Internet ngày nay không có gì có thể dối trá bưng bít được, nhưng đồng thời cũng phải thấy ngày nay cái gì cũng có thể làm giả được, bây giờ đánh lừa nhau dễ hơn ngày xưa, không những đường, sữa, gạo, thịt, trứng gà, … mà đến cả lịch sử, nhân vật, cả con người rồi cũng làm giả được hết cho coi). Thiện Ác cứ hai mặt cùng nhau tiến tới, vừa làm khổ vừa làm sướng Nhân loại, chứ chỉ một quy luật “Chính nghĩa tất thắng” thì loài người chắc đã tan vỡ vì sự cực thánh thiện như thần tiên rồi.
Ngay thời các cụ thô sơ ngày trước mà cũng nói: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, thắng thiên tức là đi ra ngoài quy luật tự nhiên chứ gì?
- Trong Chính trị, là lĩnh vực mà con người tác động mãnh liệt nhất để bắt sự việc đi vào trong hoặc đi ra ngoài quy luật, thì tính tương đối của quy luật lại càng rõ rệt. (Chứ cứ ôm lấy những quy luật kinh điển thì chỉ đáng để cho những kẻ Chính trị lão luyện như họ Mao coi là “không bằng cục phân”).
2/ Những sai lầm cụ thể
Quy luật “hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng chính trị” không phải bao giờ cũng đúng.
Kinh tế tự do vẫn có thể đồng hành với chính trị độc tài. ĐCSVN đổi mới về kinh tế nhưng vẫn giữ hai yếu tố cốt tử của Cộng sản là quyền lực chuyên chính và tư tưởng của Ý thức hệ. Nói chế độ hiện nay không phải CS nữa là sai lầm của “chủ nghĩa kinh tế” thô sơ.
Trên lịch sử thế giới thì từ Tư bản hoang dã sẽ tiến lên Tư bản văn minh. Tư bản hoang dã VN bây giờ đáng lẽ có thể tiến lên TB văn minh nhanh chóng hơn vì đã có môi trường là thế giới văn minh, nhưng trái lại TB hoang dã VN rất khó chuyển thành văn minh vì có 2 yếu tố bảo vệ sự hoang dã ấy là chính quyền độc tài CS và sự ràng buộc vào Trung Cộng.
Chế độ Chuyên chính Vô sản đang là bà đỡ để tích lũy tư bản nên đã trở thành Chuyên chính Tư sản từ lâu. Bà đỡ này đang bảo vệ đứa con là chế độ Tư bản hoang dã bằng tất cả sức mạnh của mình.
Giữa kinh tế và chính trị có thể có tính độc lập tương đối với nhau, chẳng những những thế mà chính những yếu tố của lĩnh vực chính trị-xã hội cũng có thể độc lập tương đối với nhau, nên nhà báo nghị luận chính trị Zakaria đã phát hiện kiểu chế độ chính trị “Dân chủ phi tự do”, vẫn có những tiêu chuẩn dân chủ theo hình thức như đa đảng, bầu cử tự do nhưng rất nhiều quyền tự do khác của dân vẫn không có (xin đọc http://www.talawas.org/?p=4903). Nghĩ rằng khi nền kinh tế đã đi vào chủ nghĩa Tư bản thì đất nước sẽ có tự do là ý nghĩ thật ngây thơ.
3/ Con đường Tư bản hoang dã VN khó hơn Trung quốc
Hai nước CS cuối cùng Trung Quốc và Việt Nam đều tìm lối thoát là dùng ngay sức mạnh của quyền lực Chuyên chính Cộng sản để tích lũy Tư bản, sẽ chuyển hóa thành Tư bản độc tài. Nhưng kế hoạch lớn “Một vành đai một con đường” muốn làm bá chủ thế giới của Trung Quốc có một động lực do kích thích được lòng tự hào của chủ nghĩa Dân tộc (cực đoan). Trong khi ở VN thì tinh thần Dân tộc, chủ nghĩa yêu nước lại gây bất lợi rất căn bản cho kế hoạch của giới cầm quyền.
Để có thể rảnh tay thực hiện chương trình Tư bản hoang dã, ĐCSVN đang muốn khai trừ tất cả những đảng viên ít nhiều bất đồng chính kiến, mà thực chất là khai trừ những người có hiểu biết, còn giữ lòng yêu nước, tức là còn có lý tưởng, trong khi những đảng viên ngoan ngoãn hiện nay hầu hết vào đảng để có vị trí xã hội mà kiếm chức quyền và kiếm ăn chứ chẳng có lý tưởng gì. Đảng muốn thanh lọc để có sức mạnh, nhưng khai trừ hết những “đảng viên nhưng tử tế” ra thì còn lại toàn những người vô lý tưởng, chỉ vì quyền lợi riêng thì sức mạnh ở đâu? Khi CS mới hình thành số đảng viên rất ít mà có sức mạnh, ấy là sức mạnh tự thân của những người mang lý tưởng và sức lôi cuốn quần chúng của lý tưởng. Nay sức mạnh ấy không còn thì thuyết phục được ai, chinh phục được ai?
KẾT LUẬN
Hình thái Kinh tế - Chính trị VN hiện nay là “Dùng sức mạnh Chuyên chính Vô sản để tích lũy tư bản ban đầu”. Chớ vui mừng rằng đã thành Tư bản hoang dã thì dễ biến đổi thành dân chủ hơn so với CS, vì đây vẫn là chế độ CS với 2 đặc trưng quyền lực Chuyên chính và tư tưởng Ý thức hệ, nhưng đã biến tính Tư bản hóa, mà cộng sản biến tính thì khó diệt hơn cộng sản nguyên mẫu rất nhiều, như vi khuẩn đã biến đổi gien để thích nghi thì mọi chất kháng sinh không còn tác dụng nữa. Dân tộc muốn trở thành văn minh vẫn phải đấu tranh chống hai đặc trưng cố hữu của thể chế cộng sản độc tài toàn trị như đã nói trên, chứ chớ thấy sự Tư bản hóa mà mừng.
3/1/2019H.S.P.
Tác giả gửi BVN