Rừng Amazon đã gần bị huỷ hoại tới ngưỡng không thể cứu vãn. Ảnh: Bloomberg.
Dịch từ bài “The Amazon is approaching an irreversible tipping point” đăng trên tạp chí The Economist ngày 1/8/2019.
***Lưu vực Amazon nằm phần lớn trong biên giới của Brazil, mang trong mình 40% diện tích rừng nhiệt đới thế giới và 10-15% đa dạng sinh học của toàn thể lục địa trên trái đất. Kể từ những năm 1970, gần 800 nghìn km² – trong tổng số 4 triệu km² rừng Amazon nguyên thuỷ – đã biến mất do khai thác gỗ, canh tác nông nghiệp, xây đường, dựng đập thủy điện và các hình thức phát triển khác.
800 nghìn km², tức là tương đương diện tích của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, lớn hơn diện tích bang Texas (Mỹ). Cũng trong thời gian này, nhiệt độ trung bình trong lưu vực đã tăng khoảng 0,6°C. Hạn hán nghiêm trọng liên tục xảy ra.
Không phải đến cuộc bầu cử tháng 10/2018 tại Brazil thì tương lai của rừng Amazon mới bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu và nạn phá rừng. Nhưng từ mốc thời gian đó đến nay, khu rừng phải đối mặt với một mối hiểm nguy khác. Jair Bolsonaro, tổng thống mới của Brazil, được gọi là nguyên thủ quốc gia nguy hiểm nhất cho môi trường trên toàn cầu.
Tốc độ phá rừng Amazon ở Brazil đã chậm lại trong khoảng 2004-2012. Ibama, cơ quan bảo vệ môi trường của chính phủ, được củng cố. Các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu vừa chỉ trích, vừa khuyến khích Brazil bảo tồn rừng Amazon.
Năm 2008, Quỹ Amazon (Amazon Foundation) được thành lập trên phạm vi quốc tế để giúp chi trả cho việc bảo tồn. Các nhà nghiên cứu rừng nhiệt đới cho biết việc thành lập quỹ này không phải là quá sớm. Họ đã bắt đầu nghi ngờ rằng khi mức độ phá rừng vượt qua một ngưỡng nhất định, rừng Amazon sẽ bị huỷ hoại đến mức không thể cứu vãn. Vượt qua ngưỡng này, độ che phủ của rừng sẽ tiếp tục bị thu hẹp. Con người, khi đó, không thể làm gì để ngăn chặn quá trình này.
Cuối cùng, phần lớn lưu vực sẽ trở thành thảo nguyên (xavan) khô hơn, hay còn gọi là cerrado. Cùng với đó là sự tuyệt chủng của hàng chục ngàn loài sinh vật, sự biến đổi các kiểu thời tiết ở phần lớn khu vực Nam Mỹ, đồng thời thả vào bầu khí quyển hàng chục tỷ tấn carbon, khiến quá trình nóng lên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Sự chậm lại đầy hy vọng trong giai đoạn 2004-12 không kéo dài. Từ trước khi ông Bolsonaro thắng cử, tốc độ phá rừng đã bắt đầu tăng trở lại.
Năm 2012, dưới thời Tổng thống Dilma Rousseff, Quốc hội Brazil thông qua việc ân xá cho những người tham gia phá rừng bất hợp pháp trước năm 2008. Năm 2017, Tổng thống kế nhiệm là Michel Temer ký một đạo luật cho phép tư nhân chiếm dụng các khu đất công và thông qua đó thúc đẩy việc chiếm đất ở Amazon.
Trong đợt suy thoái mạnh thời kỳ 2014-16, ngân sách của Bộ Môi trường bị cắt giảm. Từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2018, Brazil mất đi 7.900 km² rừng Amazon – tương đương gần một tỷ cây xanh. Đó là tốc độ phá rừng nhanh nhất trong cả một thập kỷ.
Những tán cây đang biến mất
Theo dữ liệu vệ tinh sơ bộ, Amazon đã mất khoảng 4.300km² rừng kể từ khi ông Bolsonaro nhậm chức vào tháng Một. Như vậy, tổng diện tích rừng bị biến mất năm nay chắc chắn sẽ nhiều hơn năm ngoái. Vị tổng thống mới dường như muốn đưa Brazil trở lại thời kỳ độc tài quân sự, với các dự án cơ sở hạ tầng lớn mượn danh nghĩa phát triển để phá huỷ trên diện rộng.
Một vài kế hoạch của ông Bolsonaro đã bị kiềm chế. Áp lực từ Bộ trưởng Nông nghiệp Tereza Cristina và giới chủ trang trại khiến ông rút lại lời đe dọa rút ra khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, cũng như huỷ kế hoạch xóa bỏ Bộ Môi trường. Lý do chủ yếu là sợ các công ty châu Âu bất bình, khi đó các thương vụ với họ sẽ gặp rủi ro.
Khai thác gỗ từ những cây bạch đàn chết cháy tại rừng Amazon. Ảnh: The New York Times
Quốc hội vẫn chưa thông qua dự luật gỡ bỏ yêu cầu nông dân bảo tồn thảm thực vật tự nhiên trên khu đất mà họ canh tác. Dự luật này do Thượng nghị sĩ Flávio Bolsonaro, con trai cả của ông Bolsonaro đề xuất.
Tòa án Tối cao Brazil đã ngăn một nghị định nhằm chuyển giao quyền phân định khu bảo tồn bản địa từ Bộ Tư pháp sang cho bà Cristina – Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil. Thượng nghị sĩ phe đối lập Randolfe Rodrigues gọi việc này là “để con cáo phụ trách chuồng gà”.
Nhưng ngay cả khi không có những thay đổi này thì chính phủ của ông Bolsonaro vẫn có thể khuyến khích phá rừng, trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng việc không thi hành luật cấm.
Ngày 28/2/2019, Bộ trưởng Môi trường, ông Ricardo Salles, đã sa thải 21 trong 27 lãnh đạo của Ibama, thừa lệnh của tổng thống để “dọn dẹp” cơ quan về môi trường này. Hầu hết các vị trí lãnh đạo vẫn chưa được thay thế, trừ một vị trí ở tiểu bang Amazon. Trong năm tháng đầu năm nay, số tiền phạt hành chính đối với hành vi khai thác gỗ lậu ở mức thấp nhất trong suốt một thập kỷ qua.
Bộ trưởng Salles nói rằng “vai trò của nhà nước là bảo vệ quyền tài sản của chủ đất”. Ông muốn sử dụng khoản đóng góp cho Quỹ Amazon trị giá 950 triệu USD để bồi thường cho chủ đất, đối với những khu đất đã bị biến thành khu vực bảo tồn. Mặc dù, phần lớn trong số đó là đất chiếm dụng bất hợp pháp.
Rồi ngày càng nhiều những kẻ phá rừng xuất hiện. Theo Hội đồng Truyền giáo Bản địa, số vụ xâm phạm bất hợp pháp tại các khu vực bản địa đã tăng vọt. Ngày 24/7, lâm tặc có súng xâm nhập một ngôi làng ở phía Bắc bang Amapá, giết chết một trưởng làng và trục xuất người dân. Dữ liệu vệ tinh cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong tỷ lệ phá rừng hàng năm bắt đầu từ tháng Năm, tức đầu mùa khô. Vào tháng Bảy, hơn 1.800km² đất rừng đã bị xóa sổ, gấp ba lần so với năm ngoái.
Đóng vai trò như một bồn chứa carbon của cả thế giới, rừng Amazon giúp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu. Nếu rừng nhiệt đới bị tàn phá, một lượng lớn khí thải nhà kính sẽ bị trả lại bầu khí quyển. Ở chiều ngược lại, khí hậu cũng rất quan trọng đối với Amazon. Rừng nhiệt đới rất nhạy cảm với những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, cũng như mức độ CO2 trong không khí.
Rừng Amazon đặc biệt trong số các rừng mưa nhiệt đới vì nó có thể tự mình tạo ra một lượng mưa lớn. Khi hơi ẩm di chuyển từ Đại Tây Dương đến Peru, rừng Amazon tái sử dụng một phần trong đó; khoảng một nửa lượng mưa từ khu rừng được “tái chế” theo cách này. Nước mưa được truyền từ rễ lên tán cây, ở đó, chúng được trả lại bầu khí quyển để sau đó rơi xuống như mưa một lần nữa. Lá cây thoát hơi nước không chỉ giúp cung cấp độ ẩm cho cả vùng mà còn có tác dụng làm mát cục bộ.
Đây là điều dẫn đến lo lắng về ngưỡng tới hạn. Theo dự báo năm 2007 của hai nhà khoa học Gilvan Sampaio và Carlos Nobre thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil, nếu 40% diện tích rừng bị mất đi thì Amazon sẽ không còn khả năng tự tái tạo nước. Điều này đồng nghĩa với việc phần rừng còn lại sẽ không có đủ lượng mưa để tồn tại.
Rừng bị bào mòn
Không còn bao lâu nữa, rừng Amazon sẽ đạt điểm tới hạn. Ảnh: The New York Times.
Bên cạnh mối đe dọa từ nạn phá rừng, khả năng rừng tự cấp nước có thể bị suy yếu do nhiệt độ tăng. Nghiên cứu của Beatriz Marimon và Ben Hur Marimon từ Đại học Mato Grosso cho thấy “hai quá trình nóng lên trong một” (two warmings in one). Sự nóng lên toàn cầu (global warming) là những thay đổi do nạn phá rừng, làm mất đi cơ chế điều hòa không khí nhờ lá cây thoát hơi nước.
Nhóm tác giả này cũng quan sát thấy nhiệt độ trên 40°C làm khô cây, khiến chúng rất dễ bị đổ khi có gió mạnh. Canh tác nông nghiệp làm cô lập những mảng rừng. Nếu không tiếp cận được hạt giống đất và nguồn nước, những mảng rừng đó sẽ ít có khả năng phục hồi.
Một nghiên cứu khác vào năm 2015 của Divino Silvério và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon cho thấy việc chuyển đổi rừng thành đồng cỏ làm tăng nhiệt độ mặt đất lên 4,3°C. Nếu đồng cỏ sau đó được chuyển sang trồng trọt thì nhiệt độ còn tăng lên nữa.
Phản ứng với mức độ CO2 có thể làm vấn đề trầm trọng thêm. Càng nhiều CO2 trong không khí, cây sẽ cần xử lý càng ít không khí để quang hợp. Càng ít không khí được hấp thụ vào thì càng ít hơi nước thoát ra. Kết quả là, cây vừa ít làm mát không khí đi (do ít hơi nước thoát ra), lại vừa làm giảm độ ẩm. Có bằng chứng cho thấy hiện tượng này xảy ra ở các lưu vực sông khác, dù chưa có bằng chứng thuyết phục tại vùng Amazon.
Giải toả đất đai cũng dẫn đến làm khô cục bộ. Dữ liệu vệ tinh cho thấy không khí đi qua rừng mưa nguyên sinh tạo ra lượng mưa gấp đôi sau vài ngày so với không khí đi qua đất nông nghiệp. Năm 2012, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds dự đoán rằng nạn phá rừng tiếp diễn sẽ khiến lượng mưa ở Amazon giảm 12% trong mùa mưa và 21% vào mùa khô vào năm 2050.
Mùa khô ở rừng nhiệt đới bắt đầu kéo dài ra vào những năm 1970; những cơn mưa từng xuất hiện vào tháng 10, giờ tháng 11 mới đến. Sự thay đổi này có thể là do nạn phá rừng. Có bằng chứng cho thấy lượng nước từ rừng thoát ra không khí là đặc biệt quan trọng trong việc mang mùa mưa tới. Tuy nhiên, tác động rõ rệt nhất của việc khô hạn, theo các nhà khoa học, không phải là làm cho mùa mưa ngắn đi. Đó là tác động bất cân xứng của những năm mà lượng mưa đặc biệt thấp.
Đã có ba đợt hạn hán khắc nghiệt khác thường chỉ trong 15 năm đầu của thế kỉ 21, vào những năm 2005, 2010 và 2015. Đợt hạn năm 2015 tương ứng với El Niño – một hiện tượng khí hậu xảy ra khi có sự thay đổi dòng chảy năng lượng giữa bầu khí quyển và đại dương ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương. Kết quả là một chuỗi mô thức khí hậu bất thường nhưng dự đoán được xảy ra trên khắp vùng nhiệt đới và các khu vực lân cận.
Người bản địa thuộc bộ tộc Mura bên một mảng rừng đã chết. Ảnh: REUTERS.
Mối tương quan giữa hiện tượng El Niño và hạn hán ở Amazon, đặc biệt là ở phía Đông Nam, xuất hiện từ trước khi có con người. Tuy vậy, sự can thiệp của con người, khi xét ở mức độ toàn cầu, làm tăng tần suất và cường độ của hiện tượng El Niño. Ở cấp độ địa phương, chúng làm trầm trọng thêm hậu quả của hạn hán.
Hậu quả của đợt hạn hán El Niño năm 2015 đặc biệt nghiêm trọng. Ở Nova Xavantina, hơn 1/3 số cây tại các mảnh đất nghiên cứu của nhóm tác giả Marimon đã chết sau đó. Ở khu vực phía Bắc thành phố Santarém, sâu trong rừng Amazon, có thể thấy những ngọn lửa cao như tòa nhà xé toạc khu rừng, bao phủ những tán cây trong khói đen, dày, dài hàng dặm, và biến ánh mặt trời thành đỏ rực. Trong nhiều tháng sau khi lửa tan, mặt rừng vẫn âm ỉ cháy. Những cây trăm tuổi khô dần đi và chết.
Gần bốn năm sau, rừng vẫn đang phục hồi. Tại một phần của khu bảo tồn rừng quốc gia Tapajós, nơi đã bị cháy mất 580km² (11% tổng diện tích), những cây non đã mọc lên giữa đống tro tàn, nhưng phải mất nhiều năm thì chúng mới có thể hình thành tán cây. Năm 2017, đám cháy thứ hai thiêu rụi gần 1/4 diện tích của một khu bảo tồn khác, nơi 75 cộng đồng cư dân sông nước kiếm sống bằng nghề đánh cá và săn bắn.
Ở Amazon, cháy rừng không phải chuyện gì mới, nhưng những vụ cháy dường như xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn trong thời gian gần đây. Đây là khởi đầu của một quá trình huỷ diệt dữ dội. Cây chết mở ra những khoảng trống giữa các tán cây trong rừng, cho phép nhiều ánh sáng và gió hơn đến sàn rừng, khiến chúng nóng hơn, khô hơn và dễ bị cháy trở lại.
Năm 2019 dự kiến có hiện tượng El Nino nhẹ, có nghĩa là nhiệt độ cao hơn và ít mưa hơn cho những khu vực xung quanh Santarém. Hỏa hoạn có thể hoành hành trở lại. Nếu điều đó xảy ra, nhà sinh vật học Joice Ferreira của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil cho biết, các mảnh gỗ còn sót lại từ các đám cháy trước đây sẽ là nhiên liệu cho ngọn lửa. “Sau đó, sẽ chẳng còn lại nhiều cây đâu”, bà nói.
Trong 50 năm qua, 17% số rừng mưa nhiệt đới trên thế giới đã biến mất, vẫn còn khá xa so với mốc 40% được đưa ra năm 2007. Nhưng vào năm ngoái, Nobre và Thomas Lovejoy (Đại học George Mason) sau khi tính đến biến đổi khí hậu và hỏa hoạn, đã điều chỉnh ngưỡng xuống chỉ còn 20-25%. Mốc này thì chẳng còn xa bao nhiêu nữa.
17% rừng mưa nhiệt đới trên thế giới đã biến mất trong 50 năm qua. Ảnh: MercoPress
Ông Nobre nói rằng những đợt hạn hán và lũ lụt gần đây có thể là những tác nhân đầu tiên cho cái gọi là sự biến đổi khí hậu vĩnh viễn. Carlos Rittl, nhà nghiên cứu thuộc Đài Quan sát Khí hậu Brazil dự báo rằng tỉ lệ rừng bị xoá sổ sẽ vượt mức 20% trong thời Tổng thống Bolsonaro. Nếu dự đoán của Nobre và Lovejoy là đúng, đó có thể là một thảm họa. Khi sự phá huỷ đã vượt ngưỡng, phần rừng còn lại cũng sẽ biến mất theo chỉ trong vài chục năm.
Phủ xanh đồi trọc, được không?
Ngay từ bây giờ, vai trò của rừng Amazon như là một bể chứa khí CO2 cũng đang giảm dần. Simon Lewis và các đồng nghiệp thuộc University College London đã phân tích các dữ liệu quan trắc trên 321 mảnh rừng trải khắp lưu vực sông Amazon.
Họ phát hiện ra rằng thực vật trong rừng nguyên sinh hiện nay hấp thụ lượng CO2 chỉ bằng 2/3 so với thời những năm 1990, được cho là do tốc độ cây chết tăng lên. Trong một nghiên cứu công bố năm 2011, GS Lewis lập luận rằng lượng carbon thải ra khí quyển do cháy rừng trong đợt hạn hán năm 2005 và 2010 là tương đương khối lượng CO2 rừng hấp thụ trong cả 10 năm.
Nhưng không phải ai cũng bi quan. Những cánh rừng đa dạng như Amazon thường có các loài chịu hạn tốt, có thể mọc lên trên các khoảng trống các loài chịu hạn kém để lại, theo nghiên cứu của Kristen Thonicke thuộc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức)
Rừng thứ sinh cũng trữ được một lượng carbon đáng kể, mặc dù ít hơn nhiều so với rừng nguyên sinh. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khi một khu rừng thứ sinh phát triển, nó sẽ giúp phục hồi 1,2% lượng carbon lưu trữ mỗi năm, do đó, một khu rừng thứ sinh 20 năm sẽ trữ được khoảng 25% sức chứa của một khu rừng nguyên sinh.
Tổn thất sinh khối do khai thác gỗ và chăn nuôi có thể giảm đi nếu cân nhắc chọn loài cây để chặt, kết hợp trồng lại rừng sau đó. Tại Hội nghị Paris, Brazil đã hứa không những ngăn chặn phá rừng bất hợp pháp đến năm 2030 mà còn cam kết trồng lại 120.000km² rừng.
Những lời hứa ấy càng ngày càng khó trở thành hiện thực. Vào tháng Sáu, Tổng thống Bolsonaro ra quyết định cho nông dân thêm thời gian để canh tác trên những khu đất có được nhờ phá rừng bất hợp pháp. Thời hạn năm 2019 trước đó được sửa thành vô thời hạn.
Việc này không chỉ làm giảm cơ hội cho rừng sinh sôi trở lại. Nó còn gửi đi thông điệp rằng chính phủ sẽ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ. Tương tự, nếu dự luật do nghị viên con trai tổng thống được Quốc hội Brazil thông qua, có nghĩa là việc phá khoảng 1,5 triệu km² rừng sẽ trở thành hợp pháp. Tức là, khoảng 65 tỷ tấn CO2 sẽ bị trả lại bầu khí quyển. Con số đó tương đương lượng phát thải của cả đất nước Brazil trong 27 năm.
Vào tháng Bảy, Tổng thống Bolsonaro gọi số liệu về phá rừng là “giả dối”. Ông muốn kiểm tra chúng trước khi công bố. Hamilton Mourão, Phó Tổng thống, nói rằng các quốc gia khác quan tâm đến rừng Amazon thực chất là “khao khát chiếm đoạt” các khoáng sản quý trong khu vực. Bộ trưởng Môi trường Salles thì nhắc rằng, nhiều nước giàu đã phá rừng của họ, nhưng không thực hiện lời hứa chi tiền cho Brazil để họ tránh phải làm điều tương tự. “Các người không thể bắt Brazil nhận gánh nặng trở thành lá phổi của thế giới mà không có bất kỳ lợi ích gì”.
Những cây rừng đứng trơ trơ
Rất nhiều rừng đã bị phá huỷ để làm trang trại chăn nuôi. Ảnh: The New York Times.
Bộ trưởng Salles nói đúng, rằng các quốc gia phát thải nhiều nên bù đắp cho Brazil vì rừng Amazon của nước này đang phải hấp thụ khí thải thay cho họ. Đổi lại, Brazil phải bảo vệ, thay vì phá huỷ những cánh rừng nhiệt đới.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 6/2019, một hiệp định thương mại được Liên minh Châu Âu (EU) đề xuất với các nước Mercosur – Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay, trong đó bao gồm cam kết thực hiện Hiệp định Khí hậu Paris. Hiệp định này vẫn chưa được chấp thuận. Cũng không rõ nó có thể hạn chế các kế hoạch của tổng thống Brazil, hoặc ít nhất là thay đổi những lập luận của ông ta đến đâu.
Các nhóm hoạt động vì môi trường ở Brazil bắt đầu chống đối, phần vì lo lắng hình ảnh đất nước bị ảnh hưởng, phần nhiều hơn vì lo sợ ảnh hưởng khí hậu.
“Chúng tôi không nghi ngờ gì về chuyện rừng có tác động trực tiếp đến chu kì mưa”, Artemizia Moita nói. Cô là trưởng bộ phận phát triển bền vững của một hệ thống trang trại sở hữu 530 km2 đất trồng đậu nành và các trại chăn nuôi gia súc. “Nếu chúng ta tiếp tục phá rừng, làm sao chúng ta tiếp tục sản xuất được?” Không giống như những nông dân khác, cô thừa nhận là mình có lo lắng về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đối với nhiều người, bất kì sự thay đổi thái độ nào bây giờ đều đã là quá muộn. Bà Magdalena đã sống cả đời mình ở một trong những khu bảo tồn rừng nhiệt đới. Bà từng săn hươu và các loài thú có mai để kiếm sống. Bây giờ, bà phải đi tận 13km để mua thịt bò từ một ngôi làng địa phương. “Mọi thứ biến mất hết cả rồi”, bà than thở.
Từ khoá: global warming: sự nóng lên toàn cầu climate change: biến đổi khí hậu basil: lưu vực sông primary forest: rừng nguyên sinh secondary forest: rừng thứ sinh Paris Climate Agreement: thoả thuận về biến đổi khí hậu Paris armadillo: tên chung của loài thú có mai, bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “người nhỏ mặc áo giáp”.
P.M.T.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/08/rung-amazon-sap-bi-huy-hoai-den-nguong-khong-the-cuu-van/?fbclid=IwAR1bAESEY_PmU_ZyLloRmpCPagpAgEW77g6DCTaCrr7PvSOz3jEdgCLNCKM