Diễm Thi
Bảng hiệu tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei. AFP
Không hợp tác với Huawei
Hôm 26/8/2019, mạng báo Bloomberg đưa tin Tập đoàn Viettel, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng, đã quyết định không sử dụng thiết bị của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei cho mạng 5G. Thay vào đó, công ty này sẽ sử dụng thiết bị của Ericsson, công nghệ Nokia và bộ chip của Qualcomm.
Ông Lê Đăng Dũng, Giám đốc điều hành Viettel cho biết, hiện nay Viettel không làm việc với Huawei vì đã có những thông tin cho rằng công ty này không an toàn về an ninh quốc gia. Ông cũng cho biết Huawei hiện đang gặp khó khăn ở Việt Nam do các công ty mạng khác như Mobifone, Vinaphone cũng “tránh xa”.
Ông NT., một Giám đốc Công nghệ (Chief Technology Officer) từng dạy tại trường Đại học Hoa Sen nêu nhận định:
“Mạng cơ sở của Việt Nam bao gồm 2G, 3G, 4G đều được xây dựng trên nền tảng của châu Âu là Alcatel (Pháp) và Ericsson (Thụy điển) từ lâu rồi. Bây giờ Việt Nam đang muốn phát triển chip 5G bởi vì các công nghệ ứng dụng 5G vào IoT (Internet of things) sẽ ngày càng nhiều và Việt Nam không muốn nhập các thiết bị này trong tương lai nhưng khả năng sản xuất chế tạo còn hạn chế, do vậy phải hợp tác với các công ty hàng đầu châu Âu để phát triển 5G như Nokia và Ericsson.”
Chúng tôi quyết định không sử dụng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei, mà chúng tôi tự ra quyết định của mình. Ông Lê Đăng Dũng |
Đầu tháng 12/2018, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, cũng là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chánh Phi (nguyên là một kỹ sư, sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Quốc), bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, vì vi phạm lệnh cấm vận với Iran, tức tiếp tục bán sản phẩm cho Iran, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Huawei là tập đoàn viễn thông khổng lồ, đứng thứ nhì thế giới về số lượng điện thoại thông minh được sản xuất.
Ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, báo chí thế giới đã tiết lộ thông tin từ năm 2012, tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ.
Theo một báo cáo của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Hoa Kỳ, tập đoàn này đặt ra một mối đe dọa cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ vì sản phẩm của Huawei có thể bị sử dụng như một cánh tay tình báo của quân đội Trung Quốc với mục tiêu do thám chính trị, quân sự, công nghiệp.
Tuy Huawei bị Hoa Kỳ “kết tội” như thế nhưng vị giám đốc phụ trách khu vực Việt Nam của tập đoàn này, ông Phạm Quân, được tờ Nikkei của Nhật dẫn lời hôm 14/2/2019 rằng ông tin Huawei sẽ thắng thầu việc cung cấp loại công nghệ 5G cho hệ thống truyền thông tại Việt Nam. Thực tế từ vài năm nay Huawei đã có văn phòng đại diện ở Việt Nam, bên cạnh vài công ty lớn nhỏ khác của Trung Quốc như Oppo và Xiaomi.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV cho rằng Viettel có thể làm chủ mạng 5G:
“Theo tôi được biết thì bên Viettel đã phát triển những trạm phát sóng 4G và họ đang nghiên cứu các thiết bị cho hệ thống mạng 5G. Tôi tin họ có thể làm được.”
Ông Quảng nói thêm rằng Việt Nam không sử dụng linh kiện và thiết bị 5G của Huawei là một quyết định khôn ngoan, bởi Việt Nam và Trung Quốc dù là hai nước láng giềng, mối quan hệ cũng rất tốt, nhưng trong lịch sử đã có nhiều xích mích và chiến tranh, nên Việt Nam phải đề phòng là điều hiển nhiên. “Việc phải phụ thuộc vào hạ tầng của một nước láng giềng thì rõ ràng là vấn đề rất lớn về an ninh”, ông nói thêm.
Lý do Việt Nam “né” Huawei
Ông Lê Đăng Dũng, Giám đốc điều hành Viettel. AFP
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg từ Hà Nội, ông Lê Đăng Dũng, Giám đốc điều hành Viettel nói rõ Việt Nam quyết định không sử dụng Huawei cho mạng 5G của Viettel là vấn đề kỹ thuật công nghệ chứ không liên quan đến địa chính trị. Mạng báo này trích lời ông Dũng: “Chúng tôi quyết định không sử dụng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei, mà chúng tôi tự ra quyết định của mình”.
Trong khi đó, khi lên tiếng về quyết định của Việt Nam “tránh xa” Huawei, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales ở Úc cho rằng Việt Nam có một lý do khác để tránh công nghệ Huawei đó là do Việt Nam muốn tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ, bởi việc triển khai cơ sở hạ tầng Huawei 5G có thể khiến Mỹ miễn cưỡng chia sẻ một số thông tin tình báo với Việt Nam.
Điều này từng được Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore nói đến trong một lần trả lời phỏng vấn với RFA:
Hoa Kỳ đã đưa ra những cảnh báo rằng những quốc gia nào sử dụng thiết bị của Huawei, đặc biệt cho mạng 5G, thì sẽ không được tiếp tục hợp tác quốc phòng với Mỹ nhất là về mặt thông tin và tình báo. - TS. Lê Hồng Hiệp
“Chúng ta đều biết Hoa Kỳ đã đưa ra những cảnh báo về tác hại tiềm tàng về an ninh từ các công nghệ của Huawei, họ nói rõ rằng những quốc gia nào sử dụng thiết bị của Huawei, đặc biệt cho mạng 5G, thì sẽ không được tiếp tục hợp tác quốc phòng với Mỹ nhất là về mặt thông tin và tình báo.
Hiện tại Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa có những hợp tác thực chất về trao đổi thông tin tình báo, nhưng rõ ràng Việt Nam muốn lưu tâm tới cảnh báo của Hoa Kỳ để tạo điều kiện phát triển mối quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ trong tương lai.”
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng từ chối bình luận, tuy nhiên ông cho rằng, ở Việt Nam, nếu sử dụng hệ thống mạng của một công ty Trung Quốc thì là vấn đề “nhạy cảm.”
Vị Giám đốc Công nghệ, ông NT. nhận định, sở dĩ Việt Nam “tránh” Huawei là vì hai nước Việt Nam và Trung Quốc thực chất không tin nhau cho dù lúc nào cũng “4 tốt 16 chữ vàng”. Hơn nữa, Huawei luôn có cửa sau (backdoor) để ăn cắp thông tin và tấn công mạng khi cần. “Còn chuyện “sức ép” của Mỹ chỉ là một phần vì Việt Nam không thuộc nhóm đối tác chiến lược của Mỹ”, ông kết luận.
Hồi tháng 5/2019, các công ty tình báo Mỹ đã buộc tội Huawei cài đặt truy cập “cửa sau” trên các thiết bị do công ty này sản xuất theo chỉ thị của chính phủ Trung Quốc để do thám người dùng. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Huawei đều phủ nhận cáo buộc trên.
Bộ Thương Mại Mỹ hôm 15/5 đã ra thông báo về quyết định đưa công ty Huawei và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào danh sách đen. Theo đó, bất cứ việc mua bán chuyển giao công nghệ từ phía Mỹ phải được Bộ này cấp phép đặc biệt.
D.T.