Phong trào Dù vàng - Hồng Kông
Những thanh niên Hồng Kông tuổi đời còn rất trẻ rời khỏi nhà, một số phải nói dối cha mẹ về nơi họ sẽ đến. Họ len lỏi vào các con phố và thay áo đen trước khi vội vã gia nhập tiền tuyến. “Đừng để lộ mặt tui đó nha. Tui phải nói với mẹ rằng mình ra ngoài ăn tối!”, một thanh niên gào to khi đang thay áo.
Bằng nhiều cách, Hồng Kông giờ trở thành thành phố với các cuộc nổi dậy liên tục mở rộng. Bắt đầu từ cuộc biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ từ Hongkong sang Bắc Kinh, giờ đã biến thành một cuộc chiến vì tương lai của Hồng Kông.
Những người đứng đầu chiến tuyến trong phong trào dân chủ được hỗ trợ bởi một đội ngũ y tế tự tổ chức, trinh sát, đội cứu hỏa và vận động viên tiếp tế. Họ đã thành lập một lực lượng đáng gờm, giao tiếp với nhau và tổ chức kế hoạch thông qua việc sử dụng các ứng dụng được mã hóa và các cuộc trò chuyện tự phát trên đường phố.
Ảnh: internet
TẤT CẢ VÌ TƯƠNG LAI
Hai mươi bốn tuổi, Tom Tom, dành cả ngày trong bộ trang phục kỹ sư trên đảo Hồng Kông, nhưng khi đêm đến, anh mặc đồ đen và tham gia tiền tuyến, đối mặt trực tiếp với cảnh sát.
Giống như hầu hết các chiến binh nơi tiền tuyến, Tom che mặt để che giấu danh tính và mang đồ trong ba lô. Anh đóng gói quần áo dự phòng để có thể nhanh chóng thay đổi ở các con đường phụ khi phải trốn chạy khỏi đơn vị cảnh sát cao cấp Raptor.
“Đó là điều hãi hùng nhất, vì bạn rất sợ va phải cảnh sát trên đường về nhà, với chiếc ba lô chứa đầy thiết bị”, anh nói.
Trên thực tế, các quyết định cần phải được đưa ra nhanh chóng, vì vậy những người ở tiền tuyến thường tổ chức các cuộc họp nhóm nhanh chóng dưới bóng các chiếc ô được quây tụ lại kín đáo, cùng nhau tìm ra đâu là địa điểm nên nhắm mục tiêu tiếp theo. Họ tự trang bị tia laser để đánh lạc hướng cảnh sát và dây cáp để tạo thành rào chắn khi phải chặn đường.
MỞ RA TẦM NHÌN MỚI VỀ CÁCH THỨC THỰC HIỆN CÁC PHONG TRÀO XÃ HỘI
Thỉnh thoảng Tom được bố tới đón khi anh kết thúc việc nơi tiền tuyến, nhưng bố anh nói rằng ông có cảm xúc lẫn lộn về việc con trai của mình tham gia vào phong trào.
“Tuy nhiên, bố cũng hiểu rằng những gì tôi đang đấu tranh. Nó rất đáng giá, vì nó chính là vì tương lai của thế hệ tiếp theo. Vì vậy, mỗi khi tôi ra ngoài, bố luôn nhắc nhở tôi phải chú ý giữ an toàn”, Tom kể.
Ảnh: internet
“TÔI THÀ CHẾT”
Gotham tham gia các cuộc biểu tình dân chủ, nhưng cha mẹ anh, vốn sinh ra ở Trung Quốc đại lục, không ủng hộ quyết định của anh.
“Tôi nghĩ rằng cha mẹ tôi giống như các nhà khoa học trong kỷ nguyên Galileo, luôn tin rằng Trái đất phẳng. Với những người đắm chìm trong ngủ mê, và không có cách gì đánh thức họ dậy. Nếu cố thảo luận, họ càng tức giận hơn”.
Gotham thấy không có tương lai nào cho Hồng Kông nếu nó hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc. “Quả là nghẹt thở khi sống dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản. Sống ở một nơi không có tự do và không có quyền, kể cả quyền con người, tôi nghĩ thẳng thắn rằng tôi thà chết còn hơn”, anh nói.
Ảnh: internet
MIỆT MÀI CỨU NGƯỜI
Có hàng trăm tình nguyện viên bước ra tuyến đầu hỗ trợ phong trào. Harry, một bác sĩ gây mê lấy bằng y khoa ở Úc, thường xuyên điều trị cho những người biểu tình bị thương.
“Một số người như tôi bước vào đội sơ cứu, một số người khác ủng hộ phong trào bằng cách quyên góp vật liệu và thiết bị cho cuộc biểu tình”, anh nói. Tôi chẳng muốn ai phải chết khi xuống đường, vậy nên tôi có mặt ở đây, cứu càng nhiều người càng tốt”.
Chẳng có ai là lãnh đạo cốt yếu trong phong trào phản kháng - một chủ ý đầy sáng tạo của giới trẻ Hongkong, không tạo ra mục tiêu cụ thể nào cho Chính phủ bắt thóp. Thay vào đó, những người biểu tình sử dụng các diễn đàn trực tuyến và các ứng dụng được mã hóa như Telegram để liên lạc và bỏ phiếu cho các ý tưởng cho chiến thuật và vị trí mục tiêu. Họ cũng đăng cảnh báo về các địa điểm nơi cảnh sát chống bạo động hoặc hơi cay đã được triển khai.
Đầu tháng này, người dùng Telegram đã bỏ phiếu 79% ủng hộ ý kiến biểu tình tại các nhà ga sân bay Hong Kong. Sau đó, các cuộc biểu tình ở sân bay trở nên dữ dội khi những người biểu tình bắt giữ và đánh đập một người đàn ông bị nghi ngờ là cảnh sát chìm và một người khác bị cáo buộc là gián điệp từ Bắc Kinh. Người đàn ông thứ hai hóa ra là phóng viên của hãng truyền thông Global Times thuộc sở hữu nhà nước.
Sự leo thang đã gây ra sự chia rẽ giữa những người biểu tình. Một cuộc bỏ phiếu tiến hành trên Telegram, xem xét xem có nên xin lỗi công khai vì bạo lực đã xảy ra hay không. Cuối cùng, đa số đồng ý.
Tom nói rằng người biểu tình nhanh chóng học được từ những sai lầm của họ. Anh nói trong chuyện này, người biểu tình đã phạm sai lầm, vì được điều trị y tế là quyền của mỗi người, và phải được tôn trọng dù đó là kẻ thù bên phía đối lập đi nữa.
Khi các cuộc biểu tình bắt đầu, chính phủ đã hạn chế việc bán mặt nạ phòng độc, kính bảo hộ, mũ bảo hiểm và mũ cứng. Một cửa hàng hoạt động ngầm tên National Calamity Hardware ngay lập tức được triển khai để lấp các khoảng trống này. Cửa hàng sẽ thông báo vị trí của mình trên Facebook và một số kênh Telegram nhất định, thiết lập vài giờ đồng hồ tại một thời điểm để bán hàng lậu. Họ cung cấp giảm giá cho sinh viên và những người không đủ tiền mua các thiết bị, hàng hoá được bán hết nhanh chóng.
Những người biểu tình hoạt động dưới khẩu hiệu là Be Water, được bắt nguồn từ võ sư và diễn viên Lý Tiểu Long. Tụ lại và phân tán nhanh như nước, linh hoạt uyển chuyển, người biểu tình toả ra ở nhiều nhiều địa điểm trên khắp thành phố, trong nỗ lực gây nhầm lẫn và áp đảo cảnh sát.
5 YÊU CẦU CỦA NGƯỜI BIỂU TÌNH
1. Bãi bỏ hoàn toàn Luật Dẫn độ
2. Bà Carrie Lam từ chức, tiến hành tổ chức bầu cử dân chủ
3. Chính phủ phải rút lại việc cáo buộc người biểu tình là Nổi Loạn
4. Tất cả những người biểu tình bị bắt phải được phóng thích
5. Tiến hành điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát.
Đối với một số người, có một mục tiêu thậm chí còn lớn hơn: Họ muốn truyền cảm hứng cho một phong trào tương tự ngay trong lòng Trung Quốc đại lục.
“Tôi hy vọng chúng tôi không chỉ truyền cảm hứng cho sinh viên ở Trung Quốc đại lục, mà cả những người có lương tâm. Chúng ta cần có quyền con người và tự do. Nếu chúng ta không có những quyền đó, làm sao chúng ta có thể sống với cuộc sống của mình?”, Gotham tâm sự.
TÔI MUỐN NHIỀU NGƯỜI BIẾT RẰNG HỌ XỨNG ĐÁNG CÓ NHÂN QUYỀN VÀ TỰ DO, CHỨ KHÔNG PHẢI NHƯ MỘT CON CHIM BỊ NHỐT TRONG LỒNG.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hiện đã phát hành video cho thấy quân đội tập trung ở biên giới với Hồng Kông, và những người trong phong trào phản kháng đã nhận thức rõ về các chiến thuật tàn bạo của Đảng Cộng sản hòng buộc những người bất đồng chính kiến im miệng.
Họ sợ Hồng Kông có thể kết thúc giống như vùng Tân Cương của Trung Quốc - nơi có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ hoặc cưỡng bức lao động tại các trại tập trung. Nếu Hồng Kông và phong trào dân chủ hiện nay thất bại, Hồng Kông sẽ trở thành một nơi như Tân Cương.
Tom nói, trong mắt nhà cầm quyền, người Hồng Kông giống như người nước ngoài, bị quy chụp là có suy nghĩ cực đoan. Chính phủ Trung Quốc sẽ buộc gửi con của họ đến trường và tẩy não chúng bằng chủ nghĩa dân tộc. Và những người nói điều gì đó trái ngược với chủ trương sẽ bị cấm đoán hoặc bị tống vào tù.
Ảnh: internet
‘BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ’
Tốt nghiệp đại học và ủng hộ dân chủ, YoYo nói rằng mọi thứ đã đi quá xa để thoát khỏi cuộc chiến bây giờ. Nếu chúng ta dừng lại ngay bây giờ, rất nhiều thanh niên và nhiều người ở mọi lứa tuổi sẽ bị bắt và tống vào tù và bị buộc tội vì bạo loạn, cô nói.
Cô nói rằng những người biểu tình nói chung đều ôn hòa, nhưng họ đã sẵn sàng sử dụng các chiến thuật triệt để hơn - giống như những gì được thấy ở sân bay Hồng Kông - nếu chính phủ không bắt đầu lắng nghe yêu cầu của họ.
“Chúng tôi chỉ biết rằng cuộc biểu tình ôn hòa không còn hoạt động nữa. Vì vậy, về cơ bản, chúng tôi tiếp tục khám phá những cách thức khác nhau để thúc giục chính phủ và cũng thúc đẩy thêm áp lực đối với chính phủ”, cô nói.
“Đây là cuộc chơi cuối cùng của chúng tôi. Bây giờ hoặc không bao giờ”.
Nguồn bài gốc: abc.net.au