Minh Châu
“Đến tháng 10 này là học trò của tôi sẽ kết thúc cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, kéo dài từ 27/5/2019. Ngay trước ngày khai giảng năm học mới, thầy trò cùng ngồi lại và câu hỏi cũ mèm lại đặt ra: chúng ta phải học Bác Hồ cái gì, và phải làm như thế nào cho ứng dụng sự học ấy?”.
Thầy giáo Anh ngữ Nguyễn Minh Hùng, nói.
Cuộc thi có các chủ đề: Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ; nội dung cơ bản trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh với biển, đảo Việt Nam; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; những thành tựu, kết quả trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong 33 năm đổi mới (1986 - 2019), những chủ trương lớn trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Thành phần thi mở rộng từ học trò trung học đến đại học và bất kỳ công dân Việt Nam nào không quá tuổi 35. Thi đơn giản qua hình thức trắc nghiệm trực tuyến, thí sinh thi không đạt, được quyền thi lại tối đa ở mỗi vòng thi không quá 5 lần.
“Vấn đề ở đây không phải chuyện hơn thua thi cử, mà là phải học ở tư tưởng Hồ Chí Minh chuyện gì khi mà giặc Trung Quốc hoành hành trong vùng biển Việt Nam, thậm chí vào sát cửa biển Bình Thuận mà chúng ta vẫn chỉ biết hô hào khẩu hiệu? Phải chăng đó là tư tưởng Hồ Chí Minh mà thế hệ con em chúng ta phải học?”. Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng bức xúc.
Cô giáo môn địa lý sắp nghỉ hưu Nguyễn Thu Dung, chia sẻ rằng học trò lớp cô chủ nhiệm và cả khối lớp mà cô được phân công giảng dạy, các em đều thắc mắc phải chăng tư tưởng Hồ Chí Minh ở đây, là không nên coi người bạn lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam là giặc, mặc dù thực tế là họ xâm lăng mình cả về lãnh thổ, cho tới địa kinh tế, và lấn cả sang lệ thuộc địa chính trị?
“Học trò thắc mắc quá cắc cớ bởi tin tức đa chiều trên mạng xã hội. Trả lời theo lương tâm chức nghiệp, chắc chắn tôi bị ‘mất dạy’, còn nếu xí gạt học trò thì hóa ra người giáo viên đã không tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà các báo cáo viên Thành ủy đã rao giảng trong những lần chúng tôi buộc phải đi dự các lớp học chính trị quen thuộc mỗi khi hè về”. Cô Thu Dung trải lòng.
Chia sẻ với thân hữu trong cà phê dịp nghỉ lễ của ‘Tết Độc lập’, cả thầy Hùng lẫn cô Dung đều chung thắc mắc rằng tại sao trong nội dung của cái gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh, khi rao giảng thì mẫu câu sau đây của ông Hồ Chí Minh hay được nhắc tới: “Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
“Thế nhưng dường chừng ông Hồ Chí Minh quên nói thêm rằng cuộc sống thực tế chính là thước đo cho mọi thứ lý luận. Cuộc sống trì trệ chậm chạp phát triển chắc chắn lý luận sai, cứ cố bám giữ thì sẽ càng mãi tụt hậu. Tại sao Việt Nam không thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện về thể chế chính trị và cấu trúc chính quyền từ trung ương đến địa phương - một thể chế chính trị công quyền tổng quan trên tất cả các bình diện với lá phiếu dân chủ thực sự của cử tri?”. Cô Thu Dung đặt vấn đề.
Nói theo ngôn ngữ tuyên truyền quen thuộc, ‘Nhân dân đã theo Đảng, đã đùm bọc Đảng, Đảng là của dân tộc. Mọi sự thắng lợi của Đảng chỉ có thể thực hiện được khi người dân đồng lòng ủng hộ’.
“Tôi nghĩ rằng với những gì người dân trải qua suốt từ tháng tư năm 75 tới nay, giờ đây những người dân ‘đã theo Đảng’ có lẽ cũng ‘rời bỏ Đảng’ nhiều rồi. Nếu nhìn từ các vụ liên quan đất đai như Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng ở Sài Gòn, hay Đồng Tâm ở Hà Nội hiện tại, cho thấy Đảng đã chủ động rời bỏ dân. Người dân không có sự lựa chọn cho lá phiếu bầu cử, nên Đảng tự tin nghĩ rằng họ vẫn được người dân ‘theo’. Tôi nghĩ cần xem lại chuyện ‘theo Đảng’ đó”. Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng nhận định.
Ở giác độ khác, nhà báo Thảo Vy góp câu chuyện cà phê với hai nhà giáo bằng việc cho rằng từ lâu rồi, Đảng không còn là của dân tộc, mà Đảng là của một nhóm quyền lực chính trị nào đó đang tranh giành nắm giữ cai trị.
“Tôi nhớ trong một lần chia sẻ tại họp mặt chào đón sinh viên khóa mới của trường Đại học Ngoại thương tổ chức ở Dinh Độc Lập, với tư cách là sinh viên khóa đầu của trường này, bà Phạm Chi Lan kể rằng, khác với người tiền nhiệm luôn khuyến khích cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, ông Nguyễn Tấn Dũng khi làm Thủ tướng đề cao doanh nghiệp nhà nước.
“Cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với doanh nghiệp trên cương vị người đứng đầu Chính phủ đã không có đại diện khu vực tư nhân. Những tập đoàn kinh tế nhà nước ồ ạt ra đời, được ưu tiên tiếp cận nguồn lực, biến dạng thị trường, tạo hiệu ứng chèn lấn khu vực dân doanh, di hại lâu dài. Cay đắng là không ít trục trặc vĩ mô phát lộ lại không phải xuất phát từ nguyên nhân kinh tế, mà bắt nguồn từ ý chí chính trị...”. Bà Phạm Chi Lan nhận xét.
“Học cái gì và phải làm như thế nào? Trả lời câu hỏi này, theo tôi, hãy trang bị cho học sinh, sinh viên khả năng suy nghĩ độc lập, biết tự chủ phân biệt đúng sai, tốt xấu, mà không phụ thuộc ý thức hệ tư tưởng, vào các giá trị đạo đức, cũng như quan điểm chính trị chính thống kiểu như Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu giữ nền giáo dục định hướng rập khuôn của chính trị lâu nay, sẽ rất khó cho tiền đề của sự hình thành trí thức như ở các quốc gia Âu, Mỹ.
Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ thông tin qua mạng internet, cơ hội tự học, tự hoàn thiện bản thân ngày càng nhiều, đã góp phần hình thành những cá nhân có khả năng tự chủ phân biệt của một trí thức. Điều đó, cá nhân tôi có thể khẳng định rằng hoàn toàn không hề nhờ vả những điều mà cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” muốn hướng tới cho thế hệ hôm nay”. Thầy giáo Anh ngữ Nguyễn Minh Hùng nói, và cho hay sở dĩ ông ‘mạnh miệng’ vì cuối năm nay ông chính thức... nghỉ hưu.
M.C.
VNTB gửi BVN