Lâm Bá Khánh Toàn
(PLO)- Khi tình hình dịch bệnh đang dần kiểm soát thì nhiều vấn đề kinh tế xã hội khác trong đó có vấn đề nguồn nhân lực đã cấp thiết, cần phải giải quyết sớm nhất mới có thể là tiền đề giải quyết các bài toán khác sau đại dịch.
Thông tin từng đoàn người vài trăm cho đến vài ngàn người bồng bế nhau, khăn gói đồ đạc với đủ loại phương tiện từ xe máy, xe đạp cho tới đôi chân trở về quê nhà sau mấy tháng giãn cách khó khăn nơi đất khách khiến ai cũng nào lòng.
Đi hay ở đều có cái khó riêng. Với họ đây là sự lựa chọn cuối cùng trong giai đoạn khó khăn này.
Từ khi đại dịch bùng phát, nhiều giá trị đã được xác định lại. Trong đó, có câu chuyện về sự phân bố không đồng đều nguồn nhân lực ở các khu vực, các địa phương. Đại bộ phận người dân trở về quê nhà đã không còn thiết tha trở lại công việc ở miền Đông Nam bộ như trước đây. Thậm chí, dù đã có thay đổi về nhận thức nhưng các quy định về phòng chống dịch vẫn là rào cản lớn để đưa công nhân trở lại với nhà máy, công xưởng như trước mùa dịch. Đặc biệt, ảnh hưởng lớn của đợt dịch thứ tư khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn. Có thể thấy phải giải quyết vấn đề nhân lực sau dịch cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long không phải là một chuyện đơn giản.
Hàng ngàn người dân về miền Tây theo ngả Bình Dương. Ảnh: Lê Ánh
Nguồn nhân lực quan trọng tái cơ cấu nên kinh tế
Hơn hai thập kỷ qua, vấn đề nguồn nhân lực đối với các địa phương miền Tây luôn nan giải. Người dân ở các vùng quê nhận thấy cuộc sống nông nghiệp quá khó khăn, nhiều bấp bênh đã phải rời bỏ quê nhà để mưu sinh nơi đất khách. Sau năm mười năm làm công nhân ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã vắt kiệt sức lực tuổi trẻ với đồng lương chỉ đủ nuôi sống gia đình với mức tối thiểu. Tiền nhà trọ, tiền điện nước, xăng xe và đủ thứ tiền phải chi nơi đất khách là nỗi ám ảnh của những đứa con tha hương. Trong khi đó, ở nhiều vùng quê miền Tây lại thiếu nhân lực cho ngành nông nghiệp, nhiều diện tích canh tác bị bỏ hoang, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng ồ ạt nhưng chưa được phủ kín bởi các nhà máy, công ty mà chỉ hoạt động một cách cầm chừng với nguồn nhân lực còn sót lại tại địa phương.
Nhưng “trong nguy có cơ”, nếu giải quyết tốt bài toán này thì đây là nguồn nhân lực quan trọng tái cơ cấu nền kinh tế, cân bằng sự phát triển lệch giữa các vùng miền như hiện nay, chính là động lực mới để phát triển nền kinh tế sau đại dịch. Các định hướng, giải pháp có thể nên được các nhà nghiên cứu hoạch định chiến lược để các cơ quản quản lý nhà nước cân nhắc thực hiện ngay từ bây giờ. Các địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long nếu như trước đây chủ yếu phát triển dựa vào nền nông nghiệp lạc hậu, thì cần có những nghiên cứu để định hướng lại các ngành, lĩnh vực phát triển sau khi dịch ổn định phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và khu vực.
Từ đó có kế hoạch, chiến lược, thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn, bên cạnh đó không bỏ qua việc liên kết các hộ kinh doanh cá thể ở địa phương, tạo một chuỗi giá trị sản xuất cao hơn từ các sản phẩm nông nghiệp. Tập trung chú ý lĩnh vực công nghiệp trong nông nghiệp hiện đại, từng bước cơ giới hóa nền nông nghiệp của vùng phù hợp với yêu cầu phát triển của thế giới gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu.
Đối với các khu công nghiệp hiện còn trống, có thể kêu gọi các nhà sản xuất các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện tử… do đã có sự chuyển dịch lượng lao động lớn về lại các địa phương. Để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, có thể tiếp nhận hệ thống thiết bị, máy móc và dây chuyền hiện tại đang được trang bị ở các nhà máy Bình Dương, Đồng Nai có nhu cầu hiện đại hóa, tự động hóa dây chuyền sản xuất.
Để có thể thực hiện các giải pháp này, cần đề nghị Trung ương tập trung bố trí nguồn vốn trung hạn để xây dựng hệ thống giao thông để phát triển công nghiệp và nông nghiệp hiện đại. Tiến hành xây dựng, hoàn chỉnh lại hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống cảng hàng không, cảng biển nước sâu để tăng lượt chuyên chở hàng hóa xuất khẩu, giảm bớt chi phí vận chuyển hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá của sản phẩm. Đặc biệt, hình thành các trung tâm trung chuyển, vận chuyển hàng hóa của mỗi vùng, khu vực tránh việc tập trung vào trung tâm vận tải quốc tế duy nhất ở cả miền Nam như trước đây.
Song song với cơ sở hạ tầng, địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang tìm hiểu và thâm nhập các thị trường khó tính về nông sản, tạo mối liên kết với các đối tác nước ngoài tại các thị trường đã có chuyến bay thẳng, vận chuyển thuận tiện, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tại các trung tâm vận tải của khu vực.
Mất việc làm, cuộc sống khó khăn, người dân không thể ở lại TP.HCM được nữa. Ảnh: Tân - Sang
Thống kê, phân loại nguồn nhân lực về trong dịch
Nhằm tăng sự liên kết vùng, các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp mạnh, đang có thị trường và đối tác xuất khẩu ở địa phương. Hình thành các nhóm doanh nghiệp mạnh, đầu đàn của vùng để hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động phát triển các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham gia thị trường xuất khẩu. Tạo kênh hỗ trợ trực tiếp từ lãnh đạo địa phương để tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thủ tục hành chính.
Thành lập các tổ tư vấn của vùng cho doanh nghiệp về pháp lý, về tiêu chuẩn, quy trình quy chuẩn để có thể mạnh dạn liên doanh, liên kết với các đối tác quốc tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương đều e ngại vì thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn về luật chơi ở sân chơi quốc tế. Đã từng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh quốc tế, người viết đã thấy sự hụt hẫng của các doanh nghiệp trong các vấn đề này.
Đặc biệt, đối với nguồn lao động trở về từ trong giai đoạn dịch, các địa phương cần thảo luận và nghiên cứu để ban hành kế hoạch chi tiết và cụ thể để sử dụng hợp lý. Cần lập tức thống kê, phân loại nguồn nhân lực dựa trên trình độ, kinh nghiệm và ngành lĩnh vực với những nhóm chính như sau:
Với nguồn nhân lực chất lượng cao: cần giới thiệu, xúc tiến để đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như công ty về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, kinh doanh trực tuyến, chăm sóc sức khỏe và logistics.
Đối với nhóm lao động có kinh nghiệm, tay nghề phù hợp có thể giới thiệu, bố trí sắp xếp tại các doanh nghiệp, nhà máy còn hoạt động trên địa phương. Cần chú ý đến vị trí giữa nơi làm việc và chỗ ở của người lao động đảm bảo quá trình di chuyển thuận tiện, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh cũng giảm thiểu các chi phí sinh hoạt của người lao động.
Nhóm đối tượng chưa qua đào tạo hoặc ngành nghề không còn phù hợp thì tiến hành đào tạo nghề tại địa phương qua các trung tâm dạy nghề, gắn với ngành nghề có lợi thế tại địa phương hoặc định hướng xuất khẩu. Đặc biệt lưu ý gắn kết đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, lắp ráp linh kiện...
Nhóm đối tượng trẻ có nhu cầu thì tính toán đào tạo bài bản về ngoại ngữ và tay nghề để xuất khẩu lao động ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thậm chí là các quốc gia Châu Âu. Nhu cầu nguồn lao động nhập cư có trình độ của các quốc gia này sau khi dịch được kiểm soát sẽ rất cao. Sau một khoảng thời gian lao động ở các quốc gia phát triển, nguồn nhân lực có tay nghề này khi trở về sẽ là nền tảng để các địa phương phát triển nền công nghiệp bên cạnh nền nông nghiệp hiện đại.
Đối với những lao động có định hướng phát triển nông nghiệp tại địa phương thì có thể tận dụng chuyển giao các nghiên cứu cải tiến khoa học trong nông nghiệp, thủy sản, môi trường của các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học lớn tại khu vực. Mở rộng đào tạo sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật vào nông nghiệp, cơ giới hóa nền sản xuất. Tập huấn các mô hình sản xuất an toàn, đạt chất lượng xuất khẩu đối với các thị trường khó tính. Đặc biệt, phải làm sao để người lao động, người nông dân có thể gắn bó với ruộng đất của họ hơn, có thể sống bằng nông nghiệp như cha ông bao đời. Đó là phải là một sự thay đổi lớn về nhận thức cần được đảm bảo từ phía cơ quan quản lý.
Một yếu tố quan trọng nhất là sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn cho doanh nghiệp sau đại địch để có thể tái cơ cấu sản xuất. Các chính sách hỗ trợ cần thực chất, giảm bớt các yêu cầu, thủ tục, đảm bảo sự tiếp cận của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, hệ thống chính sách không thể hỗ trợ cho tất cả người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cần nhận thức rõ rằng đối tượng cần được hỗ trợ nhất sau dịch chính là các doanh nghiệp, sau doanh nghiệp chính là tất cả người lao động và gia đình của họ.
Hỗ trợ doanh nghiệp thực chất và kịp thời chính là vaccine của cả nền kinh tế trong đại dịch.
L.B.K.T.
Nguồn: PLO