Hãy thôi đi những ngụy biện lỗi thời

Nguyễn Đình Cống

Tôi vừa đọc bài “Luận cứ phê phán cho rằng giai cấp công nhân không thể lãnh đạo được cách mạng trong điều kiện ngày nay…”, tác giả là Đại tá, PGS. TS. Bùi Đình Bôn, sinh năm 1950.

Đây là một bài đầy rẫy ngụy biện, là một đống ngôn từ sáo rỗng và dối trá từ đấu chí cuối.

Trước hết xin bàn về khái niệm lãnh đạo.

Lãnh đạo là một động từ. Tiếng Pháp là Diriger, tiếng Anh là Lead, tiếng Nga phiên âm là Rukơvađit. Sự lãnh đạo là danh từ. Lãnh đạo có khi còn dùng như bổ ngữ cho một danh từ khác.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về lãnh đạo. Tôi chưa tiếp cận được với tất cả mọi định nghĩa có trong các ngôn ngữ mà chỉ mới tham khảo được vài chục định nghĩa có trong các từ điển thông dụng và Wikipedia. Tất cả điều tôi tìm được chỉ ra rằng lãnh đạo là hoạt động của con người đối với người khác trong phạm vi ảnh hưởng. Chỉ xin nêu ra vài thí dụ:

+ Lãnh đạo là đề ra chủ trương đường lối và động viên tổ chức thực hiện.

+ Lãnh đạo là hoạt động mà một người ảnh hưởng đến những người khác để thực hiện một mục tiêu nào đó, đồng thời hướng tổ chức tới sự gắn kết chặt chẽ.

+ Lãnh đạo tạo tầm nhìn, hoạch định chiến lược, quản lý đội nhóm bằng tầm ảnh hưởng của mình.

+ Lãnh đạo là dìu dắt và điều khiển công việc của một tổ chức để đạt được những mục tiêu mong muốn".

[Từ điển Bách khoa Việt Nam (Tập 2, xuất bản năm 2002) (*) không có mục từ Lãnh đạo, trong khi có các mục Lãnh chúa, Lãnh địa, Lãnh hải - trang 640].

Như vậy lãnh đạo là hoạt động của một hoặc một vài con người cụ thể chứ không phải là hoạt động hoặc nhiệm vụ của một tổ chức, càng không phải là của một giai cấp.

Thế mà không biết từ đâu ra khái niệm “Giai cấp lãnh đạo”, gán cho giai cấp công nhân (GCCN). Phải chăng đây là một sự bịa đặt và gán ghép của một ai đó có danh vị, rồi nhiều người khác nói theo như vẹt và thành thói quen? Đến nỗi trong Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng viết: “Trong chế độ chủ nghĩa xã hội GCCN lãnh đạo chính quyền” (*- trang 103).

Tôi cho rằng mệnh đề “GCCN làm lãnh đạo” là một sự bịa đặt, đã lừa dối được nhiếu triệu người, kể cả những người có tri thức cao, nghe theo và nhắc lại như vẹt. Không phải chỉ trong điều kiện ngày nay mà cả trong lịch sử, GCCN chưa bao giờ lãnh đạo ai cả, không thể lãnh đạo ai cả.

TS. Bôn mở đầu bài viết: “Một trong những cống hiến vĩ đại nhất của Chủ nghĩa Mác Lênin là phát hiện và làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của GCCN, giai cấp tiên tiến nhất, triệt để cách mạng nhất, giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, tiến hành cách mạng vô sản… GCCN đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất, nó là lực lượng quyết định phá vỡ quan hệ sản xuất cũ, là giai cấp đại biểu cho sự tiến bộ của lịch sử, là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo một phương thức sản xuất mới cao hơn”.

Về GCCN Việt nam, TS. Bôn viết: “Vai trò lãnh đạo của GCCN Việt Nam được củng cố và giữ vững trong những năm đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thực tiễn, vai trò tiên phong của GCCN VN đã và đang được thể hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội”.

Không biết viết ra những điều như trên TS. Bôn có dựa vào những luận cứ có thực, có tự tin rằng đó là những sự thật hay là chỉ nhắc lại như con vẹt những điều đã được ai đó bịa đặt ra và đem nhồi sọ, tẩy não cho những người ngu tín, ngu trung.

Chỉ xin thảo luận một điều. Liệu có phải GCCN là đại diện cho nền sản xuất công nghiệp tiên tiến? Không phải. Cho như thế là một nhầm lẫn lớn, do thiếu trí tuệ mà lẫn lộn giữa hiện tượng với bản chất hay là do thủ đoạn đánh tráo khái niệm.

Về việc vạch ra GCCN không thể nào là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, tác giả Tân Tử Lăng đã chứng minh rất rõ ràng, chặt chẽ trong sách “Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội”. Để tránh dài dòng, tôi xin không lặp lại ở đây chứng minh của Tân Tử lăng với hy vọng rằng những người có suy nghĩ bình thường (không bị nhồi sọ) đều có thể hiểu được tầng lớp nào mới thật sự đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, chứ nhất thiết không phải là công nhân, những người chủ yếu chỉ thực hiện một số thao tác trong dây chuyền sản xuất. Đúng là công nhân sử dụng máy móc, công nghệ để làm ra nhiều sản phẩm, nhưng hoạt động của họ chỉ hạn chế chủ yếu trong việc kết hợp với máy móc. Ngày nay rất nhiều hoạt động của công nhân được rô-bôt đảm nhận. Không có công nghệ và máy móc bản thân công nhân không thể làm ra sản phẩm công nghiệp.

Ở cuối bài TS. Bôn viết: “Đảng và Nhà nước cần có biện pháp hữu hiệu để củng cố, chăm lo xây dựng GCCN VN vững mạnh, chăm lo xây dựng bộ phận lãnh đạo của mình vững mạnh về mọi mặt”.

Ô hô! Giai cấp lãnh đạo làm sao, đến nỗi nào mà cần người khác chăm lo. Phải chăng họ đang tháo chạy về quê để khỏi phải chết vì đói trước khi chết vì dịch bệnh covid (tháng 6 và tháng 10 năm 2021)?!

Trước đây nghe Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói về sứ mệnh lãnh đạo cách mạng của GCCN VN tôi đã bị ớn lạnh, nhưng cho qua khi nghĩ rằng trình độ ông ta chỉ đến mức nói được như vậy. Gần đây, tại Đại hội Công đoàn VN lần thứ XII (25 tháng 9/2018) ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vài lần nhắc đến GCCN VN đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và là giai cấp lãnh đạo làm cho tôi không nhịn được cười.

Rồi ông chăm chú nhìn vào bài viết sẵn và đọc: “Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội … Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng của giai cấp công nhân Việt Nam”.

Giai cấp lãnh đạo gì mà đời sống cơ cực, trình độ thấp kém đến nỗi phải nhờ người khác chăm lo, giáo dục. Rồi nữa, ông Trọng còn than thở: “Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân…“.

Giai cấp lãnh đạo mà như thế thì lãnh đạo được ai, làm được gì. Phải chăng những điều ông TS Bôn viết ra là từ nhận thức sai lạc của mình hay là lặp lại như vẹt lời của các ông TBT đảng.

Xin hãy nhìn vào sự thật. Tuy rằng dân trí chưa cao nhưng không còn quá thấp để chấp nhận những lời ngụy biện và lừa bịp. Nói, viết ra những điều như trên chỉ chứng tỏ sự kém cỏi về trí tuệ hoặc sự đểu giả, định tiếp tục lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Thực tế không hề có giai cấp lãnh đạo, nó chỉ là một khái niệm giả dối, thực tế GCCN không hề đại diện cho nền sản xuất tiên tiến, người ta bịa ra và dùng để lừa bịp nhau. Đành rằng việc lừa bịp này chẳng ảnh hưởng mấy đến sự phát triển của xã hội, nhưng cũng xin vạch ra nhằm cảnh báo một hiện tượng để mọi người suy nghĩ.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN