GS.TS Nguyễn Thế Hùng
Đại học Đà Nẵng
Bài viết này được tác giả viết cho một hội nghị Cơ học từ năm 2013, nhưng cho đến nay những vấn đề nêu trong bài vẫn còn là các vấn đề thời sự, nên xin được giới thiệu với các độc giả của Bauxite Việt Nam. Bài viết đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao tại Việt Nam hiện nay không có nhiều nhà Cơ học giỏi. Theo tác giả, câu trả lời là tiền đồ của các nhà cơ học Việt Nam hiện nay không tươi sáng; các điều kiện cần thiết để đào tạo và tự đào tạo các nhà Cơ học giỏi không có. Đào tạo phải là một quá trình liên hoàn từ tiểu học, trung học, đại học và trên đại học. Sau khi tốt nghiệp, để quá trình tự đào tạo có kết quả tốt đẹp cần thiết phải có những đáp ứng tối thiểu như lương bổng, phương tiện nghiên cứu, môi trường nghiên cứu. Để có kết quả nghiên cứu tốt còn phải có đào tạo tập trung Cao học, Nghiên cứu sinh; xã hội phải cạnh tranh lành mạnh. Các công ty xem nhu cầu cải tiến công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng, thiết kế, quản lý, thi công công trình như là điều kiện sống còn của công ty; từ đó tạo nhu cầu nghiên cứu cho các nhà khoa học; cũng như có những tưởng thưởng về vật chất thích đáng cho các nhà khoa học có đóng góp tốt trong nghiên cứu cải tiến công nghệ.
Hiện nay, hầu như đa số các nhà Cơ học người Việt, làm việc tại Việt Nam (VN) không có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như trong lĩnh vực thiết kế, thi công công trình.
Câu hỏi đặt ra là vì sao?
Câu trả lời cần phải làm rõ:
(i) Tiền đồ của các nhà cơ học VN có sáng sủa không?
(ii) Các điều kiện cần thiết phải có để có được các nhà Cơ học giỏi là gì?
ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ ĐỂ CÓ ĐƯỢC CÁC NHÀ CƠ HỌC GIỎI
Trước hết cần đi vào câu hỏi (i): Tiền đồ của các nhà cơ học làm việc tại VN.
Các nhà cơ học nghiên cứu thực sự, có đóng góp tốt trong giảng dạy và nghiên cứu cho đất nước hiện nay không có một sự ưu đãi nào đáng kể.
Về tiền lương: Lấy ví dụ một giảng viên chỉ có bằng thạc sĩ công tác đồng thời với một giáo sư tiến sĩ có cùng tuổi tác và cùng nghề nghiệp lương chỉ chênh lệch khoảng 2 triệu đồng VN.
Tiền thưởng cho các nghiên cứu, cụ thể là đăng được các bài báo thuộc hệ thống ISI tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng hiện nay (2013) 2,0 triệu.
Tiền thưởng cho việc giảng dạy tốt, thực tế không đáng là bao. Rất khó đánh giá mức độ cống hiến của nhà cơ học, nếu chỉ dựa vào các tiêu chí hiện nay như lên lớp đúng giờ, có áp dụng công nghệ tiên tiến trong giảng dạy, tham khảo được nhiều tài liệu mới, môn giảng dạy đạt tỷ lệ nhiều sinh viên khá giỏi, có viết giáo trình hay có đề tài NCKH được nghiệm thu đạt hoặc viết bài đăng trên Tạp chí hay Hội nghị Việt Nam…
Thứ đến là câu hỏi (ii): Các điều kiện cần thiết phải có để có được các nhà cơ học giỏi.
Muốn có được các nhà cơ học giỏi, trước hết trong quá trình đào tạo người học phải được thụ hưởng một chương trình đào tạo tiên tiến và có chất lượng thực sự [1,2,3].
Trước hết cần phân tích: Chương trình đào tạo hiện nay của chúng ta có tiên tiến hay không?
Có vẻ tiên tiến cho một số ngành và một số lớp, vì chúng ta bê nguyên xi từ các chương trình, tiên tiến nước ngoài (từ đại học Washington, Queensland, Nice Sophia…), hoặc chúng ta cũng đã tham khảo nhiều khung chương trình của các đại học tiên tiến khác trên thế giới để cấu tạo lại khung chương trình đào tạo [4].
Nhưng các chương trình đào tạo hiện nay, kể cả các chương trình tiên tiến có chất lượng thực sự hay không?
Câu trả lời thực tế là: Không có chất lượng bằng nơi đào tạo gốc của chương trình!
Vì sao?
Chúng ta đang nói về giảng dạy Cơ học của ngành Đại học, nhưng chúng ta phải biết rằng kiến thức các môn Cơ học phải gắn liền với các môn khác trong một cơ thể không thể tách rời [5]; phải gắn với các cấp đào tạo: từ tiểu học, đến trung học, gắn liền với một triết lý đào tạo lành mạnh, phải chú ý phát triển tư duy độc lập và tư duy phản biện [1,6]...
Ví dụ muốn giỏi cơ học, thì phải giỏi về toán học, vật lý, hóa học, lập trình, phải có kiến thức rộng cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội [7]…
Có thể chúng ta có một số ít giảng viên giỏi, nhưng các môn giảng dạy của họ sẽ không đảm bảo chất lượng vì:
+ Họ dạy nhiều, lớp đông lại không có trợ giảng;
+ Sinh viên, đa số có lối học thụ động, dành ít thì giờ cho việc học, nhưng thi cử lại không dám cho họ rớt nhiều. Đây là một thực tế! Việc học thụ động của sinh viên liên quan đến chương trình học, cách học ở tiểu học, trung học; chúng ta cần cải tổ chương trình học và cách thức dạy, học và thi cử đặc biệt là đào tạo chọn lọc đội ngũ thầy giáo giỏi làm thí điểm cho một số trường, kèm theo nhu cầu vật chất và tinh thần đồng bộ ở các cấp này theo hướng đào tạo của các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản [1]…
+ Ta tiếp tục đi phân tích, tại sao đa số sinh viên không chịu học, thì câu trả lời: là do tiền đồ của họ sau khi tốt nghiệp không tươi sáng; hoặc là do quá trình thi cử đánh giá không đúng với sự phấn đấu học tập của họ...
Chúng ta đào tạo hiện nay, cũng giống như chế tạo ra một món hàng:
Họ làm ra chiếc xe tốn đến 1 tỷ đồng, chúng ta cũng làm ra chiếc xe nhưng chỉ tốn có 500 triệu đồng. Nếu chúng ta xem yếu tố công nghệ, nhân công của ta giống họ; thì chúng ta hãy xem lại nguyên vật liệu của chúng ta có dỏm hay không.
Một điều vô cùng quan trọng là ngoại ngữ (tiếng Anh): nếu con em chúng ta được học trong môi trường song ngữ Anh-Việt ngay từ bé (tiểu học & trung học), thì chúng ta sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển đất nước, có được các nhà cơ học giỏi, nói tiếng Anh như người bản xứ; Sinh viên chúng ta sau khi tốt nghiệp có khả năng đi khắp thế giới để làm việc, cạnh tranh ngang ngửa với các nước phát triển. Hiện nay đa số sinh viên chúng ta sau khi tốt nghiệp chỉ làm việc quanh quẩn trong nước; công việc ít, người nhiều sinh ra cạnh tranh không lành mạnh là do kém chuyên môn, kém ngoại ngữ, hoặc cả hai.
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng dự kiến trở thành đại học nghiên cứu vào năm 2020; trong đó có chủ trương giảng dạy lớp học bằng tiếng Anh; thử hỏi lấy đâu ra sinh viên đáp ứng tiếng Anh đầu vào để theo học? Nếu cho rằng cần phải mở những lớp bồi dưỡng tiếng Anh, nếu như vậy thì con em chúng ta sẽ mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức và sẽ không có cơ hội tốt để cạnh tranh cùng các công dân các nước khác.
Muốn trở thành Đại học nghiên cứu bắt buộc phải có học viên Cao học và Nghiên cứu sinh tập trung! Với yêu cầu này thì làm thế nào để đáp ứng được? Hiện tại, tại Đại học Đà Nẵng chỉ có học viên Cao học và NCS bán tập trung (thực chất là tại chức).
Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu các giảng viên đại học đào tạo Cao học và Nghiên cứu sinh tập trung, thì không khí học tập, nghiên cứu khoa học sẽ thay đổi vượt bậc về chất: sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều bài báo có giá trị được xuất bản…
Nhà cơ học cần phải có cơ chế về giảng dạy và nghiên cứu khoa học thích hợp [8]: tiền lương, giờ dạy hợp lý, phương tiện nghiên cứu như sách, tạp chí, thiết bị nghiên cứu, có học viên Cao học và NCS chính quy.
Hiện nay, giờ dạy thực tế của Giảng viên tại Việt nam thường nhiều hơn so với các nước phát triển, khoảng 500 tiết lý thuyết cho mỗi năm học; nhưng đây chỉ là lượng giờ dạy trung bình. Thời gian nghỉ hè chỉ có hơn một tháng. Rất nhiều cuộc họp gây mất thì giờ; gần như không thể có đủ tiền để tự đi tham dự báo cáo khoa học ở các nước tiên tiến; không có học viên Cao học hay NCS tập trung để hướng dẫn.
Các công ty ít có nhu cầu mời hợp tác trong việc nghiên cứu nâng cấp, cải tiến hiệu quả kinh tế các công trình. Ví dụ, nâng cấp hồ chứa, giải pháp thiết kế công trình mang lại hiệu quả cao, giá thành hạ… Mặt khác, cần phải tạo môi trường xã hội cạnh tranh lành mạnh, các công ty thấy được nhu cầu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phục vụ sản xuất; đặc biệt là cải tiến công nghệ là rất cần thiết để tiến tới xuất khẩu công nghệ thu hút ngoại tệ, tạo cho các nhà khoa học có đất dụng võ; đây là vấn đề mấu chốt để giúp đất nước phát triển kinh tế. Điều này sẽ quay lại giúp các nhà khoa học về vật chất để sống và làm việc tốt, có trình độ nghiên cứu tốt. Có nghĩa đây là quá trình tương tác để các nhà Khoa học và các Công ty cùng tồn tại và phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác [8,9]…
Không có Hội đồng gồm các nhà khoa học giỏi và công tâm, xét thưởng đúng mức các đề xuất xét thấy có ý nghĩa khoa học, hay có hiệu quả kinh tế thực sự (những bài báo có đóng góp khoa học mới nổi bật, những cuốn sách viết hay, những phát minh sáng chế, những cải tiến thiết kế, thi công, nâng cấp công trình xét thấy sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao).
Các nghiên cứu thực nghiệm nhằm hỗ trợ nghiên cứu lý thuyết rất cần thiết như người đứng ở cả hai chân; nhưng chúng ta thấy rằng việc triển khai nghiên cứu thực nghiệm ở VN hiện nay rất hạn chế, bởi lẽ: chúng ta không có vật tư thiết bị để tiến hành nghiên cứu; một vài phòng thí nghiệm có được điều này thì lại không có đội ngũ công nhân lành nghề và yêu quý công việc thực sự; nên cũng không thể nghiên cứu được.
Với nền kinh tế tri thức hiện nay, để xã hội phát triển mạnh nhiều khi chỉ cần dựa vào cơ chế hợp lý để phát triển Khoa học & Công nghệ; tạo được cho đất nước cơ sở khoa học đủ mạnh và đồng bộ để phát triển, ví dụ như Hàn Quốc [1,8].
Xã hội nói chung cần phải thượng tôn pháp luật, những vấn đề tiêu cực như tham nhũng cần phải chống triệt để, để mọi công dân không bị tiêu cực chi phối, yên tâm học tập, lao động cống hiến cho đất nước, dân tộc.
Muốn nghiên cứu khoa học tốt cần phải có sức khỏe và thời gian! Thời gian dành cho nghiên cứu khoa học của các nhà Cơ học VN nói riêng và của các nhà Khoa học VN nói chung không được như các nước tiên tiến. Nhà nước cần phải chú ý điều này. Về sức khỏe, tôi chỉ muốn đề cập đến hai khía cạnh là an toàn thực phẩm và các khu dành cho thể dục, thể thao học đường. Nếu các em học sinh, sinh viên, các nhà cơ học của chúng ta sử dụng thực phẩm không an toàn, sống trong môi trường ô nhiễm như hiện nay, không có nhiều thời gian học tập, nghiên cứu như các nước phát triển, không có đủ các khu dành cho thể dục thể thao học đường như hiện nay thì làm sao chúng ta cạnh tranh được với các nước khác?
*
Để có được đội ngũ các nhà cơ học giỏi, thì chương trình đào tạo phải tích hợp kiến thức đa dạng; cấp Tiểu học cũng phải chú trọng dạy tư duy sáng tạo, và cấp Đại học cũng không được quên dạy làm người; xã hội Việt Nam phải có tiền đồ tươi sáng cho các nhà cơ học, để họ có cơ sở phấn đấu. Trong quá trình đào tạo phải thực sự đảm bảo về chất lượng; mặt khác về lâu dài để việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học được duy trì và phát triển tốt, nhất thiết phải đảm bảo cho đội ngũ tinh hoa này những điều kiện làm việc giống các nước phát triển, xã hội cần phải cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường tương tác giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp để cùng tồn tại và phát triển. Xã hội nói chung phải vận hành nghiêm ngặt theo luật pháp để mọi người dân yên vui sinh sống học tập và làm việc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Tùng, Mở rộng qui mô giáo dục đại học và sau đại học là điều kiện để Việt Nam đổi mới công nghệ, Viện NC Châu Phi và Trung Đông, 2010.
2. Phạm Xuân Yêm, Mạn đàm về đại học Việt Nam, BVN, 2012.
3. Phạm Xuân Yêm, Tri thức và lòng trắc ẩn, BVN, 2012.
4. Phạm Phụ, Về khuôn mặt mới của Giáo dục Đại học Việt Nam, NXB ĐHQG TP.HCM, 2005.
5. Nguyễn Thế Hùng, Phương pháp Nghiên cứu khoa học, Đại học Đà Nẵng, 2008.
6. Phạm Toàn, Em biết cách học, Hội thảo công bố sách giáo khoa tiểu học 2012, Nhóm Cánh Buồm tổ chức, 6/10/2012, tại L’Espace – Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
7. Richard C. Levin, The Rise of Asia’s Universities, Yale University, 2010.
8. Hyung Sup Choi, KIST Nơi ánh sáng không bao giờ tắt, Tạp chí Tia sáng, Số 20, 2012.
9. Hoàng Tụy, Giáo dục đang đi lạc đường, Hội thảo góp ý đổi mới giáo dục, Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, 29/9/2012, Hà Nội.
N.T.H.
Tác giả gửi BVN